Những thánh tụng và thần chú
đã được sử dụng từ rất sớm bởi những nền văn hóa cổ đại khác nhau để cầu khẩn
thần linh, tổ tiên và quỷ thần hay để yểm bùa.
Mantra trong truyền thống Vệ-đà
Trong Ấn Độ cổ
đại, mantra đã hình thành nên một phần quan yếu của tôn giáo Vệ-đà. Có khả năng
rằng những người Indus cũng đã sử dụng những thực hành tương tự để cầu khẩn thần
linh của họ. Những mantra Vệ-đà chính yếu bắt nguồn từ các Vệ-đà, mà chúng vốn
là những cuốn sách về các mantra, trải qua những tên gọi khác nhau chẳng hạn
như Rik, Saman và Yajus. Chúng được tụng đọc hay sử dụng theo thể thức trong những
buổi lễ hiến tế Vệ-đà phức tạp.
Các mantra về truyền thống đã được sử dụng cả
trong những thực hành nghi lễ về tâm linh và những hoạt động thế tục cho những
mục đích khác nhau. Chúng vẫn đóng một vị trí quan trọng trong Ấn giáo như là
biểu thị của lời nói thiêng liêng, sự biểu hiện của thần linh và hiểu biết siêu
phàm. Trong thực hành và cầu nguyện theo nghi lễ Ấn giáo, mantra được sử dụng để
truyền thông với thần linh và cầu khẩn quyền năng của họ để đạt lấy một số mục
đích.
Mantra hình thành nên cái cốt lõi của những nghi lễ
hiến tế Ấn giáo, mà chúng không thể được thực hiện nếu không có sự tham dự của
những tu sĩ có kinh nghiệm. Trong những trường hợp như vậy, mantra thường được
một hoặc nhiều tu sĩ tụng đọc lớn trong khi những người khác có thể tham gia
vào nhóm tụng đọc hoặc khi họ được yêu cầu. Ta cũng có thể niệm thầm mantra để
giữ lấy sự bí mật hay vì sự tiện lợi. Các Vệ-đà cho rằng hiệu lực của lời cầu
nguyện và các mantra tăng lên nhiều lần khi chúng được trì niệm thầm lặng bằng
tâm thành hơn là khi chúng được tụng đọc lớn.
Những người Hindu cũng có truyền thống viết các mantra (thường là tên của một vị thần)
lên giấy như là một sự phụng cúng lên thần linh hay để thể hiện tình yêu và sự
sùng kính đến một vị thần cụ thể. Thực hành thường bao gồm việc viết tên của một
vị thần hay một mantra cụ thể trong một số lần, mà thường là 10 triệu lần. Mỗi
khi mục đích đạt được, những tín đồ mang những tờ giấy hay tập vở mà ở đó họ đã
viết tên vị thần và đặt chúng tại những ngôi đền hay những nơi linh thiêng thờ
vị thần ấy.
Ý nghĩa của mantra
Nói theo nghĩa
đen, trong tiếng Sanskrit “mantra” có nghĩa là tham cứu, tìm lời khuyên hay sự
giúp đỡ, suy nghĩ hay cân nhắc. Nguồn của các mantra là thần linh. Nơi thân thể
con người nó là hơi thở; nơi lời nói - mỗi mantra được trao cho một hình thức bằng lời nói
- nó khơi dậy sức mạnh bí ẩn của nó và đưa nó đi khắp không gian như những sự
chuyển động âm thanh đến những nơi mong muốn của nó. Những mantra như vậy là những
phương tiện siêu phàm mà chúng mang những suy nghĩ và lời cầu nguyện của người
tín đồ đến cõi trời và giúp họ thiết lập sự giao tiếp với thần linh.
Như vậy, theo cách nói tôn giáo, mantra
chính yếu là phương tiện để giao tiếp với thần linh, cầu khẩn họ hay tìm lời
khuyên và sự giúp đỡ của họ. Một từ liên đới hay phái sinh là mantri, mà nó có
nghĩa là một vị thượng thư, người can
gián hay đưa ra lời khuyên cho một vị cai trị, hay một vị tu sĩ đứng đầu
(pradhan mantri). Là những sản phẩm của tâm thức, các mantra cũng liên quan đến
trí thông minh hay sự sáng chói của tâm. Nơi một cõi tâm thanh tịnh, các mantra
tự hiển lộ, như chúng hiển lộ nơi tâm những nhà tiên tri Vệ-đà. Mỗi mantra linh
thiêng (man+tra) là một sự thể hiện tâm thanh tịnh, hay một tâm thấm đẫm sự
sáng chói của tự ngã. Tâm càng thanh tịnh, sự ảnh hưởng của mantra càng lớn. Bởi
vì các mantra biểu hiện chính nó ở nơi tâm thành thanh tịnh, chúng cũng được
xem là bất diệt, không phải do con người tạo ra (apauruseya), và chỉ được nghe
(sruti) như ở trong trường hợp của các mantra từ các Vệ-đà.
