Đáp: Vấn đề nầy, xin được giải thích qua hai phương diện:
Về
phương diện đời, tức Thế tục đế mà nói, thì điều nầy không có gì trái
với lẽ đạo thường tình. Nói rõ hơn là rất phù hợp với tập tục văn hóa cổ
truyền của người Việt Nam. Theo quan niệm của tổ tiên chúng ta thì, con
người sống có cái nhà, thác có cái mồ. Vì vậy, nhà cửa đối với người
Việt Nam rất là quan trọng. Làm chi thì làm, việc đầu tiên là phải có
căn nhà trước đã. Vì thế mới có câu nói là an cư lạc nghiệp.
Khi
còn ở Việt Nam, phần nhiều là người bệnh qua đời ở tại nhà. Dù có chết
tại bệnh viện đi chăng nữa, thì thân quyến của người quá cố nhứt quyết
là phải chở người thân của họ đem về quàn tại nhà để lo việc ma chay
tang lễ. Nhưng ngược lại, ở Úc nầy thì có khác. Người chết phần nhiều là
ở trong bệnh viện rồi sau đó người ta đưa thi thể vào nhà quàn.
Bởi
thế, thi thể ít khi quàn tại nhà, vì có nhiều lý do bất tiện. Bởi vậy,
nên khi đưa linh cữu đi thiêu hay chôn, thì thân quyến của người chết
(hoặc có sự di chúc của người chết) hay cho linh xa ghé nhà để cho hương
linh thăm nhà lần cuối cùng. Tuy nhiên, điều nầy, nếu đứng về phương
diện đạo lý giải thoát mà nói, nhứt là đối với những người tu tịnh
nghiệp với bản nguyện là sau khi xả bỏ báo thân nầy nguyện sanh về cõi
Cực lạc, thì việc làm nầy không mấy hợp lý. Lý do tại sao ? Bởi có nhiều
lẽ. Xin đơn cử một vài việc:
Thứ
nhứt, trái với bản nguyện lúc sanh tiền. Vì bản nguyện của người chuyên
tu tịnh nghiệp với một tâm nguyện tha thiết là sau khi bỏ báo thân nầy
nguyện sanh về Cực lạc. Đó là một nguyện vọng thiết tha duy nhứt của
người chuyên tu tịnh nghiệp. Đã có một bản nguyện thiết tha như thế, thì
đối với việc nhà cửa của cải vật chất, tất cả chỉ là những thứ phù vân
hư huyển có gì quan trọng đâu mà luyến tiếc viếng thăm. Vả lại, khi
viếng thăm cũng đâu có mang theo được vật gì, chỉ làm tổn hại chướng
duyên cho bản nguyện cầu vãng sanh Cực Lạc mà thôi.
Thứ
hai, làm cho hương linh mất chánh niệm khởi tâm luyến ái. Kinh dạy:
“Niệm bất nhứt, bất sanh Tịnh Độ. Ái bất nhiễm, bất sanh Ta Bà”. Chánh
niệm hay tịnh niệm đối với người mới lâm chung thật là quan yếu. Khi
chúng ta đưa họ trở về nhà thăm lại những kỷ niệm mà hằng ngày họ thường
ưa thích, chắc gì họ không khởi niệm luyến tiếc. Hơn nữa, theo trong
Kinh nói, những người chưa phải là cực thiện hay cực ác, thì phải rơi
vào thân trung ấm, tất nhiên thần thức của họ rất là yếu đuối.
Chúng
ta chẳng những không trợ duyên hộ niệm cho họ thức tỉnh, mà còn gây cho
họ một thuận duyên ái nhiễm tham trước như thế, thì thử hỏi làm sao mà
họ siêu thoát cho được ? Chúng ta nên nhớ, Phật dạy, tâm tham ái là đầu
mối của sanh tử, chính nó là động cơ thúc đẩy thần thức tạo nghiệp để
thọ khổ. Vì vậy, nếu trong thân quyến thật sự thương thân nhân ruột thịt
của mình, hãy nên nghe theo lời Phật Tổ dạy mà suy xét lại. Nếu là liên
hữu, thì càng nên cẩn trọng trong việc dặn dò con cháu làm điều nầy. Vì
nó chỉ có tác hại thêm, chớ không có lợi lạc gì cả.
