Ngày xưa
tôi đọc lịch sử của đức Phật rất thắc mắc về điểm này. Khi Ngài đi tu, trải qua
năm năm tầm đạo, sáu năm khổ hạnh trong rừng già, chịu bao nhiêu khó khổ, cũng
chỉ vì giải quyết vấn đề thoát ly sanh tử cho mình và tất cả chúng sanh. Sau
bốn mươi chín ngày đêm dưới cội Bồ-đề, Ngài giác ngộ viên mãn, thành Phật. Lẽ ra
đạt được mục đích tối hậu ấy xong, đức Phật liền thực hiện chí nguyện độ sanh
ngay, nhưng Ngài lại trù trừ, không muốn đi giáo hóa. Mãi cho đến khi trời Đế
Thích, trời Phạm Thiên xuống đảnh lễ, tha thiết yêu cầu Ngài chỉ dạy chúng
sanh, Ngài bảo: “Ta sợ nói ra, chúng sanh không hiểu”. Bấy giờ chư thiên năm
lần bảy lượt xin Phật lập bày phương tiện để chỉ dạy chúng sanh. Được thế hy
vọng lần lần họ sẽ hiểu. Từ đó đức Phật mới khởi sự đi đến vườn Lộc Uyển thuyết
bài pháp đầu tiên là Tứ đế. Giáo pháp của Như Lai bắt đầu ra đời do nhân duyên
ấy.
Như vậy
pháp Tứ đế là phương tiện độ sanh ban đầu của đức Phật. Thế thì tại sao cái
chân thật cứu kính Ngài thấy được lại không nói, mà phải dùng phương tiện? Tôi
ngờ chỗ này, vì lòng từ bi của Phật tràn trề, những gì thấy được phải nói cho
chúng sanh nghe, chỉ cho chúng sanh hiểu, sao lại không chịu nói thẳng, mà phải
dùng phương tiện nói quanh co? Hay là Ngài đợi nài nỉ, yêu cầu mới thuyết pháp.
Lúc trước tôi đã nghi xấu Phật như vậy đó.
Đến bây giờ
hiểu ra tôi mới nhận được chỗ thâm sâu của đức Phật. Thấy mà nói không được,
hoặc nói người ta không nghe, không hiểu thì làm sao nói! Bởi vậy Ngài trù trừ
không muốn đi, không muốn nói. Đến khi chư thiên yêu cầu tha thiết giáo hóa
chúng sanh, chừng ấy buộc lòng Ngài phải dùng phương tiện.
Thế
nên biết giáo pháp của đức Phật, bắt đầu từ Tứ đế trở đi đều là phương tiện
hết, chớ không phải là chỗ cứu kính. Vì thế sau này Phật nói pháp của Như Lai
như ngón tay chỉ mặt trăng. Mặt trăng là chỗ muốn chỉ, nhưng nếu làm thinh
không dùng phương tiện làm sao người ta thấy, buộc lòng phải dùng ngón tay chỉ.
Ngón tay chỉ mặt trăng, ngón tay là ngón tay, mặt trăng là mặt trăng, chớ ngón
tay không phải là mặt trăng. Nhưng sau này chúng ta lại lầm cho ngón tay là mặt
trăng, nên cứ bám vào chữ nghĩa để tu, không chịu thấy cái Phật muốn chỉ. Đó là
lỗi do kẹt trong phương tiện mà quên chỗ cứu kính.
Như vậy
pháp Tứ đế là phương tiện, nhưng bây giờ được xem như bốn chân lý không thể nào
thay đổi. Khi Phật giảng dạy cho năm anh em ông Kiều Trần Như, Ngài nói Tứ đế.
Một là Khổ đế, đó là lẽ thực không ai chối cãi hết. Khi mới sanh ra khóc oa oa
là khổ, đến lớn lên bệnh đau khổ, đói khát khổ, giàu sang lo giữ gìn khổ, có
địa vị cao sợ mất khổ, ở địa vị thấp bị người hiếp đáp khổ… nói chung cuộc sống
lúc nào cũng đau khổ. Rõ ràng có thân là khổ, không nghi ngờ gì hết. Hai là già
khổ. Đã sanh ra, lớn lên tới một ngày nào đó cũng phải già. Già thì yếu đuối,
lụm cụm đau bệnh hoài, không còn tự tại, không làm chủ được thân nữa. Có thân
mà không làm chủ được nó thì rất khổ. Nên nói già khổ. Ba là bệnh khổ. Không
phải đợi già mới bệnh mà trẻ cũng bệnh. Ai mang bệnh cũng đều rên khổ. Bốn là
chết khổ. Ai trước khi chết cũng giật mình giẫy giụa, thở không được, bứt rứt
đau đớn rất khổ.
Tóm lại bốn
tướng khổ này không ai chối cãi được. Đức Phật dùng phương tiện nói ra lẽ thật
của cuộc đời, của con người cho chúng ta thấy. Khi ta chấp nhận điều này rồi,
Ngài nói đến nguyên nhân có khổ. Đó là từ quả khổ Ngài phăng lần tới nhân, chỉ
ra nỗi khổ kia không phải bỗng nhiên có. Nó từ tập nhân sanh. Tập nhân là gì?
Là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… tất cả các phiền não.
Ví dụ như
tham. Chúng ta có thân là khổ nhưng muốn nó còn hoài, biết ăn cao lương mỹ vị
hay sanh bệnh mà thích ăn ngon, biết đam mê nữ sắc là bệnh hoạn nhưng vẫn cứ
đam mê mãi. Tất cả nỗi khổ trước mắt đều vì tham mà có. Bởi tham nên mới đòi
hỏi, tìm kiếm, giành giựt. Đòi hỏi, tìm kiếm, giành giựt tất nhiên là chuốt đau
khổ cho mình, cho người. Vì nếu tìm kiếm mà bị ai chận đứng hay ngăn đón thì
nổi tức lên, sau đó làm đủ thứ chuyện tàn ác, hung bạo.
Tham sân là
cái khổ nổi dễ thấy. Nhưng sở dĩ có tham vì gốc không biết được lẽ thật. Ví dụ
như tham ăn, ta thích ăn ngon nên cứ tưởng tượng đến món mình thích thì thấy
thèm. Bây giờ nếu chịu khó quán chiếu trở lại, món ăn đó ngon được bao lâu? Chỉ
ở lưỡi một chút, nuốt vô khỏi cổ là hết thấy ngon. Nếu ăn hơi nhiều nhiều, lát
sau ợ ngược, ợ xuôi còn hôi nữa. Như vậy nó có thật đâu. Vậy mà chúng ta hết
thèm cái này, đến thèm cái kia, tại vì cứ ngỡ nó ngon thật, không ngờ bên cạnh
cái ngon có cái không ngon.
Con người
si mê cứ đuổi theo những thỏa mãn tạm thời mà không thấy tai họa lâu dài. Phật
gọi đó là si. Từ si mới có tham, có sân. Nhưng vì tham sân dễ thấy, còn si ngầm
bên trong khó thấy nên ta thường nghe nói tham sân si. Ba thứ này chính là nhân
luân hồi. Tại sao? Vì tham sống nên mất thân này liền tìm thân khác. Do sân nên
tạo nghiệp ác, vay trả trả vay nợ nần liên miên không dứt. Thế nên đời này có
thân, đời sau tiếp tục có thân nữa để đền trả nợ cũ. Vì thế nói tham, sân, si,
mạn, nghi, ác kiến… cho tới những phiền não tế nhị hơn nữa đều là nhân đưa tới
quả khổ.
Bây giờ
muốn tiêu diệt nhân đau khổ đó phải làm sao? Phật nói diệt hết nhân đau khổ thì
quả khổ không còn, đó là Diệt đế. Nhưng muốn diệt nó không phải ngẫu nhiên diệt
được, mà phải có phương pháp tức là Đạo đế. Phương pháp Phật dạy ở đây là ba
mươi bảy phẩm trợ đạo, như Bát chánh đạo v.v… Tu Bát chánh đạo là từ chánh
kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp cho tới chánh định. Chánh định là
sao? Là dứt hết những mầm lăng xăng, lộn xộn trong nội tâm. Tới chánh định là
tới chỗ không còn nghĩ suy, không còn phân biệt, không còn tưởng tượng điên đảo
nữa.
Trong bốn
đế, Khổ đế là quả thực tế chúng ta thấy được. Từ phân biệt quả phăng lần tới
nhân là Tập đế. Biết nhân tạo khổ rồi tìm cách diệt nhân đó là Đạo đế. Nhân đau
khổ đã diệt hết gọi là Diệt đế. Diệt đế là Niết-bàn, bởi nhân đau khổ đã diệt
tức đi tới chánh định, chánh định thì đạt được Niết-bàn.
Như vậy đức
Phật đưa những phương tiện để chúng ta phân tích từ bên ngoài thân đến trong
nội tâm. Thân này khổ là hình tướng bên ngoài, do nhân là nội tâm gây ra. Muốn
diệt nhân ấy phải có phương pháp, đó là phương tiện. Đã dùng phương tiện để tu
thì cũng có quả phương tiện để chứng. Chứng phương tiện là gì? Nếu tu theo pháp
Tứ đế thì chứng từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, rồi qua Không vô
biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi phi tưởng xứ, cuối cùng tới Diệt
tận định, chứng A-la-hán.
Nói theo Tứ
quả Thanh văn thì Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Tu-đà-hoàn còn bảy
phen trở lại thế gian tu nữa mới hết sanh tử. Tư-đà-hàm còn một phen trở lại
nhân gian. A-na-hàm không trở lại nhân gian, mà sanh lên cõi trời tu tiếp, sau
chứng A-la-hán.
Nói theo
thứ bậc Tứ thiền, Sơ thiền gọi là Ly sanh hỷ lạc. Ly là lìa ngũ dục mà được
vui. Nhị thiền gọi là Định sanh hỷ lạc, do tâm được an định, tự nhiên thấy vui.
Tâm yên thấy vui đó là định sanh hỷ lạc. Tiến lên tới Tam thiền gọi là Ly hỷ
diệu lạc. Nghĩa là ta bỏ cái vui của Ly sanh được cái vui của Định sanh, bây
giờ cái vui của định cũng bỏ luôn, chỉ còn niềm vui nhè nhẹ thầm thầm bên trong
gọi là Ly hỷ diệu lạc. Vì vui thô mất đi chỉ còn vui tế nên gọi là diệu lạc.
Tiến lên Tứ thiền gọi là Xả niệm thanh tịnh địa, tức buông niệm. Niệm dấy lên
liền buông, do buông niệm được yên nên gọi là Xả niệm thanh tịnh.
Tu theo thứ
tự từng bậc thì như vậy. Cho nên người tu theo Thiền tông không nói cấp bậc gì
cả, mà nhảy thẳng vào chỗ vô niệm, nghĩa là đi tắt ngang Xả niệm thanh tịnh.
Như thế ngầm hiểu họ cũng trải qua các thứ lớp kia, nhưng không nói từng bậc
chứng đắc. Bởi Phật nói tu Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi
phi tưởng xứ là bốn loại thiền ngoại đạo, nếu không tiến lên Diệt thọ tưởng
định thì không thể nhập Niết-bàn được. Vì vậy Phật khuyên các thầy Tỳ-kheo
không nên đi theo con đường Tứ không, mà ngang tới Tứ thiền tu qua Tứ Diệu đế,
chứng Tứ quả Thanh văn thì tốt hơn.
Nói về Tứ
không, trước tiên là Không vô biên xứ. Đây là do hành giả dùng tưởng trống
không, từ trống không nhỏ tới trống không lớn dần đến vô cùng vô tận, chứng đạt
Không vô biên xứ. Bỏ cái không đó quay lại quán thức phân biệt của mình. Biết
thức phân biệt không có tướng mạo, từ phân biệt thân đến phân biệt tâm, cứ bủa
ra khắp hết vô cùng vô tận, đạt được Thức vô biên xứ. Kế tiếp tưởng thân tâm
không có gì hết, rỗng tếch không chỗ nơi, chứng đạt Vô sở hữu xứ. Dù tưởng rỗng
tếch vẫn còn là tưởng, nên tiến lên Phi tưởng phi phi tưởng, nghĩa là không có
tưởng mà không phải không tưởng. Đến đây không còn tưởng thô, tưởng không,
tưởng thức mà có tưởng vi tế tức tưởng rỗng tếch, còn cái tưởng đó cũng phải
bỏ, mới qua Diệt tận định. Diệt tận định còn gọi là Diệt thọ tưởng định. Thọ
tức là cảm giác của sáu căn đối với sáu trần, tưởng là phần bên trong nội tâm.
Trong nội tâm thì lặng, ngoài đối với sáu trần không dính, tới đây nhập Diệt
thọ tưởng định, chứng vô sanh tức quả A-la-hán.
Tu theo
Thiền tông không mắc kẹt ở Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, mà đi thẳng vào Xả
niệm thanh tịnh. Xả niệm thanh tịnh rồi lại tiếp tục tiến thẳng lên Diệt thọ
tưởng định, chớ không qua Tứ không. Như vậy chỉ một bước buông niệm là thẳng
tới Diệt thọ tưởng định. Đó là tôi đối chiếu giữa Thiền tông với thiền Nguyên
thủy, tu theo Tứ đế.
Trên đường
tu nếu theo cấp bậc thì thấy được quả này, quả kia. Nhưng thấy “được” thì dễ
mắc kẹt trong chứng đắc lắm, chấp bữa nay tôi chứng Sơ thiền rồi, tâm ngã mạn
theo đó phát sanh. Còn tu thấy niệm dấy khởi liền bỏ, không nói chứng thì không
có gì để chấp, nhờ thế tâm ngã mạn không phát sanh. Khi nào các niệm lặng hết,
muôn duyên bên ngoài không dính, nội tâm không kẹt, không động, đó là vô sanh,
không nói Niết-bàn mà đã nhập trong Niết-bàn. Đây là gốc của sự tu.
Thật ra cấp
bậc đều là giả danh, cái hiểu, cái sống thực bên trong mới quan trọng. Phật vì
phương tiện lập ta cấp bậc để chúng ta dễ tu, đó không phải là mục đích cứu
kính. Nhưng vì không hiểu, ta lại chấp phương tiện ấy là chân lý nên không nhận
ra được chỗ chân thật đức Phật muốn chỉ bày. Lại chỗ chân thật ấy không có
tướng mạo nên không thể chỉ thẳng, dùng ngôn ngữ người ta càng không biết, do
đó buộc lòng đức Phật phải dùng phương tiện nói quanh co. Ai nhận được thì tu
đúng với tông chỉ của Phật, đạt được kết quả viên mãn.
Thế nên
phương tiện chỉ giúp chúng ta trong một giai đoạn nào thôi, phải cố gắng tiến
lên nữa, đừng để mắc kẹt trong phương tiện. Nếu chúng ta còn kẹt nơi chứng đắc
là còn toan tính, còn trông đợi. Mà toan tính trông đợi thì tâm làm sao yên. Đi
tới cứu kính thì phải hoàn toàn vắng lặng mọi suy tư phân biệt, tâm lặng lẽ
thanh tịnh mới thể nhập được chỗ chân thật bất sanh bất diệt.
Trở lại vấn
đề của đức Phật. Khi nhận ra được cái chân thật ai cũng có sẵn nhưng vì quên
nên chúng sanh mãi chìm đắm trong sanh tử, đức Phật không biết nói sao cho
chúng sanh hiểu. Cho nên Ngài do dự chần chừ chưa muốn nói, sợ họ không tin.
Như nói thân này giả, thế gian có chấp nhận đâu, họ còn cười nữa là khác. Như
vậy làm sao giáo hóa? Thật là khó. Vì vậy Phật mới nghĩ ra Tứ đế, chỉ cho thấy
thân này có một, hai, ba, bốn thứ khổ. Chúng sanh tin rồi mới dẫn lần lần đi
tới chỗ thân không thật. Nên giáo pháp là phương tiện, là ngón tay chỉ mặt
trăng thôi.
Trải qua
bao nhiêu năm trời dẫn chúng sanh đi trong phương tiện, sau khi họ đã thuần
thục, đức Phật mới nói thẳng phương tiện ấy không thật, cái thật ở chỗ này nè.
Giống như ngón tay không phải mặt trăng, nhưng vì muốn thấy mặt trăng phải
nương ngón tay, song nhớ đừng chấp ngón tay là mặt trăng.
Khi nhận
thấy căn cơ của một ít đồ đệ đã chín mùi, một hôm trên hội Linh Sơn đức Phật
họp tất cả chư Tăng lại, Ngài thăng tòa không nói gì, chỉ cầm cành hoa sen đưa
lên, rồi nhìn từng người xem ai hiểu điều mình muốn nói. Nhìn tới ngài Ca Diếp,
thấy Ca Diếp mỉm cười, Phật rất vui. Đây thật là người đã chín mùi, đã hiểu
được, đã thấm được. Vì thế sau này các Tổ thường dùng câu “bốn mắt nhìn nhau”,
nguyên văn chữ Hán là tứ mục tương cố.
Khi Phật
đưa cành hoa sen lên, rồi nhìn khắp một lượt hội chúng, ai cũng ngơ ngác. Đến
ngài Ca Diếp, hai thầy trò bốn mắt nhìn nhau thông cảm nên Tôn giả mỉm cười.
Như vậy tứ mục tương cố để chỉ cái gì? Điều này trong nhà Thiền gọi là bí mật
không thể nói được. Nhưng thật ra đâu phải bí mật gì, chẳng qua mở miệng thì
sai nên làm thinh vậy thôi.
Phật đưa
hoa sen lên là gợi cho hội chúng khởi chú tâm nhìn hoa sen. Bấy giờ Thế Tôn xem
xét trong hàng đệ tử thấy mọi người không biết gì hết, tất cả đều nhìn chăm
chăm vào hoa sen. Riêng ngài Ca Diếp khi thấy hoa sen, cùng lúc bắt gặp ánh mắt
của Phật chạm tới, Ngài liền cười, Phật vui lên liền và ấn chứng cho ngài Ca
Diếp. Đó là thông cảm. Như vậy mắt Phật nhìn, mắt ngài Ca Diếp nhìn, bốn mắt
gặp nhau hiểu nhau nên mới mỉm cười. Như vậy Phật muốn chỉ cái gì? Đây là vấn
đề hết sức sâu thẳm mà cũng hết sức giản đơn.
Như tôi đã
nói khi tất cả các niệm diệt hết là chứng diệt tận định. Nếu trong tâm an định
rồi, hành giả nhìn thấy sự vật bên ngoài có dấy niệm không? Không dấy. Bên
trong lặng thì đối với cảnh bên ngoài cũng lặng. Trong lặng, ngoài lặng lúc này
còn cái gì? Chỉ một cái trong lặng. Tôi thường nói như quí vị ngồi năm ba phút
không một ý nghĩ nào dấy lên, lúc đó có biết không? Biết rõ ràng. Tiếng chim
kêu mình nghe, bóng người đi mình thấy. Thấy biết rành rẽ cái nào ra cái ấy,
biết mà không dấy động, lặng yên hằng tri giác. Cái biết đó không động cũng
không có tướng nên nó không sanh diệt.
Nhưng chúng
ta có bệnh vừa thấy thì phân biệt tốt xấu, vừa nghe thì phân biệt hay dở, rồi
quên cái thấy nghe ban đầu của mình. Nắm bắt theo sắc tướng âm thanh bên ngoài
thành ra điên đảo. Hiện giờ ai không có cái biết hiện tiền ấy? Thấy tức là
biết, biết tức là tâm. Như vậy khi ở trong lặng được vọng tưởng rồi, bên ngoài
đối duyên xúc cảnh, sáu căn không bị dính kẹt với sáu trần, lúc đó ta là Phật
hiện tiền chớ còn gì nữa! Nhưng nói thế thiên hạ không chịu đâu, phải có hào
quang, có hoa sen hiện ở trên trời, trên mây mới được.
Cái biết rõ
ràng nơi mắt, đó là cái thật của mình mà chúng ta coi thường, không chịu nhận.
Nhìn cây tùng nói nó dáng con gì, vật gì thì thích lắm, chớ nói cây tùng là cây
tùng thì không chịu. Phật nói chúng sanh điên đảo là vì vậy, không bao giờ chấp
nhận sự thật, chấp nhận sự hiện hữu của mình và muôn vật đúng ở vị trí của mỗi
thứ.
Trong hội
Linh Sơn, đức Phật đưa cành hoa lên là muốn chỉ cái Ngài đã ấp ủ từ trước tới
giờ, đó chính là tâm hiện tiền chân thật đầy đủ nơi mỗi người, là tánh thấy
tánh nghe hằng tri hằng giác. Mọi người đều có tánh thấy, tánh nghe, tánh biết
mà không chịu nhận, cứ chạy theo những thứ giả tạm bên ngoài. Phật muốn chỉ
thẳng nhưng không làm sao chỉ được, buộc lòng phải nói quanh co, đủ thứ phương
tiện. Chờ đến nhân duyên chín mùi Ngài mới chỉ thẳng bằng cách đưa cành hoa
lên. Ở đây đức Phật cốt làm cho hội chúng nhận ra tánh thấy hằng hữu nơi mình,
nhưng tất cả đều ngẩn ngơ chứng tỏ không biết gì. Tới ngài Ca Diếp nhìn thấy
liền cười vì Ngài nhận biết chỗ Phật muốn chỉ, đó là Ngài đã ngộ nên được đức
Thế Tôn ấn chứng.
Qua câu
chuyện trên, chúng ta thấy Phật đã cố gắng chỉ cái chân thật cho mình, chớ
không muốn che giấu làm gì. Nhưng vì ta không lãnh hội thôi, cứ theo kinh mà
hiểu, kẹt trong văn tự chữ nghĩa nên không thấy được cái sâu kín bên trong. Sau
khi Phật nhập Niết-bàn rồi, tôn giả A-nan hỏi ngài Ca Diếp:
- Thưa sư
huynh, đức Thế Tôn truyền y kim lang cho sư huynh, ngoài ra còn có truyền cái
gì khác không?
Ngài Ca
Diếp kêu:
- A-nan.
Ngài A-nan
ứng thinh:
- Dạ.
Ngài Ca
Diếp bảo:
- Cây phướn
trước chùa ngã.
Nhưng thật
ra lúc ấy cây phướn có ngã đâu. Như vậy mới biết rằng trọng tâm là vừa kêu liền
ứng thinh dạ, đó là tánh nghe hằng hữu. Cái biết từ lỗ tai không có suy nghĩ,
nghe kêu thì lên tiếng, chứng tỏ cái biết ấy luôn sẵn nơi ta. Đó là ngài Ca
Diếp đã trả lời cái đức Phật truyền cho mình rồi, ngay đó ngài A-nan liền nhận
được.
Người xưa
có cố tình giấu giếm mình gì đâu, chỉ vì không nói được. Bởi nói ra là trật,
chỉ còn thuật kêu thôi. Khi ngài ca Diếp kêu, A-nan ứng thinh “dạ”, cả hai bên
đều không khởi suy nghĩ mà nghe biết rõ ràng, hiện tiền nơi sáu căn của chúng
ta. Đó là điều cốt tủy đức Phật đã để lại và chư Tổ tiếp nối truyền trao cho
đến ngày nay.
Chúng ta
thấy từ Phật tới Tổ Ca Diếp chỉ truyền một thứ, không có khác. Nếu khác chăng
thì ở mắt hoặc tai thôi, chớ không có hai pháp. Các Ngài cố chỉ cái biết thật
của mình, còn cái biết hơn thua, phải quấy là cái biết của thế gian không thật,
biết qua bóng dáng vô thường. Cái biết thật là biết trực tiếp không qua hình
ảnh ngôn ngữ nào hết. Đó là chỗ thiết yếu chư Phật Tổ đã truyền lại cho chúng
ta.
Thế thì chỉ
“cái đó” gần hay xa, có quyền bí gì không? Các Ngài chỉ ra một cái thực tế sẵn
nơi mình mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi, nên không ai dám nhận “cái đó”
của mình hết. Đó là giai đoạn đầu từ Phật tới Tổ. Qua giai đoạn kế là các Tổ
sau này truyền thừa cho nhau, đi quanh co đến đâu rồi cũng trở về chỗ đó.
Tổ thứ ba
là Tổ Tăng Xán. Ngài có làm bài “Tín tâm minh”. Mở đầu thế này:
Đại đạo vô nan,
Duy hiềm giản trạch
Bao nhiêu
đó thôi đã nói hết rồi. Đạo ở đây là lấy từ của bên Lão giáo. Lão giáo nói đạo
là chỗ không còn ngôn thuyết, không còn nói năng, là chân lý tuyệt đối. Như vậy
chân lý cuối cùng chúng ta gọi là đại đạo. Đại đạo không khó, mà khó là tại
giản trạch, phân biệt. Cứ nghe gọi trực tiếp trả lời, đưa cái gì lên trực tiếp
thấy, đó là đại đạo. Còn bước qua cái suy nghĩ thứ hai thì mất đại đạo. Bởi vậy
có người hỏi ngài Triệu Châu: “Thế nào là đại đạo? Ngài trả lời: “Đại đạo là
con đường cái”. Đại đạo ở ngay trước mắt không chịu hỏi, tức nhiên phải chỉ
đường cái ngoài kia. Người sau cứ như vậy mà mò nên mò không ra.
Đến ngài
Triệu Châu hỏi ngài Nam Tuyền: “Thế nào là đạo?” Ngài Nam Tuyền đáp: “Bình
thường tâm thị đạo”, tức tâm bình thường là đạo. Tâm bình thường là sao? Chúng
ta có tâm bình thường không? Có mà không biết giữ nên thành không. Vậy tâm bình
thường là tâm gì? Là tâm không nghĩ thiện, không nghĩ ác, không nghĩ phải, không
nghĩ quấy… tất cả cái nghĩ hai bên đều không có. Thế thì hiện giờ chúng ta có
tâm đó không? Ai cũng thừa nhận có mà không sống được với nó vì bỏ quên lâu
quá, bây giờ không nhận ra nữa. Bởi vậy tôi nói chúng ta là những kẻ rất phủ
phàng, rất tệ bạc. Phũ phàng ai? Phũ phàng mình. Cứ xách gói đi đầu này học
đạo, đầu kia học đạo, cầu khẩn lạy lục muốn u đầu sức trán mà tìm vẫn không ra.
Nghe chỗ nào linh thiêng liền chạy đến, rốt cuộc cái sẵn có bên mình lại quên,
không phũ phàng là gì?
Chúng ta
thường gọi những người điên là bất bình thường. Bây giờ tâm mình đang bình
thường, tự nhiên khởi nghĩ lăng xăng là bất bình thường, như vậy mình có điên
không? Bởi vậy Phật nói chúng sanh điên đảo. Rõ ràng đang sống bình thường bỗng
dấy niệm chạy tứ tung, rồi kềm đè. Khổ chưa? Chúng ta tu mà không chịu sống với
tâm bình thường, nên trở thành điên đảo, nhưng ai nói ta điên thì tức lộn ngược
lên. Thế là điên lại càng điên.
Phật đã chỉ
rõ ràng tâm bình thường là đạo, nhưng chúng ta chạy tìm cuốn kinh này, quyển
luận kia đọc đau cả đầu, suy nghĩ nát óc. Đọc hết ba tạng kinh rốt cuộc rối ren
thêm nhiều, chớ không nhận được cái bình thường. Tâm bình thường là đạo, hết
sức đơn giản, ai cũng có nhưng tại chúng ta muốn phi thường cho oai, thành ra
trở thành bất bình thường.
Tâm bình
thường là tâm không nghĩ phải quấy, hơn thua, tốt xấu… Thấy biết, nghe biết,
đói biết, no biết mà không nghĩ suy gì hết, đó là tâm bình thường. Cả ngày đi
đứng nằm ngồi, sống như mọi người mà tâm không dấy động nên các Thiền sư thường
dùng từ như ngây như ngô, không lanh lẹ như người thế gian. Chúng ta lanh lẹ
quá, vừa động tới liền nghĩ đông, nghĩ tây. Nói một hiểu hai ba, thành ra
phiền não điên cả đầu. Nhiều người ôm đầu nói tôi khó ngủ quá, nghĩ tứ tung hết
làm sao ngủ được.
Mã Tổ ngày
xưa khi thấy một vị tăng thường ngồi thiền ở hành lang, Ngài tới nắm lỗ tai
thổi phù không cho ngồi. Ai không hiểu cứ nghĩ ông già chơi kỳ cục! Bởi chính
Mã Tổ lúc đầu ngồi thiền tinh tấn lắm, sau này ngài Hoài Nhượng tới thử mới
biết Mã Tổ chưa thông, vì kẹt trong cái ngồi. Đến khi đắc pháp nơi Tổ Hoài
Nhượng rồi, hễ thấy ai ngồi thiền, Ngài liền tới thổi. Tại sao? Bởi nếu chấp
cho ngồi là thiền, đó là giết thiền. Phải biết đi đứng nằm ngồi đều là thiền,
chớ không phải chỉ có ngồi mới thiền.
Chúng ta đi
đứng nằm ngồi trong bốn oai nghi đừng có tâm lăng xăng, sống với tâm bình
thường thì không ngồi thiền, ngồi nhổ cỏ chơi cũng vẫn thiền như thường. Song
nếu chưa sống với tâm bình thường thì phải ngồi thiền. Tổ sư muốn chỉ cho chúng
ta thấy Thiền là vô tâm trong tất cả chỗ, tất cả thời. Vô tâm là không có tâm
chạy theo, nhưng vẫn có tâm bình thường. Không nghĩ suy phân biệt mà vẫn thấy
biết rõ ràng gọi là vô tâm. Nên nói nếu được tất cả chỗ vô tâm thì tất cả chỗ
là đạo. Chúng ta đi đứng nằm ngồi có khi chạy lên cõi trời, có khi chui xuống
địa ngục, có khi làm thánh hiền, có khi làm tướng cướp đủ thứ hết. Vì vậy mà
trôi lăn trong lục đạo mãi.
Người sống
với tâm bình thường thì không tạo nghiệp. Không tạo nghiệp đâu cần cầu giải
thoát, nên chư Tổ thường hỏi ai trói buộc ngươi, không ai trói buộc, cầu giải
thoát làm gì cho dư. Nói chuyện nghe lạ tai, nhưng xét kỹ thật là thực tế một
trăm phần trăm. Phật Tổ dạy chúng ta bỏ tâm rối loạn lăng xăng điên đảo để sống
với tâm bình thường sẵn có. Đó là một chuyện hết sức thực tế, chớ không phải
viển vông mơ hồ ở đâu đâu. Rõ ràng chủ trương đường lối của các Ngài hết sức cụ
thể, hết sức thực tế nhưng rất tiếc chúng sanh bị nhiễm thuốc điên lậm quá,
chạy loạn tứ tung hết, không kềm chế nổi rồi than khó tu quá.
Chúng ta
sống được với tâm bình thường, dù không cầu giải thoát tự nhiên cũng giải
thoát. Bởi ta đâu có tạo nghiệp. Quí vị thử một ngày sống tâm bình thường xem
có tạo nghiệp gì không? Giả sử ta lỡ dẫm chết con kiến cũng không bị định
nghiệp. Tại sao? Bởi vì nghiệp do ý niệm xấu dấy lên, rồi miệng nói thân làm.
Nếu thân làm mà tâm không dấy thì không thành định nghiệp.
Nói đến
đây, tôi nhớ Sơ Tổ Trúc Lâm ngày xưa hết sức kỳ đặc. Khi ở ngôi vua Ngài đã
thâm nhập được lý Thiền, hiểu Phật pháp rất sâu. Lúc quân Nguyên kéo binh qua xâm lược nước ta,
Ngài biết nếu ra lệnh cho quân dân đánh giặc thì phạm tội sát sanh, mình giết
hoặc dạy người giết. Bây giờ làm sao? Chỗ này Ngài giải quyết rất lý thú, nhưng
chúng ta ít để ý đến. Ngài nghĩ mình là người chịu trách nhiệm với muôn dân, ra
lệnh thì người ta làm. Nhưng ra lệnh đánh giặc tức là cố ý sát hại, như vậy ý
nghiệp đã thành. Ý cộng với miệng thân nữa thì định nghiệp không thể chuyển.
Nên Ngài họp tất cả tướng sĩ lại trưng cầu ý kiến, do đó mà có hội nghị Bình
Than. Ngài hỏi:
- Giặc tới muốn cướp nước ta, vậy nên đánh
hay nên hòa?
Tất cả tướng sĩ đồng thanh hô to:
- Đánh.
Đó là lệnh của tướng sĩ bảo phải đánh, chớ
không do ý của Ngài. Hỏi tướng sĩ không chưa đủ, Ngài triệu tập hết các bô lão
trong nước họp hội nghị Diên Hồng, hỏi:
- Giặc đến muốn cướp nước ta, nên đánh hay
nên hòa?
Các bô lão cũng khẳng định dứt khoát:
- Đánh.
Như vậy được lệnh của tướng sĩ, được lệnh
của nhân dân, Ngài chỉ làm theo mệnh lệnh thôi, chớ đâu phải Ngài ra lệnh.
Chúng ta thấy Ngài khôn chưa? Vừa tránh được định nghiệp cho mình, lại vừa rất
dân chủ, được mọi người quí kính. Thật quá ư là khéo! Cho nên tuy đánh giặc, có
thương tổn đến nhiều sinh mạng, mà ngài không bị định nghiệp, sau này ngộ đạo
thành Tổ. Hiểu như vậy chúng ta mới giải thích được chỗ này, nếu không sẽ lúng
túng khi bị hỏi “Một ông vua cầm quân đánh giặc giết bao nhiêu người, lẽ ra
phải đọa địa ngục, sao lại thành Tổ?”
