Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Cuộc đời có mặt để thay đổi ta
14/05/2012 08:04 (GMT+7)

 Chiếc xe lửa đang chạy từ đông sang tây, ta muốn quay trở lại để đi từ tây sang đông.  Ta nghĩ rằng nếu như hạnh phúc không có ở con đường sang hướng tây, thì có lẽ nó sẽ có mặt ở con đường sang hướng đông.

Nhưng bạn biết không, thật ra nếu như ta vẫn đi trên cùng một con đường ấy thì tôi nghĩ hướng nào ta đi cũng sẽ chỉ vậy thôi.  Chuyến xe cũng sẽ chạy trên cùng một con đường rầy ấy, cũng vẫn bao nhiêu những dao động ấy, những nghiêng ngả ấy, những dằn vật ấy.  Và trong cuộc sống cũng thế, có những lúc ta cảm thấy hướng mình đi có nhiều muộn phiền, ta muốn đổi một hướng khác.  Nhưng nếu con đường ta đi cũng vẫn được bẻ lái theo những mong cầu, thương ghét, buồn giận xưa cũ, thì tôi nghĩ hướng nào ta về cũng sẽ vậy thôi.

Có lẽ cách hay nhất là ta hãy dừng lại và bước xuống khỏi con đường rầy ấy.

Dưới cây hồng táo

Giáo pháp của Phật còn được định nghĩa là Ehipassiko có nghĩa là quay lại để thấy.  Tôi nghĩ quay lại không phải chỉ đơn giản là đổi một hướng đi, mà còn có nghĩa là ta hãy biết dừng lại.  Dừng lại để mình không còn bị tiếp tục lao theo con đường rầy xưa cũ, và ý thức được những gì đang thật sự xảy ra.  Dừng lại cũng có nghĩa là ta có mặt trọn vẹn để thấy rõ được những ham muốn, ghét bỏ của mình, chúng là những phản ứng và sai xử của các tập quán, thói quen xưa cũ, mà đã tạo nên những khổ đau của ta.

Chúng ta đâu thể nào tiếp xúc được với sự trong sáng tự nhiên của giờ phút hiện tại, nếu như ta vẫn còn có một sự ghét bỏ hay tìm cầu nào khác, cho dù đó là trong đời sống hay trên con đường tu học của mình.  Thiền sư Tăng Xán nói Đạo lớn không khó, chỉ cần chúng ta bớt đi những lựa chọn và thương ghét của mình, thì cuộc sống này sẽ tự nhiên trong sáng.

Tôi nhớ câu chuyện về đức Phật trong thời gian ngài còn đang trên con đường tìm đạo.  Trước khi giác ngộ dưới cội bồ đề, Phật đã có thời gian đi theo con đường khổ hạnh.  Ngài nhịn ăn, nhịn uống, không ngủ, thân ngài chỉ còn da bọc xương mà thôi.  Cho đến một hôm, quá đuối sức, Phật tự nghĩ, "Nếu mà những bậc tu sĩ khác có thực tập khổ hạnh thì cũng chỉ đến mức này mà thôi!  Nhưng tại sao ta vẫn không cảm thấy chút gì là giác ngộ, hay được giải thoát!  Phải có một con đường nào khác nữa chứ!"  Lúc đó Phật chợt nhớ lại ngày xưa khi còn nhỏ là một thái tử, có một lần được theo Vua cha ra ngoài thành, đến một miền đồng quê.  Trong khi Vua cha đang quan sát người khác làm việc, thái tử tìm đến dưới gốc một cây hồng táo ngồi lặng yên.  Bỗng nhiên, khi đó tâm ngài trở nên rất tĩnh lặng.  Thái tử nhập được vào sơ định, và cảm thấy bên trong mình có một niềm hỷ lạc rất sâu sắc. 

Niềm vui ấy không hề xuất phát từ bất cứ một sự tìm cầu hay thành đạt nào.  Nó có mặt ngay bên trong, với một tâm tĩnh lặng.  Nhưng trên con đường tìm kiếm và tu tập khổ hạnh, Phật đã vô tình đánh mất đi cái hạnh phúc ban đầu đó.  Một hạnh phúc rất đơn sơ và tự nhiên khi ta không có một sự tìm cầu nào nữa.

Trên con đường tu học đôi khi chúng ta cũng muốn đi tìm một cái gì đó, một pháp môn cao siêu nào, một phương pháp thiện xảo nào để giúp cho cuộc đời… nhưng nếu như ta không nhìn thấy rõ được mình, thì những gì ta làm có chắc sẽ thật sự mang lại được hạnh phúc nào cho ai.

Cuộc đời có mặt để thay đổi ta

Có lần một thiền sinh hỏi Kyodo Roshi, "Thưa thầy, làm thế nào để cho sự tu tập của con được sâu sắc thêm hơn?"  Ông ta cười to rồi đáp, "Sâu sắc thêm hơn?  Thiền tập chỉ có một tầng lớp mà thôi.  Con đừng nên có cố gắng để làm 'sâu sắc' thêm hơn làm gì!" Có lẽ ý ông muốn nói rằng, những cố gắng của mình có thể vô tình lại chỉ tạo thêm một cái Ta khổ đau khác mà thôi.  Chúng ta không thể tiếp xúc với hiện tại bằng một sự tập luyện hay cố gắng nào hết, nhưng bằng một thái độ buông thả tự nhiên, cho phép và quan sát những gì đang có mặt.

Sự có mặt đòi hỏi một thái độ cởi mở và tiếp nhận.  Chúng ta không thể nào vừa có mặt với hiện tại mà cũng lại vừa có một ý muốn làm cho nó khác đi, vì khi ta cố gắng thay đổi thực tại, là ta không cho phép thực tại có mặt.

       Ngài Shantideva của thế kỷ thứ 8 có nói, “Chúng ta có mặt ở nơi này không phải để thay đổi cuộc đời; mà cuộc đời có mặt để chuyển đổi ta.”  We are not here to change the world; the world is here to change us.  Khi ta có thể mở lòng ra với thực tại, những khổ đau có mặt sẽ giúp cho ta thấy được những dính mắc của mình, và chúng cũng giúp ta buông bỏ để trở lại sự trong sáng của mình.  Thật ra chính những dằn vật trên con đường ta đi giúp cho ta thấy được những gì mình cần phải buông xả.

Đầu sào trăm trượng

Trong nhà Thiền có đưa ra hình ảnh của một người đang đứng trên đầu sào trăm trượng và bước tới thêm một bước nữa.

Bách trượng can đầu tu tấn bộ

Thập phương thế giới thị toàn thân

          Đầu sào trăm thước thêm một bước

Mười phương thế giới hiện toàn thân

Ta đừng ngồi yên mãi trên một chuyến xe chạy tới lui trên một con đường rầy xưa cũ.  Hãy bước xuống đi thôi.  Nếu như trong cuộc sống mà ta không còn có những chọn lựa và thương ghét nữa thì cuộc sống này sẽ ra sao bạn hả?  Tất cả có xụp đổ hết chăng?   Như người đứng trên đầu sào trăm trượng và bước thêm một bước nữa…

Và bạn biết không, tôi nghĩ nếu như ta có rơi ngã thì thực tại này sẽ hứng đở mình.  Đó là một nụ cười của người thân, một chiếc lá trong nắng, một lời chào hỏi, một giọt mưa trên con đường sỏi nhỏ, một bước chân tự tại…  là những gì đang thật sự có mặt trong giờ phút này.  Nếu có sụp đổ chăng thì đó có lẽ là một cái ta ảo tưởng của mình, và rồi có thể chăng, thế giới này sẽ hiển lộ được toàn chân…

Nguyễn Duy Nhiên

 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang