Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Niệm Phật thoát bệnh khổ
18/10/2013 08:27 (GMT+7)

  

Hôm qua, tôi điện thoại hỏi thăm sức khỏe của một người bạn học chung lớp cách nay hơn 30 năm, nhằm lúc đang bị bệnh nên cô ấy than với tôi rằng: “Không khí thì bao la mà hít vào sao khó khăn quá, nó cứ như bị chặn ngang cổ họng, mỗi lần hít vào thở ra đều phải gắng sức, thật khó chịu vô cùng”. Do cách xa hàng trăm cây số, tôi chỉ biết an ủi, động viên cô ấy, khuyên nên đi khám bệnh và chịu khó uống thuốc nghiêm chỉnh theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Cô ấy bảo đã đi khám rồi, uống thuốc vào thì bị vật, ói te tua, tôi khuyên cô nên đi khám lại để có hướng điều trị thích hợp. Nghe cô ấy thở dài chán nản, tôi thấy thấm thía câu nói của một bậc đại trí thời xưa: “Ta có họa lớn vì ta có cái thân”. Quả thật, sanh ra trên cõi tạm này, ai lại không vương bệnh đau một đôi lần trong đời. Đó là nói kẻ có phần, có phước ít bệnh, còn những người vô phước, không may mang bệnh tật cả đời, suốt kiếp làm người chỉ biết tối tăm mặt mũi, vật vã đau đớn vì bệnh, chẳng hề có được cái cảm giác của một thân thể khỏe mạnh cường tráng, ăn ngon, ngủ yên, thoải mái hưởng những điều tốt đẹp do cuộc sống mang lại. Thật khổ và tội nghiệp cho những mảnh đời như vậy.
 Ảnh minh họa.
Trông người mà nghĩ đến mình, nhớ hơn 20 năm về trước, tôi cũng từng là một người sanh ra “nhằm ngôi sao xấu”, bệnh tật đã đến với tôi rất sớm, từ thời còn chập chững bước vào lớp một. Tôi bị mắc bệnh suyễn. Trong ký ức về tuổi thơ, tôi khó có thể quên được những lần khó thở đã hành hạ mình như thế nào khi bị lên cơn. Đúng như cô bạn tôi đã nói, không khí thì mênh mông mà lá phổi của tôi không thể hít vào một cách dễ dàng, các xương sườn phải co kéo, cánh mũi phập phồng cố mở rộng để lấy thêm chút ít hơi, bụng phình ra, thót vào mới có thể hô hấp trong tình trạng các ống khí, phế quản co thắt lại, tăng tiết đàm nhớt, tiếng không khí qua những chỗ tắc, hẹp, tạo nên âm thanh “cò cử” khót khét, khọt khẹt… thật khó chịu như bị tra tấn. Những lúc bệnh hành, dù muốn nằm cũng không thể nằm, tôi phải ngồi, gục đầu vào vách tường, vào thanh giường chịu đựng. Khi qua cơn rồi thì thân thể bèo nhèo, tay chân bủn rủn, mặt mày xanh mét, làm việc gì cũng rất mệt, ăn uống không biết ngon là gì. Thật thê thảm vô cùng. Cứ như thế, bệnh suyễn đã hành hạ tôi từ thời thơ ấu đến những năm trưởng thành, không có tháng nào không bị lên cơn. Những ngày trăng tròn mà dân gian gọi là tới con nước là thời điểm tôi kinh hoàng nhất, có chạy đâu cũng không khỏi bị căn bệnh quái ác này hành hạ. Cứ nửa đêm đột ngột ngứa mắt, ngứa họng, nhảy mũi vài cái là cơn khó thở như bầy ngựa hoang ào tới giẫm đạp lên lá phổi mỏng manh của tôi...
Đau chân thì há miệng, bệnh tật thì phải thuốc thang, tôi cũng đã được điều trị bằng đủ phương pháp, từ Đông đến Tây y, chú trọng ăn uống, thay đổi không khí, vật lý trị liệu, thể dục thể thao… Tất cả các phương pháp đó đều chỉ có tác dụng tạm thời, một thời gian sau căn bệnh suyễn lại bùng phát trở lại. Tôi còn nhớ rất rõ lúc lần đầu tiên dùng thuốc trị suyễn, khi tôi khoảng sáu tuổi, bị lên cơn vào ban ngày. Lúc tôi đang khổ sở ngồi vịn hai tay vào thành ghế, thở khò khè thì một người anh bà con chú bác làm nghề bán thuốc Tây ghé thăm, thấy tình trạng tôi như vậy, anh ấy lấy nửa viên thuốc suyễn cho tôi uống. Sau khi uống xong khoảng nửa tiếng thì tôi khỏe lại, cơn khó thở biến mất, thật sung sướng vô cùng. Kể từ đó, người tôi lúc nào cũng có thuốc Tây trị suyễn trong túi áo, khi nào lên cơn khó thở thì lấy ra uống.
Thuốc nào cũng có tác dụng phụ, cứ mỗi lần dùng thuốc Tây để cắt cơn xong thì tay chân tôi run rẩy, tim đập nhanh như ngựa phi, mắt mở trao tráo không cách nào ngủ được. Dùng thuốc một thời gian dài thì bị lờn thuốc, phải tăng liều lên, tác dụng phụ càng nhiều, rồi đến giai đoạn dùng liều cao cũng không có tác dụng, tôi phải đổi sang thuốc trị suyễn có pha chất corticoide với chất giãn phế quản mới cắt được cơn. Loại thuốc này tuy có hiệu lực cao nhưng tác dụng phụ của corticoide càng làm tôi thê thảm hơn. Những trận nhiễm khuẩn liên tục do bị suy giảm miễn dịch gây ra khiến tôi bị ho, sốt vừa hết đợt này thì gầy đợt khác đến tối mặt, tối mày, rồi mặt bị phù tròn như mặt trăng rằm, nổi đầy mụn trứng cá, bao tử bị loét... Về sau, có các loại thuốc xịt thẳng vào họng để hít, tác dụng phụ ít hơn nhưng chỉ có tác dụng cắt cơn tại chỗ chứ không thể giải quyết tận gốc căn bệnh.
Đó là về phần dùng thuốc Tây, còn về Đông y thì tôi dùng không biết cơ man nào là thuốc Bắc, thuốc Nam, những bài thuốc chính thống, dân gian trị suyễn tôi đều nếm qua nhưng căn bệnh không hề thuyên giảm mà càng ngày càng nặng thêm. Một hôm, đọc trong một quyển sách nói về luyện tập cơ thể để giữ sức khỏe, tôi quyết định đi học võ để tăng cường hoạt động thể lực mong chống đỡ căn bệnh quái ác này nhưng vẫn vô ích. Dù đeo đuổi học võ cổ truyền hơn 5 năm kết hợp với chơi tạ tay, tạ đôi, bệnh suyễn vẫn không tha tôi, hàng ngày tôi vẫn phải xịt thuốc vào phổi để cắt cơn. Rồi tôi còn luyện cả yoga nhưng chẳng ăn thua gì căn bệnh này. Có lúc nản quá, tôi muốn tìm đến cái chết cho thoát khỏi nỗi khổ triền miên này nhưng bản năng sống trong tôi quá mạnh nên đã kiềm chế được những ý định dại dột. Tuổi thơ và thời trai trẻ của tôi là thế đó, một quãng đời khốn khổ nếu không nhờ đến Phật pháp, tôi chẳng bao giờ thoát ra được.
Năm hơn 30 tuổi, tôi may mắn quen với một Phật tử chuyên tu thiền, với sự dìu dắt của người đó, tôi đã đến với Phật pháp. Sau những lần đến chùa lạy Phật, cúng dường, học giáo lý, tôi dần hiểu bệnh tật của mình là bệnh nghiệp, chỉ có thực hành theo lời Phật dạy mới mong thoát được. Ngoài ăn chay, lạy Phật, thực hành thiện nghiệp, hàng đêm và rạng sáng tôi đều tọa thiền. Tôi tọa thiền theo phép quán sổ tức, theo dõi hơi thở ra vào để tâm được định. Thực hành thiền định như vậy gần hai năm, tâm tôi dần yên bình, dù bệnh khổ vẫn còn nhưng không chán nản, oán trời trách đất nữa, tôi vui vẻ trả nghiệp đã tạo trong quá khứ.
