Nhưng có những niềm tin gây mê lầm, tội lỗi, gieo tai họa cho
chính những người mang niềm tin đó mà họ không hay không biết, hoặc gieo
tai họa lên nhiều người, nó khiến con người tàn hại lẫn nhau, mất hết
lý trí, khiến con người đánh mất chính mình, lệ thuộc vào những điều
huyền hoặc, không tưởng.
Khi nói đến niềm tin là nói niềm tin về điều gì, chẳng hạn
như tin theo học thuyết, triết thuyết, tin theo tín ngưỡng, tôn giáo,
hoặc một hệ thống tư tưởng, chủ nghĩa nào đó, tin nơi ai hoặc tin nơi
chính bản thân mình (lòng tự tin, tự tín). Tin điều gì có nghĩa là mình
cho điều đó là đúng, là có thật, đặt hoàn toàn hy vọng vào điều đó,
nương tựa nơi điều đó, hướng suy nghĩ và hành động theo điều đó v.v..
Niềm tin rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi con người, tuy nhiên nó
cũng mang lại nhiều tác hại nếu như đó là niềm tin sai lầm, niềm tin
được xây dựng trên cơ sở nhận thức mù quáng, không sáng suốt, thiếu
chánh kiến (sự thấy, biết chơn chánh, đúng đắn phù hợp với chân lý) và
trí tuệ.
Một người bệnh có thể tin rằng mình sẽ khỏi bệnh nếu như gặp thầy hay
thuốc giỏi và bản thân mình có mong muốn được bình phục, biết quan tâm
làm theo những gì vị lương y, bác sĩ hướng dẫn. Sự lạc quan tin tưởng,
niềm tin đặt đúng chỗ (đúng thầy, đúng thuốc) sẽ giúp cho người bệnh có
thêm sức mạnh ý chí làm tăng sức sống, sức đề kháng bệnh tật và sự quyết
tâm điều trị đẩy lùi bệnh tật. Tuy nhiên cũng trong trường hợp đó, nếu
người bệnh không có lòng tin nơi thầy hay thuốc giỏi, không có lòng tin
mình có thể vượt qua bệnh tật, và từ đó không nỗ lực điều trị bệnh theo
hướng dẫn của vị lương y, bác sĩ, như thế thì người bệnh khó có thể đẩy
lùi được bệnh tật. Hoặc tệ hại hơn là người đó có niềm tin sai lầm
(không thấy nguyên nhân của bệnh, không đi đúng hướng điều trị), đặt
lòng tin không đúng chỗ (không đúng thầy, không đúng thuốc). Ví dụ như
ngày xưa, khi y học chưa phát triển, gặp bất cứ bệnh gì người ta cũng
rước thầy pháp về cúng, làm phép để trừ tà, kết quả là nhiều con bệnh đã
mất mạng, bởi vì có trường hợp mời phải những thầy pháp dỏm lừa bịp, và
có trường hợp người bệnh không phải bị trúng tà. Ngày nay cũng vậy, có
nhiều người mắc bệnh tâm thần nhưng người thân không biết cứ ngỡ bị vong
nhập, bị trúng tà (vì biểu hiện của một số dạng bệnh tâm thần có phần
giống như hiện tượng trúng tà), lại quá mê tín nên cứ mời thầy bùa thầy
pháp về làm phép, trấn yểm, cúng vái, cuối cùng thì tiền mất tật mang.
Niềm tin mù quáng, mê lầm có tác hại rất lớn, nó là kết quả của nhận thức cảm tính thiếu lý trí, thiếu trí tuệ sáng suốt.
Ngày xưa ở một số nước có chiến tranh, nhiều tướng soái, nhiều nhà
lãnh đạo chính trị, quân sự đã lợi dụng sự mê tín của người đời, giả
thần giả thánh, tự xưng mình là con trời (thiên tử), hoặc thần tướng
giáng trần, thậm chí xưng mình là Ngọc Hoàng Đại Đế, tự cho việc họ làm
là ý trời (chứ không phải ý của họ), nói như thế để thiên hạ nghe theo
mà về với họ, mà tuân theo hiệu lệnh của họ, phù trợ họ, không dám chống
lại họ; họ ngụy tạo những bằng chứng huyền hoặc để khiến cho mọi người
tin theo. Lịch sử, các truyền thuyết, huyền thoại ghi lại rất nhiều
những hiện tượng này.
