Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
HỶ XẢ
29/10/2012 17:35 (GMT+7)

 Ngài đến dưới gốc cây bồ đề, ngồi Thiền suốt 49 ngày và một sáng thành đạo. Cơ duyên để Ngài thành đạo chính là Ngài chợt nhìn thấy sao mai. “Nhất đổ minh tinh đạo thành giáng pháp lâm”. Từ đó, Ngài bắt đầu đi du hóa suốt 49 năm, để rồi thị tịch tại rừng Sala thành Câu Thi Na. Cuộc đời của Đức Phật như vậy đó!

Đức Phật vì muốn thoát khỏi sanh già, bệnh chết mà lên đường tìm đạo. Nhưng đến tám mươi tuổi Ngài lại nhập niết bàn. Và chúng ta cũng nghe nói Ngài bị đau lưng, phong thấp, kiết lỵ…Vậy thì Ngài giống hệt chúng ta, đâu có khỏi già bệnh chết! Như vậy, chúng ta phải hiểu sao đây?

Sanh già bệnh chết là lẽ đương nhiên. Ai đã sinh ra thì tuần tự theo đó mà đi. Đức Phật thấy cảnh sinh già, bệnh chết, Ngài không cam lòng và khi tu đắc quả rồi, Ngài mới nhận ra lẽ thường như thế. Nhưng điều Ngài chứng ngộ không chỉ như thế mà tuyệt vời hơn là Ngài đã nhận ra trong tất cả chúng sanh sẵn có cái tâm bất sanh bất diệt. Tâm này vượt khỏi mọi buộc ràng phiền não, làm chủ muôn vật. Còn thân tâm chúng ta thường nhận là mình lại là giả tạm, sự sanh diệt của nó không dính dáng gì tâm thênh thang kia.

Chứng đạo ca của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác có câu:

Tự tùng nhận đắc Tào Khê lộ,

Thủy tri sanh tử bất tương can

(Từ ngày rõ nẻo Tào Khê,

Mới hay sinh  tử chẳng hề tương quan,)

Như vậy nếu chúng ta muốn thoát ly khỏi sinh già, bệnh chết thì phải đi theo con đường Đức Phật đã chỉ cho chúng ta tức là phải nhận ra Tâm Phật của mình.

Vua Trần Thái Tông có làm một bài thơ rất đơn giản, ông cho rằng sở dĩ chúng ta bị luân hồi, đau khổ là do:

“Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng

Mắt theo hình sắc, mũi theo hương

Lênh đênh làm khách phong trần mãi

Ngày hết quê xa vạn dặm trường”

Nghĩa là đáng lẽ ra chúng ta ở yên ổn tại “quê hương” của mình nhưng do mắt, tai, mũi, lưỡi dính theo sắc, thanh, hương, vị, xúc cho nên phải làm “khách tha hương”. Nếu như chúng ta nhận ra được bản tâm tức thì chúng ta ở ngay “quê hương” của mình dù đang ở bất cứ đâu. Chỉ cần đừng chạy theo sáu trần bên ngoài. Như vậy việc tu thật ra cũng rất đơn giản. Một Thiền sư từng viết:

Lục niên đống đắc nhãn vô quang.

Nhất đổ minh tinh tuyết thượng sương

Đảm thủy xuất sơn tằng hoán mại

Bất tri giang hải bạc mang mang.

(Sáu năm ngồi lạnh mắt không hồn.

Chợt thấy sao mai tuyết thêm sương.

Gánh nước xuống non từng gọi bán.

 Dè đâu sông biển nước mênh mông.)

Ai cũng có sẵn Phật tánh. Phật là Phật đã thành, còn chúng ta là Phật sẽ thành, vì chúng ta cũng có nhân để thành Phật. Cho nên chúng ta phải tìm cách để khai mở Phật tâm của mình. Tâm này không ai trao cho ta được dù là Phật. Phật chỉ giúp chúng ta nhận ra của báu nhà mình mà thôi.