Một hôm, tôi được một vị Phật tử tặng cho bộ Phật học phổ thông do thầy Thích Thiện Hoa soạn thảo. Bộ sách này cung cấp rất nhiều kiến thức về giáo lý Phật pháp. Ngày nọ, khi đọc đến đoạn nói về thiền định, tôi rất chú ý một câu nói của tác giả: “Thiền mà kết hợp với niệm Phật giống như hổ thêm cánh”. Rồi tôi chợt nghĩ, bấy lâu mình tu thiền theo phép quán sổ tức, tuy đạt được chút định tâm nhưng bệnh khổ không dứt. Nay nghe thầy nói, niệm Phật công đức vô lượng, sao không kết hợp vừa thiền vừa niệm Phật để tăng thêm phước, biết đâu nhờ phước này mà hết bệnh. Thế là tôi quyết định vừa theo dõi hơi thở vừa niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Ngoài kết hợp thiền với niệm Phật, tôi vẫn thường xuyên thực hành thiện nghiệp, đặc biệt là tôi thường bỏ công đi chặt những cây thuốc Nam để đem tặng cho một tịnh xá chuyên trị bệnh miễn phí bằng Đông y cho dân nghèo. Lúc rảnh rỗi, tôi lại đến phụ sắc thuốc, phơi khô, cho vào bao để bảo quản nhằm phục vụ cho việc điều trị.
Cứ như thế, thời gian trôi qua mau, sau hai năm kiên trì thiền định kết hợp niệm Phật, một hôm, lúc đang tịnh niệm, tôi bỗng thấy nháng lên hình ảnh Đức Phật A Di Đà sắc thân vàng rực rỡ, hình ảnh đó chỉ hiện lên trong khoảng một phần tư giây nhưng khiến tôi rất hoan hỷ vui mừng. Khi xả thiền, chợt nhớ một vị Tổ sư thiền đã nói “Gặp Phật chém Phật, gặp ma chém ma” nhưng tôi lại thầm suy nghĩ, đó là lời của vị thiền sư đắc đạo, dành cho bậc thượng căn, thượng trí, còn tôi chỉ là kẻ sơ cơ học Phật, tâm thân hạ liệt đâu dám có lời đó, chỉ tu hành mong chuyển bớt nghiêp xấu đã tạo mà thôi.
Tôi tiếp tục Thiền-Tịnh song tu không xao lòng cho đến năm 1992. Vào ngày vía Đức Phật A Di Đà, đêm đến, xong thời lễ bái, tôi tiếp tục tọa thiền và niệm Phật. Sau 45 phút tịnh niệm, tôi bỗng cảm thấy có một luồng hơi ấm từ đỉnh đầu lan tỏa xuống toàn thân rất dễ chịu. Qua thời công phu, tôi đi ngủ, cảm nhận thân tâm thoải mái chưa từng có trước đây. Đêm đó, tôi nằm mơ, thấy Đức Phật A Di Đà đưa tay xoa đầu tôi, Ngài nhìn tôi với ánh mắt từ bi vô lượng. Khi tỉnh dậy, lòng tôi mừng vô hạn, lòng thầm nghĩ, biết đâu Đức Phật đến xoa đầu ban phước giúp mình thoát khỏi bệnh khổ bấy lâu.
Và kể từ ngày đó, tôi không còn phải uống những viên thuốc trị suyễn đủ thứ tác dụng phụ, không còn phải kè kè ống thuốc khí dung theo người. Tôi sống thoải mái như cánh chim thoát khỏi cảnh ràng buộc của chiếc lồng chật hẹp. Việc tôi khỏi bệnh một cách thần kỳ như vậy khiến nhiều người ngạc nhiên, nhất là thân nhân, họ hàng, bởi cái biệt danh Út suyễn họ đặt cho tôi không còn phù hợp nữa, bây giờ họ đặt tên mới cho tôi là Út chùa, vì tôi thường đến chùa tu tập.
Từ ngày lành bệnh đến nay đã 20 năm, bệnh suyễn của tôi cũng không hề tái phát. Tôi có thể chắc chắn rằng mình đã khỏi bệnh và tôi hiểu việc khỏi bệnh này là nhờ công đức niệm Phật, công phu tọa thiền và thực hành thiện nghiệp mà có được. Hôm nay kể lại chuyện đời mình, tôi muốn nhắn gửi với những ai nếu không may mắc phải bệnh khổ hãy kiên trì sống, tu hành theo lời Phật dạy, chắc chắn không sớm thì muộn bạn sẽ thoát khỏi bệnh khổ.

Theo Giác Ngộ

Các tin đã đăng:
Về đầu trang