Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA nói về ý nghĩa của Hạnh Phúc
Hoang Phong chuyển ngữ
19/03/2011 17:38 (GMT+7)


để xuất bản một tập sách với tựa đề Trí tuệ của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma trong một quyển sách nhỏ, 365 tư tưởng và suy tư hàng ngày (Le petit livre de Sagesse du Dalai-Lama, 365 pensées et méditations quotidiennes, Marabout, 2002). Trong số các lời phát biểu này, người dịch xin tuyển chọn lại 55 câu liên quan đến chủ đề hạnh phúc để chuyển ngữ trong phần dưới đây.

 


Chúng sinh có giác cảm thì nhiều vô kể như không gian bao la vô tận, mà tất cả đều mong muốn tránh khỏi khổ đau và mưu cầu hạnh phúc.
Hãy luôn ghi khắc trong tâm một điều là niềm hạnh phúc và định mệnh của vô tận chúng sinh là những gì hết sức quan trọng và cần thiết vô cùng.

*****

Nếu chủ đích của hành động là mang lại sự thích thú thì thiền định chắc chắn sẽ thành công trong mục đích đó.
    Lòng ước mong cao cả giúp đỡ người khác mang tính cách thật tích cực. Đấy là nguồn gốc mang lại hạnh phúc, lòng can đảm và sự thành công cho chính mình.

*****


    Những gì mang lại kết quả tích cực đồng thời cũng có thể hàm chứa khả năng tạo ra hậu quả tiêu cực.
    Biết sử dụng trí thông minh con người để phán đoán là những gì thật hệ trọng, phải cân nhắc cẩn thận giữa cái lợi của hạnh phúc lâu dài và cái hại của niềm vui trước mắt.

*****


    Ước mong với chủ đích chân thật là điều thật tích cực, trái lại nếu hướng vào những gì không ngay thật thì đấy chỉ là những ước mong tiêu cực rồi sẽ mang lại khó khăn.
    Ước mong chân chính là động cơ thúc đẩy quan trọng nhất giúp mang lại hạnh phúc cho mình trong hiện tại và cả trong tương lai.

*****


    Vui lòng với những gì mình có là yếu tố quan trọng hơn cả để giúp ta tìm thấy hạnh phúc.
    Thật vậy, tuy sức khoẻ, của cải và tình thân hữu là ba yếu tố cần thiết giúp ta đi đến mục đích đó, thế nhưng biết vui lòng với những gì mình có lại là chiếc chìa khóa mở ra cho ta cánh cửa mang lại niềm hạnh phúc phát sinh từ ba yếu tố ấy.  

*****


    Không một nguyên nhân sẵn có nào có thể mang lại hạnh phúc cho mình một cách vô cớ.
    Thật thế, hạnh phúc lệ thuộc vào rất nhiều nguyên nhân. Điều đó có nghĩa là nếu ta muốn có một cuộc sống hạnh phúc hơn trong tương lai thì giờ phút này phải hết lòng chăm lo cho những người chung quanh.

*****


    Người tu tập Đạo Pháp một cách đúng đắn phải luôn nhớ rằng sự giận dữ là nguồn gốc đưa đến vô số hậu quả tai hại và lòng từ bi sẽ mang lại các kết quả tích cực.
    Ta phải nghĩ đến cảnh huống của người làm đối tượng cho cơn giận dữ của ta, người ấy nào có khác gì ta : họ cũng ước mong tìm được hạnh phúc và loại bỏ khổ đau như ta mà thôi!
    Hiểu được như vậy thì ta sẽ không thế nào tự bào chữa cho hành vi của mình khi cố tình làm cho người ấy tổn thương.  

*****


    Để đạt được hạnh phúc và tự giải thoát cho mình khỏi cảnh khốn cùng từ kiếp này sang kiếp khác, tôi phải luôn luôn xem ba thứ nọc độc – tức những thứ xúc cảm bấn loạn phát sinh từ dục vọng, hận thù và vô minh – là kẻ thù của tôi.

*****


    Kiến tạo hạnh phúc, vượt qua cảnh khốn cùng thật ra cũng không khác gì với các công việc khác. Muốn làm được những việc này ta phải tạo ra những yếu tố thuận lợi và đồng thời phải tìm cách loại bỏ các chướng ngại.
    Chuyện ấy nào có khác gì khi ta muốn đạt được một địa vị xã hội hay tìm kiếm danh vọng và giàu sang vì khi ấy ta cũng phải tạo ra một số yếu tố thuận lợi nào đó.

*****


    Nhất thiết chúng ta đều là những sinh vật sống thành đàn, phải lệ thuộc vào nhau để sinh tồn. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc, sự phồn vinh và thăng tiến nhờ vào sự tương liên chặt chẽ trong xã hội.
    Sự thân thiện và giúp đỡ người khác sẽ mang lại cho mình hạnh phúc, giống như một tâm thức Giác ngộ sẽ mang lại trí tuệ cho chính mình.

*****


    Chúng sinh có giác cảm thật đông đảo và phức tạp.
    Một số giúp đỡ ta, một số khác làm ta bị tổn thương, thế nhưng tất cả đều giống nhau ở một điểm là đều mong cầu hạnh phúc và e sợ khổ đau, vì thế tất cả đều ngang hàng với nhau.

*****


    Tất cả chúng sinh đều như nhau, đều ước mong được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau, thế nhưng họ lại không tìm thấy hạnh phúc.
    Với tất cả sự thành tâm phát lộ từ đáy tim mình hãy hiến dâng cho chúng sinh tất cả những phẩm tính tích cực phát sinh từ thân xác, tâm thức và ngôn từ của mình, kể cả tài sản và những gì mình có hầu giúp chúng sinh tìm thấy hạnh phúc và những gì mà họ ước mong.

*****


    Hạnh phúc và sự toại nguyện của con người rốt lại đều phát sinh từ nội tâm của mỗi người.
    Nếu đơn giản chỉ biết sử dụng của cải và các phát minh kỹ thuật [tức là những điều kiện bên ngoài] như một phương tiện mang lại hạnh phúc tối hậu cho mình thì đó là một sự sai lầm lớn lao.

*****


    Sự tương giao dựa trên lòng từ bi và tình thương yêu giữa con người với nhau là những gì thật quan trọng và tối cần thiết để góp phần mang lại hạnh phúc cho con người.

*****


    Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là tình thương giữa con người. Thiếu yếu tố đó, con người sẽ không thể tìm thấy hạnh phúc thực sự.
    Để cho một cuộc sống cá nhân được hạnh phúc hơn, một gia đình hạnh phúc hơn, xóm giềng hạnh phúc hơn và một quốc gia hạnh phúc hơn, thì chìa khóa của sự thành công chính là những phẩm tính thuộc nội tâm của chính mình.

*****
    

    Chỉ khi nào kiến tạo được một thể dạng tinh thần tích cực cho mình, thì khi đó dù có rơi vào cảnh huống bị hận thù bủa vây ta vẫn sẽ không đánh mất sự an bình trong tâm thức.
    Ngược lại nếu chỉ biết khăng khăng giữ một thái độ tiêu cực, chi phối bởi sợ hãi, nghi ngờ, tự cảm thấy bất lực, chán ghét chính mình, thì dù bạn bè có tốt, bối cảnh có êm ái, các điều kiện môi trường có thuận lợi mấy đi nữa, ta sẽ vẫn không cảm thấy hạnh phúc.
    Vì thế thái độ tâm thần thật quan trọng : chính nó sẽ xác định mức độ hạnh phúc mà ta cảm nhận được.

*****
    

    Biết sống một cuộc đời bình dị thì hạnh phúc sẽ đến với ta.
    Ít tham vọng, vừa lòng với những gì mình có, đấy là những gì thật chủ yếu, thật vậy ta chỉ cần đủ ăn, có một ít quần áo, một mái nhà che thân là cũng đủ.
    Tiếp theo đó, sau khi đã loại bỏ được các thể dạng tâm thần tiêu cực ta sẽ tìm thấy một niềm hân hoan sâu xa để phát huy một tâm thức vô cùng thanh thoát nhờ vào phép thiền định.

*****


    Kẻ thù đích thực của mình chính là các thứ xúc cảm rất thông thường của con người, đấy là hận thù, ganh tị và kiêu căng, chúng là những kẻ thù sẵn sàng hủy hoại tương lai và hạnh phúc của chính mình.
    Nếu không tìm được những biện pháp chống trả thích nghi thì khó lòng mà khống trị được chúng. Một trong các biện pháp hữu hiệu là cách giữ gìn kỷ cương đạo đức, tuy nhiên điều này không dễ thực hiện khi ta còn đang trong tình trạng phải đương đầu với mọi thứ xúc cảm tiêu cực.

*****


    Thường thì ta chỉ biết sống lây lất trong chờ đợi và hy vọng rồi đây sẽ tìm thấy hạnh phúc.
    Thật thế trong số chúng ta nào có ai lại mong muốn khổ đau, và mục đích đời mình chẳng phải là đạt được hạnh phúc hay sao ? Trên thực tế niềm hạnh phúc đó có thể đạt được, nó phát sinh trên thân xác và cả trong tâm thức của mình. Đối với khổ đau cũng thế, ta cũng có thể làm cho nó giảm đi.

*****


    Dù chỉ biết miệt mài quan tâm đến hạnh phúc cá nhân và sự an vui thu hẹp trong phạm vi của riêng mình, thế nhưng có một lúc nào đó biết đâu ta bỗng ý thức được cuộc sống cá nhân của mình thật ra lệ thuộc chặt chẽ vào tất cả những gì đang bao quanh chúng ta. Khi ấy ta mới nhìn thấy một tương lai thật rộng lớn mở ra trước mắt để đưa ta đến gần hơn với hiện thực.
    Nắm vững được bối cảnh tương lai bao quát ấy thì ta mới có thể tạo ra một cuộc sống hài hòa cho chính mình và cho người khác.

*****


    Cảm nhận được hiện tượng tương liên (lý duyên khởi) sẽ giúp ta mở rộng tâm thức của mình hơn.
    Nói chung, thay vì hiểu được cảnh huống mà ta cảm nhận được là kết quả phát sinh từ từ sự kết nối chằng chịt của vô số nguyên nhân, thì ta lại đổ thừa cho hạnh phúc hay khổ đau chẳng hạn là những gì mang nguồn gốc cá nhân [nói một cách khác hạnh phúc và khổ đau của mình liên hệ đến sự kết nối chằng chịt của vô số nghiệp và cơ duyên kể cả toàn thể chúng sinh và môi trường chung quanh].
    Nếu đúng như thế [tức đơn giản chỉ mang nguồn gốc cá nhân] thì khi nhận biết một hiện tượng nào đó mà ta cho là tốt thì tất nhiên ta phải cảm nhận được hạnh phúc chứ, hoặc ngược lại khi nhận biết một cái gì xấu nhất định ta phải cảm thấy khổ đau [sự cảm nhận một hiện tượng - dù bên trong hay bên ngoài - đều quá đơn giản để giải thích niềm hạnh phúc hay nỗi khổ đau của mình, vì đó là kết quả phát sinh từ vô số nguyên nhân và cơ duyên kết nối chằng chịt với nhau, hiểu được như thế sẽ mở rộng tâm thức mình giúp mình chấp nhận dễ dàng hơn các thể dạng hạnh phúc hay khổ đau đang phát sinh trong tâm thức của chính mình].

*****


    Khi thực hiện được những hành động tích cực hướng vào người khác ta sẽ cảm nhận được một sự hân hoan vô giá.
    Hành động tích cực đó nào có làm thiệt hại gì đâu cho kiếp sống này mà hơn thế nữa còn mang lại cho mình một niềm hạnh phúc vô biên trong các kiếp sống sau.

*****



    Nên cố gắng đừng để cho thể dạng tâm thức trong sáng của mình bị dao động. Dù đang đau khổ hay trước đây đã từng gánh chịu khổ đau, thì cũng không nên vin vào đó mà đau buồn. Nếu nhận thấy những khổ đau ấy có thể chữa chạy được thì đau khổ làm gì ? Đang khổ đau mà lại còn tạo ra thêm đủ mọi thứ lo buồn để ghép thêm vào những khổ đau sẵn có, thì quả thật chẳng lợi ích gì.

*****


    Muốn đạt được hạnh phúc thì nhất định là ta phải cố gắng thật nhiều, thế nhưng khổ đau thì lại cứ thản nhiên mà đến. Chỉ cần có một thân xác cũng đủ cho khổ đau bám vào. Thật vậy, khổ đau thì nhiều vô kể và nguyên nhân làm phát sinh ra chúng cũng nhiều không kém.
    Một người khôn khéo biết hoán chuyển nguồn gốc của đau buồn thành nguyên nhân mang lại hạnh phúc cho mình. Thật vậy, ta có thể xem đớn đau như một phương tiện tu tập giúp cho mình thăng tiến.

*****


    Khi thấy một người nào đó mà ta không ưa thích đang được kẻ khác tán tụng và ngợi khen, ta sẽ cảm thấy ganh tị, thái độ ấy có vẻ thật tự nhiên và hợp lý. Thế nhưng đấy lại là một sự sai lầm.
    Khi thấy người khác nói lên những lời êm ái thì cũng nên tham gia vào đấy để cùng nhau chia sẻ một niềm hạnh phúc chung nào đó.
    Nếu ta đủ sức mạnh phát lộ được lòng hân hoan dù thật nhỏ nhoi không đáng kể đi nữa khi thấy người mà ta thù ghét đang được kẻ khác tâng bốc, thì niềm hân hoan đó sẽ mang tính cách thật tích cực và sẽ được chư Phật tán thán.

*****


    Không nên bám víu vào những hoan lạc phù du.
    Chỉ có những kẻ đần độn và thiếu thăng bằng mới bỏ hết thì giờ vào việc vơ vét của cải.
    Tìm kiếm hạnh phúc theo cách đó sẽ làm cho họ khổ đau một ngàn lần hơn.

*****


    Khi ta tìm cách bảo vệ lấy thân xác của mình, đương nhiên ta cũng phải tìm cách bảo vệ các thành phần tạo ra thân xác ấy, chẳng hạn như hai tay, hai chân của mình.
    Cũng giống như thế, khi nào ta hiểu được hạnh phúc và khổ đau của người khác cũng cùng một thứ với hạnh phúc và khổ đau của chính mình, thì khi ấy tự nhiên ta cũng sẽ cảm nhận thấy có bổn phận phải giúp đỡ người khác tránh khỏi những bất hạnh của họ, tương tợ như ta tự bảo vệ chính mình vậy.


*****

 
     Hạnh phúc và khổ đau luôn biến đổi không ngừng.
    Vì thế nhiều người vin vào tính cách phù du đó để tỏ ra dửng dưng, không ra sức tìm kiếm hạnh phúc cho mình và lại cũng chẳng cần cố gắng làm giảm bớt khổ đau. Nếu chúng biến đổi không ngừng thì cứ việc lên giường mà ngủ thẳng một giấc để chờ xem mọi sự sẽ xoay vần ra sao.
    Tôi không tin rằng đấy là một cách xử thế tốt nhất. Trái lại, theo tôi thì một mặt phải quyết tâm tăng cường thêm hạnh phúc, một mặt phải cố gắng vượt lên trên những khổ đau phát sinh từ bất cứ một nguyên nhân nào.

*****


    Hạnh phúc thật sự chỉ phát sinh từ những nghiệp đạo hạnh. Thực hiện một hành động tốt sẽ tạo ra trong tâm thức một « hạt giống » tốt, hạt giống sẽ nẩy mầm và sinh ra quả ngọt.
    Phương pháp tốt nhất giúp ta tránh được mọi sự sai lầm là cố gắng làm hiển lộ trong lòng mình Tâm-thức-Phật, tức là Bồ-đề-tâm (Bodhicitta).

*****


    Vòng luân hồi chỉ có thể bị cắt đứt khi nào nghiệp đã hoàn toàn bị giải trừ.
    Nghiệp không thể tự nhiên tan biến, chỉ có sự Giác ngộ vượt khỏi mọi ảo giác mới thực hiện được việc đó. Cũng thế, chỉ khi nào loại bỏ được vô minh thì khi đó ta mới có thể tìm thấy hạnh phúc trường tồn.
    Vì thế hóa giải vô minh cũng có thể gọi là sự giải thoát.

*****


Hy sinh một chút gì nhỏ bé của mình để thực hiện một cái gì to lớn hơn là một việc nên làm. Vì thế cũng nên biến hạnh phúc riêng tư của mình trở thành niềm phúc hạnh to lớn  của tất cả chúng sinh.
Hãy xem hạnh phúc của chúng sinh là một món nợ mà mình phải trả.

*****


    Biết xem sự an vui của người khác quan trọng hơn sự an vui của chính mình là thái độ duy nhất hàm chứa một ý nghĩa thật sự nào đó.
    Thái độ ấy khuyến khích chúng ta biết hy sinh nhiều hơn nữa cho người khác.

