(HIỀN HÒA, nguyenhienhoa16@gmail.com)
Đức Phật đã xác quyết 37 phẩm trợ đạo (nhất là Bát Thánh đạo) là cốt tủy giáo pháp của Ngài
ĐÁP:
Bạn Hiền Hòa thân mến!
Vấn đề bất đồng, phân phái trong nhận thức giáo pháp (Dhamma) của chúng Tăng đã được Đức Phật dự báo, tiên liệu khá rõ trong Kinh tạng Nikāya (Kinh Trung bộ, kinh Làng Sāma - Sāmagāma Sutta, số 104). Nhân chuyện Nigantha Nataputta vừa mới từ trần, trong hội chúng của ông đã khởi lên tranh chấp, đấu đá, bất đồng nên Tôn giả Ananda đã đem vấn đề này trình lên Đức Phật, thỉnh ý Ngài có những di huấn cho chúng Tăng về sau để không tranh chấp, bất hòa, phân phái.
Bấy giờ, Thế Tôn đã đúc kết tinh túy giáo pháp của Ngài bao gồm trong 37 phẩm trợ đạo, hiện tất cả đệ tử đều tùy thuận, không có bất đồng hay chống trái gì về giáo pháp này. Tôn giả Ananda cũng xác quyết: “Bạch Thế Tôn, những pháp Thế Tôn dạy cho con với thượng trí, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ-đề phần, Thánh đạo tám ngành, con không thấy cho đến hai Tỷ-kheo đối với những pháp này tuyên bố sai khác nhau”.
Tuy nhiên liền sau đó, bằng tuệ giác siêu việt, Thế Tôn đã cẩn trọng lưu ý: “Này Ananda, sự tranh luận khởi lên giữa Tăng chúng về con đường (magga) hay về đường hướng tu hành (patipada), sự tranh luận ấy mới đưa đến bất an cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài Trời, loài Người” (Sāmagāma Sutta).
Đức Phật đã chỉ rõ bốn sự có thể gây tranh cãi “Tránh sự khởi lên do tranh luận, tránh sự khởi lên do chỉ trích, tránh sự khởi lên do phạm giới tội, tránh sự khởi lên do trách nhiệm” và “Có bảy diệt tránh pháp này để giải quyết diệt trừ các tránh pháp thỉnh thoảng khởi lên”. Mặt khác, Ngài đã chỉ rõ có sáu căn bản tranh chấp “Phẫn nộ, tật đố, xan tham, xảo trá, ác dục, chấp thủ”, tu tập sáu pháp khả niệm “an trú từ thân nghiệp, an trú từ khẩu nghiệp, an trú từ ý nghiệp, san sẻ các lợi dưỡng, sống thành tựu những giới luật, thành tựu tri kiến thánh thiện đưa đến xuất ly” sẽ tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.
Kinh tạng Nikāya là kinh điển của Phật giáo Theravāda (một trong 18 bộ phái Phật giáo, phái này từ Ấn Độ du nhập vào Tích Lan khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch). Theo các nhà nghiên cứu Phật học, Kinh tạng Nikāya được xem là gần với lời Phật dạy nhất. Tuy vậy, Kinh tạng Nikāya cũng có đặc điểm hình thành, ghi chép và phát triển riêng, không nguyên thủy hoặc nguyên chất tuyệt đối như nhiều người vẫn nghĩ.
Đọc Kinh tạng Nikāya, nếu tinh ý sẽ nhận ra Đức Phật đã nói khá nhiều về: 1. Hạnh Bồ-tát (các chuyện tiền thân trong Jàtaka), 2. Thân Trung ấm (Kinh Trung bộ, Đại kinh Đoạn tận ái, số 38, Đức Phật đã xác quyết rằng: Này các Tỳ-kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm [Gandhabba] có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình. Kinh Tương ưng [S.ii.11], Này các Tỳ-kheo, có bốn loại đồ ăn này khiến cho các loại sanh vật hay các loại chúng sanh được tồn tại hay khiến cho các loại sắp sanh thành được thọ sanh [Sambhavesīnaṃ]. Kinh Tiểu bộ, kinh Từ bi, Các loài sẽ được sanh [Sambhavesī]), 3. Cõi Tịnh độ (Trong kinh điển Pāli, Tịnh độ là Suddhāvāsa. Có tất cả 5 cõi Tịnh độ, nằm trong 16 cõi Phạm thiên Hữu sắc, và là chỗ tái sanh của các bậc Bất lai, Thánh A-na-hàm), 4. Sự phân chia bộ phái (Kinh Trung bộ, Sāmagāma Sutta).
Như vậy, tranh luận và tranh chấp trong vấn đề liên hệ đến Thánh đạo và con đường tu tập Thánh đạo trong chúng Tăng (dẫn đến phân phái) đã được Thế Tôn dự báo khi còn tại thế. Đức Phật đã xác quyết 37 phẩm trợ đạo (nhất là Bát Thánh đạo) là cốt tủy giáo pháp của Ngài cùng với các pháp để diệt trừ tranh cãi. Nên những gì cần thì Đức Phật đã nói hết. Vấn đề là trách nhiệm của hàng đệ tử Phật, cần phải học tập để hiểu rõ và thực hành đúng Chánh pháp.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)