Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
BÀI HỌC “NHẪN NHỤC” TRONG HÀNH TRÌNH TÂM LINH
Nguyễn Xuân Chiến
30/08/2018 13:33 (GMT+7)






1.- LẬP CHÍ NGUYỆN CAO RỘNG

 

Học Phật là một công cuộc bền bỉ và trường kỳ, mà đơn vị để đo đạc ấy phải tính bằng “hằng-hà-sa kiếp sống” cũng như thiên văn học hiện đại thường lấy “quang niên” làm đơn vị để do chiều dài của các hành tinh.  Nếu ai còn e sợ, rùng mìnhtrước khoảng bao la cao rộng của vũ trụ thì các bậc thầy sẽ dạy cho chúng ta phát tâm chí vĩ đại, do đó, không gian dù có to lớn bao nhiêu và thời gian quá lâu xa cũng không làm nản tâm chí và sự nghiệp giải thoát.

 

Phải lập tâm chí thật vĩ đại thì mới giúp chúng ta vượt quanhững hiểm nạn của tự tâm và những biến cố khôn lường của đời sống. Muốn hoàn thành tâm chí vĩ đại ấy, phải học thuộc lòng bài học nhẫn nhục, nghĩa là thực hiện trọn vẹn từng bước nhẫn nhục “chặng đầu cho đến chặng cuối” trên con đường hành trì của mình.

Mấy mươi năm trên bước đường hành trì tâm linh, nay có dịp nhìn lại và cứu xét tự tâm, bỗng thấy tại sao mình vướng mắc vào những lầm lẫn khiến tiến trình bất ổn và bắt buộc phải trả giá cho những lỗi lầm ấy. Nguyên do bởi vì chúng tôi đã không thực hành “Nhẫn nhục ba-la-mật” một cáchtrọn vẹn và đầy đủ.

Chúng tôi vô cùng xấu hổ mỗi khi nhắc đến hai chữ Nhẫn Nhục, chỉ vì bản thân trước đây đã lỡ “đánh giá sai lầm”  bài học căn bản của Đức Phật đã ban dạy cho chúng ta!

 

Bài viết dưới đây, dường như là để sách tấn chính mình, nhắc nhở và dặn lòng là phải luôn luôn nêu cao tinh thần “nhẫn nhục” trước cái Ngã bất chợt “nổi điên” chẳng thể ngờ được!

 

2.- GIỞ SÁCH RA, CHÚNG TA THẤY:

 

“Nhẫn nhục tiếng Phạn gọi “Kānti” là một phương pháp tu của Bồ-tát trong lục độ ba-la-mật, từ “nhẫn” có nghĩa nhẫn nhịn, kiêng cữ, kiên nhẫn, sự ôn hòa”. [2]

 

“Chân thực và nhu hòa

Kham nhẫn và dịu hiền

Hòa thuận và đón tiếp

Bất hại và thanh tịnh” [3]

 

Theo đại sư D.T. Suzuki giải thích ý nghĩa “nhẫn nhục” như sau:

Nhẫn nhục là: “không cảm giác thất vọng khi đối diện với những điều xấu”, nhẫn nhục luôn đối trị sự tức giận (krodha), lòng căm thù (dvea) sự đáng ghét, không ưa (pratigha) và tính hiểm độc, ác tâm, ác ý (malice). Vì vậy, “nhẫn nhục” được định nghĩa là một sự giải thoát từ cái tâm giận dữ, và sự kích động (gây hấn, phấn khích) thối quen thường chịu đựng, tha thứ sựtổn thương (gây hại) và xúc phạm”.[4]

 

“Nhẫn nhục Ba-la-mật là chịu đựng những phiền não mà người khác gây ra cho mình và gánh chịu những lỗi lầm của kẻ khác, Bồ-tát tu pháp nhẫn nhục thậm chí chặt đứt một cánh tay hoặc một cái chân vẫn không uất ức khó chịu” [5]

 

Hành giả tu nhẫn nhục phải thực hành trên ba phương diện nhẫn thân, nhẫn khẩu, và nhẫn ý

Nhẫn thân, nhẫn khẩu, với nhiều người

Ý nhẫn không sân, mọi việc vui

Đức hạnh chân tu, cầu giải thoát

Mọi người học Phật, nhẫn soi đời (Trí Giải)

 

Trong Phật giáo nhẫn nhục không phải là sự bi lụy, yếu đuối, hèn hạ, nhẫn là một thái độ tích cực rất sáng suốt do trí tuệ dắt dẫn, khi vấp phải những thất bại không chán nản tuyệt vọng, đạt được thành công không kiêu căng tự đắc, đó là ý nghĩa của nhẫn.

 

“Ở đời sống đạo hãy tùy duyên

Tâm trí an vui chẳng lụy phiền

Ngoại cảnh sáu trần không dính mắc

Nội tâm bát thức hãy điềm nhiên

 

Niệm tưởng khởi lên liền buông xả

Chân tâm vắng lặng thấy bình yên

Ấy là chân thật cho cuộc sống

Không bị lụy phiền cảnh đảo điên

(Trích “Bước Chân Xuất Thế”)

 

"Trong hạnh phúc, trong phiền lụy, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất, cũng như trên đất ta có thể vất bất luận thứ gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ đất không giận, cũng không thương." (TÌM HIỂU NHẪN NHỤC BA LA MẬT ‘Kṣānti-pāramitā’ của tác giả Trí Giải.)

  

3.- NHẪN NHỤC LÀ MỘT PHẨM TÍNH KHÔNG THỂ THIẾU TRÊN CON ĐƯỜNG GIÁC NGỘ.

Zangthalpa như là một người đang bắt đầu thực hành bồ-tát đạo, đã nói:

– Theo cách nhìn của nhà Phật, nhẫn nhục là khả năng giữ được bình tĩnh, không tức giận, không vội phản ứng khi bị người khác gây sự, làm nhục, đe dọa, tra tấn hay thậm chí làm hại đến tính mạng. Khi bình tĩnh, chúng ta có thể có khoảng trống để lựa chọn cách hành xử sáng suốt, chứ không bị sai khiến và hành xử bằng sự sân hận của chính mình.

Chúng ta thường cảm nhận được sự mất bình tĩnh và tức giận của mình dưới nhiều hình thức: oán ghét, cay đắng, chỉ trích, than phiền… Và khi hành động bằng những cảm xúc này, ta thường phạm sai lầm và gây đau khổ cho mình lẫn người khác.

Và bằng cách tập nhẫn nhục, tôi học cách chấp nhận những lời nói xấu, thậm chí cả việc những người bạn rời xa tôi vì nghĩ rằng tôi tu hành sai lạc. Càng ngày tôi càng hiểu hơn giá trị của việc tu giữa đời và trân trọng hơn cơ hội tu tập đúng đắn tôi đang có.

Zangthalpa liền đọc một bài thơ trong ánh mắt chăm chú của tất cả mọi người:

Lúc bắt đầu tu hành, nhẫn nhục giúp bạn vượt qua những trở ngại bên ngoài để đến được với Pháp.

Khi đang sửa mình, nhẫn nhục giúp bạn sử dụng khó chịu để hàng phục cái tôi.

Trên con đường Bồ tát, nhẫn nhục giúp bạn phát triển tình thương và sự cảm thông với tất cả mọi người.

Trên con đường Trí tuệ, nhẫn nhục giúp bạn tĩnh tại để nhận ra sự bình đẳng giữa khó khăn vàthuận lợi.

Trên con đường Phương tiện, nhẫn nhục là áo giáp và vũ khí để bạn vượt qua bất kì khó khăn nào.

Vì vậy, nhẫn nhục là một phẩm tính không thể thiếu trên con đường giác ngộ.

 

Mọi người thường nghĩ rằng nhẫn nhục là một chuyện rất khó khăn nhưng thực ra đó là một chuyện có thể hoàn thành nếu bạn tập luyện từ những việc nhỏ. Có câu nói rằng: “Bằng việc chấp nhận những tổn hại nhỏ, tôi sẽ làm quen được với những tổn hại lớn. Bằng việc làm quen được những tổn hại lớn, tôi sẽ trở nên bình an và sáng suốt hơn”.

4.- SỰ NHẪN NHỤC CỦA ĐỨC PHẬT

 

Sau đây là câu truyện có tên “Sự nhẫn nhục của Đức Phật”:

Một lần kia, Đức Phật đang thuyết pháp thì chợt có một người đi đến gần rồi nhổ nước bọt vào mặt của Ngài. Đức Phật thản nhiên lau đi rồi hỏi:

– Còn gì nữa không? Ông còn muốn hỏi điều gì nữa không? Người đó thật sự ngạc nhiên bởi từ trước tới nay chưa có ai bị nhổ vào mặt mà vẫn thản nhiên được như vậy. Thông thường, người bịsỉ nhục hoặc là nổi điên lên đáp lại dữ dội, nếu là kẻ hèn nhát thì kinh sợ, năn nỉ xin tha cho mình. Thế nhưng Đức Phật không hề sợ hãi, cũng không cảm thấy bị sỉ nhục mà cũng không tức giận, lại còn hỏi lại khiến cho hắn không biết phải phản ứng ra sao. Riêng các đệ tử của Đức Phật thì không thản nhiên như vậy được, vị đại đệ tử tên là Ananda bèn nói:

– Chúng con đối với sự việc như vậy không thể nhẫn nhục được. Chúng con sẽ cho hắn ta một bài học để sau này hắn đừng bao giờ dám làm như thế nữa. Đức Phật hỏi lại:

– Sao vậy? Hắn ta có nhục mạ ta đâu mà cần phải trừng trị? Người này từ xa tới, chắc chắn đã nghe những lời đồn đại xấu xa về ta. Cho ta là kẻ tồi bại vô thần, đầu độc chúng sinh rất nguy hiểm nên mới tức giận mà nhổ nước bọt vào mặt của ta. Hắn không phải nhổ vào mặt ta mà trong tâm muốn nhổ vào cái ý tưởng ta là kẻ xấu xa ấy.

Thấy các đệ tử lắng nghe, Đức Phật giảng giải tiếp:

– Nếu các con suy nghĩ cho kỹ thì chính hắn đã nhổ vào tâm trí của hắn, ta hoàn toàn không dự phần trong việc này. Ta còn cảm thấy con người đáng thương ấy còn nhiều thắc mắc trong lòng nên mới hỏi còn điều gì nữa không. Nhổ vào mặt ta là một cách để nói điều gì đó, nhưng ta cảm thấy cách nói đó không thích hợp nên mới hỏi lại hắn.

Trong nhiều trường hợp, nhất là khi hận thù thì ngôn từ hoàn toàn bất lực, chỉ có hành động mớibiểu lộ bằng hết tâm tư của mình. Vì quá tức giận không thể nói được nên người này mới nhổ nước bọt vào mặt của ta. Ta hiểu hắn rất rõ nên mới hỏi lại còn điều gì muốn nói nữa không.

Trong khi người đó đang ngơ ngác lắng nghe lời dạy của Phật thì Ngài nói tiếp:

– Các con đã tu tập với ta nhiều năm, đã biết quá rõ về hạnh nhẫn nhục mà vẫn nổi giận với hắn thì chưa phải là người tu hành.

Nghe những lời này, người lạ hổ thẹn bỏ đi nhưng đến tối không sao ngủ được, trong tâm dằn vặt về những chuyện đã xảy ra lúc sáng. Hắn ta chưa bao giờ gặp một người nào lạ lùng như Đức Phật nên càng suy nghĩ càng bị khủng hoảng hoàn toàn, bao nhiêu tri thức từ trước tới nay đều bịđảo lộn. Không sao chịu nổi, sáng hôm sau, người đó vội vã trở lại nơi Đức Phật truyền đạo, quỳ sụp xuống dưới chân ngài. Đức Phật liền hỏi:

– Ông còn gì để nói nữa phải không, vì vậy mới đến đây sớm như thế? Hôm qua ông đã dùng cách nói mà ngôn ngữ không thể diễn đạt được, hôm nay cũng quỳ xuống mà không nói được, tức là cũng dùng hành động để biểu lộ tâm tư mà không thể diễn đạt được. Như vậy rõ ràng là ngôn ngữnghèo nàn đến độ ông không thể nói những điều mà mình đang suy nghĩ và muốn nói ra phải không?

Người này nghe vậy liền ngước mặt lên, thổn thức nói với Đức Phật:

– Xin Ngài hãy tha thứ cho tất cả những tội lỗi mà con đã gây ra ngày hôm qua.

Đức Phật mỉm cười đáp:

– Ông muốn xin lỗi người mà hôm qua ông đã nhổ vào mặt ư? Ta không phải là người đó. Bao nhiêu nước sông Hằng đã chảy mãi từ ngàn năm nay, nước sông Hằng hôm nay không phải lànước sông Hằng của ngày hôm qua. Mỗi người cũng như một dòng sông, người mà ông đã nhổ nước bọt vào mặt không còn hiện diện ở đây nữa. Ta có hình thức giống như người mà ông đã nhổ nước bọt vào mặt, nhưng không phải là người ấy.

Ta không thể tha thứ cho ông, bởi vì hiện tại ta không có điều gì oán hờn ông hết. Ngay chính ông cũng là người mới đến chứ không phải là người hôm qua, người hôm nay hiền lành còn người hôm qua hết sức dữ tợn. Người hôm qua nhổ nước bọt vào mặt ta, còn người hôm nay quỳ dưới chân ta, sao ông lại là người ấy được? Ông đã không phải là người ấy, ta cũng không phải là người hôm qua, vậy thì hãy quên chuyện hôm qua đi. Cả hai người, nhổ vào mặt người khác và bị nhổ đều đã không còn nữa, bây giờ hãy cùng nhau nói về chuyện khác vậy.

Đức Phật là một tấm gương lớn về hạnh nhẫn nhục mà tất cả chúng ta đều nên noi theo. Nếu thực hành nghiêm túc, bạn cần biết xấu hổ khi vẫn còn giữ lòng sân hận với bất kỳ một ai. Theo kinh nghiệm của tôi, nhẫn nhục là khả năng chấp nhận được mọi thứ đúng như chúng là, thay vì bắt mọi thứ phải như ta kỳ vọng. Khi chấp nhận được như vậy, ta có khả năng kiên nhẫn với sai lầm, thất bại, không hài lòng, thất vọng… mà không từ bỏ điều mình cho là đúng.

(trích Truyện kể của Zangthalpa, tu sỹ kiếm tiền và đi du lịch )


5.- LỜI PHẬT DẠY VỀ HẠNH NHẪN NHỤC

 

Có vị Sa môn hỏi Đức Phật rằng:

"Điều gì là mạnh nhất? Điều gì là sáng nhất?" 

Đức Phật dạy:

"Nhẫn nhục là mạnh nhất vì không chứa ác tâm nên tăng sự an ổn. Nhẫn nhục là không ác, tất được mọi người tôn kính, tâm ô nhiễm đã được đoạn tận, không còn dấu vết gọi là sáng nhất, nghĩa là tất cả sự vật trong 10 phương, từ vô thỉ thuở chưa có trời đất cho đến ngày nay không vật gì là không thấy, không vật gì là không biết, không vật gì là không nghe, đạt được Nhất thiết trí, như vậy được gọi là sáng nhất". [14]

 

Và đức Phật đưa ra tám sức mạnh như sau:

- Sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc

- Sức mạnh của đàn bà là phẫn nộ

- Sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí

- Sức mạnh của vua chúa là quyền uy

- Sức mạnh của kẻ ngu si là áp đảo

- Sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa

- Sức mạnh của người đa văn là thẩm sát*

- Sức mạnh của Sa môn là nhẫn nhục [15]

[14] Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Thích Viên Giác dịch Việt chương XV

[15] Aṅguttāra Nikāya III, Tăng Chi Bộ Kinh III, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt Chương Tám Pháp, phẩm Gia chủ, Kinh Sức Mạnh (1), trang 587.

 

6.- NHỮNG CHUYỆN THÚ VỊ VỀ NHẪN NHỤC

Câu chuyện có tên là: “Đừng hành động gì khi đang giận dữ”.

Năm qua tháng lại, mùa vụ lại tới, nhà vua cử người xuống các địa phương đi thu sưu, thuế. Một làng chài nọ có ông lão đánh cá đứng khúm núm trước vị kiếm sĩ Samurai, người nhận nhiệm vụthu tiền hộ. Ông lão nói:

– Thật xin lỗi, năm nay mùa vụ lại thất bát, mưa bão liên miên, tôi không giữ được đồng nào để trả cho ngài.

Lão đánh cá đã khất nợ mấy năm liền, cứ như thế này, khó mà hoàn thành nhiệm vụ thu thuế trong dân. Vị Samurai nổi nóng, tuốt kiếm định giết người đánh cá để làm gương cho dân chúng trong làng. Ông lão trông lo âu nhưng lấy một chút bình tĩnh, chậm rãi nói:

– Lão thời trai tráng cũng từng được học võ, sư phụ có dạy đừng hành động gì khi đang giận dữ.

Nghe thấy cũng có lý, người Samurai nhìn ông lão một hồi như dò xét, từ từ thu kiếm vào vỏ, rồi nói:

– Sư phụ của ngươi chắc hẳn là người tốt. Thầy của ta cũng nói mấy lời này, ta đây làm mãi vẫn chưa được, đôi lúc giận dữ lên là khó kiềm chế được tay kiếm. Hôm nay xem như ngươi còn chútmay mắn, ta kỳ hạn một năm trả nợ mới lẫn cũ, thiếu một xu thôi ngươi cũng khó mà yên thân.

