Kính thưa quý đạo hữu!
Trong Ngũ lực, gồm Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực và Tuệ lực thì Tín lực là hàng đầu, là cửa ngõ để đạt được các lực theo sau. Tín lực không phải là sự tin tưởng vào những giáo điều, giáo pháp một cách mù quáng, ồ ạt và thiếu xét đoán mà dẫn đến việc làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh. Tín lực là lòng tin sâu sắc và mạnh mẽ đối với Chánh Pháp của Đức Phật Thích Ca, là lòng tin chân chánh, chớ có vội tin mà hãy đến để mà thấy và tự mình chứng nghiệm, như Đức Phật từng dạy: "Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này bất thiện, Các pháp này là có tội lỗi, Các pháp này bị người có trí chỉ trích, Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau. Thời này, Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”.
Chính vì thế, từng ngày giờ chúng ta hành động, nói năng hay suy nghĩ những điều mà không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ tất cả chúng sanh thì ngay đó đã cảm nhận được sự thanh thản, an lạc, đã có chánh tín và cũng chính là đang hành đúng theo nền đạo đức nhân bản - nhân quả do Đức Như Lai là người đầu tiên tuyên thuyết. Nói không làm khổ mình, khổ người không có nghĩa là chúng ta cứ làm ngơ trước những điều sai trái của người khác. Chính trong thời xưa Đức Phật Thích Ca đã không ít lần đập mạnh, chỉ thẳng cái sai của 62 luận thuyết tà kiến ngoại đạo (trong Kinh Phạm Võng, Trường Bộ Kinh). Quả là "bậc A La Hán ra đời như cánh chim trời, tung bay khắp mọi nơi khiến cho vũ trụ rung chuyển, những tư tưởng mê tín, dị đoan, lạc hậu của loài người bị đảo lộn, không còn đứng vững, rơi rụng như những chiếc lá vàng mùa thu".
Có vị Thầy mạnh dạn chỉ ra những việc được hành sai trong Phật giáo hơn 2500 năm nay kể từ khi Đức Phật và cuối cùng là ngài Ananda nhập diệt để giúp biết bao người tránh lầm đường lạc lối trên con đường tu tập của mình. Nếu chúng ta nghĩ rằng vị ấy làm khổ người, nói xấu người khác, không có ái ngữ thì đó chưa phải là cách hiểu đúng, do mình còn kiến thủ. Đức Phật có dạy trong Kinh Pháp Cú, phần VI - Phẩm Hiền Trí:
“Nếu gặp bậc hiền trí
Chỉ lỗi và khiển trách
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy kết thân người trí
Kết thân với vị ấy
Chỉ có lợi không hại”
Biết nương theo những lời chỉ dạy của bậc hiền trí, bậc thiện hữu tri thức thì mọi người sẽ không còn chấp thủ vào cái sai của mình, tự mình cởi trói cho bản thân khỏi cái kiến giải, tưởng giải được truyền thừa từ bao đời nay. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy về lòng tin chân chánh:
“Này các Kàlàmà! Chớ vội tin vì nghe truyền thuyết, chớ vội tin vì nghe truyền thống, chớ vội tin vì nghe người ta nói đồn, chớ vội tin vì được Kinh tạng truyền tụng, chớ vội tin vì nhân lý luận siêu hình, chớ vội tin vì đúng theo một lập trường, chớ vội tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện, chớ vội tin vì phù hợp với định kiến của mình, chớ vội tin nơi xuất phát có uy quyền, chớ vội tin vì bậc Sa môn là đạo sư của mình v.v..
Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này bất thiện, các pháp này là có tội lỗi, các pháp này bị người có trí chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”.
Thời này, Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”.