Có nhiều đội quân được vẽ bùa, phù chú lên mình, được gieo vào lòng
niềm tin bất bại, đao thương, súng đạn không thể làm hại, nhưng khi ra
chiến trường mới biết mình tin mê lầm, mình chiến đấu bằng ảo tưởng, bởi
vì khi súng đạn bắn vào thì chẳng có bùa hộ mệnh nào bảo hộ được, họ
chết gục trên chiến trận. Có trường hợp người thủ lĩnh lợi dụng niềm tin
mê tín để làm tăng thêm ý chí, sức mạnh chiến đấu của quân đội mình,
nhưng cũng có trường hợp họ cũng có ảo tưởng rằng mình có phép mầu bảo
hộ. Tuy niềm tin đó có làm cho tinh thần chiến đấu, sức mạnh chiến đấu
tăng cao, nhưng hậu quả của nó là làm cho họ chủ quan, khinh suất, không
nhận thấy rõ thực lực của mình và của quân địch, không quan tâm đến
tình hình chiến cuộc, các điều kiện khách quan, từ đó dẫn đến thất bại.
Niềm tin trong tôn giáo, tín ngưỡng cũng vậy. Có những niềm tin giúp
con người hướng đến điều lành điều thiện, mạnh dạn làm các việc có ích
cho cá nhân, cộng đồng xã hội, nhân loại, chúng sinh. Nhưng có những
niềm tin gây mê lầm, tội lỗi, gieo tai họa cho chính những người mang
niềm tin đó mà họ không hay không biết, hoặc gieo tai họa lên nhiều
người, nó khiến con người tàn hại lẫn nhau, mất hết lý trí, khiến con
người đánh mất chính mình, lệ thuộc vào những điều huyền hoặc, không
tưởng, lệ thuộc vào những thế lực siêu hình do con người tưởng tượng ra,
không còn ý chí, không còn tự chủ; khiến con người nô lệ cho vô minh,
dục vọng, làm những chuyện tàn ác, điên rồ mà cho là làm theo chân lý,
làm đúng với lẽ phải, đúng với quy luật vũ trụ. Những niềm tin ngu mê
này đến mức cực đoan sẽ gây ra chiến tranh, kỳ thị tôn giáo, tín ngưỡng,
gây ra thù hằn, oán ghét lẫn nhau. Bởi thế cho nên, đối với vấn đề niềm
tin cần phải hết sức thận trọng.
Khi con người chưa hiểu biết nhiều về thế giới, người ta không có
khả năng lý giải các hiện tượng đời sống, các hiện tượng tự nhiên, cho
nên tin rằng có đấng tạo hóa, có các thần linh sáng tạo ra thế giới,
điều hành thế giới, tưởng tượng ra thần mặt trời, thần mặt trăng, thần
mây, thần mưa, thần gió, thần núi, thần sông, thiên lôi, hà bá v.v.. Bất
cứ điều gì cũng cho là ý trời sắp đặt, họa phước, thành bại, được mất,
cơm ăn áo mặc, hạnh phúc, khổ đau…đều do ông trời và các thần linh ban
cho, nhưng kỳ thực thì con người phải làm mới có ăn, phải lao động sáng
tạo từ đời này sang đời khác mới có được thế giới như ngày nay, chứ
không phải Thượng đế và các thần linh ban cho hay tự dưng mà có. Sự thật
sờ sờ trước mắt, nếu ông trời và các thần linh ban cho thì con người
khỏi phải làm gì cả cũng có cuộc sống tốt, và những ai tin tưởng tuyệt
đối vào ông trời và thần linh đã được bình an, sung sướng, hạnh phúc hơn
những ai không tin. Tuy nhiên không ít người vẫn chấp nhận nô lệ cho
niềm tin mù quáng để rồi đánh mất ý chí, đánh mất niềm tin nơi chính
mình, lệ thuộc thần quyền trong khi thần quyền là không có thật.
