Có lẽ câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm nhất là năm
tuổi. Có bạn để ý đến năm tuổi cách vài ba năm để… chuẩn bị "đón" những
điều rủi ro (bởi theo họ, năm tuổi là năm tam tai, có nhiều điều bất
như ý). Quan niệm đó có đúng không? Vì sao?
- Tổ tư vấn GN: Năm tuổi là quan
niệm chung của các dân tộc thuộc cộng đồng dân cư châu Á, chính xác là
Đông-Á, ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, có từ lâu đời. Có khi nào các bạn
tự hỏi nếu như các dân tộc không có quan niệm năm "tuổi" mà chỉ có năm
"số" (1982 chẳng hạn) thì năm con gì không là điều quan trọng, thậm chí
không có gì phải lưu tâm cả.
Do đó, theo Phật giáo, điều các bạn trẻ cần quan tâm
không phải là năm tuổi mà là mình đã gieo trồng được nhân lành nào (học
tập, làm việc…) cho quả tốt ở tương lai hay chưa?
Vậy thì, những người tuổi Mẹo, cần phải có thái độ như thế nào khi bước vào năm tuổi Tân Mão - 2011?
- Theo Phật giáo, không có năm nào tốt và
cũng không có năm nào xấu mà chỉ có nhân quả-nghiệp báo tốt hoặc xấu
đang diễn trình. Dòng sống đang trôi chảy với nhiều biến tấu phức tạp
chính là biểu hiện rõ ràng nhất của nhân quả-nghiệp báo. Do vậy, không
cứ là người tuổi Mẹo, tuổi nào cũng cần phải tu sửa, làm lành tránh dữ
mới mong gặt hái được kết quả an lành.
Có quan niệm dân gian cho rằng "vợ chồng cùng tuổi sẽ có cuộc sống gia đình sung sướng", quan niệm này có phải là mê tín?
- Vợ chồng là kết quả giữa duyên-nghiệp
của hai người. Trong giới trẻ bây giờ, chẳng có ai xem tuổi trước khi
yêu nhau. Khi đã yêu nhau rồi, cũng chưa ai biết chắc ngày sau sẽ ra
sao. Nói gì đến khi quyết định đi đến hôn nhân thì xem tuổi phỏng có ích
gì (vì xác định rồi), chỉ thêm lo lắng vô ích.
Chú ý đến tuổi mà bỏ qua tìm hiểu về các phương diện khác để quyết
định đi đến hôn nhân thì dù "hạp" tuổi đến mấy cũng không có gì đảm bảo
sẽ hạnh phúc.
Đi chùa đầu năm
Một bạn đọc băn khoăn rằng: Khi đọc kinh thấy Phật
dạy đi đến chùa lấy của thường trụ Tam bảo mà không được phép thì bị
đọa. Thế sao những ngày Tết, Phật tử đến chùa tự tiện bẻ lộc (là những
cây trồng, hoặc hoa trong chùa) mà không xin phép. Như thế có phạm tội
không? Nếu có thì những năm trước đã lỡ hái rồi thì phải làm sao đây?
- Hẳn nhiên lộc Phật ngày nay thì
phải xin rồi, không thành tâm khấn nguyện xin Phật, Bồ tát và được quý
Tăng Ni chú nguyện và trao tặng mà tự hái, bẻ thì "lộc" không có giá
trị. Đó là không muốn nói đến việc làm ấy còn mang tội nữa (tội không
cho mà cố lấy).
Nếu những năm trước đã lỡ bẻ cành, hái hoa nhà chùa
làm hư hại cảnh quan chùa viện thì năm nay rút kinh nghiệm, chỉ xin lộc
Phật từ quý Tăng Ni mà thôi. (Mà cũng cần nói thêm, chùa nào không tổ
chức phát lộc cho người đi lễ chùa đầu năm, dẫn đến họ tự bẻ cành, hái
hoa thì... phải chịu).
Rõ ràng, việc hái lộc kiểu tranh giành và vặt sạch
cây cối ở chùa cho có… lộc là không đúng và ứng xử văn hóa nơi cửa chùa
như thế là bất ổn. Vậy, việc đi chùa đầu năm cần phải có những nguyên
tắc như thế nào để vừa có phước, vừa có văn hóa?
- Đi chùa đầu năm, dâng hương, lễ Phật cầu
nguyện Tam bảo gia hộ cho bản thân, gia đình và xã hội năm mới an lành,
thịnh vượng đồng thời thành tâm phát nguyện trước Tam bảo nguyện làm
những điều lành, tránh xa điều xấu ác, nguyện gieo nhân lành để gặt quả
lành.
Không nên cầu nguyện trước Tam bảo theo kiểu cách xin xỏ thần linh.
Đi lễ chùa đầu xuân y phục phải đẹp, quốc phục lại
càng hay, thảnh thơi, vui vẻ, mình và mọi người đều hân hoan, an lạc là
nét văn hóa cần có của mỗi người.
Ở hay về?
Những ngày Tết cũng là dịp để đi tình nguyện, đến các mái ấm,
trung tâm cai nghiện cùng đón giao thừa, vui Tết với học viên nơi đó. Có
nhiều bạn nửa muốn đi (vì thấy chương trình ý nghĩa), nhưng nửa muốn về
vì "gia đình mình chờ trông". Lời khuyên của quý thầy dành cho bạn trẻ
ấy sẽ là?
- Hãy làm bất cứ điều gì mà mình cho rằng có ý nghĩa nhất, có lợi ích cho mình và người trong hiện tại và cả mai sau.