Đừng hành động gì khi đang giận dữ

Vị Samurai sau đó rời đi, thu tiền các gia đình còn lại, lúc về nhà thì trời đã vào khuya. Không muốnđánh thức vợ đang yên giấc, ông nhẹ lẻn vào nhà nơi cửa sau, qua ánh đèn hắt ra ông giật mìnhthoáng thấy một người lạ mặc giáp trụ Samurai đang nằm kế bên vợ. Cơn ghen tức bùng phát, lòng tự tôn bị xúc phạm dữ dội, trong cơn nóng giận ông tuốt kiếm định xông vào giết cả hai rồi cũng sẽ tự kết liễu mình.

Đột nhiên lời lão đánh cá ban chiều vọng bên tai: “Đừng hành động gì khi đang giận dữ.” Câu nói giúp ông có thêm hòa hoãn, bèn vung kiếm nghe rít “xoạt” một tiếng trút giận vào không khí. Cótiếng động lạ, hai người đang ngủ choàng dậy ra xem, hóa ra trên giường là vợ và mẹ vợ. Lại một phen thất kinh, người Samurai gào lên:

– Trời ơi, chuyện gì nữa đây. Suýt nữa ta đã giết cả hai người rồi!

Người vợ bối rối giải thích:

– Chàng xa nhà, đêm khuya một mình thiếp sợ kẻ gian, nên đã nhờ mẹ đến ở cùng, lại giả đàn ông mặc giáp trụ, nằm ngủ chung cho thêm phần yên tâm.

Bẵng đi một thời gian, mùa hoa đào lại nở, vị kiếm sĩ Samurai lại có dịp ghé qua ngôi làng chài để thu thuế của dân. Chưa kịp tiến vào sân, ông lão đánh cá ngày nào đã chạy ra chào đón và hớn hở mời kiếm sĩ vào để trả tiền. Vị Samurai lại nhìn ông lão như suy nghĩ một lúc rồi nói:

– Thôi ngươi hãy giữ tiền đó lại đi, món nợ mấy năm nay coi như đã được trả rồi.

Các bạn thấy đấy, nhờ nhẫn nhịn được cơn tức mà vị Samurai đã không bị sân hận điều khiển gây ra hậu quả bi thương là giết hại vợ và mẹ mình. (do ZANGTHALPA kể:)

 

7.- CHỈ BIẾT  YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI

Vào khoảng năm 1941, Đức quốc xã tấn công với ý đồ xâm lăng nước Pháp.

Người Đức cũng là dân tin vào Chúa nên chính phủ Đức ra lệnh cho không quân của họ không được ném bom các nhà thờ. Chính nhờ vậy, tất cả nhân dân Pháp đều chạy đến trú ẩn trong cac nhà thờ mỗi khi có trận oanh kích xảy ra.

Như vậy, nhà thờ tự nhiên biến thành chỗ trú ẩn an toàn cho mọi người khi có cuộc đụng độ giữa không quân Đức và du kích Pháp. Các linh mục bây giờ có bổn phận chăm sóc thực phẩm cho những người lánh nạn. Mà bột mì của nhà thờ thì có giới hạn nên các linh mục đành phải dùng nấu cháo loãng mới đủ để cung cấp cho một số giáo dân vô cùng đông đảo đổ về.

Hôm nọ, linh mục Jean phụ trách việc phân phát cháo loãng cho những người lánh nạn. Linh mụcJean đứng cạnh một nồi cháo to tướng đang phân phát cháo cho đám đông đang nôn nao chờ tới phiên mình.

Một người ăn vận tả tơi trông giống như người hành khất đến, linh mục Jean cứ theo lệ, múc cho ông ta một chút cháo vào một chiếc ca nhỏ. Ông ta lãnh phần mình xong, đưa vào miệng nếm một ngụm, rồi tạt nguyên chiếc ca cháo vào mặt của linh mục Jean:                

- Cháo tồi quá, ông bảo ngon thì cứ ăn thử cho biết!

Trong khi tất cả những giáo dân đều tỏ ra bất bình, xúm lại muốn hành hung gã hành khất kia, nhưng linh mục Jean gạt phăng đám đông ra, chận đứng một cuộc bạo loạn có thể xảy ra. Linh mục thản nhiên rút khăn tay lau mặt. Vừa quệt một chút cháo đưa vào miệng nếm, vừa choàng vai gã hành khất kia, ôn tồn nói:

- Đúng. Đúng như con nói, cháo rất dở.

Rồi linh mục Jean kéo gã hành khất nọ ra xa, bảo:

- Cháo tồi thật. Nhưng con phải thông cảm cho nhà thờ. Chúng ta không còn đủ bột mì để làm bánh như những ngày chưa có chiến tranh. Bây giờ khó khăn quá, con nên dùng tạm bữa cháo qua quýt này cùng Cha, ngày mai hẵng hay ...

Sau một hồi thuyết phục cam go, cuối cùng gã hành khất cũng miễn cưỡng ăn món cháo “thời chiến” kèm theo vài tiếng cằn nhằn nho nhỏ.

Rồi buổi phát cháo cũng hoàn tất vào lúc gần trưa. Các vị linh mục tụ họp lại để báo cáo công việc.

Khi ai nấy tỏ ra thắc mắc tại sao linh mục Jean lại hành xử bình tĩnh và nhẫn nhục đến thế trước sựláo xược và phẫn nộ vô cớ của gã hành khất. Linh mục Jean cười hồn nhiên:

- Lý do đơn giản là, tôi chỉ biết yêu thương con người, bất kỳ họ là ai, như thế nào đi nữa ...

(Tre Pheo thuật theo lời kể của GS Lê Trung Trang)

 

8.- NHẪN NHỤC VỚI CÂU HỎI: TÔI LÀ AI?

 

Trong Áo Nghĩa Thư (Upanishads), một bộ luận thư nổi tiếng của Ấn-độ, có thuật một chuyện ngụ ngôn như sau. Nên nhớ đây là chuyện ngụ ngôn mà thôi, nó chỉ trình bày cho chúng ta một vài tầng nghĩa nào đó. Người Ấn độ không bao giờ quan tâm tới sự kiện ấy có thật hay không có thật. Đối với họ, cuộc sống con người quá ngắn ngủi để có thể bày đặt đánh giá mọi sự kiện là thật hay là giả, vấn đề nằm ở chỗ sự kiện ấy chứa đựng bao nhiêu phần trăm ý nghĩa minh triết ở trong đó. Ủa, lại nói dông dài rồi, xin đi vào chủ đề chính:

Sau bao nhiêu năm tháng chuyên cần dùi mài kinh sử tại trường đại học minh triết Bà-la-môn, một chàng thanh niên tên là Svetketu về thăm gia đình với niềm tự hào lớn lao và hân hoan cực độ, bởi vì chàng ta vừa đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp. Quý vị giáo sư trong nhà trường cũng như ngài viện trưởng đều vô cùng trân trọng một môn sinh xuất sắc, và bạn bè cũng hết sức thán phục trước một người bạn đồng học cực kỳ thông minh, đầu óc nhạy bén và sức làm việc cùng khả năng nghiên cứu hầu như không ai theo kịp.

Như vậy, anh ta trở về với những bước chân kiêu hãnh. Và người cha đã nhìn thấy anh ta qua khung cửa sổ trên lầu cao khi anh ta sắp sửa đến trước cổng nhà.

Người cha bảo người mẹ:

- Mẹ nó à, con của chúng ta đã thu được kết quả tốt đẹp, với vô số tri thức trong đầu đến nỗi người ta có thể trông thấy ngay cả trong dáng đi của nó cũng hàm chứa không biết bao nhiêu là niềm kiêu hãnh, bao nhiêu là nỗi tự cao. Bản ngã cuả nó đang trương phình một cách khủng khiếp. Bản ngã của nó hiện giờ đang lớn dần lên đến nỗi cái vũ trụ này có lẽ không thể nào chứa đựng nổi!

Người mẹ nói:

- Nhưng chính chúng ta đã gởi nó theo học trường đại học nổi tiếng ấy mà! Đương nhiên nó phải thu lượm kiến thức cho bản thân chứ!

Người cha gật gù:

- Nhưng chúng ta chỉ muốn nó học hỏi tri thức để trở thành con người hạnh phúc, thông thái, minh triết, chứ không phải để học hỏi cho nhiều để trở thành con người kiêu căng, hợm hĩnh, phách lốinhư thế đâu! Chúng ta đã không mong muốn nó trở thành “một cái bản ngã to tướng” như vậy đâu. E hèm, tôi quyết định gởi nó đi học lại, cho nên tôi dặn bà rằng, bà chớ có chen ngang vào công chuyện của cha con chúng tôi, bà chớ có khóc lóc rền rĩ “Ối trời đất ơi, ông lại tống con tôi đi xamột lần nữa !”

Svetketu vui vẻ tiến vào gần ngạch cửa. 

Người cha chận cửa lại:

- Con chớ nên vào nhà vội. Cha đã biết con đã ngốn hết tất cả mọi kinh điển, cha biết con đã thu thập tất cả kiến thức trên thế gian này. Nhưng con có biết con là ai không? Con có thể trả lời câu hỏi quan trọng nhất của kiếp người “TÔI LÀ AI?” hay là không?

Svetketu khoanh tay, cung kính thưa rằng:

- Thưa cha, đó không phải là chương trình học của con. Con đã học 4 cuốn kinh Vedas, kinh Upanishads, và tất cả cuốn kinh của những đạo sư minh triết Ấn-độ. Con con học kỹ lưỡng về thiên văn, địa lý, toán học bậc cao, vật lý, số học, đại số học, văn chương, lịch sử thế giới con người, kinh tế học, tâm lý học, chính trị học, khảo cổ học... nói chung, con đã học hỏi và nghiên cứu sâu xa, cùng tận về tất cả tri thức mà nhân loại đã từng tích lũy trong mấy ngàn năm qua. Nhưng câu hỏi “Tôi là ai ?” thì lại không phải là một phần của chương trình đại học mà con đã trải qua. Rất tiếc, thưa cha!

Người cha bảo:

- Thế thì con phải quay trở lại với nhà trường, với ngài viện trưởng và hỏi ngài câu hỏi ấy. Chừng nào con chưa trả lời được câu hỏi quan trọng này, thì con chớ có quay về. Ta ráng sống để thấy rằng, con đã biết rõ bản thân mình là ai.

Con ạ, khi mình chưa biết “Tôi là ai", thì tất cả mọi tri thức của thế gian đều trở nên vô ích, trống rỗng, hư vọng. Tất cả đều tào lao, không đáng một đồng xu.

Người cha lật đật quay vào nhà, bỏ mặc Svetketu đang bối rối, ngơ ngẩn, choáng váng. Anh ta hy vọng được gia đình chào đón nhiệt liệt do sự thành công của mình, nhưng giờ này, anh ta hết sứcthất vọng bởi vì thái độ quá ư phũ phàng của cha mình.

 “Cha ta nói rất đúng, khi mà ta chưa biết mình là ai, thì những kiến thức màu mè này, đống kinh điển đồ sộ này sẽ dùng vào việc gì ?”

Và anh ta quay trở về với ngôi trường đại học thân yêu của mình, lập tức xin yết kiến ngài viện trưởng, thưa rằng:

- Thưa ngài viện trưởng, cha con vừa nói với con rằng, tất cả những gì mà nhà trường đã ban chocon thì tuyệt đối vô dụng.

- Quý vị giáo sư đã dạy cho con những điều hư ảo, phù phiếm - không có kiến thức nào gọi là chân thực, chánh đáng cả.  Bây giờ con xin ngài dạy cho con biết “Con là ai?”

Ngài viện trưởng ngẫm nghĩ rất lâu, rồi đáp:

- Cha con nói rất phải. Tích lũy tất cả kiến thức thế gian thì đương nhiên là một việc dễ dàng, nhưng để trở thành một người hiểu biết “Tôi là ai?” thì quả là một công việc vô cùng khó khăn, rất khó. Ít ai làm được.

Tích lũy tất cả tiền bạc, châu báu, ngay cả thu tóm tất cả quyền lực trên thế gian này, cũng chỉ là những việc không mấy khó khăn, ai cũng có thể làm được. Nhưng để thấu rõ “Tôi là ai?” thì quả là một sự vụ vô cùng khó khăn, rất khó. Xưa nay hiếm kẻ thực hiện nổi. Ta chỉ ngại anh không thể nhẫn nại để thực hiện được công việc thập phần gian nan khổ nhọc ấy.

Svetketu cương quyết:

- Thưa ngài, dẫu khó khăn đến mấy đi nữa, thì con cũng ráng thực hiện. Bởi vì nếu con không thực hiện được sứ mạng ấy thì con không thể bước vào nhà mình một cách đàng hoàng được.

Ngài viện trưởng miễn cưỡng bảo:

- Con hãy thực hành nhẫn nhục tới mức cùng cực và làm theo lời ta như thế này: Hãy đem một trăm con bò cái này đi vào rừng, và qua việc chăn thả, làm sao cho chúng sinh sôi để phát triển vàtrở thành một ngàn con bê con. Hãy cứ an lòng ở trong rừng sâu hẻo lánh, nơi không một ai bén mảng, cho đến khi đủ số một ngàn con, thì hãy trở về với thế giới loài người. Đừng để cho bất cứ một kẻ nào bắt gặp con, giả thử có ai nhìn thấy thì nên trốn tránh họ, và con cũng không được sử dụng ngôn ngữ con người đối với bất kỳ ai, kể cả những con bò ấy.

Nhớ nhé, chỉ khi nào chúng trở thành một ngàn con bò thì hãy mang chúng trở về!         

Một mệnh lệnh kỳ lạ nếu không  muốn nói là kỳ cục và kỳ dị! Svetketu nghĩ: Biết đến bao giờ thì chúng mới trở thành một ngàn con được? Dễ mất đến nửa cuộc đời chứ chẳng phải chơi! Nhưng ngài viện trưởng đã dạy như vậy thì ta phải nhẫn nhục tuân theo chứ làm sao bây giờ? Không có phương án nào khác!

Cuối cùng Svetketu mang một trăm con bò cái vào rừng sâu, nơi mà không có bất cứ một kẻ nào biết đến, một nơi rất xa xôi chưa hề lưu vết chân của con người. Luôn luôn tự nhủ: Hãy nhẫn nhụcvà nhẫn nhục khôn cùng!

Trong mấy ngày đầu tiên, vô số ý tưởng liên miên xảy ra trong tâm thức Svetketu khiến y dường như luôn luôn đung đưa chới với giữa trạng thái cuồng loạn. Rồi lâu dần, y chẳng có gì để mà suy nghĩ nữa, và dẫu có suy nghĩ chút ít thì y cũng chẳng có ai để mà trao đổi, thảo luận, tranh cãi hoặc tâm sự.

Y chỉ biết chăm sóc đàn bò. Ăn với bò, ngủ với bò, chơi đùa với bò. Bò thì không sử dụng ngôn ngữ con người cho nên y cũng đành lặng câm giữa thế giới của bò, nghĩa là luôn luôn im lặng, hoặc buộc phải trở nên im lặng. Nhiều năm tháng trôi qua, lúc nào y cũng thấy xung quanh mình toàn là bò với bò, thế giới của lũ bò chính là thế giới của Svetketu, thế giới của Svetketu chính làthế giới của đàn bò, thế thôi!

Xung quanh y, chỉ là một bầu không  khí cô tịch và im lặng hoàn toàn.

Bao nhiêu tri thức quý báu, bao nhiêu đạo lý nhiệm mầu và uyên áo thâm thúy mà y được học hỏitrong nhà trường, bây giờ Svetketu dường như đã quên bẵng. Bởi vì loài bò thì dường như khôngbao giờ biết tới kinh điển, hoặc minh triết, đạo lý nhân sinh. Bò cũng không bao giờ biết tới thiên văn, địa lý, toán học, sử ký, tử vi bói toán. Bò cũng cóc cần những gì mà loài người tôn trọng như tình yêu, thơ ca, văn chương, tôn giáo, triết học, kinh tế học vân vân...

Bò chỉ nhai cỏ, nhai đi nhai lại và thảng hoặc đôi khi bò dường như buồn sự tình cũng rống lên vài ba tiếng cho vui, chứ loài bò thì không hề băn khoăn thao thức bất cứ điều gì như con ngườichúng ta.

Riết rồi Svetketu cũng quen dần, quen dần, cho đến lúc nào đó Svetketu cảm thấy mình quên béng mất bản thân mình, quên luôn cả cái tên Svetketu của mình, quên luôn cả nhân loại cũng như quên mất tiếng nói con người hoàn toàn. “Quên, quên, quên đã mang trái tim người!”

 Sự vụ này dẫn đến việc Svetketu cũng quên luôn cả mệnh lệnh của ngài viện trưởng ngày nào, đó là: khi nào đủ số một ngàn con bò thì hãy trở về.

Bây giờ thì cả ý tưởng “trở về” ấy cũng không tồn tại trong tâm trí Svetketu, cho nên y quên luôn cảviệc phải quay trở về bởi vì từ rất lâu, y không còn thói quen đếm ngày đếm tháng, không còn ôm ấp khát vọng trở về cùng thế giới con người nữa!

Mọi thứ đối với y đều không quan trọng bởi vì không có gì là quan trọng cả.

Svetketu sống như một cội cây, tự nhiên vươn cành lá và tự nhiên hít thở khí trời, âm thầm hứngánh nắng của mặt trời hàng ngày. Trông y hạnh phúc như một cội cây giữa thiên nhiên thanh bình.

Thế giới của Svetketu là thế giới của im lặng và cô tịch hoàn toàn cho nên mọi sự đều diễn ra tốt đẹp trong im lặng và cô tịch. Trong im lặng và cô tịch thì dường như tất cả mọi sự mọi việc đều tốt đẹp, luôn luôn tốt đẹp.

Câu chuyện này dường như hoàn hảo bởi vì chúng ta có thể kết thúc nơi đây, và chúng ta cũng đành quên đi anh chàng Svetketu dũng cảm hiện đang hạnh phúc với bầy bò, nhất là y không bao giờ quan tâm đến thế giới của chúng ta nữa !

Nhưng những người kể chuyện thì không ngừng ngang đây, họ bảo rằng, cuối cùng Svetketu đem một ngàn con bò trở về. Các đệ tử sinh viên trông thấy từ xa một ngàn con bò, và họ vào báo với ngài viện trưởng :”Svetketu đang trở về sau nhiều năm tháng xa cách, và anh ấy đem về một ngàn con bò!”.

        Ngài viện trưởng nói:

- Chúng ta chớ nên dùng từ ngữ “Svetketu” nữa. Mà chúng ta phải nói “Một ngàn lẻ một con bò đang trở về!”

Quả thật như vậy, Svetketu đã trở về và đứng ở đó giống hệt như một con bò chìm lẫn trong một ngàn con bò khác. Tất cả bầy bò đều đang đứng ở đó, im lặng.

Và Svetketu cũng không cần nói lấy một lời.

Svetketu đứng im lặng và im lìm bất động như một cội cây xanh giữa muôn ngàn cây xanh khác trong cánh rừng bạt ngàn mênh mông, như một hạt cát giữa muôn triệu hạt cát giữa bãi sa mạc.

Và ánh mắt của Svetketu đã trở thành thuần khiết, nhu nhuyến, và không ngừng tỏa sáng.

Ngài viện trưởng kinh ngạc, chăm chăm nhìn Svetketu, và Svetketu dịu dàng nhìn ngài, không nói phô, không bày tỏ, không kêu rêu, không vui không buồn và cũng không chờ đợi bất kỳ điều gì xảy ra cả.

Svetketu im lặng quá lâu, lâu đến nỗi ngài viện trưởng phải gào lớn lên:

- Này, Svetketu! Anh phải thoát ra khỏi tính cách bò của anh ngay! Bây giờ anh có thể gặp lại người cha của mình rồi. Hãy trở về nhà!

Nhưng, Svetketu vẫn đứng bất động như vậy, không nói gì cả. Dường như Svetketu cũng đã quên mất đường trở về nhà mình.

Ngài viện trưởng đành phải khiến một người đệ tử sinh viên dẫn lối cho anh ta. Như vậy, chẳng nói chẳng rằng, Svetketu đi theo bước chân của người đệ tử sinh viên ấy. Anh ta chỉ đơn giản đi theomà thôi. Chững chạc, thanh thản, Svetketu đang bước đi với những bước chân vững vàng, hoan lạc.

...

Người cha lại trông thấy con của mình qua khung cửa sổ. Ông ta kinh ngạc thốt lên:

- Lạy trời, con trai tôi đã thực sự biết mình là ai rồi. Nhưng... bản thân tôi thì tôi cũng chưa biết Tôi là ai. Làm sao bây giờ?

Thế là, ông ta tất tả chạy ra cửa sau, vừa bảo vợ:

- Con chúng ta đã trở về và nó đã biết mình là ai. Nếu tôi để cho nó hôn lên bàn chân của tôi thì... thật là quá đáng, bởi vì tôi không xứng với nó. Tôi là một người dốt nát đến nỗi tôi không biết tôi là ai, còn con của chúng ta thì đã trở nên minh triết thực sự bởi vì nó đã tìm thấy bản thân. Điều này khiến tôi vô cùng bối rối, bất an.

Tôi phải trốn đi gấp. Bà hãy chăm sóc nó, và cho phép tôi ra đi để tìm biết Tôi là ai. Có thể tôi phải mất vài ba năm, có thể lâu hơn. Tuy già nua quá rồi, nhưng tôi phải cố gắng và sẽ không bao giờquay về nếu chừng nào còn chưa biết rõ Tôi là ai.

Tôi không thể đối diện với con trai mình, bởi vì nó trở về đẹp đẽ thế kia, tỏa sáng thế kia, khiêm nhu thế kia. Không kiêu căng, không ồn ào, không phách lối, không phô trương, không kiến thức, không đạo lý, không tâm linh... chỉ một sự im lặng thuần khiết, một nỗi cô tịch trong veo, an bình, như một làn gió mát mẻ thoảng qua, như một mùi hương ngất ngây dễ chịu. Nó không còn là Svetketu ngày nào.

Nói chung, nó đã trở thành không bản ngã - và đây là điều vĩ đại nhất mà một người có thể thực hiện nổi trong cuộc đời này.          

...Và như thế, người cha bươn mình vọt ra khỏi cánh cửa sau, rảo nhanh như cơn gió thoảng, dường như không  để lại dấu vết trước khi đứa con trai có thể bắt gặp mình.

 

* * *

Đây là chuyện ngụ ngôn. Đương nhiên các tác giả chắc chắn không bao giờ ngụ ý muốn chúng tahãy làm thế nào để trở thành những con bò.

Không!

Như chúng ta đã biết, bò là một loại động vật rất kém trí năng, bởi vì ý thức của loài bò vốn rất yếu ớt, yếu ớt đến nỗi loài bò được nhân loại cho như là không có ý thức. Thế mà chàng Svetketu bị bắt buộc sống với bò suốt một thời gian dài, nghĩa là chàng ta buộc phải buông bỏ ý thức, hoặc không còn sống với ý thức nữa. Một khi Svetketu không sống với ý thức thì đương nhiên tất cả những tư tưởng bị vô hiệu hóa, nghĩa là tất cả những tư tưởng không còn tác dụng đối với cuộc sống nữa. Mà bản ngã chúng ta thường tác oai tác quái nhờ năng lực nhạy bén của ý thức, của tư tưởng.

Hoặc nói cách khác, bản ngã của chúng ta chính là tư tưởng của chúng ta.

Sống chung hòa bình với lũ bò, nghĩa là Svetketu nhẫn nhục đến nỗi quên hết ý thức của mình. Khi đã quên dần ý thức và tư tưởng của mình và nhờ vậy mà y cũng phải quên luôn cái bản ngãcủa mình. Nhưng chừng ấy chưa đủ, Svetketu phải thường xuyên an trụ im lặng để quán sát mọi sự. Khi một người sống trong im lặng và quán sát thì y luôn luôn phát sinh trí tuệ. Đây là một trạng thái đặc biệt của thiền định chân chánh, giúp Svetketu thực hiện cuộc hành trình từ cột mốc “quên đi bản ngã” tiến tới bến bờ của “tâm thức vô ngã”.

Bởi vì, người Ấn-độ quan niệm rằng, muốn đạt đến tâm thức vô ngã, con người bắt buộc phải thông qua một cuộc hành hương tâm linh có tên là “thiền định chân chánh”.

Khi mà Svetketu luôn luôn an trụ trong thiền định chân chánh thì dường như chàng ta không thèm nói năng chi nhiều. Chàng ta luôn luôn im lặng, khao khát sống câm lặng, bởi vì ngay tự bên trong, chàng ta luôn luôn tràn ngập vô số rung cảm tinh tế, sâu thẳm mà tất cả khoái lạc của cõi trời cũng không bao giờ sánh bằng.

Bạn thử xem: những người nói nhiều chắc chắn là những người không thường xuyên tu tập thiềnđịnh chân chánh. Thiền định và nói nhiều thì chắc chắn không bao giờ đi đôi với nhau.

Hoặc bạn cứ xem xét phong cách của những bậc đạo cao đức trọng: hễ vị nào còn ham ăn nói, ham bày tỏ, ham thuyết giảng, ham làm thơ, ham viết lách... thì bạn hãy đoán chắc rằng, vị ấy chắc chắn là một người lười biếng tu tập thiền định chân chánh. Nếu bạn gặp những ngài thiền sư còn ham hố rao giảng, soạn ngữ lục, dịch sách, sáng tác, tụ tập môn đồ để thuyết giáo, để nói và nói liên tu bất tận về những đề tài văn gừng văn nghệ... thì bạn phải biết rằng, quý vị thiền sư ấy chắc hẳn không bao giờ siêng năng thực hành thiền định chân chánh. Tâm thức họ luôn luôn trống rỗng,buồn chán, sợ hãi, phiền não... đến nỗi phải lấp đầy tâm thức của mình bằng những công việc nêu trên.

Bây giờ chúng ta trở lại câu chuyện của chàng Svetketu.

Sau một thời gian nhẫn nhục sống chung với đàn bò (quên ý thức) và luôn luôn im lặng trong hoan lạc (nhẫn nhục ba-la-mật), thì chàng ta đã trở thành “Không Ai Cả”. Bất cứ một người nào đó nếuquyết tâm thực hiện tâm linh thì sẽ phải lên đường, và chắc chắn vào một ngày không xa, y sẽ dấy lên câu hỏi “Tôi là ai?”, hoặc tự nhiên trong tâm trí y sẽ xuất hiện câu hỏi ngàn đời, ấy là “Tôi là Ai?”.          

Rồi y sẽ lục lọi tất cả kinh điển, đi tham vấn tất cả những người được gọi là đạo sư, y sẽ lang thang từ chùa chiền miếu vũ này đến am cốc tu viện nọ, nhưng câu hỏi ấy vẫn không dễ dàng gì đượcgiải đáp thỏa đáng.

Dường như càng tu trì, thì người ta càng thấy vấn đề “Tôi là ai ?” sẽ trở nên lớn lao hơn, quan trọng hơn trước, bởi vì áp lực của câu hỏi đã trở nên căng thẳng, bức thiết và nặng nề hơn trước.

Thế nhưng, không một triết gia nào, không  một thiền sư nào, không một bậc thầy nào, một vĩ nhân nào có thể giải đáp cho y. Không một ai có thể trả lời cho y cả, ngay cả đức Phật.

Cuối cùng thì đức Phật cũng chỉ gợi ý cho chúng ta một con đường. Ngài nói:

- Chỉ có thực hiện thiền định chân chánh mới là phương pháp duy nhất giúp mọi người mở toang cánh cửa tâm linh. Mà khi bước qua cánh cửa ấy, thì tất cả câu hỏi sẽ không còn là vấn đề.

Vâng, thiền định chân chánh !

(Theo cuốn sách Cương Lĩnh Thiền của tác giả Rajneesh Bhagavan Osho. GS Ngô Trung Việt dịch)

          9.- KẾT LUẬN:

 

Theo ngôn ngữ cổ đại của Ấn Độ, thiền định tối cao tức là THIỀN ĐỊNH CHÂN CHÁNH. Nghĩa là: trong thiền định chân chánh sẽ không có người tọa thiền, không có người quán sát và không cómục đích. Chỉ có THIỀN ĐỊNH mà thôi.

Người hành thiền phải vứt bỏ ý thức bản ngã và mục tiêu tu hành, chỉ còn thiền định và thiền định! (khó hiểu thật?)

Phật giáo Đại thừa gọi thiền định chân chánh tức là thiền định ba-la-mật, - người tu tập bắt buộc phải đi cho trọn con đường NHẪN NHỤC BA-LA-MẬT, nhẫn nhục đến mức quên đi ý thức bản ngãcủa mình, quên luôn con đường tu hành của mình!

          Đó mới là nhẫn nhục ba-la-mật!

 

Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật

Các tin đã đăng:
Về đầu trang