Trong cách sử dụng truyền thống, một mantra là một
lời, một từ, một đoạn, một âm tiết, một câu hay một lời cầu nguyện thiêng liêng
chứa đựng một hoặc nhiều hơn trong số năm thần lực của thần linh đó là sự sáng
tạo, bảo tồn, che giấu, hủy diệt và khai mở. Một mantra có một nghĩa cụ thể hoặc
không. Tuy nhiên, hầu hết những mantra và thậm chí những âm tiết đơn
(bijakshara) mà chúng được sử dụng trong Ấn giáo hoặc có một nghĩa đen hoặc một
nghĩa tượng trưng hoặc cả hai.
Trong tất cả các mantra, Aum được xem như là
mantra gốc (mula). Nó là cái cao nhất và thuần khiết nhất và chính là Bhahman ở
trong hình thức lời nói (Sabha Brhama). Nó cũng được biết như mantra Purusha
(thần linh là mantra), Pranava (đời sống hỗ trợ mantra) và Taraka (bí mật), có thể thánh hóa và thanh tịnh tất cả những
thể hiện bằng lời nói và những hình thức lời nói khác. Do đó, nó thông thường
được sử dụng như một tiếp đầu ngữ cho tất cả những mantra khác để truyền cho
chúng thần lực và sự thanh tịnh.
Những niềm tin liên hệ với mantra
Các mantra được sử dụng như là những âm thanh hay
lời nói huyền bí. Bởi vì được rút ra từ các thánh điển, chúng được xem là kiết
tường và thần linh ở trong hình thức lời nói. Như được nói ở trước, chúng được
phú cho một hoặc nhiều hơn trong năm thần lực của thần linh. Do đó, chúng được
sử dụng rộng rãi trong việc theo đuổi bốn mục đích chính của đời sống con người
đó là dharma (bổn phận tôn giáo), artha (tài sản), kama (ham muốn) và moksha
(giải thoát).
Chúng cũng được sử dụng trong nghiên cứu và tụng đọc
kinh sách và quán tưởng. Nhiều mantra vẫn được sử dụng như những cái neo tâm
thức, để ghi nhớ những khái niệm
triết học hay tư tưởng tôn giáo phức tạp. Cũng có nhiều sự bí mật liên quan đến
truyền thống mantra. Bởi vì hiệu lực hay những ảnh hưởng cụ thể của chúng, một
số mantra không thể tiết lộ cho mọi người hay chỉ tiết lộ cho những người có đủ
khả năng. Một người học hay đệ tử cũng được mong đợi giữ bí mật đối với bất kỳ
mantra vở lòng nào được người thầy hay đạo sư truyền trao cho họ.
Mỗi mantra sẽ có một vị tiên tri (rishi) sáng tác
nó, một nhịp điệu hay dụng cụ (chhanda) mà nó xác định âm thanh của nó,
và một vị thần (devata) điều khiển nó và những biểu lộ khi mantra được phát âm đúng.
Bởi vì những thành phần ẩn giấu này và những khía
cạnh thiêng liêng của chúng, có nhiều luật lệ liên quan đến việc tụng các
mantra. Thái độ và sự thanh tịnh của người tụng niệm chúng cũng là vấn đề. Sự
phát âm là rất quan trọng trong việc sử dụng các mantra. Không có sự phát âm và
âm điệu đúng, vị thần ở nơi mantra có thể không đáp ứng. Đồng thời, điều quan
trọng là mục đích sử dụng một mantra, bởi vì việc sử dụng mantra cho bất kỳ mục
đích nào đều tạo ra những nghiệp quả và ảnh hưởng số phận của người sử dụng nó.
Tại sao mantra được sử dụng
Mantra được sử
dụng cho cả mục đích tích cực và tiêu cực. Sau đây là một số mục đích quan trọng
nhất mà các mantra được sử dụng trong Ấn giáo.
- Để giao tiếp
với thần linh và thể hiện sự sùng kính
- Để cầu khẩn
thần linh và tìm kiếm sự giúp đỡ hay lời khuyên của họ.
- Để làm nguôi
dịu những vị thần hung dữ và tránh sự phẫn nộ của họ.
- Để tìm kiếm sự
bảo vệ của thần linh nhằm chống lại những năng lực xấu ác hay kẻ thù.
- Để thanh lọc
thân tâm cho sự giải thoát hay tự chuyển hóa.
- Để làm yên lặng
tâm trong việc quán tưởng thần linh.
- Để sửa soạn một
nơi thờ cúng trước khi bắt đầu một nghi lễ hiến tế.
- Để tôn trí
tranh tượng của thần linh tại một ngôi đền hay trong việc thờ phụng gia đình.
- Để thực hiện những mong muốn thế tục và để có được
sự an bình và thịnh vượng trong cuộc sống.
- Để cuốn hút người khác giới và làm họ mê đắm, hoặc yểm bùa tình địch và ngăn chặn kẻ chống đối.
- Để chiến thắng cái
chết, tai ương
bệnh tật, nghiệp xấu, hay những hoàn cảnh bất lợi.
- Để giúp những linh hồn
quá vãng đang trên đường đến giải thoát hay tái sanh.
- Để bỏ bùa, mê
hoặc hay tiêu diệt đối thủ.
- Để kiểm soát
hay yểm bùa muông
thú, rắn rít v.v…
- Để kiềm chế
tâm và đi vào giấc ngủ sâu hay những trạng thái nhận thức cao hơn.
- Để giành lấy
ân sủng thần linh hay ân sủng của một vị thầy (guru).
- Để đạt được
những sức mạnh tâm linh (siddhis).
- Để thể hiện
những chân lý tâm linh và triết học sâu sắc.
- Để xác nhận
những chân lý bằng sự chứng nhận lời nói (sabda pramana).
- Để đạt lấy
thành công trong thể thao, tranh chấp, tranh luận và trong các cuộc chiến đấu.
Các loại mantra
Tùy thuộc vào
việc sử dụng và mục đích của chúng, các mantra có thể được phân thành những phạm
trù khác nhau, mà chúng được trình bày dưới đây.
Những mantra có mục đích chung
Chúng là những
mantra phổ biến mà nói chung công chúng đều biết và chúng được người tín đồ sử
dụng vì những mục đích khác nhau, không cần theo những nguyên tắc, luật lệ và
những hạn chế. Người Hindu sùng đạo sử dụng chúng trong đời sống hàng ngày của
họ để thể hiện sự tín tâm, vượt qua sợ hãi, tránh điều xấu ác, truyền sự tin cậy,
hay chỉ để cho tâm yên ổn. Một số cũng được sử dụng như tự kỷ ám thị để thay đổi
suy nghĩ, hành xử hay huấn luyện tâm họ.
Những mantra có mục đích cụ thể
Những mantra này được tụng cho những mục đích cụ
thể hay vào những dịp cụ thể, và chỉ những người cùng dòng dõi, đức hạnh, kiến
thức hay lòng trung thành đối với một phái hay một một vị thầy truyền thống mới
được phép sử dụng. Một vài ví dụ là những mantra mà chúng được các tu sĩ sử dụng
trong những nghi lễ Vệ-đà hay Mật giáo để truyền thông với những vị thần cụ thể
hay để đạt lấy những mục đích cụ thể. Những mantra mà chúng được sử dụng trong
những thể thức hiến tế cũng được xếp vào phạm trù này. Những người sử dụng
chúng phải tuân thủ một số luật lệ và giới hạn để đạt được những kết quả mong
muốn. Những luật lệ nói đến việc chúng nên được tụng bao nhiêu lần, khi nào, ở
đâu và vào những trường hợp nào.
Những mantra đem lại an bình
Chúng thường được tụng đọc ở đầu những buổi lễ hiến
tế, yoga, những bài thuyết giảng tâm linh hay để bắt đầu những công việc mới.
Chúng cũng được sử dụng để tẩy uế nhà cửa và nơi thờ cúng, xua đuổi đi những thế
lực xấu ác hay được sử dụng trong hành thiền để làm an ổn thân tâm. Hầu hết những
mantra cho mục đích an bình được sử dụng tập trung vào thần Brahman hay tam thần là Brahman, Vishnu và
Shiva. Chúng thường kết thúc với cụm từ “an bình, an bình, an bình” mà nó
có nghĩa là an bình ở trên cõi trời, an bình ở trên mặt đất và an bình ở bên
trong.
Những mantra làm thanh tịnh
Chúng được sử dụng để sái tịnh những nơi thờ phụng
và những nơi hiến tế mà ở đó những lễ hiến tế (yajna) được thực hiện. Để tẩy uế
những thứ bất tịnh (dosha), chủ đàn tế lễ (yajaman), tranh tượng được sử dụng
trong thờ cúng, hay đồ dâng cúng và đồ dùng được sử dụng trong nghi lễ thờ
cúng. Hầu hết những mantra cho mục đích thanh tịnh được tụng đọc cùng với việc
rảy nước. Người ta cũng
có thể tụng chúng trong khi tắm hay ngâm mình trong một con sông thiêng hay vào
những dịp kiết tường để tẩy uế nhà cửa, chủ đàn các tế lễ hay tất cả những người
tham gia vào đó.