Không phải những ai thờ cúng, tín ngưỡng ông trời và các thần linh,
vật linh cũng đều giàu sang, an vui, hạnh phúc. Không phải những ai
không có niềm tin đó cũng nghèo khó, khốn khổ, bất hạnh. Sự thật là thế,
quá rõ ràng nhưng vẫn có người không thấy.
Sự mê tín của con người vẫn không giảm mặc dù xã hội đã tiến bộ
nhiều, thậm chí còn có chiều hướng tăng cao. Những thành phần bất hảo
lợi dụng sự mê tín mà ra sức trục lợi. Mê tín dị đoan, tà thuyết ngoại
đạo nổi lên khắp nơi khiến cho tâm trí con người điên đảo. Ngay cả ở
châu Âu, châu Mỹ, các nước được xem là văn minh tân tiến vẫn đầy dẫy tệ
nạn mê tín dị đoan, các giáo phái cuồng tín lợi dụng sự tự do tín
ngưỡng, tự do tôn giáo mà hoành hành. Còn các nước có truyền thống văn
hóa phương Đông như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Việt Nam v.v.. thì
đi đến đâu cũng thấy có hiện tượng xin bùa xin phép, bói toán, coi tuổi
tác, ngày tháng tốt xấu, ngồi đồng nhập cốt, đi đến đâu cũng thấy cúng
bái xì xụp, cúng ông trời, thần linh, cúng nhà cửa, đất đai, cúng xe cộ,
thuyền bè, cúng trên bờ, dưới sông, cúng người chết, cúng vật linh,
cúng 16, mồng 2, cúng âm binh, cô hồn, có khi cúng ai cũng không biết,
cứ bày nhang đèn, vàng mã, vái lạy bốn phương tám hướng mà cầu sự bình
an, hưng thịnh. Nếu chỉ đặt niềm tin vào sự cầu cúng, trông cậy vào thần
thánh, ma quỷ, không siêng năng cần cù lao động, học tập, trau giồi
kinh nghiệm, hiểu biết, kiến thức chuyên môn thì việc làm ăn, kinh doanh
buôn bán không thể nào phát triển được. Nếu không có nhân phẩm đạo đức
tốt, không có quan niệm, lối sống tích cực thì cuộc sống sẽ bất an, đau
khổ. Không có ông trời, thần linh hay ma quỷ nào che chở, bảo hộ hoặc
ban phước giáng họa cho được.
Ở Việt Nam, từ khi hiện tượng ngoại cảm được giới khoa học công nhận
thì các nhà ngoại cảm rầm rộ nổi lên, thật có, giả có, ảo tưởng mình là
nhà ngoại cảm cũng có. Còn người dân thì tin người cõi âm có thể liên hệ
với người còn sống, có thể tác động, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của
mình, từ đó ra sức cúng bái, cầu khẩn sự gia hộ, giúp đỡ. Nghĩ tưởng đến
những người quá cố, người thân người thương, người có ân nghĩa, công
đức thì tốt, nhưng hướng về người quá cố vì sợ họ làm hại mình hoặc vì
cầu sự chở che, gia hộ thì quả là việc làm mê tín. Trong một số trường
hợp nào đó vong linh người chết có thể liên hệ với người còn sống (trong
điều kiện nhân duyên như thế nào đó, có lẽ có sự tương thích), nhưng
những trường hợp này rất ít, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các
vong linh có thể tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống của người mà họ yêu
thương hoặc oán ghét. Nếu các vong linh tồn tại mãi ở cõi âm mà không
tái sinh vào một cảnh giới nào đó, và họ có thể tác động, ảnh hưởng đến
người còn sống thì thế giới này từ lâu đã không an ổn, đã loạn lên rồi.