Bất cứ tội nào cũng vậy, ý nghiệp là gốc.
Nếu phạm mà không có ý nghiệp thì tội ấy có thể chuyển được. Vì vậy về sau Ngài
nỗ lực tu hành, cứu dân độ thế để chuyển những tội bất đắc dĩ trước kia Ngài đã
gây tạo. Đó là chỗ hay đáo để của Tổ.
Khi nói đến
chỗ chân thật, nó gần gũi thực tế làm sao. Bởi vậy có nhiều Thiền sư ngộ đạo la
lên khiến huynh đệ giật mình, hỏi: Huynh thấy cái gì mà ngộ? Trả lời: Nếu sớm
biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi. Nghĩa là sao? Ở nhà quê người ta thường
đốt đèn trên bàn thờ, vậy mà tới giờ nấu cơm không nhớ nhà mình có lửa, chạy
qua hàng xóm xin lửa về nhúm, thành ra trễ mất nồi cơm. Đến khi nhìn lên bàn
thờ thấy cây đèn mới tiếc phải hồi nãy biết ngay đèn lấy lửa thì nồi cơm đã
chín lâu rồi. Cũng thế, nếu sớm biết mình có Phật sẵn thì sự tu hành đã thành
tựu từ lâu.
Một vị khác
ở giữa chúng la lên “Tôi ngộ rồi. Tôi ngộ rồi”. Quí thầy chạy lên bạch với Hòa
thượng. Hòa thượng kêu lên hỏi: Ông ngộ cái gì? Trả lời: Ni sư là cô gái làm
ra. Hòa thượng gật đầu. Đơn giản làm sao! Ngoài cô gái kiếm Ni sư có không?
Không. Vậy cô gái đó là Ni sư chớ ai. Một điều đơn giản, thực tế mà không ai
dám nhìn, không ai dám biết, cứ tìm kiếm ở đâu đâu.
Trước kia
chúng ta đi tu cũng không ngờ như thế, cứ tưởng Phật trên cõi Cực Lạc, chớ
không ngờ ở ngay nơi mình. Bây giờ biết ra thì quá gần. Như vậy từ Phật tới Tổ
truyền bá Thiền tông một mạch, đều chỉ thẳng tâm bình thường là đạo, chớ không
có gì khác. Nhưng trải qua những giai đoạn tu tập gian khó tới cuối cùng chúng
ta mới thấy được điều đó. Tại vì mình điên đảo quá nặng, quá đậm nên gở khó,
thành ra việc tu chậm tiến.
Tối ngồi
thiền vừa nhớ vọng tưởng liền bỏ, vậy mà bỏ hoài vẫn không hết. Tại sao? Vì khi
ngồi thì bỏ, khi chạy ra thì thâu vô. Sáng thâu vô chiều bỏ ra. Tối bỏ sáng
thâu, cứ như vậy hoài một đời bỏ cũng không hết. Bây giờ làm sao ngồi bỏ, đi
đứng cũng bỏ, tiếp duyên xúc cảnh đều buông luôn, như vậy tu mới có kết quả.
Người tu muốn đến nơi đến chốn phải cố gắng buông xả các thứ lăng xăng lộn xộn
trong tâm, đừng để dính kẹt bất cứ thứ gì. Ai buông bỏ hết thị phi, tốt xấu thì
trở về không khó khăn chút nào hết. Việc tu thực tế như vậy, chỉ là trở về với cái
thật của chính mình thôi.
Bây giờ tôi
nói đến những cái “không ngờ”. Trước khi nói điều này, tôi dẫn kinh Kim Cang.
Bản kinh tuy dài nhưng trọng tâm không ngoài hai câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề:
“Người phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm sao hàng phục được tâm,
làm sao an trụ được tâm?” Phật trả lời cách an trụ tâm trước: “Người phát tâm
cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không nên đối với sắc sanh tâm vướng mắc,
không nên đối với thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm vướng mắc. Phải ở chỗ không
vướng mắc mà sanh tâm ấy”. Tức an trụ ngay chỗ không vướng mắc gọi là tâm Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác, nghĩa là không cho vướng mắc với sáu trần.
Phật trả
lời cách hàng phục tâm là đưa tất cả chúng sanh hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô
tưởng, phi hữu sắc, phi vô sắc, phi hữu tưởng, phi vô tưởng đều vào Vô dư
Niết-bàn. Độ tất cả chúng sanh mà không thấy có chúng sanh được diệt độ. Chúng
sanh hữu sắc là dấy niệm nhớ tới hình ảnh người. Chúng sanh vô sắc là dấy niệm
nhớ tới chuyện phải quấy, tốt xấu. Tất cả những hữu tưởng, vô tưởng, hình ảnh,
tâm niệm, không hình ảnh, không tâm niệm v.v… đều đưa vào Vô dư Niết-bàn.
Niết-bàn có hai: Hữu dư y và Vô dư y. Hữu dư y là còn thân mà tâm được hoàn
toàn thanh tịnh, không sanh diệt. Vô dư y là không còn thân và lặng hết mọi
sanh diệt. Tất cả chúng sanh lăng xăng đưa vào Vô dư y, tức trong tâm không còn
hình bóng, không còn sanh diệt gì hết.
Hồi xưa tôi
thắc mắc Phật bảo độ tất cả chúng sanh vào Vô dư y Niết-bàn. Nếu có Phật tôi sẽ
thưa: “Bạch Thế Tôn, con chưa được Niết-bàn làm sao độ tất cả chúng sanh vào
Niết-bàn được?”. Nhưng bây giờ mới hiểu Vô dư y Niết-bàn là chỗ không còn niệm
sanh diệt, mà niệm sanh diệt là chúng sanh. Chúng sanh lặng hết không còn sanh
diệt tức là vào Vô dư y Niết-bàn. Khi tâm lặng rồi không còn thấy có chúng sanh
được diệt độ. Chỗ này thâm trầm làm sao! Chúng ta tu muốn đến chỗ cứu kính, ở
trong độ tất cả những chúng sanh vào Vô dư y Niết-bàn, ở ngoài đối với sáu trần
không dính mắc. Đó là được tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Vì vậy khi
Lục Tổ Huệ Năng nghe tới câu “ưng vô sở trụ” nghĩa là không dính mắc vào bất cứ
sắc trần nào, đó là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngài liền thốt lên: không
ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh, không ngờ tánh mình vốn không sanh diệt, không
ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ, không ngờ tánh mình vốn không dao động, không ngờ
tánh mình hay sanh muôn pháp. Ngài thốt luôn năm cái “không ngờ”. Nghe Tổ Giảng
tới đây, chính Ngài cũng không ngờ bản tánh của mình như thế.
Tánh là gì?
Tánh là cái có sẵn, còn đợi duyên hợp mới có là tướng chớ không phải tánh. Cho
nên nói các pháp duyên hợp không tự tánh tức là các pháp không sẵn có, đợi
duyên hợp mới có. Còn tánh giác của chúng ta có sẵn, không phải đợi duyên hợp.
Các pháp duyên hợp mới có là không tự tánh, còn chúng ta sẵn tánh giác là có tự
tánh. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm có phẩm “Hạnh anh nhi” nói về tự tánh của
chúng ta. Giống con nít vừa lọt lòng mẹ là khóc oa oa, không cần ai dạy nó.
Biết khóc oa oa là biết. Rồi biết bò, biết đi là tự biết, không phải đợi dạy mới
biết. Cái biết có sẵn như thế gọi là tánh.
Cũng thế,
tánh giác ai cũng có sẵn, nhưng không ngờ khi thấy mới biết nó tự thanh tịnh.
Chúng ta sống với tâm bình thường không động, trong sạch, không có hơn thua thì
làm gì có phiền não. Cho nên tâm bình thường là tâm thanh tịnh. Nên Tổ bảo
không ngờ lâu nay mình đã có sẵn tâm thanh tịnh ấy. Đó là “không ngờ” thứ nhất.
Không ngờ
tánh mình vốn không sanh diệt. Vì tâm ấy không khởi niệm, mà không khởi niệm
thì không sanh diệt. Đó là “không ngờ” thứ hai. Không ngờ tánh mình vốn tự đầy
đủ. Bởi ta đã có sẵn tánh ấy từ hồi bé tới bây giờ, chớ đâu phải mới có đây. Đó
là “không ngờ” thứ ba. Không ngờ tánh mình vốn không dao động. Tánh đó vốn
không dao động, không nghĩ suy gì. Đó là “không ngờ thứ tư. Không ngờ tánh mình
hay sanh muôn pháp. Từ cái không dao động, không nghĩ suy lại hay sanh ra muôn
pháp. Cho nên gọi Chân không mà Diệu hữu, nghĩa là không có một cái gì mà sanh
ra tất cả. Đó là “không ngờ” thứ năm.
Như trên
tôi đã nói Phật giáo Thiền tông thực tế đến không ngờ, nói đủ là Phật giáo
Thiền tông thực tế đến nổi không thể ngờ. Chính Tổ thấy được như vậy nên đã
thốt lên tới năm lần “không ngờ”. Nếu ngày nào chúng ta ngộ được cũng sẽ thốt
lên “không ngờ” như Tổ.
Vậy Thiền
tông dạy chúng ta tu để làm gì? Chỉ trở về với cái thực của chính mình. Chúng
ta đang có cái ấy mà quên, đi xin đi tìm chỗ khác, như vậy gọi là gì? Phật gọi
là vô minh, tức không sáng hay nói cách khác là ngu si, điên đảo. Có mà không
chịu nhận chạy tìm nơi này, nơi kia vì vậy mà khổ sở; chớ thật ra Phật, Tổ đã
chỉ dạy rõ ràng, không giấu chúng ta tí nào hết.
Như vậy hệ
thống Thiền tông này phát nguồn từ chỗ đức Phật do dự không muốn nói, còn những
hệ thống khác là Phật phương tiện mà nói. Đã là phương tiện thì không phải
thật, còn chỗ thật thì không có lời. Vì vậy các Thiền sư khi muốn chỉ chỗ này
thường đánh, hét, nạt v.v… mà không nói một lời. Bởi vì mở miệng là hai bên, mà
hai bên thì mất cái thật rồi. Hiểu như vậy mới thấu đáo được ý nghĩa Thiền. Chỗ
này chúng ta phải nắm cho thật vững.
Để kết thúc
buổi nói chuyện hôm nay, tôi lặp lại chúng ta tu biết vọng không theo là đi tắt
ngay chặng Xả niệm thanh tịnh, để tới chỗ vô sanh là Diệt tận định. Tuy nhiên
chỗ này vẫn còn một chút phương tiện, vì còn thấy vọng và còn cái biết vọng là
đối đãi, nên còn phương tiện. Tới chỗ cứu kính thì “Trong không động, ngoài
không dính”. Trong không động là trong không khởi niệm, ngoài không dính là sáu
căn không dính với sáu trần. Nhưng vì trong giai đoạn đầu mới công phu, chúng
ta còn động nhiều, buộc lòng phải rầy, cho nên có phương tiện đối đãi, có trâu
có chăn. Đến khi trâu hết thì chăn cũng không còn, đó mới là chỗ chân thật.
Song đến đây cũng chưa là cứu kính, mà phải thấy rõ mình luôn hiện hữu, không
vắng bóng tri giác lúc nào hết. Cái tri giác ấy không dấy động ở trong, không
dính kẹt ở ngoài. Sống như vậy là sống đúng với cái chân thật của mình.