Trên con đường tìm cầu đạo giải thoát thì cũng có lúc chúng ta đứng giữa ngã ba ngã bảy trong khi lối đi đến tiếp cận chân lý thì chỉ có một: đó chính là Bát Chánh Đạo. Cái ngã ba ngã bảy ấy tượng trưng cho một số lượng lớn Kinh sách được cho là của Phật thuyết mà sự thực thời còn tại thế đi hóa độ chúng sanh, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dù có thuyết pháp rất nhiều nhưng Ngài thường chú trọng vào Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo, pháp Như Lý Tác Ý và Thân Hành Niệm…
Sau đây, Tâm Thuận xin trích dẫn những lời chỉ dạy vô giá của Hòa Thượng Thích Minh Châu về Chánh tín dành cho tất cả những ai đã, đang và sẽ tìm đến với Phật pháp. Phần trích dẫn này nằm trong sách “Chánh Pháp Và Hạnh Phúc” và Lời giới thiệu Kinh Trung Bộ bản in năm 1986:
1) Sách Chánh Pháp và Hạnh Phúc, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo (2001), trang 238-246:
“Cho dịch và cho in các bản kinh Pàli, chúng tôi không mong muốn gì hơn là để các phật tử, các học giả, các sinh viên được đọc thẳng vào kinh điển thật sự nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, và sự tự mình tìm hiểu những lời dạy thật sự của Đức Phật, khỏi phải qua những lập trường của các bộ phái. Nhất là khỏi phải qua những xuyên tạc của những học giả và những phật tử muốn giải thích đạo Phật theo dục vọng và tà kiến của mình.
Muốn chạy theo dục vọng thì giải thích kinh điển một cách dễ hiểu rằng đạo Phật chấp nhận và tha thứ dục vọng. Muốn giết người và muốn bênh vực kẻ giết người, đạo Phật được giải thích như là có thể tha thứ và chấp nhận sự giết người. Muốn chạy theo tà giáo và tà kiến, lại giải thích đạo Phật viên dung vô ngại, chấp nhận mọi tà kiến, mọi tà thuyết. Tà kiến nào, tà thuyết nào cũng là Phật giáo được hết!
Muốn tránh những tai nạn trên, cần nhất là phổ biến những kinh điển thật sự nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, để phật tử được đọc thẳng ngay kinh Phật, khỏi qua một ống kính màu nào. Đạo Phật cần những cá nhân Phật tử biết suy tư, biết phân tích, biết tự tìm hiểu rồi xác nhận sự hiểu biết của mình, ngang qua sự hành trì, kinh nghiệm cá nhân. Đạo Phật không cần đến những đoàn người theo đạo Phật, theo một cách ồ ạt mù quáng, theo một cách thụ động nhắm mắt, hay tự mình bóp méo xuyên tạc đạo Phật theo tà kiến dục vọng của mình.
Chính kinh Đại Bát Niết Bàn, trang 124- 126, tập III có ghi rằng, dù chúng ta có nghe vị Tỳ-kheo nào nói tự thân nghe Đức Phật, tự thân nghe các vị Thượng tọa, Thủ chúng v.v... nói như vậy là pháp, như vậy là luật, Đức Phật khuyên cũng không được tán thán, đả kích, chấp thuận hay từ bỏ ngay, mà phải so sánh với kinh, đối chiếu với luật, có phù hợp mới được chấp nhận, không phù hợp thời phải từ bỏ. Đạo Phật đòi hỏi sự nhận xét, tìm hiểu suy tư cá nhân rất nhiều. Nhưng chúng ta chỉ có thể nhận xét, tìm hiểu suy tư. Khi chúng ta được đọc những lời dạy nguyên thủy nhất hay gần nguyên thủy nhất của Đức Phật.
Chúng tôi dịch kinh Pàli, không vì mục đích muốn ủng hộ hay không muốn ủng hộ một học phái nào, một lập trường nào. Mục đích của chúng tôi chỉ muốn giới thiệu những kinh điển có thể được xem là nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, để người đọc có thể tìm hiểu lời dạy chân chính của Đức Phật, khỏi qua ống kính của một học phái nào, dù Ấn Độ, Trung Hoa, hay Việt Nam.
Chúng tôi cũng không có trách nhiệm nêu lên cho độc giả rõ, đoạn nào là nguyên thủy, đoạn nào không phải nguyên thủy. Chỉ có người đọc, sau khi tự mình đọc, tự mình tìm hiểu, tự mình suy tư, tự mình quan sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân, mới có thể tự mình hiểu và thấy đoạn nào là thật sự nguyên thủy. Trách nhiệm tìm hiểu, chứng nghiệm cá nhân là trách nhiệm của người đọc, không phải của người dịch, vì đạo Phật là đạo đến để mà thấy, chứ không phải đạo đến để nhờ người thấy hộ, đạo của người có mắt (Cakkhumato), không phải đạo của người nhắm mắt, đạo của người thấy, của người biết (Passato Ajànato), không phải là đạo của người không thấy, không biết (Apassato Ajànato). Nên chỉ có người đọc mới có thể tự mình thấy, tự mình hiểu và tự mình chứng nghiệm.
Thật sự chúng tôi chỉ mong rằng quý vị đọc thật kỹ và suy tư thật chín chắn những đoạn mà chúng tôi phiên dịch rồi quý vị hãy tự hỏi, những đoạn ấy có phải là những đoạn “Tiểu thừa” dành riêng cho những vị có tiểu tâm, chỉ tư lợi không biết vị tha, chỉ biết tự giác không biết giác tha. Như chúng tôi đã phân tích trong lời giới thiệu bản dịch tập “Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa.” Chúng ta đừng có mắc bẫy các vị Bà La Môn Ấn Độ giáo tìm cách gán cho chữ “Tiểu Thừa” để loại ra ngoài những lời Phật dạy căn bản, như một số phật tử Đại thừa đã bị mê hoặc, không dám đọc những lời Phật vì bị gán nhãn hiệu Tiểu Thừa.
Bên phái Nam tông, tuy tôn thờ Tam tạng Pàli, nhưng một số phật tử cũng rơi vào nạn tương tự, là chỉ học luật tạng và A Ty Đàm tạng, bỏ rơi Kinh tạng Pàli, vì xem A Ty Đàm tạng mới đề cập đến Đệ Nhất Nghĩa Đế, còn kinh tạng chỉ bàn đến Tục Đế mà thôi. Đây cũng là một lầm lạc hết sức ngây thơ và nguy hiểm. Vì A Ty Đàm phát xuất từ kinh tạng, và bỏ để tìm ngọn thì không khác gì kẻ đi tìm lõi cây, mà chỉ mang về cành lá.
Thật sự đạo Phật đâu có phân biệt Tiểu Thừa và Đại Thừa, đâu có chia đôi Chân đế, Tục đế. Những sự phân chia này chỉ là hậu tác phẩm, hoặc của giáo sĩ Bà La Môn mang danh phật tử muốn loại bỏ những gì tinh túy nhất của đạo Phật không cho phật tử học và tu, hay của một số đệ tử Phật muốn làm Tổ sư một giáo phái nên đề xướng các chủ thuyết lấn át những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật.
Thật sự chúng ta chỉ có một trách nhiệm tìm đọc và tìm hiểu những lời dạy thật sự là những lời dạy của Đức Phật, và vì trách nhiệm ấy mà chúng tôi đang cố gắng phiên dịch kinh tạng Pàli ra Việt ngữ. Chúng ta chỉ cần đọc, cần suy tư chín chắn và rồi chính chúng ta tự ý thức đâu là những lời dạy trung thực của đức Bổn Sư chúng ta.
Đây là sự đóng góp của Viện Đại học Vạn Hạnh vào nền văn hóa Phật giáo bằng cách giới thiệu một cách đầy đủ và trung thực những tài liệu tiếng Việt quý báu nhất về kinh tạng Pàli, vừa cho các phật tử tìm hiểu, thực hành và thực chứng, vừa giúp các học giả Phật giáo có những tài liệu tham khảo khá đầy đủ và trung thực.
Viện Đại học Vạn Hạnh là môi trường đầu tiên nếu không phải là độc nhất, đã cố gắng giới thiệu kinh tạng Pàli cho phật tử Việt Nam, học giả Việt Nam, dân chúng Việt Nam.
Viện Đại học Vạn Hạnh cũng đi tiên phong mở đường cho một cao trào nghiên cứu đi thẳng vào lời dạy nguyên thủy của Đức Phật, khỏi bị những lệch lạc của học phái hay của Bà La Môn giáo. Điều quan trọng hơn nữa, Viện Đại Học Vạn Hạnh khuyến khích các học giả và các phật tử tự mình mở mắt tìm hiểu, suy tư đối chiếu, không có nhắm mắt tin theo, không có thụ động chấp nhận, trái lại phải biết thâu hóa, so sánh, để làm sáng tỏ những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật.”…
2) Lời Giới Thiệu Kinh Trung Bộ (Trong Bản In Năm 1986):
“Gần chúng ta hơn, Kinh Trung Bộ này đã nằm trong chương trình học của Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, và Tăng Ni Sinh cần có Kinh sách để học hỏi nghiên cứu, cho nên cho in lại Kinh Trung Bộ là đáp ứng nhu cầu cấp bách này. Ngoài ra Kinh Trung Bộ đang được nhiều nhà học giả, nhiều Phật tử nghiên cứu và tìm hiểu, vì chúng ta có thể nói Kinh Trung Bộ không những là cốt lõi trong Kinh Tạng Pàli mà còn diễn đạt rất súc tích và đầy đủ những định nghĩa căn bản các danh từ đạo Phật và còn diễn đạt rất phong phú và đa dạng những pháp môn tu tập đưa đến Niết bàn. Chưa học Kinh Trung Bộ là chưa nắm được tinh hoa của Ðạo Phật nguyên thủy. Chưa nghiên cứu Kinh Trung Bộ rất có thể rơi vào những lệch lạc định nghĩa các danh từ chuyên môn trong đạo Phật mà Ðức Phật đã dày công định nghĩa, mỗi khi Ngài thuyết giảng giáo lý của Ngài.
Chúng tôi chỉ có thể nói một cách vắn tắt là Kinh Trung Bộ đặt nặng về phần Chánh Tri Kiến và các phương pháp tu hành, nhất là những tiến trình tu chứng đi từ Giới, Ðịnh, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến. Còn Kinh Trường Bộ đặt nặng phần lịch sử, có tánh cách đối ngoại đối với Bà La Môn, du sĩ ngoại đạo, Kỳ na giáo... Tăng Chi Bộ đặt nặng phần phân tích giáo lý theo pháp số từ số 1 đến số 11. Tương Ưng Bộ đặt nặng phần phân tích giáo lý theo đề tài. Còn đọc Kinh Trung Bộ chúng ta đi sâu vào phần giáo lý và phần hành trì, đặt nặng về những phản ứng tâm lý tế nhị của người tu hành khi đạt đến những quả vị tối cao.
Công trình phiên dịch của tôi, một mặt đáp ứng sở nguyện xuất dương tu học của tôi, một mặt xây dựng những tài liệu nghiên cứu đạo Phật cho các Học giả và Phật tử Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên trong trách nhiệm hiện tại của tôi, sự phiên dịch đòi hỏi nhiều cố gắng, nhiều dụng công kiên trì và liên tục, nhưng chúng tôi đã được tưởng thưởng xứng đáng, khi được tận hưởng những Pháp Lạc do Chánh Pháp đem lại trong khi phiên dịch. Pháp Lạc này ẩn chứa trong từng chữ từng câu, tiềm tàng trong từng câu văn giọng nói, và chính Pháp Lạc đã nuôi dưỡng và khích lệ chúng tôi rất nhiều trong công tác phiên dịch này.
Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà La Môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành. Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Những lời ba hoa của Ma Vương, các cuộc đo tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, lời lẽ bập bẹ của những kẻ mới tập tểnh đi vào con đường Triết lý, tất cả cũng chỉ là cuồng vọng đen tối, được ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch.
Có người than kinh Pàli quá dài và có nhiều đoạn trùng điệp. Khi dịch Kinh, bao giờ tôi cũng phải kính trọng nguyên bản, và vì vậy chúng tôi không có thể tự ý lược bỏ những đoạn trùng điệp, dầu rằng nguyên bản Pàli chúng tôi phiên dịch cũng đã lược bỏ khá nhiều. Ðiều chúng ta nên nhớ là phần lớn Kinh điển được kiết tập trong các Ðại hội Kiết tập và đều do chư Tăng tụng đọc lại những đoạn các vị ấy đã ghi nhớ, và lẽ dĩ nhiên khi tụng đọc không bao giờ có chuyện lược bỏ. Lại nữa đức Phật trong khi đi truyền giáo, mỗi Kinh đều được giảng trọn vẹn trong mỗi hoàn cảnh đặc biệt và chư Tăng ghi nhớ lại không bao giờ dám lược bỏ các đoạn đã được nghe. Do đó, có nhiều đoạn trùng điệp, khó lòng lược bỏ cho được. Dầu thế nào, các đoạn trùng điệp vẫn có sự tác dụng cho người đọc, vì không gì tốt đẹp hơn là được nhắc đi nhắc lại nhiều lần những giáo lý quan trọng và những pháp tu căn bản.
Chúng tôi nay chỉ chú trọng phiên dịch, và mong dịch cho được chu toàn và đầy đủ, để làm tài liệu nghiên cứu và tu học cho các Phật tử và Học giả, chưa có một nhận xét, phê bình, so sánh đối chiếu gì. Mỗi bộ Kinh được dịch xong là những nguồn tài liệu văn hóa hết sức phong phú và quý giá cho các Học giả và các Phật tử, và hiện tại sự cố gắng duy nhất của chúng tôi là cung cấp những tài liệu văn hóa ấy. Cho nên, với 5 bộ Kinh Trường Bộ, Kinh Trung Bộ, Kinh Tăng Chi, Kinh Tương Ưng, Kinh Tiểu Bộ, chúng tôi nghĩ là giới thiệu được những tài liệu khá chính xác và đầy đủ để các nhà Học giả, Tăng Ni Phật tử, Sinh viên đi sâu được vào những Giáo lý và Giáo pháp căn bản, thật sự là nguyên thủy của Ðạo Phật.”
Kính thưa quý phật tử! Khi đọc xong tiếng nói của Hoà Thượng Thích Minh Châu, một trong những vị Hoà Thượng danh tiếng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và thế giới, ngài đã dám chỉ thẳng, nói cái sai của Phật giáo hiện giờ để cảnh giác mọi người thì quý phật tử hãy tự suy ngẫm rồi chọn cho mình một con đường đúng chánh pháp của Phật, để xây dựng cho mình một đời sống đạo đức nhân bản – nhân quả, không làm khổ mình khổ người.
Cuối cùng, để thay cho lời kết, Tâm Thuận xin trích dẫn lời di chúc của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã ban bố trước khi ngài diệt độ, và lời di chúc vô giá này sẽ còn sống động mãi cho đến khi con người hết khổ:
“Này Ananda, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng: “Lời nói của bậc Ðạo sư không còn nữa. Chúng ta không có Ðạo sư (giáo chủ)”. Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi.” “Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, Này Ananda là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.” (Kinh Trường Bộ, bài Kinh Đại Niết Bàn).
Xin Kính Chúc Quý Đạo Hữu Thân Tâm Thường Thanh Thản, An Lạc!
Tâm Thuận