Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Giao tiếp bằng trái tim
11/01/2014 15:27 (GMT+7)




Đem Phật vào tâm, ta mới có tâm của Phật là tâm thương người và khởi tâm cứu giúp chúng sanh...

Trái tim vật chất có chứa hai dòng máu là dòng máu đỏ và dòng máu đen, nên người ta thường nói là hiểu thấu tim đen. Đen tiêu biểu cho xấu ác, đỏ tiêu biểu cho tốt, gọi là lòng son. Ở đây muốn nói về tấm lòng tốt, nhưng tấm lòng thì có ý tốt và ý xấu. Ý xấu sẽ dẫn đến lời nói xấu và hành động xấu ác, nói đủ là ba nghiệp, thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp mà Phật dạy chủ động là ý nghiệp.

Thật vậy, Vô Não giết người, cố gắng chạy theo giết Phật, nhưng vẫn không theo kịp. Phật bảo rằng anh quăng con dao thì sẽ theo kịp Phật, nhưng quăng dao rồi vẫn không theo kịp. Phật mới bảo anh phải bỏ con dao trong tâm tức là tánh ác. Nếu tánh ác không có thì lời nói ác và hành động ác cũng không có. Từ tâm ác mới phát xuất ra lời nói ác và hành động ác. Khi người ta nói chuyện với nhau bằng dao búa, bằng súng đạn, đó là hành động cực ác. Vì vậy, khi tu hành, chúng ta khóa hành động ác lại. Phật tử tu một ngày an lạc, nghe pháp, tụng kinh, niệm Phật là đã tự khóa tay chân mình để không có một hành động ác nào xảy ra.

Lúc tôi mới tu, còn nóng tánh, nên ai chọc giận là tôi đánh liền. Hòa thượng Thiện Hòa bảo rằng tánh nóng thì khó bỏ, nhưng hành động đánh người thì bỏ được. Và ngài dạy tôi tuyệt đối không giao tiếp bằng tay chân. Những lúc nổi nóng, tôi nắm tay định đánh, nhưng nhớ lời thầy, lời Phật dạy đã khắc cốt ghi tâm, nên ngăn chặn hành động ác lại.

Bước thứ hai là khẩu nghiệp cũng do ý ác, ý xấu bên trong điều khiển. Lời nói bên ngoài có bốn thứ là vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt và ác khẩu. Ác khẩu là chửi rủa, nói lời hung ác. Lời nói thô ác phải bỏ, tội này nặng nhất, nhưng dễ bỏ nhất. Bỏ được lời nói thô ác rồi, còn ba khẩu nghiệp là nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều. Nói lưỡi đôi chiều là đem chuyện của người này nói với người kia để gây xích mích, buồn phiền. Thí dụ Phật tử nghe điều gì cảm thấy không chịu được thì tìm người để nói, vì giữ trong lòng mình không chịu được. Thuở mới tu, tôi cũng phạm sai lầm này. Một hôm, nghe Phật tử kể chuyện lôi thôi của một thầy nọ, tôi kể lại cho người khác thì ông thầy nọ và bà Phật tử ghét tôi, nói rằng chú tu hành mà ưa nhiều chuyện. Tôi rất xấu hổ và từ đó, tôi không thấy không nghe việc của người khác. Thấy chỗ có nhiều người thì tôi tránh, hoặc nhìn xuống mà đi. Tập được như vậy, tôi thấy nhẹ lòng, không bị mang tiếng nhiều chuyện và mọi phiền phức không đến với tôi, nên được yên ổn tu hành. Còn mình ưa thấy, ưa biết việc của người, có gì xảy ra là họ nghi mình nói vì nghĩ cái gì mình cũng biết, nhưng cái biết này có lợi gì đâu. Biết cái xấu của người thì khó sống, họ sẽ triệt tiêu mình. Không thấy, không biết việc xấu ác của người vẫn tốt hơn, vì biết như vậy chỉ chuốc lấy phiền não cho mình.

Tu hành phải cắt bỏ vọng tâm của thấy, nghe, hay biết. Cắt bỏ tánh nhiều chuyện, tánh thêu dệt. Hai tánh xấu này thường đi đôi với nhau, có ít nói nhiều để thành chuyện, người Việt gọi là thêm mắm dặm muối. Việc không có nhưng ông A kể là thành chuyện. Cắt bỏ lời nói thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, thấy thế nào thì ghi nhận như thế, không thêm không bớt. Nói dối là có nói không, không nói có, thậm chí nói chơi nhưng lâu ngày sẽ thành khẩu nghiệp của mình. Cắt bỏ bốn việc ác của miệng thì được thanh tịnh.

Tu hành có được thân và khẩu nghiệp thanh tịnh là đã hiện tướng giải thoát. Sống tập thể mà tất cả mọi người lìa được bốn tướng của khẩu nghiệp, ba tướng của thân nghiệp thì chắc chắn đạo tràng thanh tịnh. Việc xấu bên ngoài không nghe, không biết, tâm chúng ta bắt đầu thanh tịnh. Phật dạy rằng ba điều thanh tịnh của ý là vô tham, vô sân và vô si có được vì mình không thấy, không biết thì làm gì có sân si. Thật vậy, nếu đối tác không có thì tâm không khởi được. Có duyên là thấy vật, tâm mới khởi. Thấy vật tốt hay xấu liền sanh tâm muốn lấy hay bỏ. Như vậy, tâm khởi lên là vì nó chạy theo vật. Vật bên ngoài không có, tâm không khởi. Nếu Phật tử để ý sẽ nhận ra ý này. Có người đi chùa, tụng kinh, lạy Phật, nghe giảng, nhưng thực sự tâm họ không nghe; vì trong lúc họ tới chùa lạy Phật, nhưng họ tìm duyên để cho tâm khởi. Ác bên trong của họ có, nên đến đạo tràng, họ tìm người để tâm sự. Đối với họ, tụng kinh lạy Phật là phụ, nhưng tìm người để tâm sự để tạo nghiệp thì được gì.

Nếu thân và khẩu nghiệp thanh tịnh, tuyệt đối không nói, yên lặng thì ta không nghe tiếng động, không nghe ngôn ngữ, nên tâm mình không khởi. Phật tử tu ở chùa Huê Nghiêm 2 phải tắt điện thoại để không cho tiếng động của ngôn ngữ, tiếng động bên ngoài thì tâm mình mới bắt đầu đứng yên, vì nó không có sự tác động bên ngoài.

Phật dạy rằng vọng thức khởi lên do thấy nghe, hay biết, xúc chạm, ngửi, nếm; tất cả những việc này cho mình cái biết theo vọng thức. Và cắt bỏ cái biết này là tâm trí đứng yên, chủ yếu là cắt bỏ trần duyên, hay việc đời để ta hướng tâm về đạo. Thể hiện ý này, trong bài hồi hướng của đạo tràng Pháp Hoa, tôi nói rằng: “Trần duyên thuận nghịch tâm không thiết”. Tất cả mọi người hay chư Thiên, chư thần muốn an, đừng khởi vọng tâm. Trong cảnh yên tĩnh và đạt đến sự yên tĩnh cao nhất là tâm chơn như thì tâm như như bất động, bên ngoài động, nhưng tâm chúng ta không động.

Chúng ta tu có hai trạng thái. Trạng thái một, khi chưa tu, bên ngoài động thì mình động theo là điều bình thường; thí dụ có tiếng sét, ta giựt mình là động theo bên ngoài. Trạng thái hai là tiếng động không có, nhưng tâm mình động. Ý này thể hiện qua câu chuyện giữa Tô Đông Pha và Phật Ấn nói về cái sâu hơn, tức có gió nghiệp khiến cho tâm động, nhưng không có gió nghiệp thì tâm có động hay không. Tu hành, ta phải kiểm chứng điều này. Có động thì biết động, nhưng bên ngoài hoàn toàn yên tĩnh và ta cũng biết cái yên tĩnh đó. Cái biết này là động. Điểm này, Phật Ấn bảo rằng “Vô phong động” là không có gió, tức không có nghiệp trần, nhưng tâm vẫn động. Tâm mình bên trong động thì nghiệp tự khởi, gọi là “Bất động vô phong, động hữu phong”.

Vì tâm mình động, nên mới có nghiệp khởi. Điều này gợi chúng ta nhớ đến câu chuyện về ngài Huệ Năng. Khi ngài Ấn Tông giảng kinh Pháp hoa, có phướn bay. Học Tăng thấy vậy, một người nói gió động, một người nói phướn động theo gió thổi. Bấy giờ, ngài Huệ Năng đã ngộ sâu, nên nói rằng không phải gió động, không phải phướn động, nhưng tâm các thầy động. Đó là tâm trí lắng yên, nghiệp chướng từ nhiều đời bỗng nhiên mất hoàn toàn. Bên ngoài có động hay không động, có tốt có xấu, có người hay không người, tâm mình vẫn lắng yên mà Tổ Quy Sơn gọi là “Bất dữ chư trần tác đối”.

Trên quá trình tu, ta không biết tại sao, nhưng tự nhiên trạng thái hay biết của vọng tâm biến mất, ta trở về tâm chơn như gọi là chơn như duyên khởi, tức kiến tánh khởi tu, nghĩa là từ tâm đứng yên, ta khởi tu. Từ tâm chơn như khởi lên gọi là Pháp giới duyên khởi. Phật chứng lý này nên thành Phật.

Thật vậy, chính cái tâm yên tĩnh mới thông với nhau thành một thế giới gọi là Pháp giới. Đạt tới trạng thái này, giữa ta và Phật, giữa ta và Bồ-tát, A-la-hán đồng với nhau ở Pháp giới, tâm hoàn toàn trong sạch, đứng yên. Đến được sự chứng ngộ này mới giao tiếp bằng trái tim là không nói nữa, nhưng tâm thông nhau, nên tự hiểu nhau. Đức Phật cho biết người ở Cực lạc không nói chuyện với nhau, vì từ trong tâm đã thông với nhau, hiểu nhau. Thật vậy, khi khởi ý nghĩ giống nhau thì còn gì để nói. Trong thế giới sanh diệt thì luôn khởi lên những ý khác nhau. Ngay chính mình, giờ trước nghĩ khác giờ sau. Trong thế giới sanh diệt, trùng trùng duyên khởi, không có chân lý. Vì vậy, lúc mới nói thì đúng, nhưng hoàn cảnh đổi khác, nên tâm lý cũng đổi khác. Có thể khẳng định rằng trong sanh diệt thì chỉ đúng khi đúng chỗ, đúng lúc và đúng người. Và đối với người này đúng, nhưng với người kia thì không đúng. Hơn nữa, đúng bây giờ, nhưng lát nữa không đúng, vì hoàn cảnh thay đổi, con người thay đổi, việc cũng tự thay đổi theo, nên không còn đúng. Chính vì vậy mà người chấp pháp dễ bị khổ đau khi đối diện với sự đổi thay của muôn sự, muôn việc. Thật vậy, thực tế cho thấy ở thời kỳ thần quyền cho đến thời quân chủ, mọi điều đã đổi khác và đến thời hiện đại là thời nhân quyền thì càng khác nữa. Cấu tạo xã hội khác, suy nghĩ con người khác dẫn đến mọi việc phải khác. Ngoài ra, đúng chỗ nhưng ngay chỗ này đúng vì người chấp nhận được, nhưng qua chỗ khác, người không chấp nhận, nên không đúng; vì vậy việc đúng hay sai còn tùy thuộc ở phong tục tập quán của từng địa phương.

Trong thế giới sanh diệt thì muôn sai ngàn biệt, không thể giống nhau, nên người ta luôn tranh cãi. Ở thế giới Phật, mọi người đều thấy giống nhau, thấy rõ ràng không sai lầm. Cái thấy chính xác như vậy được kinh Pháp hoa diễn tả là Thập như thị: như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh. Tất cả Như Lai thấy rõ sự diễn biến của muôn sự muôn vật, nên không có gì để nói. Ở cảnh giới Phật, các Ngài nói với nhau bằng trái tim nghĩa là yên lặng mà nói, hay không nói mà nói. Ý này được ngài Trí Giả đại sư diễn tả rằng nghe mà không nghe, nghĩa là nghe giảng, nhưng không nghe được pháp, vì tâm mình vọng động, nên lỗ tai nghe ngôn ngữ, nhưng không hiểu lời Phật, không nghe được pháp ngữ. Trái lại, khi tâm chúng ta đứng yên, không nghe nhưng thực là nghe pháp. Quý vị trải nghiệm sẽ nhận ra ý này. Có việc chúng ta nhận ra, hiểu được khi tâm chúng ta hoàn toàn đứng yên, hay vào thiền. Thật vậy, trên bước đường tu, khi tâm đứng yên, không nghe ngôn ngữ, nhưng nghe pháp ngữ, hiểu được lời Phật dạy và áp dụng trong cuộc sống có kết quả tốt đẹp. Khi chúng ta trải nghiệm như vậy rồi, mới  tập nói với nhau bằng trái tim.

Khởi đầu chúng ta thực tập, nghe tất cả mọi người nói xong, mới dùng tâm mình để kiểm chứng xem cái nào hợp với mình thì tiếp thu, điều không hợp mình loại bỏ. Khởi tu chúng ta phải làm như vậy. Nếu không biết thì điều tốt, điều phải không tiếp thu, không ghi nhận; điều không bằng lòng, ta lại tiếp thu và phản ứng liền. Thí dụ hai người cãi nhau, A nói chín câu phải nhưng B không nghe, lại chấp vào một câu không đúng và lập tức phản ứng.

Chúng ta lóng nghe tất cả, nhưng nghe điều nào ta chấp nhận thì tiếp thu, nạp vô, cái khác loại ra. Như vậy, chúng ta loại bỏ dần điều xấu. Bồ-tát Quan Âm tu hạnh lóng nghe là Ngài giữ điều tốt, loại bỏ điều xấu. Ác ma thì ngược lại, luôn giữ việc ác xấu, nên cái ác xấu cứ tăng trưởng trong tâm họ. Khi chúng ta thấy người có một ý tưởng nào tốt, đúng thì từ tâm tốt của ta mới nhận được cái tốt của họ và chia sẻ làm bạn với nhau, như vậy là giao tiếp với người bằng cái tốt, chắc chắn người chấp nhận vui vẻ. Tôi có kinh nghiệm này, nói cái xấu thì dù họ có, họ vẫn chối bỏ; còn không có thì họ tức điên lên. Nhưng ta nghe thấy biết điều tốt của người, ta tìm họ để chia sẻ. Bồ-tát Quan Âm thể hiện lý này. Người có tâm tốt, Ngài lóng nghe và cứu giúp, nghĩa là giao tiếp bằng trái tim nhân hậu, trái tim tốt. Trên bước đường tu, lóng nghe và giao tiếp như vậy, chúng ta bớt mất lòng chúng sanh trong ba đường ác và mới giao tiếp tốt. Nói cách khác, có được tâm Phật và ngôn ngữ chân thật thì từng bước, ta gần Phật, đi vào thế giới thanh tịnh, nên nhìn sự vật rõ hơn và mối quan hệ giữa ta và Phật, Thánh hiền gần hơn, sâu sắc hơn, có kết quả tốt đẹp hơn.

Tóm lại, đầu tiên, Phật tử cắt trần duyên để tâm lắng yên thì người  đầu tiên mà ta giao tiếp là Phật. Đem Phật vào tâm, ta mới có tâm của Phật là tâm thương người và khởi tâm cứu giúp chúng sanh là tâm Bồ-tát. Ta có tâm cứu chúng sanh mới rọi vào chúng sanh hữu duyên là những người quan hệ với ta ở mặt tốt mà ta chấp nhận, thì ta xuất hiện và đến giao tiếp với họ bằng tâm tốt. Thực tập cách này, lần hồi mối quan hệ giữa ta với xã hội hoàn toàn tốt, dù ở trong xã hội chung, nhưng ta có thế giới tốt của riêng mình nghĩa là có Tịnh độ ở ngay Ta-bà, thì bấy giờ, ta không nghe ồn ào bên ngoài, tâm yên tĩnh giúp ta tiếp xúc với Phật, Bồ-tát. Theo kinh nghiệm, tôi giao tiếp bằng trái tim đỏ. Trái tim đỏ có là khi chúng ta đem Phật vào lòng, hay ta giao tiếp với Phật trước để không bị những việc xấu tác động. Giao tiếp với việc xấu ác trước sẽ bị phiền não tác động.

Muốn giao tiếp bằng trái tim thì chỉ cần áp dụng thiền, tức giữ tâm yên tĩnh và khi cắt hết trần duyên để tâm ta duyên với Phật, Bồ-tát, Thánh. Nhờ đó tâm được thanh tịnh mới kiểm tra xem những người hữu duyên với mình, họ có yêu cầu nào hợp lý thì ta giúp đỡ họ để kết thành quyến thuộc Bồ-đề trên bước đường hành Bồ-tát đạo. 

HT.Thích Trí Quảng

http://giacngo.vn/phathoc/luockhao/2014/01/10/3AD243/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang