4. Chánh nghiệp: làm những việc lành ích cho mình và cho người.
5. Chánh mạng: nuôi sống thân mạng với nghề nghiệp lương thiện.
6. Chánh tinh tấn: siêng năng trong chiều hướng tiến bộ, tu dưỡng bản thân và phục vụ chúng sanh.
7. Chánh niệm: ý thức và kiểm soát động tác của thân, miệng, ý, nhớ rõ các pháp lành.
8. Chánh định: tĩnh tâm, cải tạo tư tưởng và trau dồi trí tuệ.
Ý nghĩa của con đường chính gồm tám nẻo có thể tóm tắt trong bài kệ sau đây:
"Không làm mọi điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Tâm ý giữ trong sạch
Chính lời chư Phật dạy" (Pháp cú, 183)
16. Tội ác phát sinh từ đâu và làm sao diệt trừ?
- Tội ác phát sinh từ sự tham muốn thỏa mãn "cái ta". Sâu xa hơn, nguồn gốc của tội ác là sự tưởng lầm rằng mình có một "cái ta chắc thật và thường còn". Ðạo lý căn bản của Phật cho chúng ta thấy rõ rằng con người vốn là vô ngã, vô thường. Nếu phân tách và hiểu rõ không có cái ta chắc thật thường còn ở trong cái thân giả hợp bởi tinh thần và vật chất, chúng ta không còn hành động vì "cái ta", và sẽ sống đời tự tại, hòa hợp và lợi tha. Khi nào nhận rõ và tu theo đạo lý vô ngã thì chúng ta mới tiêu diệt được tội ác. Ngoài ra, nghi lễ, phong tục đều là những phương tiện tốt song không phải chủ yếu để trừ diệt tội ác.
17. Thế nào là luân hồi?
- Luân hồi (samsàra) là sự sống chết nối tiếp nơi một chúng sanh. Như chúng ta biết, dòng nhân quả diễn biến một cách tương tục mà không bị hạn cuộc trong đời sống hiện tại. Do đó khi nào còn tham sống và gây nghiệp (karma) thì lúc đó chúng ta sau khi chết vẫn còn sinh trở lại và nhận lấy quả báo. Nói cách khác, sau khi thân xác nầy ngừng hoạt động, dòng sống vẫn còn tiếp diễn, mặc dù hình thái của sự sống ở giai đoạn sau không phải là hình thái của sự sống ở giai đoạn trước. Cần lưu ý, dòng sống này luôn luôn chuyển biến chứ không phải là có một linh hồn bất tử (âme éternelle) đi từ đời này qua đời khác như một lữ khách đi từ quán trọ này đến quán trọ kia.
- Sự tái sinh (renaissance) theo đạo Phật, không có nghĩa là sự nhập xác (réincarnation) hay là sự nhất định sinh trở lại thế giới loài người nầy với "cái linh hồn xưa cũ không thay đổi". Do nghiệp lực ác hay lành (sức mạnh của hành động có cố ý) mà sau khi xác thân nầy chết, một hình thái sống khác hoặc cao hơn loài người như các loài trời (deva) hoặc thấp hơn loài người như cầm thú, ma quỉ và các loài cực khổ sẽ hiện thành. Như vậy dòng suối cứ tiếp diễn trong trạng thái đổi thay như dòng nước chảy xiết. Chúng sinh sau thừa hưởng gia tài tốt hay xấu của chúng sinh trước. Hai hình thái sống của hai giai đoạn thời gian và hai hoàn cảnh "không giống nhau nhưng cũng không khác nhau" (na ca so na ca anno).
Không có vấn đề con người trở thành trời hoặc thú, mà chính hành động của thân, miệng, ý (nghiệp) mang tính chất trời hay thú làm cho chúng sinh trở nên trời hay thú. Không những trong tương lai mà ngay cả hiện tại, chúng ta có thể trở thành thể này hay thể khác tùy theo hành động (nghiệp) của chúng ta.
Ðạo lý luân hồi là câu trả lời cho câu hỏi "sau khi chết còn hay mất" hợp lý nhất, so với câu trả lời "sau khi chết, người ta sẽ sinh vào thiên đàng hay hỏa ngục và sống ở đó đời đời kiếp kiếp" và câu trả lời "không còn gì nữa sau khi chết".
Không có nghiệp thì không tái sanh như trường hợp các vị A-la-hán và Phật. Phật và A-la-hán là các bậc giải thoát: không có những hành động vì "cái ta", không tạo nhận sống chết cho nên không còn sống chết. Giải thoát luân hồi là điều rất khó. Cho nên đối với chúng sinh chưa đủ sức giải thoát, Phật dạy cho họ những phương pháp tu dưỡng để khỏi sa đọa vào những cảnh giới xấu, khổ như súc sinh, ngạ quỉ và loài cực khổ và để sanh vào thế giới an lành như cảnh giới các loài trời hay ít nhất là để được sanh lại trong thế giới loài người, những nơi mà điều kiện sinh sống tương đối an vui và có thể giúp họ tiếp tục tiến bộ trên đường giác ngộ.
18. Tại sao Phật tử không tin "Thượng đế"?
- Phật tử là người muốn được giác ngộ như Phật, người đi tìm chân lý mà không phải là một tín đồ của một "thần giáo". Nhờ kinh nghiệm giác ngộ của Phật, phật tử hiểu rằng vũ trụ là sự sống vô cùng vô tận và sự sống ấy là một. Do đó vũ trụ là một. Như thế không thể có một ai hay vật gì ở ngoài sự sống để sáng tạo và cai quản sự sống. Giả thiết có một đấng Thượng đế ở "ngoài" vũ trụ thì Ngài không thể nào tạo ra cuộc sống ở "trong" vũ trụ được, bởi vì không có sự liên quan gì giữa Ngài với sự sống trong vũ trụ cả. Vũ trụ là một dòng hiện tượng, tổng hợp của những liên hệ chủ quan và khách quan (Duyên khởi), không chắc thật (vô ngã) và luôn luôn biến chuyển theo luật nhân quả (vô thường), không đầu không đuôi (vô thỉ vô chung) mà không cần một thần linh nào sáng tạo và sắp đặt.
Phật tử không tin Thượng đế bởi vì nếu chấp nhận sự sống và cuộc sống do Thượng đế sáng tạo và cai quản, thì vô tình chính họ để mất tự do và khả năng sáng tạo của mình và chứng tỏ rằng họ bất lực trong việc xây dựng và cải tạo cuộc sống cá nhân và xã hội. Vì thế Phật tử chân chính là người không mê tín và ỷ lại vào thần linh, không "giao phó" số phận của mình cho thần linh và cũng không cầu xin sự "khoan dung" của thần linh.
19. Như vậy làm sao giải thích được nguồn gốc của con người và vũ trụ?
- Phần đông các tôn giáo đều giống nhau ở điểm giải thích về nguồn gốc của sự vật: chúa Allah, chúa Jéhova, Brahman, hoặc nhiều đấng thần linh khác.
Trong khi đó, đức Phật im lặng trước câu hỏi về nguyên nhân của vũ trụ và của những câu hỏi siêu hình vô ích. Phật giải thích rằng sự vật có ra và tồn tại trong nguyên lý Duyên khởi, nghĩa là sự vật tương quan tương duyên với nhau mà có ra chứ không do ai sinh cả. Nguyên nhân đầu tiên của một hữu tình đã không tìm thấy được thì nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ lại càng không thể tìm thấy được. Bởi vì theo Phật, thời gian mà theo đó một hữu tình lưu chuyển thật là vô thỉ vô chung, không gian mà trong đó sự vật thành hoại thật là vô cùng vô tận. Hơn nữa, đạo Phật là đạo lý soi sáng cho con người thấy sự khổ đau, sự khuyết điểm, sự không vừa ý (dukkha) trong cuộc đời và chỉ bày cho con người những phương pháp tu dưỡng, cải tạo để thực hiện an lành (nirvâna) ngay "ở đây" và "bây giờ", nghĩa là trong cuộc sống nầy, Phật tử xem những sự bàn luận siêu hình là vô ích, có thể làm cho tâm trí con người ta rối loạn.
Ðể nói rõ phần chủ động trong sự sống thì đạo Phật cho biết rằng chính con người đã và đang không ngừng tạo ra sự sống riêng và chung, không kể lúc ngủ say, ngay lúc vừa thức dậy thì giác quan chúng ta liên tục sáng tạo cuộc sống gồm: hình thể, màu sắc, âm thanh, mùi vị, xúc chạm... Chính loài người đã xây dựng và có thể thay đổi cuộc sống theo ý muốn.
20. Theo đạo Phật thì những con người có mặt đầu tiên ở trên trái đất này là ai và ra sao?
- Trong vũ trụ bao la, không chỉ có trái đất nầy mà còn có hằng hà sa số thế giới khác trong đó có nhiều thế giới có các loài hữu tình khác nhau về thân hình cũng như tâm thức sinh sống.
Theo kinh Khởi thế nhân bổn (Aggannasutta, Dn, III, 80-98, xem Trường Bộ Kinh), khi trái đất nầy mới hình thành thì có một số hữu tình (êtres vivants) từ cõi Quang âm (Abhassara) đến sống. Họ xuất hiện trên trái đất nầy với thân hình tỏa ánh sáng, tâm thức đầy niềm vui, phi hành tự tại trong hư không. Họ sống như vậy trong một thời gian rất lâu. Về sau vì tham ăn vị đất, nấm, cây, trái mà thân hình mất đi ánh sáng, trở nên thô cứng không thể phi hành trong hư không, và phân thành nam nữ... Và từ đó về sau do dục tính nên mới có những người sinh ra từ bào thai.
Theo truyền thuyết do chính Phật kể nầy thì loài người vốn đã là những hữu tình từ một thế giới khác đến và sống ở trái đất nầy, và do sự chuyển hóa lần lần của thân hình và tâm thức mà trở thành loài người hôm nay... Truyền thuyết nầy phù hợp với vũ trụ quan cũng như nhân sinh quan, nhất là với đạo lý Nghiệp (Karma) tạo tác luận của Phật giáo.
21. Không đề cập đến Thượng đế nhưng đạo Phật có nói đến bản thể vũ trụ không?
- Tuy không nói đến Thượng đế có tính người (nhân cách hóa) nhưng Phật có nói đến bản thể tuyệt đối (Tathatâ) không sinh, không diệt (xem Udanâ III.3) là mặt khác của hiện tượng (laksana) sinh diệt. Nhờ có bản thể này mà con người mới có thể giải thoát khổ đau và chứng đạt an lạc. Bản thể tuyệt đối nầy, được các luận sư sau Phật gọi bằng nhiều tên như: Pháp tánh, Chơn như, Thật tánh v.v... Nó nằm ngay nơi hiện tượng, nhưng chỉ có những người giác ngộ mới nhận ra được. Thấu triệt bản thể tuyệt đối nầy cũng gọi là Niết bàn hay chân lý siêu thế tức là đạt được giác ngộ (Bodhi). Sống đúng theo điều giác ngộ tức là giải thoát (Nirvâna). Bản thể nầy vốn là vô ngã tức là không. Do đó, mọi sự diễn tả bằng ngôn ngữ phát xuất từ ý niệm đều không phù hợp. Vì thế trong kinh điển, Phật nói rất ít về vấn đề nầy.
22. Xin cho biết chữ Trời trong Kinh điển đạo Phật và quan niệm Thượng đế khác nhau như thế nào?
- Thừa nhận vũ trụ luận đương thời ở Ấn độ, kinh điển đạo Phật có nói đến các cõi trời và nhiều loại hữu tình cao hơn loài người (trời). Thường thường thì một tiểu vũ trụ được chia làm ba cõi: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc, trong đó có 5 loài hữu tình: trời, người, thú, quỷ và loài cực khổ. Như vậy trời chỉ là một loài hữu tình gồm nhiều loại khác nhau như sáu loại của cõi dục, mười sáu hoặc mười bảy loại thuộc cõi sắc và bốn loại thuộc cõi vô sắc.
Từ loài người, nếu tu tập mười điều thiện sau đây:
1 - không sát sanh
2 - không trộm cướp
3 - không tà hạnh (hành động nơi thân)
4 - không nói dối
5 - không nói thêu dệt
6 - không nói hai lưỡi
7 - không nói thô ác (lời nói nơi miệng)
8 - không tham lam
9 - không tàn bạo
10 - không hiểu biết sai (ý nghĩ nơi tâm)
thì được sanh vào một trong sáu loài trời thuộc cõi dục. Nếu tu tập thiền quán (chưa phải là phép thiền giải thoát) như bốn phép thiền (jhâna): sơ thiền, đệ nhị thiền, đệ tam thiền và đệ tứ thiền thì được sinh vào các loài trời thuộc cõi sắc. Nếu tu tập theo phép định (sammâpatti) như không-vô-biên-xứ-định, thức vô-biên-xứ-định, vô-sở-hữu-xứ-định và phi-phi-tưởng-xứ-định thì được sinh vào các loài trời thuộc cõi vô sắc.
Các loài trời tuy có thân hình đẹp đẽ, hạnh phúc và sống lâu hơn loài người, hoặc tiến hóa hơn về phương diện tâm linh nhưng vẫn còn trong vòng sống chết, thay đổi. Trong các cõi trời thấp, có các vị trời lãnh tụ song không phải là đấng sáng tạo.
Như vậy chữ trời, trong kinh điển đạo Phật, không hề có nghĩa Thượng đế như trong kinh điển của các thần giáo.
23. Vậy thì đạo Phật chủ trương "hữu thần" hay "vô thần"?
- Khó mà trả lời đạo Phật là hữu thần hay vô thần. Trên kia có nói đạo Phật là một "tôn giáo không thờ thượng đế" là để cho người mới biết đạo Phật nhận ra rằng đạo Phật không phải là một thần giáo như các thần giáo khác. Nhưng vì danh từ "hữu thần" hay "vô thần" ngày nay không được hiểu biết một cách nghiêm chỉnh, cho nên có thể nói rằng đạo Phật không chủ trương có một đấng "thần linh hữu thế" toàn năng, toàn trí, sáng tạo và cai quản con người và muôn vật. Tuy nhiên, Ðức Phật luôn luôn khuyến khích Phật tử nên kính trọng các bậc hiền triết và sống theo những lời dạy đúng đắn lợi ích của các bậc ấy. Như thế có thể nói đạo Phật là "lẽ sống giác ngộ". Lẽ sống nầy có nội dung đạo lý rất phong phú và nhất là mục đích diệt khổ của nó khác với chủ thuyết "hữu thần", "vô thần" của nhiều tôn giáo và triết học xưa nay.
Ðạo Phật cũng không thuộc vào chủ thuyết "duy tâm" hay "duy vật" bởi vì Phật không hề lập nên một chủ thuyết nào mà chỉ trình bày sự thật nơi con người và vũ trụ. Ðạo lý Duyên khởi của Phật là "trung đạo" (majjhimapatipadà) không rơi vào những chủ thuyết cực đoan chủ trương "có", "không", "tâm", "vật"... Hơn nữa, không nên xem đạo Phật chỉ là hệ thống tư tưởng, một lý thuyết, bởi vì đạo Phật vốn là một đạo lý độc đáo với những đạo lý như thật, thực tiễn của nó. Như thật, vì đạo Phật phù hợp với thực tại đa dạng hay toàn diện. Phật xem sự diễn tả phiến diện không những làm sai lạc sự thật mà còn gây ra sự hiểu lầm nguy hiểm. Câu chuyện những người mù rờ voi do Phật kể nhơn lúc các đạo sĩ, triết gia cãi nhau về chơn lý là bài học rất ý nghĩa (xem Udâna IV,4). Thực tiễn, vì những điều do Phật truyền dạy đều nhắm mục đích giải thoát khổ đau chứ không phải để thỏa mãn sự tò mò của trí óc con người. Như Phật nói, Ngài chỉ truyền dạy có một điều: "Khổ và sự Diệt khổ". Ðọc kinh luận nếu thấy những quan điểm được Phật hay các luận sư nhấn mạnh với mục đích đả phá những thành kiến hay huấn thị cho một đối tượng đặc biệt nào đó, chúng ta nên hiểu chúng với tinh thần phá chấp mà không nên bám chặt và tạo thành những chủ thuyết cực đoan như: duy tâm, duy nghiệp, duy thức v.v... bởi vì Phật có nói: "Pháp còn phải bỏ đi huống gì là phi pháp".
Vì thế, xếp đạo Phật vào hệ thống "hữu thần" "vô thần", "duy tâm", "duy vật" một cách máy móc là sự sai lầm.