Chúng ta vì vô minh, phiền não che lấp Phật tánh. Hai tay chúng ta sinh ra là để nắm, để ôm vào… Sự ôm vào lớn nhất của chúng ta chính là bản ngã. Từ bản ngã sanh ra cố chấp. Từ cố chấp sanh phiền não tham sân si. Muốn cho ông Phật của mình hiển lộ thì phải dẹp hết vô minh, tham sân si đi, tức là phải buông xả hết tất cả. Mà buông xả một cách vui vẻ cũng chính là hỷ xả. Tứ vô lượng tâm là “Từ bi hỷ xả”, chúng ta sẽ không thể “hỷ xả” nếu chúng ta không có trí tuệ. Trí tuệ cho chúng ta thấy lý do chính đáng để buông bỏ. Chẳng hạn như tiền bạc là để luân lưu, nếu như chúng ta có tiền mà cứ bỏ vào hộp rồi cất trong tủ hoặc chôn dưới đất thì tiền không thành tiền nữa, nó không còn có giá trị. Cho nên, nếu chúng ta khôn ngoan, chúng ta sẽ biết sử dụng những vật sở hữu của mình một cách có ích lợi. Nếu mình dại, cái gì cũng ôm vào mà không bỏ ra, nhà mình biến thành một kho rác. Đó là nói về mặt vật chất. Còn về tinh thần nếu cái gì chúng ta cũng quơ vào thì đầu của mình cũng thành một “thùng rác” chứa đủ thứ tạp nhạp. Do vậy, biết tu thì phải thương thân tâm của mình. Thân này tuy giả, nhưng nhờ nó để tu. Chúng ta phải biết nhận ra đâu là giả, đâu là chân để khỏi bị trói buộc vào phiền não.

Đời người rất ngắn ngủi, qua rất mau. Còn bé thì cầu cho mau lớn. Chưa kịp lớn đã thấy già. Khi già lại ước được sống lại thời thơ ấu để làm nhiều việc. Nhưng e rằng nếu có quay trở lại được thì chúng ta cũng sẽ như bây giờ, cũng để cho ngày tháng trôi qua một cách nhạt nhẽo… Nhìn lại, có nhiều ngày chúng ta sống rất vô vị, không làm được việc gì mà đôi khi còn mang nhiều phiền não. Rất nhiều người than phiền không tìm được ý nghĩa của cuộc đời. Bởi lẽ có những cái có giá trị với người này, nhưng lại không có ý nghĩa gì đối với người khác. Chẳng hạn như có một số thanh niên thích đá banh, đầu tư cả một phần tuổi trẻ của mình vào đó. Nhưng lại cũng có những người chẳng hề quan tâm đến điều đó, thậm chí có những bà già còn bảo rằng: “Làm gì mà mười một người giành nhau có trái banh. Mua mỗi người một trái mà chơi”. Hoặc thậm chí có những người đam mê những trò chơi nguy hiểm như đua xe, leo núi…, cố gắng để lập ra những kỷ lục. Người khác thì cho họ là liều lĩnh, khùng điên, nhưng lại đắm mình vào rượu thịt, nữ sắc… Nói như nhà văn Shakespeare, “con nhiều người cứ thích biểu diễn những màn làm cho thiên thần rơi nước mắt.”

Là Phật tử, chúng ta phải có cách nghĩ, cách nhìn khác. Đức Phật khi Ngài thành đạo rồi, Ngài nhìn thấu suốt và tuyên bố: Tất cả chúng sanh đều đi theo nghiệp của mình. Mỗi người chúng ta vì nghiệp mà tới đây, rồi cũng vì nghiệp mà mỗi người có một số phận riêng, một đời sống riêng và một tâm tình riêng. Tâm chúng ta khởi lên thế nào thì nghiệp sẽ theo đó mà thành. Đau khổ hay hạnh phúc không phải do tiền bạc mà là do ở tâm người. Có người nói: Tiền không phải có thể mua được tất cả. Tiền bạc thể mua được nhà cao, cửa rộng nhưng không đổi được nỗi cô đơn của mình. Tiền bạc có thể mua được giường rộng, nệm êm nhưng không thể mua được giấc ngủ. Tiền bạc có thể mua được người ăn, kẻ ở nhưng không thể mua được sự trung thành của họ. Tiền bạc có thể cưới được vợ, gã được chồng nhưng không thể mua được hạnh phúc… Chúng ta biết rõ nghiệp được tạo ra bởi thân, khẩu và ý của ta. Trong đó ý là chính, vì tâm có khởi, miệng mới nói và thân mới làm. Do vậy, nhà Thiền chỉ khuyên chúng ta là phải đối trị Tâm.

Tâm chúng ta vốn dĩ là Tâm Phật thanh tịnh, trong sáng, từ bi, hỷ xả. Tại sao chúng ta lại không sống với Tâm đó mà lại sống với Tâm chúng sanh?  Là do chúng ta không nhìn thấy rõ các cảnh bên ngoài vốn là vô thường, không chắc, không thật mà cứ bám vào đó cho nên mới sanh sự. Chẳng hạn như chúng ta yêu người nào đó vì họ đẹp. Đặt cơ sở tình yêu trên một sắc đẹp mong manh, bám riết nhiều khi muốn điên lên, nhưng không biết là cái đẹp vốn chóng tàn. Khi người ta hết đẹp thì tình cũng phai.

Li-bà-đa em của Ngài Xá Lợi Phất, là đệ tử của Phật.  Do tục tảo hôn ở Ấn Độ, cho nên khi chú mới 7 tuổi, chú đã được cha mẹ cho đính hôn với một cô gái. Trong lúc làm lễ, người ta mời bà nội của chú tới để chúc phúc cho hai người. Bà nội của chú nói:

- Bà chúc cho hai cháu nữa sau sẽ giống như bà.

 Li- bà- đa nghe xong, nhìn cô dâu ngạc nhiên:

- Ồ, một cô dâu đang bé bỏng, dễ thươngnhư vậy mà nữa sau sẽ da nhăn, má hóp … giống như bà nội mình vậy à?

Nghĩ đến cảnh đó, chú sợ quá nên không muốn cưới vợ nữa. Trong lúc rước dâu đi, chú cứ tìm cách để trốn thoát. Cứ đi được một quãng là chú bảo ngừng lại để cho chú đi tiểu. Mấy lần như vậy, đến lần cuối cùng chú chạy tuốt vào rừng đi tu luôn. Và chỉ sau một thời gian ngắn chứng A La Hán (tức là dứt sạch hết mọi phiền não).

Hoặc nếu chúng ta yêu thương một người nào đó vì họ giàu thì cũng không gì bảo đảm bởi giá trị vật chất thay đổi theo từng thời. Đó là chưa kể những biến cố, tai nạn có thể cướp đi sạch sành sanh. Cho nên nếu như chúng ta cứ chấp cho những vật này là luôn luôn bền bỉ thì đó là điều thất bại của mình. Nhà Phật luôn nhìn những sự vật này như huyễn, như hóa, mọi sự có đó rồi sẽ không, tâm luyến ái bớt dần. Sắc, thanh, hương, vị, xúc tức là những đối tượng của năm giác quan cùng với những tư tưởng của chúng ta vốn có bản chất không bền, không chắc. Rõ được như thế, chúng ta cũng đã giải thoát, hỷ xả được rất nhiều.

Xưa, vào thời Phật tại thế, có một vị tỳ kheo đi vào rừng ngồi thiền và được dân làng gần đó lo tứ sự ba tháng hạ. Khi ngài muốn trở về đảnh lễ Đức Thế Tôn, dân làng đã cử một chú sa di đi theo làm thị giả vì mà tuổi ngài đã lớn mà đường xá lại xa xôi. Tuy mới xuất gia, nhưng chú sa di này rất thông minh, trí tuệ. Chú ngồi thiền chỉ có mấy bữa đã chứng được A la hán, trong khi vị thầy kia trải qua ba tháng an cư vẫn là phàm tăng. Trên đường về thành Xá Vệ, trời tối, hai thầy trò phải vào trọ một nơi. Tại đây, chỉ có một cái giường, theo luật thì Tỳ kheo không được ở chung với Sa di. Vị thầy bảo chú sa di dọn giường cho mình, rồi kiếm chỗ nằm dưới đất cạnh bên cũng được, phương tiện không đầy đủ phải đành chịu. Trong lúc chú đang lui cui kê lại mấy chân giường thì ông thầy bước vào. Do trời tối, tưởng chú đã làm xong nên thầy leo lên giường nằm, làm chú sa di bị chân giường đè kẹt. Nhưng chú không dám nhúc nhích, đành ngồi vậy suốt đêm. Đến sáng, vị thầy tưởng chú nằm dưới chân mình, bèn cầm cây quạt bằng lá cọ đập xuống để kêu chú dậy. Không ngờ đuôi cây cọ đâm lọt tròng mắt của chú. Nhưng ông thầy vẫn không hay biết. Đến khi ông bước xuống giường, chú sa di mới rút chân mình ra, một tay ôm mắt, đi cà nhắc ra để lấy nước cho thầy rửa mặt. Khi chú bưng thau nước vào, vì tay kia phải bịt mắt đau, nên chú dâng thau nước chỉ có một tay. Vị thầy này thấy thế buồn trong bụng cho rằng đệ tử vô lễ. Ông bèn hỏi chú Sa di:

-Tay kia chú làm gì vậy?

Chú sa di thưa:

-Dạ, tay kia con đang bận.

Ông thầy hỏi gặn mấy lần, chú mới thưa thiệt mọi việc. Ông thầy nghe xong rất hối hận bèn xin lỗi chú sa di. Chú liền thưa:

- Thầy cứ yên tâm, việc này không phải tại thầy, cũng không phải tại con mà tại luân hồi.

“Luân hồi” ở đây có nghĩa là do nghiệp nên chúng ta cứ phải sinh ra hoài. Mà khi sinh thì chúng ta phải có thân, có thân thì chúng ta phải chịu đựng đủ mọi thứ tai nạn. Chúng ta không biết được mình sẽ ra sao trong tương lai.  Đạo Phật chủ trương “vô ngã”: Đây không phải là ta, không phải là cái của ta. Nếu chúng ta luôn luôn quán chiếu rõ thân không phải là mình, vì nếu là mình thì không thay đổi, mà thân chúng ta từ nhỏ đến lớn biến đổi rất nhiều từ hình thể, cho đến tâm tình. Khi mình nhận ra được điều này thì mọi sự xảy ra sẽ không làm cho mình chao đảo nhiều. Tin chắc luật nhân quả (tất cả đều do nghiệp) chúng ta dễ an ổn.

Dân gian có chuyện:

Ngày xưa, có một nông dân ra ruộng cuốc đất và đào được một hũ vàng, bèn chạy về khoe với vợ rằng:

- Này nhà nó ơi, bữa nay tui ra ruộng đào được một hũ vàng.

Người vợ hỏi: – Đâu?

Người chồng liền bảo:

- Ở ngoài ruộng chứ đâu.

Người vợ:

- Trời đất ơi, sao không bưng về mà còn để ngoài đó?

Người chồng:

- Không sao, hễ của mình thì nó còn, còn không phải của mình thì nó mất.

Trong lúc hai vợ chồng đang nói chuyện với nhau thì có một tên trộm rình nghe. Thế là nó lật đật chạy ra ruộng, đào ngay chỗ đó bắt gặp hũ vàng. Nó ôm về nhà mình nhưng khi mở ra thì thấy rắn bò lúc nhúc. Tên trộm vội đậy lại và bảo:

- Hũ rắn mà nó dám kêu là hũ vàng. Để mình mang ra trả lại cho rắn cắn nó cho chết.

Sáng hôm sau, người nông dân ra đào lại chỗ cũ vẫn thấy hũ vàng còn y chỗ cũ, liền về nói với vợ:

- Tui đã nói mà! Hễ nó là của mình thì nó còn y đó, chứ có đi đâu.

Bà vợ liền bảo:

- Đến hôm nay mà cũng chưa chịu mang về nữa hả?

Người nông dân đáp:

- Hễ của mình là nó bò về nhà hà.

Tên trộm lại trình nghe, nghĩ thầm: “Rắn mà nó kêu là vàng rồi bây giờ nó còn đòi bò về nhà nữa, cho bò luôn cho biết”. Thế là tên trộm liền chạy trở ra ruộng, muốn cho chắc ăn, hắn liền giở ra xem một lần nữa cũng thấy toàn là rắn, bèn ôm chạy về để trước sân nhà người nông dân.

Sáng hôm sau, người nông dân vừa ra khỏi cửa để đi làm thì thấy hũ vàng nằm ngay giữa sân. Ông bèn kêu vợ:

- Đó, tui đã nói mà, hễ của mình là nó bò về mà. Bà ra đây mà xem nè!

Hai vợ chồng mở ra thì thấy toàn là vàng, liền lấy ra buôn bán, làm ăn phát đạt.

Hễ của mình thì không mất, còn hễ mất tức là không phải của mình. Nếu mình tin sâu nhân quả thì mình sẽ dễ dàng chấp nhận mọi thứ. Chỉ có điều là nhân quả của đạo Phật khác với tin theo số mạng của Nho giáo, là có ông trời đặt để cho mình. Ở đây, nghiệp là do mình làm nên, và mình vẫn có thể thay đổi được. Đạo Phật là đạo khiến cho người ta có một sức mạnh chịu gánh vác cuộc đời của mình, không cầu xin bất cứ ai. Và như vậy thì mình mới biết cách làm cho cuộc đời mình có ý nghĩa tức là không chịu sống lừ đừ theo đúng số mạng mà phải biết chuyển đổi nghiệp của mình. Vì cái tâm của mình tốt thì cái quả nhận được sẽ tốt. Chẳng hạn như mới đây, có một cô làm công tác vệ sinh đường phố. Một hôm trong lúc đang quét đường, cô thấy có một ông xích lô đem vứt một cái bọc vào đống rác. Cô thấy cái bọc nhúc nhích, bèn lại giở ra xem thì đó là một đứa nhỏ. Thấy tội nghiệp quá, nên cô bế đứa bé về nuôi. Mặc dù gia đình cô rất nghèo, con đông, nay lại phải cưu mang thêm một đứa trẻ bị bệnh khờ khạo nhưng cô cảm thấy mình bỏ nó không đành lòng. Chuyện này được mọi người biết, báo chí đưa tin, có nhiều nhà hảo tâm gởi tiền phụ giúp cô nuôi đứa bé này. Chẳng được bao lâu, đứa nhỏ chết và tự nhiên cô trở nên…giàu có.

Thật ra, lúc đầu, khi đem đứa bé về nuôi, cô không hề tính toan mà chỉ xuất phát từ tình thương. Nhưng kết quả lại tới tức thì. Chuyện cứ như mơ, như cổ tích nhưng đâu phải là không xảy ra. Nhưng chúng ta phần nhiều lại không can đảm làm là bởi vì chúng ta tính kỹ quá! Không như có một người sống rất khổ, nhưng khi được hỏi:

- Kiếp sau có muốn sinh trở lại cõi đời này nữa không?

Ông trả lời rằng:

- Tôi sẽ trở lại cõi đời này vì cuộc đời này rất cần có những trái tim.

Như vậy quý vị muốn cho cuộc đời mình tốt đẹp thì quý vị phải biết cách sống, biết hoán chuyển thân, tâm, miệng của mình cho tốt đẹp. Đức Phật đã từng nói rằng cái tâm của chúng ta đi khắp ba cõi, sáu đường. Tâm tạo thiên đường và tâm cũng tạo địa ngục.

Có một kiếm khách lại hỏi đạo một vị thiền sư:

 - Thế nào là địa ngục?

Thiền sư nói:

 - Dân đầu bò mà cũng bày đặt hỏi đạo.

 Kiếm khách nghe vậy tức giận, rút gươm ra; thiền sư liền bảo:

- Đó, anh đang mở cửa địa ngục.

 Vị kiếm khách nghe và biết đây là lời dạy thiền sư, liền cười và đút gươm vào vỏ. Thiền sư nói:

 - Đó, anh đang mở cửa thiên đàng”.

 Như vậy thiên đường – địa ngục ở ngay trong tâm của ta, chỉ cần khởi một niệm có thể thành thiên đường hoặc cũng có thể thành địa ngục. Khi mình chưa khởi niệm, chúng ta là chủ, nhưng khi khởi rồi thì nó làm chủ lại mình. Do đó, trước khi khởi một niệm nào đó thì phải lo kiểm soát tâm, đó là tu thiền. Tu thiền thật ra không có gì khó, chỉ cần nhìn vào tâm trước khi mọi tư tưởng khởi lên, để biết ngăn chặn lại những niệm có hại, khiến cho mình đau khổ. Các thiền sư ngày xưa, như Lục Tổ đã từng dạy chúng ta: “Lấy vô niệm làm tâm, vô tướng làm thể và vô trụ làm gốc”. Vô niệm là đối với cảnh mà không sanh tâm; vô tướng là biết các vật có tướng đều hư vọng, bản tâm không có tướng; vô trụ là tâm không dính mắc vào bất cứ gì. Như vậy, nếu chúng ta hiểu rõ con đường mình đi, mỗi cuộc đời là một trường học, ở nơi đó chúng ta học những bài học để được “lên lớp” chứ không phải đến đây do ham chơi rồi bị “tuột lớp”. Chẳng hạn như có những trường hợp đã được làm người mà sống riết rồi thấy cầm thú cũng qua mặt mình. Chúng ta thấy người ta huấn luyện hải cẩu rất hay, nhịp nhàng, biểu gì làm nấy, trong khi đó, người đôi khi dạy không nổi, vào trại cải huấn xong ra, có khi còn tệ hại hơn nữa.

Thời Phật, có một chú tiểu 7 tuổi, đệ tử của Ngài Xá Lợi Phất có suy nghĩ rất hay. Tiền thân chú tiểu là một người nghèo rớt mùng tơi, không có gì để bố thí. Một hôm, Đức Phật đến làng ông để thuyết pháp. Cả làng tổ chức một buổi cúng dường Phật vào buổi trưa hôm đó. Đức Phật thường hay dạy: “Có bốn hạng người.

Hạng thứ nhất, tự mình bố thí và còn rủ thêm người khác bố thí thì kiếp sau người đó sẽ giàu có và có nhiều quyến thuộc.

 Hạng thứ hai là tự mình bố thí mà không rủ thêm ai thì kiếp sau sẽ giàu có mà không có nhiều quyến thuộc.

Hạng thứ ba là mình không bố thí mà xúi người khác bố thí, thì kiếp sau sẽ nghèo nhưng lại có đông người chơi.

Hạng thứ tư là vừa không bố thí mà cũng không xúi ai bố thí thì vừa nghèo mà vừa cô đơn nữa.

Có một người nghe được liền nghĩ: “Như vậy tại sao bây giờ mình không làm cho kiếp sau mình giàu mà lại có nhiều người theo mình”. Thế là ông bạch Phật:

 - Ngày mai, chúng con xin cúng dường Phật và chư tăng một buổi ngọ trai.

Sau đó, ông mới đi kêu gọi mọi người trong làng cùng nhau phát tâm để cúng dường tùy theo khả năng của từng người. Trên đường đi, ông gặp và hỏi người nhà nghèo nọ có muốn cúng dường cho vị tỳ kheo nào không? Ông nhà nghèo trả lời rằng:

- Anh đùa tôi làm chi! Tôi nuôi cái thân mình còn không nổi lấy gì để bố thí?

Người nọ mới giải thích:

- Sở dĩ ông nghèo là do kiếp trước ông không bố thí gì cho ai hết đó. Cho nên nếu như ông không muốn kiếp sau mình nghèo nữa, thì bây giờ anh phát tâm bố thí đi, một người cũng được.

Người kia nghe nói cảm thấy cũng đúng, có lẽ kiếp trước mình cũng quá bần tiện, không cho ai cái gì nên bây giờ mới nghèo. Thế là ông ấy liền phát tâm cúng dường cho một người. Sau đó, ông về nhà bàn với vợ đi ở đợ cho những nhà giàu, để kiếm tiền công cúng dường cho một vị. Thế là hai vợ chồng đến xin trưởng giả cho mình vào làm công một bữa. Ông nhà nghèo ấy đã làm một cách rất vui vẻ, vì lần đầu tiên phát được cái tâm rộng lớn. Ông trưởng giả thấy vậy ngạc nhiên, liền hỏi:

- Làm gì hôm nay đi ở đợ mà vui vậy?

Người này trả lời:

- Hôm nay tui đi làm là cốt lấy tiền lương về để cúng dường một vị tỳ kheo.

Ông trưởng giả nghe xong rất ngạc nhiên và thấy cái tâm của người này hay quá, liền cho thêm tiền. Do cái tâm của ông nhà nghèo này mạnh quá, làm động đến Trời Đế Thích. Đế thích bèn phát tâm xuống giúp ông nhà nghèo này nấu bữa ăn. Cắc cớ là hôm đó, người rủ ông nhà nghèo này cúng, lại quên ghi tên ông vào danh sách. Cho nên tới bữa ăn, ai cũng có tỳ kheo để rước về nhà, còn ông nhà nghèo này không có ai. Ông nhà nghèo khóc và bắt đền người đã rủ mình. Thấy vậy, ông kia liền nói chỉ còn có Đức Thế Tôn chưa nhận lời ai. Nghe vậy, ông nhà nghèo liền chạy đến chỗ Đức Phật. Lúc bấy giờ, Ngài đang ngồi nói chuyện với vua Ba Tư Nặc cùng các quan đại thần. Những vị này cũng muốn mời Đức Phật đến nhà mình để thọ trai. Đức Phật quán chiếu và thấy người nhà nghèo này đáng được độ nên từ chối hết những vị kia. Khi ông này đến và xin được cúng dường Đức Thế Tôn, thì Ngài liền đưa bình bát ra. Mọi người liền xúm theo ông “dụ khị” để mua lại cái bình bát đó nhưng ông cương quyết không chịu và nhất định thỉnh Đức Phật về nhà. Vua Ba Tư Nặc đi theo để xem thức ăn như thế nào, nếu không ngon, sẽ thỉnh Đức Phật vào hoàng cung. Nhưng khi tới nơi, thấy thức ăn toàn là thượng vị, mùi hương bay khắp thành nên đành phải đi về. Sau này, khi hết nghiệp, ông nhà nghèo ấy qua đời và lại được đầu thai trở lại thành Xá Vệ. Đến năm bảy tuổi thì xuất gia thành một chú tiểu, làm đệ tử của ngài Xá Lợi Phất và được đặt tên là Trí Tuệ.

Một hôm, chú đi theo ngài Xá Lợi Phất khất thực. Trên đường đi, chú thấy một người thợ đang ngồi chuốt mũi tên. Chú liền hỏi ngài Xá Lợi Phất xem người đó đang làm gì? Ngài Xá Lợi Phất trả lời rằng: “Ông thợ đó đang chuốt mũi tên cho thiệt thẳng”. Chú nhỏ liền suy nghĩ “Cái tên là vật vô tri vô giác như vậy mà người ta có làm cho nó thẳng được. Vậy sao mình không điều phục cái tâm mình cho nó thẳng như vậy?” Đi một đoạn, chú lại thấy một người làm cái bánh xe. Chú cũng thắc mắc hỏi thầy mình, thầy trả lời rằng: “Ông này là thợ mộc. Ông đang làm cái bánh xe để nó có thể lăn đi khắp mọi nơi”. Nghe xong, chú cũng suy nghĩ: “Tại sao miếng gỗ này cũng là vật vô tri mà người ta có thể uốn nó được. Còn mình không thể uốn nắn cái tâm của mình”. Một lát sau, trên đường đi, hai thầy trò là gặp những người làm ruộng dẫn nước vào trong ruộng của họ. Chú lại suy nghĩ: “Nước cũng là vật vô tri, vô giác, vậy tại sao người ta có thể làm cho nó chảy theo ý muốn của mình được. Vậy sao mình có cái tâm mà mình không biết điều phục nó theo ý của mình?” Nghĩ vậy, chú liền xin thầy cho quay về không đi khất thực nữa. Về đến nhà, chú chạy vào phòng thầy ngồi. Và chính Đức Phật đích thân đến gác cửa cho chú vì sợ chú đang ngồi mà chưa kịp chứng quả, lỡ ngài Xá Lợi Phất về thì sẽ hư sự. Cho nên khi ngài Xá Lợi Phất về, Đức Phật kiếm chuyện hỏi vòng vo một hồi cho đến khi chú tiểu ở trong đắc quả rồi thì mới cho ngài Xá Lợi Phất vào.

Một chú bé chỉ suy nghĩ những vật vô tri vô giác mà người ta còn có thể điều phục được; vậy tại sao cái tâm của chúng ta, mà chúng ta không thể điều phục được? Và nỗ lực để đắc quả. Chúng ta tu thiền cũng thế. Tại sao chúng ta lại không thể điều phục được tâm mình để diệt trừ phiền não, thêm trí tuệ? Khi ngồi thiền, chúng ta phải dẹp bỏ hết mọi thứ xung quanh: những gì qua rồi không nhớ, những gì chưa tới không nghĩ… Chúng ta không cần ngồi nhiều mà ngồi phút nào cho đáng phút nấy, ngồi và giữ tâm cho thanh tịnh, hít thở cho thong thả, rồi tâm khởi lên điều gì xấu thì buông đi để làm sạch tâm, để trở về với Phật tâm của mình. Tôi có một pháp môn mà đi đâu cũng quảng cáo đó là: “xoay vô na ra”. Người ta thì ưa “xoay ra na vô”, còn pháp môn của tôi là chúng ta quay lại chính mình, xem cái gì không được thì buông bỏ, mà buông bỏ tức là không chấp nhất, không chấp nhất chính là “hỷ xả”. Một vị Bồ Tát nổi tiếng là hỷ xả, đó là Đức Phật Di Lặc. Ngài ngồi như vậy mà bị sáu đứa bé tượng trưng lục tặc tấn công nhưng ngài vẫn coi như không, luôn cười rất thoải mái.

Có người hỏi  thiền sư Hưng Hóa là lúc tám phương, bốn hướng tấn công mình thì mình làm thế nào? Ngài trả lời rằng: “Đánh vào giữa”. Mà “đánh vào giữa” tức là “đánh vào chính mình”. Có mình mới có sự chống đỡ, còn nếu mình là không rồi thì mọi thứ đều…khỏe re. Cho nên chúng ta luôn nhớ rằng: Mình không có gì, mình chẳng là gì và mình chẳng cần gì… Bấy nhiêu đó thôi là đủ để mình sống khỏe và sống vui. Bản thân chúng ta là một người tu thiền đúng đắn, thì không chỉ làm cho cái tâm mình yên mà có khi mình còn phải là nơi nương tựa cho người khác.

Ngài Bành An Thiện có câu nói:

Một niệm thiện khởi,

Phật vào cung ma.

Một niệm ác khởi

Ma vào điện Phật.

điện Phật, cung ma ở ngay chính tâm của mình.

Tóm lại, chúng ta càng tu sẽ càng thấy đạo Phật rất hay. Tuy nói “vô thượng thậm thâm” nhưng chỉ rất đơn giản là buông bỏ hết tham, sân, si để quay trở về chính mình. Tuy chỉ quay về chính mình, bỏ hết tham sân nhưng lại thậm thâm vi diệu./.

NI SƯ HẠNH HUỆ

http://vanhoaphatgiao.com.vn/?p=1789

Các tin đã đăng:
Về đầu trang