Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tu Mau Kẻo Trễ: Pháp Môn Niệm Phật Thông Cả Tiểu Thừa Và Đại Thừa
Cư sĩ Giác Ngộ
07/06/2011 20:32 (GMT+7)

Chú thích: (1) Từ đoạn này về sau đều trích trong sách Giáo Pháp của Tịnh độ Cư sĩ Phật Hội Việt Nam.

Pháp môn niệm Phật gồm cả:

TAM TỤ

1. Dứt các điều ác,

2. Làm các điều lành,

3. Thương xót và tế độ tất cả chúng sanh.

LỤC HÒA

1. Thân hòa đồng trụ (cùng nhau hòa hiệp chung ở).

2. Khẩu hòa vô tranh (không tranh đua cải lẫy).

3. Ý hòa đồng duyệt (ưa nhau không trái ý).

4. Giới hòa đồng tu (đồng cùng nhau tu theo giới luật).

5. Kiến hòa đồng giải (sự hiểu biết tu học đều giải rõ với nhau).

6. Lợi hòa đồng quân (quyền lợi chia đều cùng nhau).

Bát Chánh Đạo

Pháp tu của Tiểu thừa là Tứ diệu đế, đế thứ tư có Bát chánh đạo. Một phép niệm Phật, cũng có tám món chánh đạo như dưới đây:

1. Chánh kiến: Người Cư sĩ nhất tâm niệm Phật tâm tánh sáng tỏ, chỗ tri kiến của mình không còn tà kiến điên đảo, gọi là Chánh kiến.

2. Chánh tư duy: Người Cư sĩ nhất tâm niệm Phật, nên tư tưởng trong sạch (thanh tịnh), mỗi khi suy nghĩ điều chi, đều khế nghiệp với sự chánh đại quang minh, gọi là Chánh tư duy.

3. Chánh ngữ: Người Cư sĩ nhất tâm niệm Phật, hễ tư tưởng chánh đại quang minh rồi, thì bao giờ lời nói cũng ôn hòa dịu ngọt. Người ấy không còn nói hai lưỡi (lưỡng thiệt), không còn nói láo (vọng ngữ), không còn kêu rêu, rủa sả (ác ngữ), không còn nói tục tĩu (ỷ ngữ), hễ mở miệng thì là toàn những lời chân chánh gọi là Chánh ngữ.

4. Chánh nghiệp: Người Cư sĩ nhất tâm niệm Phật, nhờ ba nghiệp thanh tịnh nên thân, khẩu, ý không còn tà kiến điên đảo, lời nói, ý nghĩ và sự hành động đều chơn chánh, gọi là Chánh nghiệp.

5. Chánh mạng: Người Cư sĩ nhất tâm niệm Phật, nhờ ba nghiệp thanh tịnh, nên sự hành động sanh sống rất trong sạch, rất thanh liêm, không phạm vào tà nghiệp: sát, đạo, dâm, vọng, vì thế mà mạng sống được cao khiết chánh đáng gọi là Chánh mạng.

6. Chánh tinh tấn: Người Cư sĩ nhất tâm niệm Phật, siêng năng tu hành, vui vẻ, sốt sắng làm lợi ích cho chúng sanh, sự tinh tấn ấy quả thật rất chánh đáng gọi là Chánh tinh tấn.

7. Chánh niệm: Người Cư sĩ nhất tâm niệm Phật, lòng không còn các tà vọng điên đảo, dùng lục tự Di Đà làm một niệm tưởng chánh, gọi là Chánh niệm.

8. Chánh định: Người Cư sĩ nhất tâm niệm Phật, trong lòng không còn loạn động tạp tưởng, gọi là niệm Phật Tam muội. Tam muội có nghĩa là Chánh định.

Xem những lời nói trên đây, chúng ta thấy rằng người Cư sĩ, tuy có kẻ không biết Bát chánh đạo là gì, song sự tu hành của người ấy cũng gồm đủ Bát chánh đạo. Đối với Bát chánh đạo, có người dùng Chánh kiến để diệt tà kiến, dùng Chánh niệm để diệt tà niệm theo lối tu tập của hàng sơ cơ, thì phép niệm Phật cũng gồm đủ hai điều ấy. Bởi vì trì danh niệm Phật thì tâm không còn tà kiến điên đảo, tâm không còn tà kiến điên đảo, đó là Chánh kiến, nếu Chánh kiến được duy trì, lẽ tức nhiên tà kiến không do lẽ nào mà sanh ra được. Trì danh niệm Phật để giữ Chánh niệm, nếu Chánh niệm được duy trì thì tà niệm không cần dứt cũng tiêu vong.

Đại thừa Đốn giáo cũng dùng Chánh kiến và Chánh niệm, song le chỗ diệu dụng ấy thật là cao siêu, rất khác với Tiểu thừa. Đốn giáo không bao giờ dùng Chánh kiến để diệt tà kiến và cũng không bao giờ dùng Chánh niệm để diệt tà niệm. Lối tu của Đại thừa là lối tu giác ngộ, vì lẽ ấy, họ dùng Chánh kiến để giác ngộ tà kiến, dùng Chánh niệm để giác ngộ tà niệm. Đến chỗ tột công phu, thì tà kiến tà niệm không còn, họ bèn xả bỏ luôn Chánh kiến và Chánh niệm, không bao giờ chấp giữ trong lòng mà phải mắc kẹt pháp chấp. (1)

Chú thích (1) Pháp chấp: cố nắm giữ các phép tu hành, làm cho nó trói buộc trở lại mình, gọi là pháp phược, trái với lối tu của Đại thừa.

Phép niệm Phật cũng cao siêu như vậy, dùng niệm Phật để giác ngộ các niệm chúng sanh, hễ chúng sanh mà giác ngộ, thì là Phật đó vậy. Bởi vì trong sách Phật có nói: “Giác tức chúng sanh thị Phật, mê tức Phật thị chúng sanh”. Đến khi các niệm chúng sanh và niệm Phật rốt ráo không còn tàn tích trong cõi lòng, chừng ấy bổn lai diện mục hiện tiền, không cầu Phật vì chính mình là Phật, không cầu Niết bàn vì chính tâm mình là Niết bàn.

Lục Độ Ba la mật

Cũng như Bát chánh đạo, pháp Lục độ Ba la mật của Đại thừa Bồ tát cũng thâu nhiếp trong phép niệm Phật. Pháp Lục độ gồm có: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ (Bát nhã).

1. Bố thí Ba la mật: Người Cư sĩ nhất tâm niệm Phật, xả bỏ tất cả lòng tham, bao nhiêu những duyên phước thuộc về tài thí, pháp thí, vô uý thí đều không chấp trước. Chỉ nhất tâm niệm Phật, không chấp có mình bố thí, không chấp có kẻ thọ thí, không chấp có món gì để thí, ba món ấy đều không, cái không ấy cũng là không (chẳng chấp không) đúng với danh nghĩa tam luân thể không của pháp Nhất thừa thiệt tướng, đó là Bố thí Ba la mật.

2. Trì giới Ba la mật: Người Cư sĩ nhất tâm niệm Phật, thân, khẩu, ý ba nghiệp được thanh tịnh, không còn tạo ra các ác nghiệp, chẳng cần giữ giới mà không phạm giới, nghĩa là không thấy mình có trì giới, không thấy có giới luật để tu trì, gọi là Trì giới Ba la mật.

3. Nhẫn nhục Ba la mật: Người Cư sĩ nhất tâm niệm Phật, lòng không còn sân hận, không có pháp nhẫn để tu, không thấy mình có trì pháp nhẫn, đó là Nhẫn nhục Ba la mật.

4. Tinh tấn Ba la mật: Người Cư sĩ nhất tâm niệm Phật, lòng không còn thối chuyển, dù phải gặp những điều trở ngại. Luôn luôn vẫn hăng hái, sốt sắng tu hành và làm việc lợi lạc khắp giới hữu tình, tự mình không cần giữ lòng tinh tấn, không thấy có phép tinh tấn để tu, đó là Tinh tấn Ba la mật.