Bởi vì trong lịch sử đã có biết bao cuộc chiến tranh diễn ra, thù hận
chất chồng, nếu các vong linh người đã chết có thể tiếp xúc được với kẻ
thù còn sống, có thể làm hại kẻ thù của họ thì những người còn sống đã
sống không yên. Giữa con người với con người, ân oán tình thù đầy dãy,
nếu sau khi chết rồi mà các vong linh có thể can thiệp vào thế giới
người còn sống thì chắc chắn thế giới loài người từ lâu đã rối loạn, đã
xuất hiện nhiều điều kinh khủng, quái dị lắm.
Người nào cũng có tổ tiên, ông bà, người thân quá cố, nhưng nếu chết
rồi mà vong linh những người quá cố còn tồn tại mãi ở cõi âm nào đó và
có thể tiếp xúc, can thiệp vào cuộc sống của con cháu mình, anh em, bạn
bè mình, nếu họ có thể giúp cho những người đó được bình an, được sang
giàu, được may mắn, hạnh phúc thì trên thế gian không ai gặp rủi ro, bất
hạnh, khổ đau cả, bởi vì ai cũng có người thân quá cố chở che, phù hộ.
Nhưng sự thật thì không phải thế, sống trên đời ai cũng gặp khó khăn cả,
không gặp khó khăn này cũng gặp khó khăn khác, không gặp nỗi khổ này
cũng gặp nỗi khổ khác, không ai khỏe mạnh mãi mà không ốm đau, không ai
luôn may mắn mà chưa từng gặp rủi ro bất trắc, không ai thành công mà
chưa một lần thất bại; thế gian vẫn có kẻ giàu người nghèo, kẻ sung
sướng người khốn khổ v.v.. Vậy rõ là những vong linh người chết không
thể can dự vào cuộc sống của người trên dương thế (tạm dùng từ này cho
dân gian dễ hiểu).
Từ ngàn xưa các vị vua chúa đế vương sau khi chết, thi hài họ được
chôn cùng với những người thân người thương như vợ con và cung tần mỹ
nữ, chôn sống kẻ hầu người hạ, binh tướng để xuống cõi âm phụng sự cho
họ. Tục lệ tàn ác đầy mê tín này gọi là tuẫn táng. Nhưng họ có tồn tại ở
một cõi âm nào đó hay đã tái sinh? Đời sống của họ sau khi chết như thế
nào? Điều đó không ai biết cả. Không có vong linh vị vua nào có thế
lực, quyền năng can dự vào cuộc sống trên dương gian, bằng chứng là các
thế hệ con cháu của họ không giữ được cơ nghiệp, ngai vàng của họ, nếu
họ còn tồn tại ở một cõi âm nào đó thì họ cũng đành nhỏ lệ xót thương
chứ không làm sao giúp được. Chẳng hạn như Tần Thủy Hoàng đã khổ công
thống nhất Trung Hoa, gồm thâu sáu nước, nhưng sau khi chết rồi thì cơ
nghiệp rơi vào tay người khác, con ông là Tần Nhị Thế (Tần Hồ Hợi) không
có khả năng gìn giữ. Chỉ trong một thời gian ngắn, đế chế nhà Tần sụp
đổ bởi các cuộc khởi nghĩa và chư hầu cũ thời Chiến Quốc nổi lên khắp
nơi, chẳng bao lâu nhà Hán lên thay nhà Tần.
Con người sống không thể không có niềm tin, nhưng niềm tin đó phải
được xây dựng trên cơ sở nhận thức chơn chánh, đúng đắn, có chiều hướng
tích cực, phù hợp với quy luật cuộc sống. Nếu niềm tin gây tác hại, ảnh
hưởng xấu đối với cá nhân và xã hội, làm trở ngại cho sự phát triển,
tiến bộ của xã hội, gieo bất an, khổ não cho con người, thì tuyệt nhiên
đó không phải là niềm tin chơn chánh, tốt đẹp, có ý nghĩa, giá trị.