Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Sự Khác Biệt Giữa A La Hán Và Bồ Tát Là Gì?
29/10/2012 18:16 (GMT+7)


Đáp: A la hán và Bồ tát có nhiều điểm khác nhau:

1. Khác nhau danh xưng: A la Hán, tiếng Phạn gọi là Arahat. Bồ tát, tiếng Phạn gọi là Bodhisatva, phiên âm là Bồ đề tát đỏa. Nói gọn là Bồ tát.

2. Khác nhau về ý nghĩa: A la hán chỉ là phiên âm từ tiếng Phạn Arahat. Chữ Arahat hay A la hán có 3 nghĩa: Sát tặc, Vô sanh và Ứng cúng. a) Sát tặc là giết sạch hết giặc phiền não trong tâm. Bọn giặc phiền não chúng nó hung tợn dữ dằn lắm. Những thứ phiền não gốc ngọn gì, các Ngài cũng đều giết sạch hết, nên gọi là sát tặc.

Vô sanh đồng nghĩa với Niết bàn. Nghĩa là các Ngài đã đạt được một trạng thái tâm lý yên tịnh không còn sanh diệt nữa. Nói rõ, là các Ngài không còn sanh tử luân hồi.

c) Ứng cúng là các Ngài thật xứng đáng cho trời người cúng dường. A la Hán có 3 nghĩa như thế.

Còn nghĩa của Bồ tát thì sao? Bồ tát có 2 nghĩa : một là hữu tình giác, hai là giác hữu tình. Thế nào là hữu tình giác? Bồ tát cũng là một con người như chúng ta, nhưng là một con người giác ngộ và sau khi giác ngộ, các Ngài đem sự giác ngộ đó giáo hóa cho mọi người cũng đều được giác ngộ như các Ngài, thì gọi các Ngài là Bồ tát. Như vậy, ai cũng có thể làm Bồ tát được cả. Nếu chúng ta chịu khó tu học và có tấm lòng vị tha nhân ái làm lợi ích cho mọi người, cũng đều gọi là Bồ tát. Tóm lại, Bồ tát chỉ là một con người, nhưng là người giác ngộ, làm lợi mình và lợi người, đó là Bồ tát.

3. Khác trên hình thức : Bồ tát không nhứt thiết phải là người có hình thức xuất gia mà người tại gia vẫn làm Bồ tát. Như vậy, Bồ tát có hai hạng: xuất gia và tại gia. Ngược lại, A la hán, thì phải là người xuất gia, vì các Ngài thọ đại giới Tỳ kheo, hay Sa môn vậy.

4. Khác biệt về giới luật : A la hán khi tu nhân thì gọi là Tỳ kheo thọ 250 giới. Khi chứng quả gọi là A la hán. Tức các Ngài nặng về phần giới tướng, không đặt nặng về giới tánh. Ngược lại, Bồ tát thì nặng về phần giới tánh và có tam tụ tịnh giới. Đồng thời còn thọ 10 giới trọng và 48 giới khinh, tổng cộng là 58 giới. Đó là nói Bồ tát xuất gia. Còn Bồ tát tại gia thì gồm có 6 giới trọng và 28 giới khinh. Nói tam tụ tịnh giới có nghĩa là : Tam là ba, tụ là nhóm, tịnh là trong sạch, giới gọi là ngăn cấm. Tam tụ tịnh giới, tức là 3 nhóm giới của Bồ tát. Một là nhiếp luật nghi giới (dứt các điều ác). Hai là nhiếp thiện pháp giới (hành các điều lành). Ba là nhiêu ích hữu tình giới (độ tất cả chúng sanh). Đó là khác biệt về giới luật.

5. Khác về tâm niệm: A la hán có tâm lượng hẹp hòi, chỉ lo tự độ mình thôi, chứ không nghĩ đến độ người khác. Nên các Ngài bị Phật quở là Trầm không trệ tịch hay Khôi thân diệt trí. Ngược lại, Bồ tát thì Phật khen có tâm lượng rất rộng lớn. Các Ngài chẳng những lo phần độ mình mà còn luôn nghĩ đến độ chúng sanh nữa.

6. Khác nhau về pháp tu: A la hán sau khi nghe Phật giảng pháp Tứ Đế: khổ, tập, diệt, đạo, rồi, các Ngài ứng dụng tu hành. Nhờ đó mà các Ngài chứng quả A la hán. Nên còn gọi các Ngài là Thanh văn. Tức nhờ nghe pháp âm của Phật mà tu hành chứng quả. Ngược lại Bồ tát thì ứng dụng thật hành pháp Lục độ. Tức bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ.

7. Khác nhau về quả vị: Hàng A la hán chứng được quả vị Niết bàn, mà Niết bàn của các Ngài gồm có hai loại: Hữu dư y niết bàn và Vô dư y niết bàn. Ngược lại, Bồ tát thì gọi là Vô trụ xứ niết bàn. (Niết bàn không có chỗ nơi an trụ cố định ).

8. Khác biệt về độ sanh: A la hán sau khi chứng quả các Ngài an trụ quả vị Niết bàn mà không ra độ sanh. Ngược lại, Bồ tát ngoài việc tự lợi, các Ngài luôn lấy việc độ sanh làm lợi ích cho muôn loài không biết mỏi mệt.

9. Khác nhau ở bản nguyện: Bản nguyện của A la hán lúc tu nhân chỉ lo diệt trừ hết phiền não rồi an trụ Niết bàn, không ra độ sanh. Dù có đi chăng nữa, cũng không được rộng lớn. Ngược lại, bản nguyện của các vị Bồ tát rất rộng lớn, như Bồ tát Địa Tạng nói: “Chừng nào địa ngục trống không, thì Ngài mới thành Phật”, nhưng biết bao giờ địa ngục mới trống không. Thật đó là một đại nguyện vậy.

10. Khác nhau ở tiến trình tu chứng: A la hán từ địa vị phàm phu các Ngài phải trải qua các ngôi vị, như Tứ gia hạnh: Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế đệ nhất và 3 quả vị: Tu đà hoàn, Tư đà hàm và A Na hàm rồi mới đến quả vị A la hán. Ngược lại, Bồ tát thì phải tuần tự trải qua 52 ngôi vị. Từ địa vị Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa rồi bước lên Đẳng giác và cuối cùng là Diệu giác tức thành Phật.

Tóm lại, Sự khác biệt giữa A la hán và Bồ tát đại khái gồm có 10 điểm chính yếu sau đây:

1. Khác về danh xưng.

2. Khác về ý nghĩa.

3. Khác về hình thức.

4. Khác về giới luật.

5. Khác về tâm niệm.

6. Khác về pháp tu.

7. Khác về quả vị.

8. Khác về độ sanh.

9. Khác về bản nguyện.

10. Khác về tiến trình tu chứng.

TK Thích Phước Thái

*********************************************************

Phục Lục:

NHỊ THỪA, HỮU HỌC VÀ VÔ HỌC

Nhị thừa: 1) Thanh Văn thừa (A La Hán) bực này nghe tiếng tăm thuyết pháp của Phật mà ngộ đạo. 2) Duyên giác thừa (Bích Chi Phật) bực này quán xét mười hai nhân duyên mà ngộ đạo. Hữu học là gì ? Bậc Sơ quả, Nhị quả, tam quả và A la hán còn phải học tập (vì chưa hết hoặc). Thế nào là Vô học ? Tức là bực Tứ quả của A La Hán và Bích Chi Phật không còn phải học nữa, (vì những hoặc, nghiệp đã dứt sạch, nên không còn luân hồi nữa).

LỜI PHỤ:

Nhị thừa hai bực (Thanh Văn và Duyên Giác) hai bực này còn phải học, cũng như còn phải tu tập, còn phải tiến lên. Vô học cũng như là Vô lậu: không còn ô nhiễm, cũng gọi là Vô sanh, nghĩa là không còn luân hồi sanh trở lại trong ba cõi: Dục, Sắc và Vô sắc.

Mười hai nhân duyên: 1) Vô minh Duyên hành, 2) Hành duyên Thức, 3) thức duyên Danh sắc, 4) Danh sắc duyên Lục nhập v.v… đều là những pháp do nhiều duyên hòa hợp, không thật thể, vô th giả dối, nhận được nó là pháp như huyễn, tức đạo lý chơn thật tự nhiên tỏ bày.

Bích chi Phật: dịch Duyên Giác, vì quán mười hai pháp nhân duyên mà được giác ngộ. Ngoài ra, cũng còn bậc Độc Giác, bậc này không gặp Phật ra đời, không được nghe tiếng Phật thuyết pháp, mà tự mình quán mười hai pháp nhân duyên giả hợp, như chiêm bao, như bọt nước mà ngộ đạo, nên gọi quả Độc Giác…

A La Hán: dịch Vô sanh, vì không còn sanh trở lại trong ba cõi này nữa, như trên đã nói. Nghĩa là hết luân hồi sanh tử.

Các tin đã đăng:
Về đầu trang