Tại
sao chúng ta phải tập nghĩ tốt cho người? Vì người ta thường có thói
quen thấy cái xấu mà ít thấy cái tốt của người. Nhất là khi đã có thành
kiến với ai thì lại càng cố nhìn những cái xấu của người nhiều hơn, và
khi đã ghét ai thì đến cái cửa, cái cổng cũng ghét luôn, nên người biết
tu rồi thì phải tập nghĩ đến cái tốt của người khác.
I/ AI CŨNG CÓ TÁNH GIÁC
Đối
với nhà Phật cho là con người ai cũng có Phật tánh, mà có Phật tánh tức
là có tánh tốt. Chính cái tánh tốt, hay tánh giác đó là cái chân thật,
là cái gốc của con người, còn cái xấu chỉ là cái tạm, nên chúng ta phải
nhìn cái gốc chứ đâu thể nhìn cái tạm. Tức cái xấu là cái mê, mới huân
vào sau này nên không phải là cái thật của con người.
Trong
kinh, đức Phật nói rằng: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”,
tức là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có tánh giác. Và đó là lẽ
thật mà chính Đức Phật, bậc giác ngộ thấy được rồi chỉ dạy lại cho
chúng sanh. Như vậy, ai cũng đều có tánh giác hay là tánh Phật, và đó là
tánh tốt, thì tại sao chúng ta lại không nhìn tánh tốt đó, không phát
huy nó mà chỉ nhìn cái xấu?
Chính
tánh Phật này là cái sẵn có trong tất cả chúng sanh, là chân lý bình
đẳng thật sự. Nhưng chúng ta thì nhìn theo kiểu thông thường của thế
gian, tuy cũng nói bình đẳng nhưng chưa thấy hết ý nghĩa bình đẳng. Còn
chân lý bình đẳng này dù nam, dù nữ đều có Phật tánh như nhau, tức là
Phật tánh không có tướng nam - nữ, cũng không có trẻ - già, lớn - nhỏ,
ngu - trí v.v…
Người
ngu, người trí cũng đều có Phật tánh như nhau; người đẹp, người xấu
Phật tánh cũng như nhau; cho đến màu da chủng tộc v.v…, hay dù là người
xứ này, người xứ kia, người văn minh, người thiếu văn minh, hoặc là
người ở trong vùng sâu, vùng xa v.v… cũng đều có Phật tánh như nhau hết.
Đó đúng là một chân lý bình đẳng thật sự, nhưng chỉ vì tập khí mê lầm
của con người chúng ta nên Phật tánh bị che mờ không phát hiện được, nên
chúng ta chỉ thấy tánh chúng sanh của nhau thôi.
Tánh
Phật là cái gốc, cái sẵn nhưng chúng ta lại không thấy, không biết mà
chỉ thấy tánh chúng sanh nên con người chúng ta thường sống với tánh
chúng sanh, nhận tánh chúng sanh này là mình là ta, bởi vậy khi nghe nói
đến tánh Phật thì thấy lạ. Khi học trong kinh điển hoặc nghe quý thầy
giảng nói về Phật tánh thì chúng ta cũng tin, cũng biết là ai cũng có
Phật tánh, nhưng thực tế thì thấy dường như xa lạ, đó gọi là mê. Và Phật
nói cái mê này cũng không có thực, chỉ giống như chiêm bao.
Do
chúng ta mệt mỏi rồi ngủ quên thành chiêm bao, tỉnh dậy liền mất nên nó
không có thực. Thì cái mê này cũng vậy, nếu người giác ngộ thì cái mê
này đi đâu? Nào biết nó đi đâu, vì nó tan mất, không có thực.
Trong
kinh Kim Cang, đức Phật dạy: “Chúng sanh ấy, Như Lai nói là không phải
chúng sanh, ấy gọi là chúng sanh”. Mọi người nói là chúng sanh nhưng Như
Lai thì nói chúng sanh tức chẳng phải chúng sanh, vì chúng sanh vốn
không có thực. Chúng sanh vốn không cố định mãi mãi là chúng sanh, chỉ
là cái tạm thời khi còn mê, nên gọi chúng sanh mà tức chẳng phải chúng
sanh.
Thế
nên, chúng sanh này có thể tiêu mất không còn, chính tánh Phật mới là
cái không mất, không có gì phá hoại được. Mặc dù bị bao bọc bởi cái
chúng sanh này nhưng không bị nó phá hoại; ngược lại cái chúng sanh này
thì bị Phật tánh phá hoại, tức là giác ngộ Phật tánh rồi thì chúng sanh
này tiêu mất. Chính cái hy hữu như vậy mà chúng ta lại bỏ quên, lo sống
với cái tạm thời, nên mỗi người cần phải nhìn ngược trở lại để chuyển
cái thấy chúng sanh và thấy rằng nơi tất cả chúng sanh đều có cái nguồn
Phật tánh chân thật, sáng suốt tức là cái tánh tốt lành.
Ngày
xưa ông Ương-quật-ma-la, là một tên giết người rồi lấy ngón tay xâu
thành chuỗi, thì tội ác lớn đến chừng nào? Tạo nghiệp ác như thế nào?
Nhưng khi được Phật hóa độ thì ông tu chứng quả A-la-hán ngay trong hiện
đời.
Trước
kia ông là tên cướp giết người, sau khi giác ngộ xuất gia tu theo Phật
chứng thành A-la-hán cũng ngay trong đời này. Như vậy, chúng ta thấy rõ
ràng tánh chúng sanh đâu có thực, nếu thực thì ông Ương-quật-ma-la không
thể thành A-la-hán. Mới đó là tên sát nhân, nhưng khi thành bậc
A-la-hán rồi thì gọi là thánh nhân. Phàm Thánh ngay đó thôi!
Như
bà Liên Hoa Sắc là một kỹ nữ mang nhiều nghiệp xấu, khi được Tôn giả
Mục-kiền-liên giáo hóa đưa đến diện kiến Phật, bà thức tỉnh rồi xuất gia
và tu chứng A-la-hán cũng ngay trong hiện đời. Như vậy cái tên của
người đàn bà làm nghề kỹ nữ xấu xa đó còn không? Đã thành bậc thánh nhân
rồi.
Sơ
Tổ Trúc Lâm nói trong bài kệ Cư Trần Lạc Đạo Phú, cóù câu: “Trong nhà
có báu thôi tìm kiếm”. Tức Ngài nhắc là mỗi người đều có của báu quý
trong nhà. Nhà đó là nhà gì? Tức là nhà ngũ uẩn hay con người này, nơi
đó mỗi người đều có một hòn ngọc báu quý vô giá tức là tánh Phật, khỏi
phải tìm đâu xa, ngay trong nhà của mỗi người đều có đủ. Người biết khai
thác lấy ra dùng thì chuyển nghèo thành giàu, hết đời chúng sanh lang
thang.
Thiền
Sư Bàn Khuê dạy chúng rằng: “Từ khởi thủy, lúc mới sinh ra tất cả quý
vị không ai có một thứ si mê nào, nhưng vì giáo dục xấu nên quý vị đã
chuyển cái tâm Phật gọi là bẩm sinh thành ra một chúng sanh mê muội
thượng hạng, bắt chước và thâu nhận vào đủ loại si mê xung quanh mình,
tập tành những thói hư tật xấu đến nỗi cuối cùng trở thành một cây vô
minh”. Tức là đang sẵn có cái tâm Phật bẩm sinh mà không xài, không dùng
lại chuyển nó thành một chúng sanh mê muội thượng hạng, lại còn bắt
chước, thâu nhận vào đủ thứ si mê xung quanh.
Thử
nghĩ từ nhỏ đến lớn quý vị đã thâu vào những thứ gì? Nhờ có học Phật
nên chúng ta mới bớt ra nếu không biết tu thì còn thâu thêm nữa. Chúng
ta đã thâu vào những thứ si mê, tập theo những thói hư, tật xấu đến nỗi
cuối cùng trở thành một cây vô minh. Mà hễ cây vô minh thì nó nở trái
gì? Nở trái vô minh, nhưng vẫn không hay không biết.
Ngài
bảo tiếp: “Chính vì tâm Phật nó có công năng kỳ diệu đang vận hành nên
quý vị mới thâu thập được đủ thứ hành vi mê muội, rồi khiến chúng trở
thành cái bản chất thứ hai của mình”. Tức là thấy nó là mình, của mình
cho nên gọi thành bản chất của mình. Khi quý vị sân thì nói tôi sân.
Tham nói tôi tham v.v…, gọi thành bản chất của mình. Nhưng tôi là những
thứ đó hay sao?
Ngài
bảo: “Tuy nhiên khi nghe được những giáo lý quý báu về tâm Phật này thì
quý vị phát khởi niềm tin và quyết định không còn si mê nữa, liền khi
ấy quý vị đã an trú trong tâm Phật bất sinh như nguyên ủy”. Tức là an
trú trở lại tâm Phật sẵn có, không nhận cái vô minh kia thì mình sống
trở về lẽ thật sáng suốt xưa nay.
“Như
thế, chính vì tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu mà quý vị đã bị mê mờ, và
cũng vì tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu mà quý vị được giác ngộ”. Chính vì
nó có công năng kỳ diệu tức là nó có biết nhưng tự bỏ quên thành mê,
biết cho nên mới mê (tức biết theo duyên theo cảnh mà quên chính nó).
Thí dụ cái cây đâu có biết mê, hòn đá đâu có biết mê, nhưng vì có tâm,
có biết cho nên nó mới thành mê.
Nhưng nhờ cũng có biết cho nên mới giác, nên cái tính biết là cái chúng ta phải khéo hiểu để nhận ra.
“Chính
vì quý vị không nhận ra sự quý báu của tâm Phật nên quý vị xem những
thứ si mê đang làm hại mình là vô cùng quý giá”. Xem những thứ si mê
đang hại mình lại là thứ quý giá trong đời mình. Quý vị thấy có điên đảo
không? Như bây giờ bảo chúng ta dẹp cái tánh sân thì chịu dẹp không? Nó
thành cái bản chất thứ hai của mình rồi, dẹp nó rồi mình thành cây đá
sao, nên không dám dẹp nó.
Ngài
nói tiếp: “Xem nó thành ra là vô cùng quý giá, và quý vị xem trọng cái
mê lầm này đến nỗi quý vị thành một cây vô minh, vứt bỏ cuộc đời của
mình thì có phải là điên rồ hay không?”. Đức Phật nói si mê là điên đảo
thật sự đúng nghĩa. Những thứ không phải mình cứ đem vào, nhận nó là
mình, thành bản chất của mình, rồi không dám bỏ mà xem nó là quý báu.
Chính nhờ học Phật, nhờ đức Phật chỉ cho chúng ta thấy những lẽ thật,
những chân lý để chúng ta bớt mê lầm, sống trở về với cái sáng suốt.
Ở
đây, Ngài muốn nhấn mạnh bản tánh chân thật của tất cả chúng ta vốn là
thanh tịnh, là tốt đẹp, tức là tâm Phật; tức không phải là những thứ xấu
xa này. Nếu người biết khai thác bản tánh chân thật tốt đẹp này, thì sẽ
chuyển hóa những cái xấu xa đó trở về cái gốc chân thật. Đó chính là
tu, tu Phật là như vậy. Cho nên, bản hoài ra đời của Phật là để khai thị
cho tất cả chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật, để thành Phật. Thành Phật
là chuyển cái chúng sanh này không còn là chúng sanh nữa. Nếu được như
vậy thì chúng ta ít có mặc cảm, bớt bi quan và thấy chúng sanh này, thế
giới này rất lạc quan, vui vẻ, đó là do biết nhìn cái tốt; ngược lại nếu
nhìn cái xấu thì sẽ thấy thế giới này đáng chán.
Kinh
Pháp Hoa, Đức Phật đã nhấn mạnh, nhắc đi nhắc lại nhiều lần để đánh
thức mọi người nhận ra lẽ thật đó. Vì thế, Bồ-tát Thường Bất Khinh gặp
ai cũng lễ bái, rồi nói to: “Tôi không dám khinh quý ngài, quý ngài đều
sẽ thành Phật”. Bởi quý ngài đều có tánh Phật thì quý ngài đều sẽ thành
Phật, tức là đánh thức tánh Phật nơi mỗi người. Các vị Bồ-tát thấy rõ lẽ
thật đó nên luôn thức tỉnh giúp tất cả mọi người chuyển tánh chúng sanh
thành tánh Phật.
Quý
vị nhớ kỹ, nhờ thức tỉnh mà con người sẽ chuyển được tánh chúng sanh
thành tánh Phật, như vậy chúng ta sẽ nhận rõ thêm một điều nữa, tánh
Phật và tánh chúng sanh là sao?
Đều
là không tánh, tức là tánh không, không cố định. Tánh Phật cũng không
ngoài chúng sanh mà có; cũng vậy, chúng sanh không không cố định mãi là
chúng sanh. Nên chúng ta có thể chuyển chúng sanh thành Phật, vì cả hai
đều là tánh không. Đó là điểm mà tất cả đều phải ghi nhận rõ để chúng ta
chỉ nhìn chỗ tốt của mọi người, rồi mới có thể nghĩ tốt, thấy tốt về
người.
II/ NHÌN CÁI TỐT CỦA NGƯỜI, QUÊN CÁI XẤU
Đây
muốn nhắc tất cả rằng khi đã biết nhìn cái tốt thì sẽ quên cái xấu của
người, nhưng thông thường thì chúng ta hay nhìn cái xấu. Bây giờ phải
chuyển lại là thường nhìn cái tốt thì sẽ luôn nghĩ điều tốt cho người,
tức là nhắm vào cái tốt của người để nhìn, như vậy sẽ khiến cho người
phát triển cái tốt, mà phát triển cái tốt thì những người ấy sẽ chuyển
bớt cái xấu, cái tốt càng phát triển thì làm mờ đi cái xấu, cái xấu càng
bớt.
Như
đã giải thích thì quý vị thấy rõ ai cũng đều có cái tốt để chúng ta
nhìn, nhưng tại sao lại không nhìn? Đôi khi chúng ta nghĩ người đó đâu
có tánh nào tốt mà chỉ thấy tánh xấu, là bởi vì chúng ta chỉ nhìn cái
xấu của người.
Con
người ai cũng đều có cái tốt, cho đến tên ăn trộm cũng có cái tốt nên
không thể nói là hoàn toàn xấu. Thí dụ tại sao người đó phải đi lén lút
ăn trộm tài vật của người? Họ vẫn biết ăn trộm là điều xấu, vì xấu cho
nên phải lén lút, đã biết điều xấu tức là còn có chủng tử tốt. Nhưng vì
nghiệp nặng che mờ, mất tự chủ, khiến dẫn đi trộm đồ vật của người.
Giống như người uống rượu say mất sáng suốt, mất tự chủ nên dễ tạo tội
ác.
Nếu
nhìn theo tính tốt đó thì chúng ta cũng bớt ghét tên ăn trộm, nên chúng
ta phải khơi dậy cái tính tốt để sớm phát huy thì sẽ bớt tính xấu, nhờ
vậy những người ăn trộm mới có thể đi tu được.
Chúng
ta đọc trong kinh thấy đức Phật độ người trộm cướp rất nhiều, và các đệ
tử Phật cũng vậy. Sách Nho có câu: “Ẩn ác, dương thiện”. Tức là ẩn điều
ác mà phô bày điều thiện. Nhưng chúng ta thì thích ẩn thiện dương ác.
Những điều thiện của người thì che, những điều ác của người thì vạch bày
ra, nhất là khi đã có thành kiến thì cứ tìm điều xấu của người đưa ra.
Sách Nho dạy kỹ là phải ẩn ác dương thiện để phát huy điều thiện, càng
phát huy điều thiện thì điều ác càng lui.
Có
câu chuyện một anh trẻ tuổi nhưng làm ăn bị phá sản, sống nghèo thiếu
lang thang. Một hôm, trên đường đi anh khát nước mới tìm chỗ xin nước
uống. Anh vào nhà ông lão mù ở bên đường. Sau khi xin nước uống xong thì
anh phát hiện một số tiền dưới gối của ông lão. Anh nghĩ ông lão mù sẽ
không thấy rõ nên liền nhanh tay lấy bỏ vào túi. Khi vừa định đi thì
nghe ông lão nói: “Ở trong cái ngăn kéo của tôi có mấy quả táo, anh hãy
cầm lấy đi đường ăn đỡ khát”. Nghe vậy anh mới ngạc nhiên hỏi: “Lão tín
nhiệm tôi như thế à? Lão không sợ tôi là người xấu hay sao?”.
Anh
nghĩ vừa mới lấy túi tiền của ông mà ông còn mời và chỉ mấy quả táo ở
trong tủ để ăn nữa, nên anh mới nói: “Lão tín nhiệm tôi như thế à? Không
sợ lỡ tôi là người xấu hay sao?”.
Ông
lão mù cười thoải mái nói: “Này anh bạn trẻ ơi, đối với sự tốt xấu của
người khác ta không nên vội vàng phán đoán một cách tùy tiện. Giả sử cho
họ là một người xấu đi nữa thì dù xấu thế nào cũng không đến nỗi không
có thuốc chữa”. Ông lão này cũng là đặc biệt. Ông nói con người không
nên tùy tiện phán đoán điều tốt xấu của ai cả, mà dù cho người ta có xấu
cách mấy đi nữa cũng có thuốc chữa, ông có niềm tin như vậy.
Với
tâm chân thành, trong sáng của ông lão giống như ngọn đèn soi thấu tận
cõi lòng, chấn động trong nội tâm của anh này nên anh cảm động. Đây là
điều không bao giờ anh nghĩ đến vì có người tin anh là người tốt. Tận
thâm tâm anh nghĩ rằng nếu người khác đã tin ta là người tốt thì tại sao
ta lại đi làm chuyện xấu!
Anh
liền hối hận, nhẹ nhàng trả túi tiền lại chỗ cũ rồi chào ông lão đi ra,
và cũng từ đó anh bắt đầu làm lại cuộc đời, nhờ học được bài học và ứng
dụng nghĩ tốt cho người. Đối với bạn bè, đồng nghiệp, người hợp tác
v.v… anh đều có tâm tín nhiệm, nên tạo thành một mối quan hệ tốt đẹp
rộng rãi, anh được cảm tình rất nhiều người và không bao lâu anh tạo
được sự nghiệp lớn trở lại.
Đây
là bài thực tập “Tập nghĩ tốt cho người” của ông lão dạy cho chúng ta.
Ông nghĩ không nên tùy tiện phán đoán một ai về điều tốt, điều xấu vì đó
là hời hợt, mà phải nhìn sâu xa vì ông tin tưởng mọi người không có ai
hoàn toàn xấu, và dù có xấu cách mấy cũng còn có thuốc chữa, tức là cũng
còn có tốt; mà nhìn vậy là có lạc quan, có niềm tin, chính như vậy có
khi làm cảm động cho người đối diện, giúp họ chuyển hóa theo. Thế nên,
người thanh niên kia khi nghe đến đó thì thấy chấn động trong tâm, cảm
được sự chân thành từ nội tâm của ông lão.
Đây
là điểm quan trọng, là bài học cần thiết để chúng ta luôn nghĩ tốt cho
người, để đánh thức hạt giống tốt trong mỗi người. Nghĩ tốt về người nào
đó là đánh thức những hạt giống tốt trong con người đó, giúp họ phát
triển những điều tốt, vẫn hay hơn là nghĩ xấu cho người. Khi bị người
nghĩ xấu, theo tâm lý thì người ta càng bất cần rồi làm cho xấu thêm;
còn nghĩ tốt là đánh thức những hạt giống tốt bên trong của người đó,
giúp họ có niềm tin tiến lên.
Hòa
thượng Tinh Vân (Phật Quang Sơn) có kể một giai thoại: Vào dịp tết, dân
làng gồm già, trẻ, bé, lớn v.v… cùng dắt nhau lên núi để nhận quà từ
chùa, đến mùa đông dịp cứu tế người nghèo, họ cũng dắt dìu gia quyến đến
để lãnh nhận phần giúp đỡ. Nhận rồi là quay lưng về liền không nói được
một lời cám ơn.
Một
số nhân viên của Ngài thấy như thế cho là không hay nên thường kháng
nghị lên Hòa thượng: “Những hạng người này không có lương tâm đâu Hòa
thượng, họ chỉ biết là đến lấy bao bì lì xì, lấy quà tặng, họ được phần
rồi thì coi như là xong, không nói được một câu tử tế mà còn đòi hỏi quá
đáng, đúng là qua cầu rồi chặt cầu”.
Hòa
thượng Tinh Vân khuyên: “Chúng ta không nên quơ đũa cả nắm, trong số
những người ấy cũng có người tốt, huống nữa là những người hành Bồ-tát
đạo thì không nên nhớ cái xấu cũ của người, bố thí thì đừng mong đền
đáp. Nhìn họ vui vẻ, hỉ hả về núi là đã có kết duyên lành cùng với Phật,
Bồ-tát thì chúng ta nên chúc phúc cho họ mới đúng”.
Ý
Hòa thượng nói là người hành Bồ-tát đạo thì không nên nhớ cái xấu cũ
của người, và bố thí đừng mong đền đáp. Như vậy là họ kết duyên lành với
Phật cũng quý rồi, chúng ta phải giúp cho họ kết duyên sâu thêm chứ
không nên nghĩ xấu rồi trở thành ngăn cách.
Quý
vị phải nhớ điều đó, tinh thần của Bồ-tát là lòng rộng mở, khi thấy
chúng sanh biết lên chùa gặp Phật là cũng có hạt giống tốt nên phải tạo
thêm duyên để họ kết càng sâu. Đó gọi là nghĩ tốt mà quên cái xấu của
người. Chính là điểm mà mỗi người phải luôn nhớ học, để cuộc sống chúng
ta mỗi ngày càng tốt hơn, nội tâm càng chuyển hóa cao hơn. Những người
kháng nghị kia do tâm họ còn so tính nên thấy việc lợi hại, và nếu chỉ
nhìn theo cách ấy thì hết muốn làm việc bố thí.
Còn
với Hòa thượng Tinh Vân thì không phải vậy. Tâm Ngài luôn cởi mở, rộng
rãi nên dặn “không nên nhớ cái xấu cũ của người”. Điều này trong kinh
Bát Đại Nhân Giác Phật có dạy là người học và tu theo Phật không nên nhớ
những cái xấu đã qua của người v.v…, mà Phật dạy phải hằng nhớ lý vô
thường và thương sự mê lầm của họ.
Thứ sáu giác rõ như sau:
Là người nghèo khổ càng sâu oán hờn.
Ác duyên ngang kết khó lường,
Đâu như Bồ-tát sẵn sàng thí cho.
Oán thân đồng chẳng so đo,
Cũng không nhớ đến ác xưa người làm.
Người dù tạo ác gây hờn,
Cũng không ghét bỏ chỉ thương mê lầm.
Đức
Phật dạy chúng ta tu phải quán chiếu từ hoàn cảnh bên ngoài đến thân
tâm bên trong đều là vô thường, nếu người chỉ lo nhớ đến cái xấu của
người, cho ai xấu thì phải xấu hoài thì trái với ý nghĩa vô thường. Ngày
xưa, cách 20 năm trước họ đối xử với chúng ta xấu tệ nhưng bây giờ
không hẳn là họ còn đối xử như vậy. Có khi họ đã học đạo và chuyển hóa
rất tốt nên bớt xấu rồi nhưng chúng ta cứ nhớ lỗi xưa của người thành ra
ngăn cách.
Cho
nên, người tu Phật không thể cứ nhớ cái xấu cũ của người mà phải biết
nó cũng là vô thường, tâm của người cũng vô thường. Trước kia vì họ
không hiểu họ làm chuyện xấu, nhưng qua một thời gian họ đã có chuyển
biến, đã hiểu được đó là điều dở, điều xấu nên chuyển hóa bớt rồi mà
chúng ta không hay biết.
Còn
đối với việc bố thí thì đừng mong đền đáp, khi thấy người khổ thì ta
giúp đó là tốt, đừng mong trả lại. Nếu đã giúp người lỡ mai mốt gặp lại
mình mà họ không chào hỏi thì buồn tức, cho là người vô ơn bạc nghĩa
v.v… Chẳng lẽ chúng ta giúp người là vì muốn họ chào mình hay sao? Như
vậy cũng còn có qua lại, giống như buôn bán rồi.
Ở
đây đúng với tinh thần Bồ-tát là thấy họ khổ thì giúp họ bớt khổ, đó là
trách nhiệm của người tu. Thứ hai, khi thấy họ vui là mình vui rồi. Thứ
ba quan trọng hơn là chúng ta giúp người không điều kiện là hoàn toàn
buông xả. Vì khi trao tặng người tài vật rồi thì tùy ý người nhận sử
dụng mà không đòi hỏi phải theo ý mình. Đừng nhớ món đồ đó là của tôi
hoài, tuy có xả nhưng chưa thiệt xả. Nếu biết buông xả thì lòng chúng ta
càng rộng rãi vui vẻ, cởi mở nhẹ nhàng là đã hành đúng ý nghĩa là bố
thí. Đó là những điểm mà chúng ta cần phải nhớ.
III/ LỢI ÍCH CỦA SỰ NGHĨ TỐT CHO NGƯỜI
Nghĩ
tốt cho người có lợi ích gì? Thường nghĩ tốt cho người thì tâm chúng ta
sẽ luôn luôn nghĩ về điều tốt cho người này, người kia, tâm tâm sẽ nhẹ
nhàng thanh thoát. Vì chỉ nghĩ những điều tốt nên tâm hồn mình cao
thượng và ít bị những bóng tối che mờ, nhờ vậy lòng của mình sẽ rộng mở
rồi những cái tâm hẹp hòi ích kỷ sẽ bớt, chính đó cũng là làm cho tâm
Bồ-đề của chúng ta phát triển, lớn mạnh thêm. Thì khi ấy, cuộc sống sẽ
được vui hơn, mọi người càng sống gần nhau hơn, đến gần với nhau hơn, là
thêm nhiều bạn hơn, mà nhiều bạn thì bớt kẻ thù. Vậy thì nghĩ tốt cho
người đâu có thiệt thòi gì!
Có
nhiều người nói rằng: “Nó gạt tôi sao lại bắt tôi nghĩ tốt cho nó?”.
Đúng vậy, cho dù người có gạt mình thì mình vẫn nghĩ tốt cho họ. Người
ta có nghĩ xấu cho mình, nhưng mình vẫn nghĩ tốt mãi, khi đó lòng chúng
ta được nhẹ nhàng, thanh thản, không hề buồn khổ thì đâu có thiệt thòi.
Vì nếu mãi lo nghĩ là nó gạt tôi thế đó thì tâm bực bội nóng nảy, ngủ
không được cứ trằn trọc v.v… thì chính đó là thiệt thòi, là khổ và đang
bị họ làm khổ.
Nên
đây là một ý nghĩa chân thật, chúng ta phải thường tập nghĩ tốt cho
người để luôn luôn có lợi ích, thường có cuộc sống vui tươi, lạc quan
v.v…, tạo thêm niềm tin cho mình và cho người. Giống như ông lão mù cảm
hóa được người thanh niên kia. Họ nghĩ: ‘Mình xấu gây khó khăn ngăn trở
người mà sao người cũng nghĩ tốt cho mình, không lẽ mình cứ xấu với
người hoài sao?’. Nên có khi là chuyển hóa được họ, cũng không có thiệt
thòi gì hết. Được vậy là chúng ta đã càng tạo cơ hội để cho người chuyển
hóa, cũng là rất có ý nghĩa.
Có
câu chuyện về Hòa thượng Quảng Khâm ở Đài Loan tu hành rất đắc lực. Có
lần đệ tử Ngài đi nghe thuyết pháp ở chùa khác, nhận thấy lời thuyết
pháp của vị giảng sư này có ẩn ý phê bình thầy mình. Họ bất bình nên sau
đó lên núi thưa lại với Ngài. Tưởng thưa vậy rồi Ngài cũng đồng tình,
nhưng không ngờ Ngài không những không có ý gì khó chịu mà còn bảo các
vị đệ tử phải đi sám hối vì có lỗi là đã hiểu lầm lời giảng của pháp sư
kia.
Đồng
thời Ngài còn giải thích những hàm ý Phật pháp trong lời giảng đó cho
đệ tử nghe là tốt, đúng Phật pháp. Rồi khuyên răn các đệ tử: “Giả sử có
người nào họ nêu danh tánh của mình ra mắng thì mình còn phải thành tâm
biết ơn họ nữa, huống hồ là người ta không nêu tên của mình”. Tức là họ
nêu ngay tên ra mắng thì mình còn biết ơn nữa, còn đây không có nêu tên
thì có gì đâu, không có dính dáng gì hết.
Như
nhà thiền thường dạy: “Việc đến chẳng nhận, tất cả chỗ không tâm”, tức
là dù họ có đem đến tận nhà mình, mình còn không nhận, huống là còn ở
ngoài cửa cổng không quan trọng. Nếu như chưa gì, chuyện còn ở đâu ngoài
hẻm, ngoài xa mà đã đem vô rồi thì thành khổ thôi. Chúng ta thấy tâm
hồn của các ngài rỗng rang, thanh tịnh nên lúc nào cũng thoải mái hết.
Sau
đó, Hòa thượng mới nghiêm túc dạy đệ tử: “Muốn cho Phật pháp được hưng
thịnh thì tăng phải biểu dương tăng”, tức là tăng phải khen ngợi tăng
thì Phật pháp mới hưng vượng, đừng để cho tăng hạ thấp tăng, làm vậy là
khiến cho Phật pháp dần suy. Ngài còn tán dương vị pháp sư kia rằng: “Ở
trong thế giới phù hoa huyễn hóa này mà thuyết pháp độ được chúng sanh
như vậy thì thật là một vị Bồ-tát”. Ngài lại nói khiêm tốn: “Còn tôi thì
không dám đi thuyết pháp như vậy”. Từ đó, đệ tử của Ngài cũng hết dám
chê ai. Đúng là tâm hồn Bồ-tát.
Như
vậy, quý vị Thấy Ngài có thiệt thòi không? Thật là một tâm hồn thoải
mái, nhẹ nhàng thanh thoát, đâu có gì để khổ. Trái lại, chưa có gì mà
vội thu vào thì khổ liền, thiệt thòi liền ngay đó. Đó là những cái bài
học lợi ích thiết thực để chúng ta học.
Rồi
chính như Hòa thượng Tinh Vân cũng vậy, Ngài có kể lại những cái năm về
trước lúc tình hình kinh tế còn khó khăn. Một hôm, đệ tử Ngài coi về
việc thủ quỷ trong chùa cầm một xấp hóa đơn đến thưa với Hòa thượng là: “
Sư Phụ! Gần đây trong chùa chúng bị đau răng rất nhiều, thường trụ đã
hết lòng cấp cho họ phương tiện để đi chữa răng, số tiền chữa rất cao.
Bọn họ nhận ân huệ của thường trụ rồi lại thường hổn ẩu với người, không
nói được một lời tử tế. Theo con là chẳng nên xuất tiền cho họ rất uổng
phí”.
Hòa
thượng nói rằng: “Nhưng mà tôi vẫn kiên trì cho họ được đổi hàm răng
tốt. Vì tôi thà để cho họ nói lời không tử tế chứ không thể không cho họ
một bộ răng tốt để họ được tiện dụng khi mở miệng thuyết pháp có thể
khiến đồ chúng vui vẻ, được pháp bảo, có giá trị vô thượng”.
Ý
Ngài nói là tuy những người đó có nói năng với chúng trong nhà hơi thô
tháo chút đỉnh không sao, để cho họ có bộ răng tốt lên pháp đường họ
thuyết pháp, khiến mọi người thấy vui vẻ, cũng có giá trị chứ không có
thiệt thòi.
Quý
vị thấy đây cũng là nghĩ tốt cho người, và người được như vậy là tâm
hồn nhẹ nhàng. Nếu những vị kia nghe được lời này thì chắc chắn trong
lòng cũng hơi xấu hổ. Nghĩa là dù bị lợi dụng nhưng mà Ngài vẫn không so
đo tính toán gì hết.
Ngài
kể có nhiều trường hợp bị lợi dụng cái danh, tiếng tăm của Ngài. Vì
nghe Phật Quang Sơn nổi danh nên họ cũng để hiệu nhà hàng của họ là
“Phật Quang Sơn”. Đồ chúng đến thưa, Ngài cũng nói không sao coi như là
bố thí sự lợi dụng cho họ. Ngài nói là: “Nếu Phật Quang Sơn không có
danh tiếng gì thì họ không lợi dụng, nên chúng ta chẳng cần so đo tính
toán ai lợi dụng ai. Nhân vì tất cả sự tướng thế gian đều có sự liên hệä
lẫn nhau nên nguyện cho mọi người đồng hưởng được thành quả của sự hỗ
tương lợi dụng - tức là lợi dụng lẫn nhau - để có thể phát huy giá trị
tối cao của lợi dụng vậy”.
Lòng
Ngài thoải mái, rộng rãi không bực bội, khó chịu, bị lợi dụng mà vẫn
vui vẻ, tâm như vậy thì đâu có khổ, mà cũng đâu có bị thiệt thòi. Những
tâm hồn như vậy sẽ sống rất thoải mái, lạc quan, tin tưởng. Đây là điều
chúng ta cần phải học suốt cuộc đời.
IV/ TÓM KẾT
Con
người ai cũng có tâm, có tâm tức là có tính biết, mà có tính biết tức
là có bản chất giác ngộ. Có tính biết nên chúng ta nhận biết điều này là
quấy, biết điều này là mê, là điên đảo mà có giác ngộ, còn cây đá đâu
biết giác ngộ. Nên chúng ta phải có niềm tin để vươn lên chứ không thể
mất lòng tin và ai cũng đều có thể vươn lên hết. Phải khéo đánh thức chỗ
sâu kín ấy để thức tỉnh bản thân đồng thời cũng giúp cho người thức
tỉnh mà phát huy điểm tốt của mình rồi chuyển hóa thì đó cũng là giúp
cho chính mình. Nhờ vậy, chúng ta không bi quan bởi vì đức Phật cũng từ
chúng sanh mà thành, và là con người thì ai cũng đều có bản chất giác
ngộ sáng suốt đó nên nói là hạt giống Bồ-đề được nuôi lớn lên từ phiền
não của chúng sanh chớ không phải bỗng dưng mà có. Quý vị nên nhớ kỹ
điều này.
Trong kinh Duy Ma, ngài Duy-ma-cật hỏi Bồ-tát Văn-thù:
“Các hạt giống Như Lai là hạt giống nào?” Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp: “Có
thân là hạt giống Như Lai; vô minh, hữu ái là hạt giống Như Lai; tham
sân si là hạt giống Như Lai; bốn điều điên đảo là hạt giống Như Lai”.
Hạt
giống Như Lai là như thế chứ không phải là ngoài chúng sanh này. Tức
Như Lai cũng từ trong đây mà thành, Bồ-đề cũng từ trong đây mà phát
khởi. Chúng ta có phiền não nên mới có Bồ-đề nếu không có phiền não thì
đâu có Bồ-đề. Nói tóm lại, sáu mươi hai tà kiến và cả thảy phiền não đều
là hạt giống Như Lai hết.
Chúng
ta luôn nhớ chính từ trong chỗ bùn lầy phiền não mới có chúng sanh phát
tâm theo Phật pháp. Tức do có phiền não mới phát tâm đi tu, nếu không
có phiền não thì đi tu làm gì? Nên trong bùn lầy phiền não mới có người
phát tâm tiến lên giác ngộ. Nếu hiểu như vậy là chúng ta có tâm lạc quan
rồi có đủ niềm tin để vươn lên và thấy rằng là con người không có ai là
hoàn toàn xấu, ai cũng đều có khả năng để tiến lên, nên đâu có buồn.
Thế
nên, tất cả chúng ta cần xây dựng niềm tin cho mình, cho mọi người để
vươn lên, tức là khơi dậy để phát triển cái tính tốt trong mỗi người, mà
càng khơi dậy càng phát triển tính tốt thì sẽ giảm bớt điều xấu, đó là
lẽ thật. Ngược lại nếu lo phát huy điều xấu, phô bày điều xấu thì điều
tốt bị che, hai cái đối nghịch với nhau.
Để
nhấn mạnh lại nội dung bài giảng hôm nay, tất cả người tu học Phật là
phải nên thường tập nghĩ tốt cho người. Nếu hai bên đều thực tập như vậy
thì bên này cũng nghĩ tốt cho bên kia, bên kia cũng nghĩ tốt cho bên
này, thì quá vui! Cuộc đời sẽù tươi đẹp, bảo đảm thế gian này sẽ bớt thù
hằn. Mà cả thế gian đều tập như vậy hết thì bảo đảm trên thế gian này
không còn kẻ thù. Mình nghĩ tốt cho người này, người này nghĩ tốt cho
người kia thì còn có ai để thù, không còn ai ngăn ngại nhau hết thì cuộc
sống hẳn là tươi vui, mát mẻ thêm lên, tâm hồn của mình cũng trong
sáng, cởi mở.
Cho
nên, mong tất cả quý vị thường luôn phát triển và càng ngày càng mở
rộng tâm tốt này thêm nhiều, càng thêm nhiều càng tốt, bảo đảm là không
có thiệt hại: Mình nghĩ tốt thì giúp cho người kia cũng nghĩ tốt rồi
nhân ra càng rộng, mà càng rộng thì thế gian càng tốt đẹp thêm lên. Đây
là bài tập cho tất cả để sống trở về với chánh pháp.