5. Thiền định Ba la mật: Người Cư sĩ nhất tâm niệm Phật, ngoài không ô nhiễm sáu trần, trong không vọng động tạp tưởng. Lòng tuy vắng lặng mà hằng quang chiếu chẳng đắm không giữ lặng (trầm không thủ tịch), đó là ngoài thiền trong định, đó là Thiền định Ba la mật.

6. Trí huệ Ba la mật: Người Cư sĩ nhất tâm niệm Phật, lòng được sáng suốt (1) không còn dùng trí huệ để độ ngu si, không chấp có trí năng chứng, không thấy có lý sở chứng, đó là Bát nhã Ba la mật.

Chú thích: (1) Không sanh diệt là sáng suốt, sanh diệt là tối tăm. Nhờ nhất tâm niệm Phật nên lòng không còn sanh diệt nghĩa là được sáng suốt.

Chỉ có nhất tâm niệm Phật mà hàm đủ các pháp, thông đủ ba thừa, gồm thâu bốn giáo, nếu chẳng phải pháp môn niệm Phật, thì quyết chẳng có pháp môn nào được thù thắng như vậy. Nếu có chăng nữa, thì công phu tu hành phải trải hằng hà sa số kiếp, chớ chẳng phải mau lẹ như pháp môn niệm Phật.

Huyền Diệu Thay Pháp Môn Niệm Phật.

Người niệm Phật biết làm lành, tức là biết hành lòng từ bi của chư Phật. Cõi lòng đã mở, nếu kiên tâm trì chí, lâu ngày chầy tháng, công phu sẽ thuần thục, biết hồi quang phản chiếu, sẽ nhận thấy lòng mình còn nhiều dục vọng, nào tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Nhờ tin Phật, tưởng Phật, hạng người này mới nhẫn nhục, tinh tiến, thâu nhiếp thân tâm, cố làm sao diệt trừ mầm độc, hầu niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm tương ưng với Đức Phật A Di Đà.

Người niệm Phật đã biết quay đầu hướng thiện, siêng lo việc lành, xa lánh điều ác, thân sẽ được yên ổn vui tươi. Thân tâm nhàn nhã, tâm tư mới thanh tịnh và phát sanh trí huệ. Công phu thuần thục, trí huệ đến độ Đại quang minh, người niệm Phật sẽ suốt thông chơn lý của vũ trụ vạn hữu, cõi Cực lạc cũng như cõi Ta bà đều bởi Tâm Phật, Tâm mình, Tâm chúng sanh tạo ra cả. Cõi đời ác trược là bởi nghiệp sát, đạo, dâm, dâm, vọng, tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến của chúng sanh đã tạo ra, còn cõi Tịnh Độ là do công đức vô lượng vô biên của Phật A Di Đà, chư Phật và chư Bồ tát, cùng hạnh nguyện sâu dày của các hàng Phật tử.

Đã hiểu rõ và tin chắc, người niệm Phật phát tâm cầu đạo Vô thượng, thệ nguyện đem hết tâm, trí huệ, tài sản và sanh mạng để chuyển cái kiếp trược này ra Hải Hội Thanh Tịnh, hoán cải thân trược của chúng sanh ra thân Vô lượng thọ, Vô lượng quang. Làm được như thế mặc dầu mang cái thân vô thường khổ cực, ô uế này, mặc dù ăn chung ở lộn với đời, thế mà không còn là người trong cõi Ta bà này nữa. Dưới đầy là lời của Đức Lục Tổ Huệ Năng:

“Người đời chẳng rõ được tự tánh, chẳng biết được Tịnh độ ở trong thân mình, nên cầu đông, cầu tây, chớ đã tỏ ngộ, thì ở chỗ nào cũng vậy; sở dĩ Phật nói: “Tuỳ ở chỗ nào, cũng thường an vui”. Nếu tâm của mình không điều gì chẳng lành, thì dầu có niệm Phật, cầu vãng sanh cũng khó đến. Muốn quy hướng về Phật, thì phải theo trong tánh mà làm, chớ chạy theo ngoại thân mà tìm cầu. Tâm giác ngộ sáng suốt, Tâm ấy là Phật. Tâm làm Phật phóng Đại quang minh, ngoài soi sáu cửa thanh tịnh, phá hết các trời lục dục, chiếu vào tự tánh, ba độc tham, sân, si dứt liền, các tội thảy đều tiêu diệt, trong ngoài sáng tỏ, không khác gì cõi Tây phương. Nếu chẳng tu theo phép ấy, thì làm sao đến cõi kia được”.

Chư Phật Và Bồ tát Khuyên Tu Tịnh Độ

1. Đức Phật A Di Đà:

“Chúng sanh trong mười phương thế giới, nếu nghe danh hiệu Ta, bèn bền lòng tin tưởng, muốn nguyện sanh về cõi Tịnh độ của Ta, từ một niệm nhẫn đến mười niệm, nếu chúng sanh đó không sanh về nước Ta, thì Ta không ở ngôi Chánh giác”. (Một trong 48 lời nguyện của Phật A Di Đà)

2. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni:

“Nếu người tu hành nào đã phát nguyện, đương phát nguyện, hay sẽ phát nguyện về Thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà, hoặc đương sanh, hoặc sẽ sanh thì những người ấy chứng đặng bực Bất thối đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Này Xá Lợi Phất: “Các thiện nam tín nữ, người nào tin chắc, hãy phát nguyện sanh về cõi ấy”. (A Di Đà Kinh)

“Chúng sanh nào được nghe lời ta chỉ dạy, thì nên phát nguyện cầu vãng sanh về nước đó, thì cùng với các vị Bồ tát đồng hội họp chung một chỗ” (A Di Đà Kinh)

3. Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử :

“Nếu thiện nam tín nữ nào ước nguyện tu hành cho thành Phật, thì không có pháp môn nào bằng pháp môn niệm Phật. Niệm Phật chắc chắn mau chứng quả Vô thượng Bồ đề”.

Các môn tu hành không môn nào qua môn niệm Phật. Pháp môn niệm Phật là chúa các pháp môn.

4. Mã Minh Đại sĩ:

“Chuyên tâm niệm Phật là một phương tiện siêu thắng của Như Lai”.

5. Long Thọ Bồ tát:

“Niệm Phật Tam muội thì được đại trí huệ, đại phước đức, đoạn trừ tất cả phiền não tội chứng và độ được tất cả chúng sanh. Niệm Phật Tam muội thì sanh vô lượng Tam muội, cho đến cũng được Thủ Lăng Nghiêm Tam muội”.

6. Quan Thế Âm Bồ tát:

“Tịnh độ pháp môn, hơn tất cả các hạnh tu khác”.

7. Ấn Quang Đại sư:

“Cửu giới chúng sanh (từ Bồ tát, Duyên giác, Thinh văn, đến Thiên, Nhơn, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh đối với Phật, gọi là chúng sanh) nếu rời pháp môn niệm Phật thì khó viên thành Phật quả. Thập phương chư Phật bỏ pháp môn này, quyết không thể độ khắp chúng sanh”.

“Nhờ nương Phật lực, nên tất cả mọi người, bất cứ là nghiệp hoặc vô minh nhiều hay ít, bất cứ công phu hành đạo cạn hay sâu, miễn đức tin cho chắc chắn, lòng thệ nguyện cho tha thiết thì quả quyết rằng: Muôn người tuân theo pháp môn niệm Phật, muôn người đều được vãng sanh không sót một người.

Ngoài ra, nếu là những bậc đã đoạn trừ ma hoặc, chứng đặng chân lý mà cầu vãng sanh Tịnh độ, thì mau vượt tới hàng Thập địa Bồ tát. Còn như hàng Thập địa Bồ tát mà cầu vãng sanh, thì mau viên thành Phật quả”.

8. Giác Minh Diệu Hạnh Thiền Sư:

“Pháp môn niệm Phật là Tâm Tông của chư Phật, là con đường tắt nhất hạng, để giải thoát cho tất cả loại chúng sanh”.

Ôi, một pháp môn tu học có bảo đảm chắc chắn thành tựu Phật quả, mà không tu, nghĩ cũng đáng tiếc thật.

Vả chăng, niệm Phật là đánh thức ngay cái tri giác tức là ta đã cấu tạo ngay cái nhân Tịnh độ nơi cõi lòng rồi. Trong lúc ấy thì cái tánh thỉ giác (1) không thể lìa xa cái tâm năng niệm, nếu không lìa thì Di Đà tự tánh hiện tiền, sự thành Phật đã thấy trước mắt không cần phải đợi vãng sanh. Thật là một pháp môn tu học cao siêu mầu nhiệm, quả là chúa của các pháp môn y như lời nói của đức Văn Thù Sư Lợi.

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật .

Nam mô Long Hoa Giáo Chủ Di Lặc Tôn Phật.

Pháp Nhịn Ăn Nhưng Không Đói Và Không Mệt (1)

Chú thích: (1) Xin lưu ý: Pháp này đã có trên 10 năm nay rồi, chớ không phải là pháp nhịn ăn uống nước lạnh của Tu sĩ Nguyễn Văn Sự mới đưa ra gần đây.

Tảng sáng sớm uống thuốc xổ, xổ cho tới trưa cho sạch ruột.

Trưa giờ Ngọ: Ngồi xếp bằng theo kiểu kiết già, bán già hoặc xếp bằng thường, chân mặt để lên chân trái. Hai bàn tay xỏ tréo để trên hai chân, hai ngón tay cái phải cho đụng nhau theo kiểu ấn Tam muội. Ngồi thật ngay lưng (xương sống cho thẳng chớ đừng khum). Đầu hơi khum tới trước một chút (một chút thôi). Hai mắt nhắm lại. Hai môi ngậm lại (đừng mím môi). Hai hàm răng vừa khít (đừng cắn răng quá). Lưỡi co để trên ổ gà. Nới dây lưng quần ra, để luồng điện chạy thong thả. Ngồi ngay thẳng xong xuôi, rồi bắt đầu thở.

Đường Công Phu Hậu Thiên

(Đường phía trước)

Hơi thở chia ra làm 3 đoạn:

1) Hít vô: Hít vô từ từ và dùng tư tưởng dẫn hơi thở, đi từ lỗ mũi xuống tới dưới rốn một chút (dưới chừng 3 phân) và từ chỗ dưới rún, dùng tư tưởng đem hơi thở hít vô đó, đâm ngang qua bụng và đi xuống chỗ cục xương khu, ở chót xương sống (theo lằn mũi tên hình 1)

2) Nín thở: Nhíu hậu môn (như lúc mình đi tiêu nhíu hậu môn để cho cục phân chót rớt xuống) và dùng tư tưởng đưa từ cục xương khu trở lên trên rún một chút (xem hình 2).

3) Thở ra: Đem tư tưởng đưa lên tới trên rún rồi thở ra. Làm lại như vậy lối 6 lần là hết đói, khi nào thấy đói thì làm lại vài lần nữa.

Đường hơi thở phía trước này kêu là đường công phu HẬU THIÊN dùng để cho hết đói.

Khi làm xong lối 6, 7 lần thì hành qua đường công phu TIÊN THIÊN để cho hết mệt.

Nhớ khi hít vô thì phình bụng ra, và khi thở ra thì hóp bụng lại.

Đường Công Phu Tiên Thiên

(Đường phía sau)

Đường công phu Tiên Thiên cũng chia làm 3 đoạn:

Hít vô, nín thở và thở ra.

1) Hít vô: Trong lúc hít vô, dùng tư tưởng đem hơi thở xuống khỏi rún và đâm qua cục xương khu như kiểu hình 1.

2) Nín thở: Nín thở nhíu hậu môn và dùng tư tưởng đưa đi theo đường xương sống thẳng lên trên đầu (xem hình 3).

3) Đưa lên tới trên đầu, rồi thở ra.

Tiếp tục hít vô, dùng tư tưởng đem xuống cục xương khu, nín thở, nhíu hậu môn đưa lên đầu và như vậy 108 lần.

- Trưa giờ ngọ (12 giờ đến 2 giờ) (giờ Mới)

- Chiều giờ dậu (lối 6 giờ đến 8 giờ)

- Khuya giờ tý (lối 12 giờ đến 2 giờ khuya)

- Sáng giờ mẹo (lối 6 giờ đến 8 giờ sáng)

Trong 4 giờ này phải hành đường công phu Tiên Thiên 108 lần như vậy.

Ngoài ra, khi nào thấy mệt, làm thêm vài chục lần cũng được.

Còn khi nào thấy đói, hành công phu Hậu Thiên (phía trước) lối 6 lần là hết đói.

Trong lúc nhịn ăn, phải uống nước lạnh (từ 1 đến 3 lít) hoặc nước cam, chanh đường cho thật nhiều và thường đi tắm cho bớt nóng, vì đi pháp này trong mình nóng lắm (1)

Chú thích: (1) đi tiểu nước vàng là nóng, hãy uống thêm nước, uống càng nhiều càng tốt.

Lối 3 ngày hoặc 4 ngày sau phải uống thuốc xổ. Đi giải pháp này, uống thuốc xổ càng thấy khoẻ chớ không mệt đâu mà sợ.

- Nhịn ăn 7 ngày, gọi là đi 1 thất

- Nhịn ăn 14 ngày, gọi là đi 2 thất

- Nhịn ăn 21 ngày, gọi là đi 3 thất

Và v.v…

Có nhiều người đã nhịn ăn được 100 ngày, cô Ngọc Liên Hoa nhịn được trên 200 ngày. Khi ăn lại, không nên ăn cơm liền, phải uống nước cơm vài ngày, ăn cháo đặc 1, 2 ngày, sau đó ăn cơm, nhưng ăn một chén mà thôi, nhai cho kỹ, rồi vài giờ sau sẽ ăn thêm một chén nữa chớ nên ăn nhiều trong một lần. Ăn như vậy sau này sợ đau bao tử.

Nếu nhịn ăn lâu ngày, khi ăn lại phải kéo dài thêm thời gian uống nước cơm, ăn cháo, v.v…

Hành đúng phương pháp kể trên, sẽ thấy không đói và rất khoẻ khoắn, khỏi cần phải có người tiếp điễn gì cả, vì nếu có người tiếp điễn cho mình thì sau này khi mình hành một mình, ai sẽ tiếp điễn cho. (Ở Nha Trang có Bà Đông Y sĩ Lê Thị Khá ở số 13 đường Xương Huân, đã coi bài này hành một mình khỏi ai chỉ bảo, mà vẫn được kết quả mỹ mãn).

Pháp này trước hết do ông Lê Thành Thân, một nhà Tu sĩ ở Vĩnh Long đã tìm ra và phổ biến để giúp đời, đã đăng trên báo Ánh Sáng mười mấy năm về trước, nhưng ít ai tin. Sau này có ông Bác sĩ Trương Ngọc Hơn ở đường Cống Quỳnh, Sài Gòn, nhịn ăn thử trong 7 ngày theo phương pháp trên đây, thấy kết qủa mỹ mãn, nên Ông có viết trên tờ Nguyệt san của Công dân Vụ, mấy năm về trước.

Lại nữa, kỳ thí nghiệm lần thứ hai, cô Ngọc Liên Hoa nhịn ăn trên 60 ngày, có ông bác sĩ Cao Sĩ Tấn ở đường Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn, trông nom và có trình diện với 108 nhà trí thức ở thủ đô sau khi nhịn xong (Tài liệu về Biên bản còn lưu trữ tại Sài Gòn nơi nhà Ông Đốc Tấn). Sau này cô Ngọc Liên Hoa còn nhịn ăn thêm một lần nữa trên 200 ngày và vẫn khoẻ mạnh như những lần trước.

Pháp nhịn ăn rất có ích, vì chữa được nhiều bệnh nhứt là bệnh nhứt mỏi, tê bại, đau bao tử v.v…

Vì giải pháp này do một nhà Tu sĩ tìm ra, nên khi phổ biến, Ông khuyên chúng ta sau khi hành phương pháp này, thấy có kết quả, phải ăn chay niệm Phật làm lành, lánh dữ và nhứt là phải truyền ra cho mọi người, chớ đừng giữ làm của riêng mình.

Daitangkinhvietnam.org

Các tin đã đăng:
Về đầu trang