Những mantra sám hối
Như cái tên của chúng cho thấy, những mantra này
được sử dụng để tìm lấy sự tha thứ cho bất cứ lầm lỗi nào mà ta có thể phạm phải
vì cố ý hay vô ý trong khi thực hiện những buổi tế lễ hay thờ cúng tại gia
đình. Hầu hết những nghi lễ Vệ-đà và những phương pháp thờ cúng chứa đựng một
điều khoản cho việc sám hối. Sám hối luôn được thực hiện bởi vị tu sĩ đứng đầu
hay tu sĩ Bà-la-môn, những người tụng đọc các mantra thay mặt tất cả mọi người
tìm cầu điều may mắn và làm cho việc phụng cúng hoàn mãn.
Mantra nghi lễ
Những mantra này được sử dụng trong những nghi lễ
Vệ-đà phức tạp (yajna), những tế lễ hàng ngày (nitya karma), việc thờ cúng gia đình (puja) hay những
bí tích (samskara) chẳng hạn như thời kỳ mang thai, sinh con, nhập học, kết hôn
hoặc qua đời. Những mantra này hầu hết được rút ra từ các Vệ-đà, hoặc từ Tantra
hay từ văn học địa phương. Tùy vào việc sử dụng của chúng mà chúng có thể là những
mantra mở đầu, những mantra thỉnh mời, những mantra chính, những mantra kết
thúc, những mantra tạm biệt v.v… Những mantra này được đọc bởi một hoặc nhiều
tu sĩ hay một người nào đó. Việc tụng
đọc có thể kéo dài hàng giờ, hàng ngày hoặc hàng tháng.
Mantra nhập môn
Theo phong tục, vào lễ nhập môn (upanayana), một vị
thầy hay một người lớn tuổi trong gia đình đọc một vài âm tiết hay những từ
thiêng liêng vào tai của những người nhập môn trẻ để đánh dấu sự khởi đầu việc
học của cậu ta về các Vệ-đà hay sự bắt đầu học tập kiến thức tâm linh. Những
mantra này cũng được sử dụng bởi những vị thầy tâm linh, hay những đệ tử được
chỉ định của ông, để kết nạp những thành viên mới tham gia vào truyền thống của
họ, hoặc là một đệ tử tại gia hoặc là những người thực hành cao hơn.
Những mantra hủy diệt
Những mantra này dành cho việc gây nên sự thương tổn
cho tâm hoặc thân. Có một chi phần đầy đủ về kiến thức ma quỷ (kshudra vidya)
mà nó dành cho mục đích này. Những Vệ-đà cũng chứa đựng nhiều bài thánh tụng mà
chúng được sử dụng cho những mục đích tiêu cực để hủy diệt đời sống và tài sản
hay gây nên những tổn hại tâm linh. Các sử thi và Purana cho thấy cách các
mantra được sử dụng trong chiến tranh để phóng những vũ khí hủy diệt và mũi tên vào kẻ thù để giết họ, làm cho họ kinh sợ,
mê hoặc hay làm suy yếu đi quyết tâm của họ. Atharvaveda gồm có nhiều
mantra mà chúng được sử dụng để giáng sự tổn hại hay hủy diệt vào kẻ thù cũng
như các đối thủ ở trong
những mối liên hệ hôn nhân, những vấn đề yêu đương v.v… Các Vệ-đà cũng có những
bài tụng cho việc sử dụng ở những tế lễ thú vật.
Những khía cạnh tiêu cực của mantra
Ở mặt tiêu cực, những mantra góp phần đưa đến sự
ngu tối và mê tín. Bởi vì tính phổ biến của chúng, các mantra được những kẻ
lang băm vô liêm sĩ và những kẻ lừa gạt tôn giáo sử dụng để lôi
kéo những người cả tin với lời hứa chữa lành bệnh, giải trừ điều không may, bỏ bùa tình
địch, yểm trừ những năng lực xấu ác và thu hút giới giàu có cho mục đích kiếm
tiền hay những ân huệ cá nhân. Người ta chi trả một số tiền lớn cho bùa chú, những
vòng xuyến được khắc viết những mantra huyền bí để đáp ứng những mong muốn của
họ hay để vượt qua những vấn đề nào đó. Một số người cũng chìm đắm trong những
nghi lễ đẫm máu và những thực hành mê tín, sử dụng mantra, để đạt lấy những sức
mạnh xấu ác cho những mục đích hủy diệt.
Những mantra cần
phải được sử dụng cho sự thịnh vượng của xã hội, trật tự và chuẩn mực của cuộc
đời. Chúng phải được sử dụng như là một sự dâng cúng đến thần linh bởi những
người mà họ thanh khiết và tận tâm, như là nhiệm vụ phục vụ thần linh của họ. Bất
kỳ sự lạm dụng mantra nào với mục đích vị kỷ sẽ tạo ra nghiệp xấu và đưa người
ta đến chỗ sa đọa tinh thần.
V Jayaram - Đăng Nguyên dịch
Nguồn:
hinduwebsite.com