Mong quý liên hữu nên bình tâm suy xét cho thật kỹ. Không ai thấy rõ sự
lợi hại bằng chư Phật chư Tổ. Phật Tổ đã dạy như thế, thì chúng ta chớ
nên làm trái ngược lại, mà phải chiêu cảm quả khổ. Chừng đó, dù có kêu
than khóc lóc đến đâu, Phật Tổ cũng không thể nào cứu chúng ta được. Chi
bằng tốt hơn hết là tránh nhân khổ thì không bao giờ gặt hái quả khổ.
Mong lắm thay !
Thứ
ba, là trái với việc hộ niệm. Việc hộ niệm, tức trợ giúp cho người sắp
lâm chung giữ được chánh niệm hay tịnh niệm thật là hết sức quan trọng.
Trong gia đình, nếu có người bệnh sắp lâm chung, thì tất cả thân quyến,
bạn bè có đến thăm nên vì người bệnh mà hết lòng niệm Phật. Trường hợp ở
xứ Úc nầy, việc hộ niệm trực tiếp có phần khó khăn. Vì phần nhiều bệnh
nhân khi bệnh nặng đều phải nằm bệnh viện để điều trị. Do đó, mà việc hộ
niệm của thân quyến hay bạn bè có phần trở ngại. Tuy nhiên, chúng ta
nên khéo quyền chước phương tiện bằng cách là mở băng nhựa niệm Phật cho
bệnh nhân vừa đủ nghe. Bệnh nhân nghe liên tục như thế, thì rất là có
lợi, vì dễ được định tâm niệm phật theo.
Đó là một phương tiện hộ niệm rất tốt. Đó là nói, khi người bệnh còn có
chút tỉnh táo. Nếu như sau khi lâm chung rồi, trong những ngày đầu khi
chưa thiêu hay chôn, thì việc hộ niệm vẫn rất cần thiết để giúp cho
hương linh. Hoặc niệm phật, hoặc tụng kinh, hoặc dùng những lời thức
nhắc cho hương linh tỉnh giác, gắng dằn lòng chớ nên bi lụy khóc than mà
gây tổn hại cho hương linh. Nhờ thế, mà hương linh có phần nào hồi tâm
chuyển ý, cộng thêm tập khí tu niệm hằng ngày khi còn sống, thì hương
linh mới sớm được siêu thoát. Ngược lại, đằng nầy, chẳng những chúng ta
không thiết thiệt hộ niệm như thế, mà còn tạo cho hương linh một sự ái
nhiễm tham đắm nhà cửa của cải, thì quả thật đó là một tai hại vô cùng.
Tóm
lại, việc đưa hương linh ghé thăm nhà lần cuối qua câu hỏi của người
hỏi, chỉ giới hạn trong phạm vi của người tu tịnh nghiệp, thì chúng tôi
cũng chỉ trả lời góp chút thành ý trong phạm vi đó thôi.
Mong
rằng, những liên hữu đang tu tịnh nghiệp, xin quý vị cần nghiệm xét kỹ
lại, để cho việc cầu vãng sanh của mình không bị trở ngại. Điều nầy, ta
cần phải chọn và quyết định một trong hai. Nếu thuận theo duyên đời, thì
rất trở ngại cho việc vãng sanh của mình. Nếu theo bản nguyện của mình,
thì đương nhiên là trái lại với đời. Chúng ta là người tu hành trọn đời
chỉ có một việc làm là niệm phật cầu vãng sanh Cực lạc để thoát kiếp
khổ đau luân hồi trầm luân nơi biển ái, thì thà chấp nhận trái với đời
hơn là trái mất bản nguyện của mình.
Còn
một điều ích lợi thực tế hơn nữa là không làm mất thời giờ của những
thân hữu tiễn đưa. Và như thế, thì hương linh càng tăng thêm phước. Bởi
nếu vì mình mà họ phải mất thời giờ, thì mình sẽ bị tổn phước. Đó là
điều ích lợi thực tế thiết thực.
Trên
đây, chỉ là những thành tâm góp ý của người giải đáp dựa theo kinh điển
Phật Tổ chỉ dạy, còn việc chọn lựa quyết định thì tùy ở nơi mỗi người.
Thích Phước Thái