Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Suy ngẫm về Chánh ngữ
28/11/2017 15:17 (GMT+7)



Đức Phật xếp chánh ngữ vào vị trí thứ ba, sau chánh kiến, chánh tư duy

Chánh ngữ thuộc khẩu nghiệp. Trong ba nghiệp chướng của con người, khẩu nghiệp nhiều hơn và khó kiểm soát hơn thân nghiệp và ý nghiệp, bởi vì, lời nói vô cùng phong phú đa dạng, phần lớn xuất phát từ trạng thái tâm lý, tình cảm, xúc cảm. Các trạng thái đó lại không phải lúc nào cũng ổn định mà thay đổi thất thường, vui buồn, thương ghét chợt đến chợt đi, hôm nay là bạn bè, thân hữu nhưng ngày mai lại trở mặt, đối đầu và ngược lại. Cho nên lời nói cũng theo đó mà “xuất kỳ bất ý”, “Khi thương trái ấu cũng tròn/Khi ghét bồ hòn cũng méo” (Ca dao).

Tạo hóa ban cho mỗi người hai tay, một miệng là có ý muốn chúng ta nói ít làm nhiều nhưng chúng ta thì ngược lại, nói nhiều làm ít. Nói khắp mọi lúc mọi nơi, từ sinh hoạt hàng ngày đến diễn đàn, sách vở, báo chí, sau nầy còn tràn lan trên mạng internet, tốt xấu đều có, vô tội vạ cũng có. Nói nhiều lỗi nhiều cho nên Đức Phật đã đưa nó vào năm giới cấm và mười điều ác (ác khẩu chiếm đến bốn, ác ý và ác thân mỗi thứ chỉ có ba) nhằm giúp chúng ta hạn chế nói năng, giải trừ ác nghiệp, vun bồi thiện nghiệp trong việc tu hành và đối nhân xử thế.

Cũng như ý nghiệp và thân nghiệp, khẩu nghiệp có thiện, ác và không thiện không ác (trung tính). Thiện nghiệp là những lời nhẹ nhàng, êm ái, hòa nhã… Ác nghiệp là những lời hung dữ, cay độc, cộc cằn, khiêu khích, đâm thọc, tráo trở, thêu dệt… Ngoài ra, ác nghiệp còn được ẩn chứa, che giấu trong lòng của những người nham hiểm bằng những lời ngọt ngào, trìu mến, bùi tai, khó lường, khó nhận ra, “Bên ngoài thơn thớt nói cười/ Bên trong nham hiểm giết người không đao” (Truyện Kiều).

Trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày, chúng ta thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên và đủ mọi hạng người trong xã hội. Gặp thuận duyên thì sự giao tiếp, ứng xử được thuận buồm xuôi gió, phát sinh tình yêu, tình cảm, nói toàn những lời đẹp đẽ, tốt lành, đôi khi còn ca tụng, tâng bốc nhau lên tận mây xanh. “Thương ai thương cả tông chi/Ghét ai ghét cả đường đi lối về” (Ca dao). Gặp nghịch cảnh thì không tránh khỏi va chạm, xích mích; tình yêu, tình cảm bị tổn thương sanh ra hận thù oán ghét, trở mặt đối đầu dẫn đến cãi vã, mắng chửi, thóa mạ, lăng nhục, nguyền rủa lẫn nhau. Hoặc dùng lời đường mật để đưa đối phương vào cạm bẫy, hoặc nói lời thêu dệt, đâm thọc, khích bác với người thứ ba để mượn tay họ hãm hại, gọi là “mượn dao giết người”!

Lời nói có vai trò quan trọng trong cuộc sống, là phương tiện giao tiếp, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm; bày tỏ tư tưởng và tâm lý, tình cảm, xúc cảm của con người. Mức tác động của nó cũng không nhỏ. Sách Luận ngữ viết: “Một lời nói có thể làm đất nước hưng thịnh hoặc tiêu vong”.

Lời nói vừa là họa vừa là phúc. Cổ ngữ có câu: “Miệng lưỡi là cửa vào của họa, là búa rìu diệt thân”. Do đó, chúng ta không thể không cẩn thận khi phát ngôn, phải “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” (Tục ngữ). Lời nói dối trá, xảo quyệt chỉ lừa gạt người ta được một lần, không có lần thứ hai lại khiến chúng ta đánh mất nhân phẩm, đạo đức, tín nghĩa. Một người như vậy liệu còn ai tôn trọng, tin tưởng và có thể làm nên trò trống gì?

“Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Chỉ có chánh ngữ mới làm được việc đó, mới đem lại an vui, hạnh phúc cho chúng ta ngay tại đây và bây giờ chứ không phải tìm kiếm ở đâu xa và chờ đợi mỏi mòn. Phật Thích Ca đã nói với năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển khi thuyết pháp cho họ nghe về chánh ngữ như sau: “Chỉ được nói thật, không nên bịa đặt, không nên nói xấu người khác, phải kiềm chế sự vu khống, không nên buông những lời giận dữ và thóa mạ đến người khác, nên nói tốt và nhã nhặn với mọi người, không nên chìm đắm vào những chuyện gẫu vu vơ, ngu ngốc, mà chỉ nên nói những gì  hợp lý và đúng vào vấn đề”.

“Chúng ta tuân thủ vào Chánh ngữ không vì sợ hãi hay để hưởng phúc. Không phải do sợ phạm vào các giới cấm từ bên trên, hay vì để được lợi ích cá nhân; mà tất cả đều phải do tự tâm” (Bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật của B.R. Ambedkar).

Tóm lại, chánh ngữ là một trong tám tia sáng nhiệm mầu chiếu kiến đến tận cùng thể tánh, khai phóng năng lực nội tại, cho chúng ta thấu hiểu giá trị đích thực của chân lý và mục đích tối hậu của cuộc sống ngay thời hiện tại là thoát ly khổ não, sanh tử, luân hồi.

Trương Hoàng Minh

http://giacngo.vn/phathoc/triethoc/2017/11/28/7276DB/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang