Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
đi chùa
27/04/2011 11:38 (GMT+7)

Đời chỉ là bể khổ trầm luân huyễn mộng. Xác thân là con đường tuột dốc đưa người vào cõi trầm luân huyễn mộng đó, và tâm lý chỉ là một con ngựa hoang, một thầy dùi sát chủ. Kinh sách và những bài thuyết pháp cũng không ngừng nhắc đến những gánh nặng hắc ám đang đeo cứng mỗi người như lục căn, lục dục, lục trần, lục cấu, ngũ trần, ngũ trược, nhị chướng, sân độc v.v... và v.v... trong khi con đường tu thì vời vợi gian nan hiểm hóc đầy cạm bẫy. Kinh sách cũng nói đó là những điều do chính mình tự tạo ra vì ngu dốt yếu đuối thiếu kiên nhẫn. Có thật như thế không?

Thoạt sinh ra miệng đà khóc chéo

Trần có vui sao chẳng cười khì?

Thiên hạ nói như thế chứ không phải tôi. Nhưng mặt khác tôi đâu có lựa chọn ra đời. Cha mẹ tôi yêu nhau đâu có hỏi tôi, và đến phiên tôi yêu, tôi cũng không hề hỏi ý kiến đứa con tương lai của tôi. Tôi ý thức được đời tôi thì đời tôi đã sờ sờ ra đó, và tôi phải ca na cúp núp gìn giữ đời sống đó như một tên trọng tội suốt đời mang gông. Tôi đã tự ý làm gì mà phải suốt đời mang gông? Con tôi đã làm gì để phải mang lấy cùm gông hình hài do tôi tạo ra? Hóa ra đời chỉ là một chuỗi dài bất công vô tận như thế hay sao? Phật giáo giúp gì cho tôi để giải tỏa nỗi bất công này?

Xác thân là huyễn mộng, là bẫy sập trầm luân, là kết hợp mong manh của tứ đại đang suy phai mục nát từng giờ từng phút, đành là thế nhưng không ăn thì đói, không uống thì khát, không mặc thì lạnh, không che thì nóng, chưa kể trăm ngàn thứ bệnh, thứ khổ. “Tôi”, nghĩa là ý chí của tôi, có thể chấp nhận thử thách những điều ấy, nhưng xác thân tôi thì khó lắm. Mà xác thân tôi đã làm khó dễ thì “tôi” cũng khó mà yên. Yên để mà sống, khoan nói là yên để mà tu hành, nói gì yên để mà giác than. Phật giáo giúp gì cho tôi trong việc này?

Tiền bạc như bụi đất giơ bẩn, hết qua tay này đến vào tay khác. Đúng như vậy. Nhưng còn tiền ăn, tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại và trăm thứ tiền lỉnh kỉnh khác không trả không xong, không có không được, đào đâu ra đây? Chỉ còn đường phải đi “cày”, không kiếm ra nơi để cày thì phải định kỳ ra phòng xã hội, phòng nhân dụng để bị người ta học hỏi. Phật giáo giúp gì tôi khi tôi phải lụy vì tiền bạc như thế?

Tôi bỏ nước ra đi như một tên tội đồ, phất phơ xứ người mà lòng không khỏi nhớ nhà nhớ quê nhớ bạn bè làng xóm cha mẹ anh em, những nỗi nhớ thương tái tê đau xót. Nhưng rồi tôi có chọn làm dân Việt, tôi nào có chọn để sinh ra trong một xứ sở chinh chiến hận thù ngót ba mươi năm. Chịu đựng đã đời cho đến ngày tàng chiến cuộc, tôi lại phải cúi đầu ra đi như một kẻ bị quê hương ruồng bỏ. Tôi đâu có muốn như vây. Phật giáo giúp gì tôi khi tôi phải trải qua những u hoài viễn xứ này?

Tôi đến quê hương tạm dung này như một thuyền nhân, một dân tỵ nạn, nghĩa là một tên tù chính trị tình nguyện biệt xứ. Bởi làm người đã khó, làm người Việt chỉ muốn là người Việt lại còn khó hơn đối với thế hệ chúng tôi. Được định cư nơi đây là một điều có thể yên chí. Về phương diện vật chất, đã hẳn. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, huống nữa xã hội mới này đã bước từ giai đoạn ăn no mặc ấm sang ăn ngon mặc đẹp cả trăm năm nay rồi. Đàng khác, không lo đói lo lạnh, mà cũng khỏi phải lo nửa đêm mật vụ công an tới nhà gõ cửa hốt đi bất tử. Ngày xưa ở nhà, chuyện tù tội là chuyện cơm bữa, nhất là đối với những kẻ mắc bịnh “tám không”, nghĩa là đã không thân, không thế, không quyền, không chế, không tiền mà lại còn không biết nhớ kỹ ba chuyện “bình an hai chữ” là không biết, không thấy, không nghe. Tôi đang sống trong một xã hội mà mọi khía cạnh sinh hoạt, giao tế đều đã được quy định bằng những luật chơi, nếu không hoàn toàn xa lạ với tôi thì tôi cũng đã chỉ biết qua sách vở: luật chơi dân chủ, tự do. Luật chơi này đã điều hòa luân lưu mọi tương giao giữa người với người, người với vật, người với thiên nhiên như đèn xanh đèn đỏ và bảng chỉ dẫn lưu thông đối với những người sử dụng công lộ vậy. Nói thế khác, tôi đang sống trong một xã hội no ấm, an ninh. Nhưng tình cảm an ninh no ấm này có lúc cũng đã không giúp tôi khỏi ngỡ ngàng lao đao choáng váng. Cách ăn ở, tương giao giữa cha mẹ con cái anh em chồng vợ người tình bạn bè thầy trò hàng xóm, lối nhìn về tha nhân, về quá khứ hiện tại tương lai, tương quan giữa cá nhân và xã hội nhân loại thiên nhiên... hầu như tất cả đều mới lạ, đều khác với những gì tôi từng sống, từng bỏ lại đàng sau lúc ra đi.

Trong hoàn cảnh mới này, tôi không khỏi cảm tưởng rằng tình trạng an ninh vật chất càng ổn cố, phình rộng ra bao nhiêu thì tự ngã mỗi người càng co rút lạnh lùng khô cứng trụt trặt bấy nhiêu. Khuôn thước thông dụng nhất để đánh giá mức thành đạt là những con số trong trương mục ngân hàng, là khả năng ăn xài mua sắm vay nợ trả nợ và quịt nợ hợp pháp. Nhà thờ vắng như chùa bà đanh trong khi trường đua ngựa đua chó sân vận động hàng quán bãi biển lại luôn luôn tấp nập. Người ta có thể tiêu hàng ngàn để du lịch, nuôi chó mèo chim chóc, để gặp các nhà tâm lý tâm bệnh, để trả tiền rượu ma túy... nhưng hiếm khi dùng ngần ấy tiền để đi thăm bà con cha mẹ già đang cô cút đâu đó trong các nhà dưỡng lão. Quan hệ yêu thương và gia đình bị chuyển đảo tháo tung. Cuộc sống hình như chỉ còn là một chuyển dịch giữa hai cực làm tiền và tiêu tiền. Điều động và hướng dẫn đà chuyển dịch đó là bộ máy quảng cáo khổng lồ tinh vi trâng tráo lì lợm, xâm nhậm vào từng khía cạnh sinh hoạt của mỗi người từng phút từng giờ. Phật giáo giúp gì tôi trong hoàn cảnh này?

Tôi từ bỏ một hoàn cảnh trong đó biểu tượng của Khổ Đế là bom đạn nghèo đói tù tội hận thù để bước vào một hoàn cảnh thanh bình an ninh phồn thịnh. Nhưng đây vẫn không phải là tây phương cực lạc, bởi Khổ Đế không phải đã biến mất mà chỉ biến tướng thành guồng máy tiêu thụ, thảm họa chiến tranh nguyên tử, nạn ô nhiễm, ung thu, đau tim, hoa liễu, ma túy, nghiện rượu, sát nhân, bạo dâm, loạn luân. Hoàn cảnh mà tôi đã từ bỏ và hoàn cảnh mà tôi đang sống khác nhau một trời một vực. Tôi yên trí mà sống nhưng đồng thời tôi cũng thấy mình lạc lõng nhỏ bé như con vít trong một guồng máy vĩ đại thấp thoáng bóng dáng của đủ loại “anh cả” như đại tài phiệt, chính khách chuyên nghiệp, tay tổ nghiệp đoàn, các ông hoàng bà chúa trong ngành báo chí truyền thanh truyền hình quảng cáo... những người đang điều hòa uốn nắn hướng dẫn nếp sinh hoạt và cảm nghĩ của tôi. Ngày xưa ở nhà dù sống trong cảnh nào đi nữa, quanh tôi vẫn còn cha mẹ anh em bạn bè hàng xóm... giờ thì quanh đi quẩn lại trước sau cũng chỉ mình “ên”. Làm gì đây? Giết thì giờ bằng ăn nhậu mua sắm bằng phim tập bằng những chuyện giựt gân thời sự. Anh hùng của tôi ngày trước là những kẻ biết làm lợi cho đồng bào quê hương; anh hùng anh thư của tôi hôm nay là các ca sĩ các tài tử điện ảnh Hồng Kông, các chân vàng túc cầu các búa tạ quyền anh búa đẽo quần vợt. Tôi cảm thấy thực sự nhỏ bé lạc lõng yếu đuối hẫng hụt. Tôi cảm thấy thương hại chính tôi. Đôi lúc tôi không khỏi mất niềm tin vào tôi, mất niềm tin vào người. Chân thân bản ngã tự ngã dần dần hao mòn héo úa khi tôi quên quá khứ của tôi, quên gia đình bạn bè quê hương xứ sở. Tôi không cảm thấy thuộc về ai nữa, tôi không cảm thấy thuộc về cái gì ngoài tôi, ngoài công việc tôi đang “cày”, ngoài mái nhà tôi đang  trọ và những đồ đạc trong đó, ngoài lợi tức định kỳ. Lạc mất tự ngã rồi thì còn nói gì đến tực giác, đã không tự giác nữa thì còn nói gì đến giải thoát? Phật giáo giúp gì tôi, giúp như thế nào trong hoàn cảnh đó?

Hoàn cảnh mà tôi bỏ lại đàng sau trêm đường vượt biên vời vợi nhục nhằn là một hoàn cảnh đầy hăm dọa và thách thức đó là chiến tranh đói khổ áp bức bất công tham nhũng độc tài. Trong hoàn cảnh đó tôi đã phải lựa chọn, ngay cả lựa chọn không-lựa-chọn-gì-cả hoặc đứng ngoài mọi lựa chọn. Trong hoàn cảnh mới này, dù những nguyên ủy của Khổ Đế kể trên không còn nữa, những đòi hỏi lựa chọn vẫn không hẳn là đã biến mất. Bởi quanh tôi vẫn không thiếu những người đang cổ võ ý thức và hành động để cải thiện hiện tại và cứu vãn tương lai như phong trào chống vũ khí nguyên tử, chống thi đua vũ trang, chống ô nhiễm để bảo vệ môi sinh , chống kỳ thị, chống thuốc lá và rượu, chống bạo hành trong gia đình, các phong trào bảo vệ trẻ con, bảo vệ súc vật, phát triển quyền lợi nghiệp đoàn, quyền lợi sắc tộc... Tôi có thể nhắm mắt làm ngơ, xem đó như những chuyện “ăn no bò cỡi” của thiên hạ và tự đặt mình vào thế kẻ ngoại cuộc? Tôi có thể tham dự vào những chuyện ấy vì những chuyện ấy liên hệ đến hiện tại và tương lai của tôi, của gia đình tôi, của những đồng bào, đồng hương tôi? Phật giáo giúp gì, và giúp như thế nào cho tôi trước những đòi hỏi quyết định đó?

Một hôm, một người bạn ngoại quốc hỏi tôi: Anh theo Thiên Chúa giáo? Tôi trả lời: Không, Phật giáo. Người ấy tò mò: À... Phật tử. Nhưng Phật giáo là gì?

Thú thật, tôi không khỏi đớ lưỡi ra vì câu hỏi đơn sơ ấy. Phật tử là gì? Phật giáo là gì? Tôi chợt nhận ra cảm nghĩ, kinh nghiệm Phật giáo của tôi đến bây giờ thật chẳng khác gì một cành trúc, giỏ lan trồng trong chậu. Ngày xưa ở nhà, câu hỏi “Phật tử là gì? Phật tử là gì?” quả thực nếu không phải là một câu hỏi ngớ ngẩn thì cũng là một lời khiêu khích. Nhưng ở nơi xứ sở mới này thì lại không phải như vậy, ít ra là ở chỗ hàng ngày tôi đang sống trong một hoàn cảnh khác lạ, quanh tôi đa số là những người vừa thiếu tin tưởng vào tín ngưỡng truyền thống của họ, vừa không biết gì về Phật giáo hoặc chỉ biết Phật giáo qua những trình bày không mấy thiện cảm chính xác. Tự giác nhi giác tha: sống với đạo, do đó là cách truyền đạo hay nhất. Nhưng trong hoàn cảnh mới đầy bất định này, điều chỉnh cuộc sống cho thích ứng nhiều lúc tôi còn chưa làm nổi, thì nói gì đến sống đạo và truyền đạo. Phật giáo tiếp tay cho tôi như thế nào đây?

Phật giáo tương tự như một khu rừng tùy duyên tùy phương tiện, người ta có thể đi vào khu rừng đó bằng nhiều ngõ khác nhau để đốn đại thụ, nhặt cành khô, ngắt hoa hàm tiếu, nhặt lá vàng; có người chỉ đi lang thang nhìn trời mây, có người cuốc đất phá rừng, có người lạc bước vô định, có người thích cây thích hoa, nhưng không ra tay và chỉ ngồi chờ kẻ khác đến đốn hái giúp... Tất cả những người đó đều ở trên con đường thành Phật, như ngày xưa Lục Tổ giã gạo gánh nước bửa củi mà thành Phật vậy. Nhưng đời có được mấy Lục Tổ, và trong hoàn cảnh tạm dung này mấy người có được hoàn cảnh sống như Lục Tổ. Hành trình thành Phật muôn vạn nẻo, cách tu có đến “tám vạn bốn ngàn.” Phật bảo mỗi người phải tự thắp đuốc lên mà đi, thế nhưng không phải là không có những kẻ nhờ người khác tu giùm, cúng tiền để cầu phước, dâng hoa để xin lộc, xin chùa tụng Địa Tạng, Pháp Hoa, Di Đà để cầu an cầu siêu. Tương tự như thuê xe hò, để đưa đám, thuê nhà hàng để mừng đám cưới, để ăn mừng thành công. Tương tự như mua pháo cho kẻ khác đốt. Bởi lý, nhất nhất hành vi sống đạo của người Phật tử đều “bị” hồi hướng cho khắp chúng sinh chứ không thể giữ lấy cho riêng mình an nhiên tọa hưởng.

Những thành đạt của Phật giáo Việt Nam trên con đường lưu lạc là một điều đáng suy nghĩ. Trường hợp Phật giáo tại Úc Châu là một thí dụ. Chỉ trong vòng không đầy 10 năm mà 9 cơ sở tôn giáo đã được xây dựng hay trên đường hoàn thành: Phước Huệ, Pháp Bảo ở New South Wales, Pháp hoa ở Nam Úc, Phổ Quang ở Tây Úc, Vạn Hạnh ở Canberra, Pháp Quang ở Queensland, Quang Minh, Hoa Nghiêm và Huệ Nghiêm ở Victoria. Thành quả chật vật éo le đó quả đã nói lên nhu cầu của Phật tử là cấp thiết đến dường nào.

Cuộc sống an lành no đủ, công việc không đến nỗi đầu tắt mặt tối, không  thiếu gì cách vui chơi giái trí, thế mà Phật tử vẫn không quên chùa. Họ đến chùa chỉ để tu hay nhờ tu giùm, hay họ còn đến chùa để vỗ về tâm tư, để mong thỏa mãn những nhu cầu tâm linh và tình cảm mà họ không thể tìm thấy ngoài đời? Họ đến chùa để được tạm thời xa lánh những ràng buộc căng thẳng bận rộn xa lạ của cuộc sống thường nhật? Họ đến chùa để được cảm thấy còn có một chút gì khác hơn đồng tiền miếng cơm manh áo chiếc xe cái nhà để mà vươn tới? Họ đến chùa để được vững bụng với bạn bè mình là người hữu tín, để có căn cơ mà hướng dẫn con em trên con đường đạo hạnh? Họ đến chùa để có dịp nhớ lại mái chùa xưa với bao nhiêu kỷ niệm và, chùa nơi đây là chiếc cầu liên lạc giúp họ chia xẻ những vui buồn sướng khổ, hân hoan nhục nhằn của các Thầy, các bạn tại quê nhà? Họ đến chùa để học hỏi cách thức đóng góp và tự hào với bạn bè ngoại quốc là người Việt vẫn có một chút gì để đóng góp cho quê hương mới này? Họ đến chùa để có dịp nghĩ rằng  mình vẫn là người Việt Nam?

Phật sự tùy thuộc vào cách đặt và trả lời các câu hỏi đó vậy.

Mùa Phật Đản 1989

Hoàng Nguyên Nhuận

http://chuyenluan.net

Các tin đã đăng:
Về đầu trang