*****


    Mục đích trong cuộc sống của chúng ta là mưu cầu hạnh phúc.
    Dù có hay không tin vào tôn giáo, dù người láng giềng của ta tin vào tôn giáo này hay tôn giáo khác, thì tất cả, họ và ta đều mưu cầu một cái gì đó tốt đẹp hơn trong cuộc sống này.
    Thật vậy tất cả mọi chuyển động thuộc sự hiện hữu của chúng ta đều hướng về hạnh phúc.

*****


    Sức khỏe tốt thường được xem là một trong các điều kiện giúp mang lại một cuộc sống hạnh phúc.
    Cũng thế, các tiện nghi vật chất, chẳng hạn của cải tích lũy được cũng chỉ là một trong số các điều kiện khác.
    Đối với tình bằng hữu cũng vậy, muốn thực hiện một cuộc sống tròn đầy cần phải có bạn bè để tâm sự và tin cậy lẫn nhau.
    Thật thế tất cả các yếu tố [bên ngoài] trên đây đều là các điều kiện có thể mang lại hạnh phúc cho ta. Thế nhưng chiếc chìa khóa có thể giúp ta mở ra cánh cửa của hạnh phúc lại là tâm thức của chính mình [điều kiện nội tâm].

*****


Hạnh phúc trong một cấp bậc cao nhất chỉ có thể thực hiện được khi nào ta đã đạt được sự Giải thoát thật sự. Trong thể dạng Giải thoát ấy sẽ không còn phảng phất một bóng dáng nào của khổ đau. Hạnh phúc ấy mới chính là hạnh phúc đích thật và lâu bền.
Các thứ hạnh phúc khác phát sinh từ tâm thức và con tim của mình thật hết sức bất định, hôm này thì có ngày mai thì không.

*****


    Không cần phải có thật nhiều của cải, không cần gặt hái thật nhiều thành công và tạo được tiếng tăm vang lừng, không cần phải có một thân thể tuyệt đẹp hay một người bạn đường lý tưởng mới có thể mang lại hạnh phúc.
    Chỉ cần đến tâm thức của mình cũng đủ để mang lại cho mình hạnh phúc vẹn toàn, và ngay trong giây phút này đây ta lại đang có nó.

*****


Chỉ có sự tu tập mới có thể phát huy và biến cải được nội tâm của mình. Thật vậy sự chuyển hóa nội tâm nhất định có thể thực hiện được.
Phải tự biến cải chính mình trước đã, sau đó mới có thể hội đủ khả năng để cải thiện những gì khác bên ngoài. Quả thật là không thực tế chút nào khi ngồi chờ người khác làm việc ấy thay mình.
    Tâm thức con người luôn ở trong tình trạng biến động. Nếu ta quyết tâm hướng sự biến động đó vào một chiều hướng tốt đẹp, các thể dạng tâm thần nhờ đó sẽ được cải thiện theo.
Đấy là cách giúp mang lại sự an bình và hạnh phúc cho mình mà không phải khổ sở hay tốn kém đồng nào [vì tâm thức và sự biến động của nó là những gì thuộc gia tài của mình].

*****
    

    Người tu hành cao thâm là người phát huy được ý chí quyết tâm loại trừ hoàn toàn các thể dạng tâm thức tiêu cực hầu hội đủ khả năng mang lại hạnh phúc tối thượng cho tất cả chúng sinh có giác cảm.
    Sự quán nhận trọng trách đó và phát huy ước vọng đó đòi hỏi nơi họ một sự tự tin vượt bực.
    Sự vững tin ấy thật vô cùng cần thiết vì nó sẽ mang lại sức mạnh giúp họ thực hiện những gì thật khó khăn.

*****


    Chỉ biết nghĩ đến mình là một cách gián tiếp biểu lộ sự kém cỏi của mình.
    Hậu quả là mình sẽ cảm thấy có quá nhiều nhu cầu cần phải được thỏa mãn. Tình trạng đó đương nhiên đưa đến sự mất tự tin nơi mình và từ đó lo âu và dao động sẽ phát sinh.
    Một tâm thức vướng mắc trong lo âu như tình trạng trên đây thật ra là do những đớn đau và khổ nhọc mà ta đã tạo ra cho chính mình.
    Thế nhưng nếu đem những đớn đau và khổ nhọc ấy hướng vào người khác thì chúng sẽ trở thành một sức mạnh quan trọng trong tâm thức mình.

*****


    Chúng ta đều ước mong đạt được hạnh phúc và e sợ khổ đau.
    Để thực hiện ước mong đó chúng ta ra sức tìm hiểu thế nào là bản chất đích thực của nội tâm và của thế giới bên ngoài. Có nhiều nền triết học và nhiều hệ thống giáo lý khác nhau giúp đạt được mục đích đó, trong số này có Phật giáo.

*****


    Trong một bối cảnh nào đó một sự kiện được xem là tốt. Thế nhưng trong một bối cảnh khác thì chính sự kiện đó lại trở thành xấu. Thực sự không có gì tuyệt đối cả.
    Chúng ta quán xét một sự kiện tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cá biệt đang xảy ra.
    Thông thường ta xem một hành động mang lại hạnh phúc là tốt, một hành động mang lại lo buồn hoặc khổ nhọc là xấu.
    Điều đó cho thấy chức năng phân biệt cái tốt và cái xấu hoàn toàn được dựa vào kinh nghiệm của cá nhân mình. Rốt cuộc thì vai trò chủ yếu trong quá trình phân biệt trên đây là tâm thức của chính mình [một cách vắn tắt hạnh phúc hay khổ đau phát sinh từ sự vận hành của chính tâm thức mình] .

*****


    Nếu muốn mang lại hạnh phúc cho mình thì phải tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa nào giúp thực hiện được điều đó. Các nguyên nhân ấy là phải biết yêu thương, phát huy tình nhân ái, biết kiềm hãm và chận đứng mọi sự giận dữ.
    Cách cư xử đó không nhất thiết thuộc lãnh vực tôn giáo mà đúng hơn là những gì thật đơn giản liên quan đến cuộc sống thường nhật của chúng ta.

*****


    Chúng ta phải tập hành động không phải chỉ nhắm vào lợi ích của riêng mình hay thân thuộc của mình, mà còn phải hướng vào sự an lành của tất cả nhân loại.
    Trách nhiệm toàn cầu là nền móng tốt nhất để xây dựng hạnh phúc cho cá nhân mình cũng như nền hòa bình trên toàn thế giới.

*****

    Tất cả những gì mà ta thực hiện được không nên nhân danh cá nhân mình mà phải xem đấy là công trình của một thành viên trong xã hội, và công trình ấy phải biểu hiện cho lòng khát vọng chung của con người hướng về hạnh phúc.
    Đấy là niềm khát vọng chung của tất cả chúng sinh có giác cảm. Lòng ước vọng đạt được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau không có một biên giới nào cả. Đấy là bản chất tự tại  của con người.
    Nói như thế để hiểu rằng không cần phải biện minh dài dòng, niềm khát vọng đó là một sự kiện thật đơn giản và tự nhiên nơi mỗi con người chúng ta.

*****


    Sự hiểu biết đơn thuần không thể mang lại hạnh phúc vì hạnh phúc tùy thuộc vào sự phát triển nội tâm. Sự phát triển đó vượt khỏi các các yếu tố bên ngoài.
    Dù cho sự hiểu biết về các hiện tượng bên ngoài đã đạt được một mức độ thật sâu xa và chuyên biệt, thế nhưng chúng ta vẫn chưa vừa lòng và chỉ mong muốn thật mãnh liệt được tiếp tục đẩy sự hiểu biết đó xa hơn nữa và xa hơn nữa. Thái độ [lạc hướng] ấy chẳng những không mang lại hạnh phúc mà còn là một mối nguy hiểm lớn lao nữa.
    Tình trạng đó khiến chúng ta tự tách rời mình ra khỏi sự cảm nhận rộng lớn trong bối cảnh bao quát của hiện thực và nhất là khiến chúng ta đánh mất cảm tính về sự tương liên và tương kết giữa con người với nhau [nói một cách khác là chiều hướng đào sâu và mổ xẻ sự hiểu biết khiến chúng ta đánh mất sự cảm nhận trực tiếp thể dạng bao quát và đồng nhất của hiện thực và tách rời chúng ta ra khỏi ý niệm về sự tương liên và tương kết giữa con người với nhau].

*****


    Việc tu tập tâm linh mà tôi hằng quan tâm liên hệ đến các phẩm tính thuộc tâm thức con người – đấy là tình thương yêu và lòng từ bi, sự kiên nhẫn, bao dung, tha thứ, an phận, biết ý thức trách nhiệm của mình và tầm quan trọng của sự hài hòa – đấy là những gì mang lại hạnh phúc cho mình và cho người khác.
    Trong khi đó những hình thức lễ bái và cầu nguyện, kể cả các ý niệm về niết-bàn và sự cứu rỗi, tất cả chỉ là những gì trực tiếp liên quan đến đức tin tôn giáo mà thôi, tuy rằng những phẩm tính nội tâm ấy cũng có một lý do nào đó để tồn tại.
    Không có một lý do nào có thể biện minh cho sự cấm đoán một cá thể thực thi những việc ấy, kể cả trong các cấp bậc thật cao [các cấp bậc lãnh đạo tôn giáo], và nhất là không cho họ nhờ vả vào sự trợ giúp của bất cứ một tôn giáo hay triết học siêu hình nào, [nói một cách khác là các nghi thức lễ lạc, cầu nguyện, thiên đường, niết bàn, cứu rỗi, đức tin... chỉ là những hình thức tôn giáo. Không ai có quyền cấm đoán một cá thể thực thi những việc ấy dưới bất cứ danh nghĩa của một tôn giáo hay một hệ thống triết học siêu hình nào].
    Cũng chính vì thế mà đôi khi tôi vẫn thường nói là chúng ta cũng chẳng cần đến tôn giáo làm gì [nếu đấy chỉ là những hình thức như vừa kể].

*****


    Quan điểm của tôi là không nên chỉ biết đơn thuần dựa vào đức tin tôn giáo và xem đấy là đủ, mà đúng hơn còn phải căn cứ vào những sự hợp lý thật thông thường nữa. Người ta chỉ có thể thiết lập một hệ thống đạo đức vững chắc khi nào biết dựa trên một nguyên tắc thật chủ yếu là tất cả chúng sinh đều mong cầu hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau.
    Nếu cứ bất chấp không quan tâm đến các xúc cảm và những nỗi khổ đau của người khác, thì nhất định chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra một phương cách nào có thể giúp phân biệt đâu là cái tốt và đâu là cái xấu

*****
    

    Thể dạng xúc cảm phát sinh từ con tim và tâm thức một của cá thể – tức động cơ thúc đẩy cá thể ấy – trong lúc thực hiện một hành động nào đó sẽ là chìa khóa quyết định nội dung đạo đức của hành động ấy. Thật hết sức dễ hiểu, khi nào ta vẫn còn là con mồi của những xúc cảm mãnh liệt và các tư duy tiêu cực, chẳng hạn như lòng hận thù và sự giận dữ, thì khi đó hành động của ta vẫn còn bị những thứ ấy chi phối nặng nề.
    Trong những giây phút đó tâm thức và tim ta sôi sục và tình trạng bị chi phối quá đáng đó khiến ta không còn tâm trí nào để nghĩ đến những người chung quanh và ước vọng tìm được hạnh phúc của họ.
*****


    Đặt hy vọng quá đáng vào sự phát triển vật chất là một điều sai lầm.
    Thật ra sự quan tâm ấy không nhất thiết liên quan đến chủ nghĩa duy vật, mà đúng hơn là phát xuất từ quan niệm cho rằng giác cảm thừa sức mang lại sự thỏa mãn toàn vẹn cho mình.
    Đối với loài vật thì sự kiện mong cầu hạnh phúc chỉ giới hạn trong sự sống còn và sự thỏa mãn nhất thời những thèm khát phát sinh từ giác cảm. Với loài người thì mọi sự sẽ khác hơn, chúng ta có khả năng cảm nhận được hạnh phúc ở một cấp bậc sâu xa hơn. Khả năng đó khi đã được phát huy đúng mức sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh cần thiết để đối đầu với nghịch cảnh.

*****



    Khía cạnh quan trọng nhất và đích thật nhất của hạnh phúc chính là sự an bình, và sự an bình thì lại là những gì thuộc vào nội tâm.
    Tôi không nghĩ rằng sự an bình là một thứ cảm tính « phát sinh từ không gian bên ngoài ». Tôi cũng không hề ám chỉ đấy là một thể dạng « vắng bóng của xúc cảm ».
    Trái lại sự an bình mà tôi mô tả bắt rễ thật sâu vào mối quan tâm đến người khác. Sự an bình đó đòi hỏi chúng ta một sự bén nhạy cao độ, thật vậy tôi cũng chưa dám tự hào là mình đã hoàn toàn thành công trên con đường đó.
    Đúng hơn đối với tôi ý nghĩa của sự an bình hàm chứa trong sự cố gắng mang lại lợi ích cho người khác.

*****


    Thật sự ra người ta có thể tìm thấy được sự an bình nội tâm hay không ?
    Có nhiều cách để trả lời cho câu hỏi này. Thế nhưng chắc chắn là không có bất cứ một yêu tố bên ngoài nào có thể mang lại sự an bình đó.
    Vì thế sẽ không ích lợi gì khi nhờ một vị bác sĩ, nhờ máy móc hay điện toán tìm giúp cho mình sự an bình trong nội tâm. Dù cho người bác sĩ có thông minh đến đâu, máy móc và điện toán có tinh vi cách mấy cũng không thể nào mang lại sự an bình trong nội tâm của mình.
    Theo quan điểm của tôi, việc phát huy sự an bình nội tâm mang lại một thể dạng phúc hạnh với đầy đủ ý nghĩa của nó phải được xem ngang hàng với tất cả các công việc khác trong cuộc sống thường nhật : có nghĩa là chúng ta phải tìm hiểu xem những nguyên nhân nào và những điều kiện nào có thể mang lại sự an bình trong nội tâm, và tức thời phải cố gắng phát huy ngay những đức tính ấy.

*****


    Bản chất của con người là ưa thích những gì cụ thể, có nghĩa là chúng ta chỉ muốn trông thấy những thứ ấy tận mắt, sờ mó được chúng, chiếm giữ được chúng.
    Thế nhưng cũng phải hiểu rằng nếu những ham muốn ấy không được thúc đẩy bởi những lý do khác hơn những thèm muốn dâm dục thì sớm muộn gì vô số khó khăn cũng sẽ phát sinh.
    Một lúc nào đó chúng ta sẽ khám phá ra rằng bóng dáng của hạnh phúc phát sinh từ những đòi hỏi dâm dục thật ra chỉ là những ảo giác phù du.

*****


    Phải phân biệt thật minh bạch hành động nào thuộc lãnh vực đạo đức và hành động nào thuộc lãnh vực tâm linh.
    Các hành động đạo đức là các hành động không làm phương hại đến sự cảm nhận và lòng mong cầu hạnh phúc của người khác.
    Các hành động tâm linh là các hành động liên quan đến các phẩm tính – như tình thương, lòng từ bi, sự nhẫn nhục, tha thứ, khiêm tốn và lòng bao dung – đấy là những hành động hướng vào các lợi ích thuộc một cấp bậc sâu xa hơn nhằm mang lại sự an vui cho người khác.


    Thật đáng ngạc nhiên khi nhận thấy phần lớn niềm hạnh phúc mà chúng ta cảm nhận được cho riêng mình lại phát sinh từ sự tương liên giữa chúng ta với người khác.
    Đồng thời cũng đáng cho chúng ta ghi nhận là niềm hân hoan lớn nhất của mình chỉ có thể phát hiện khi nào người khác quan tâm đến mình.
    Thế nhưng vẫn chưa hết. Chúng ta còn khám phá ra rằng những hành động vị tha không những mang lại hạnh phúc cho mình mà trên một khía cạnh khác còn làm nhẹ bớt đi những cảm nhận khổ đau nơi chính mình.

*****


    Nếu muốn đạt được hạnh phúc thật sự thì việc giữ gìn kỷ cương trong nội tâm là một điều cần thiết. Thế nhưng cũng không nên xem đấy là đủ.
    Mặc dầu sự giữ gìn kỷ cương có thể giúp ta kịp thời chận đứng những hành động sai trái, thế nhưng nếu đơn giản chỉ biết giữ gìn kỷ cương thì thật sự chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để mang lại hạnh phúc cho mình nhất là sự an bình trong nội tâm.
    Để chuyển hóa chính mình – tức sửa đổi thói quen và tính khí của mình – hầu giúp mình thực hiện được những hành động thấm đượm lòng từ bi, thì nhất thiết phải phát huy được những « phẩm hạnh đạo đức ».
    Vì thế nếu chúng ta phát huy sự cố gắng hầu chận đứng các tư duy và xúc cảm tiêu cực thì đồng thời cũng nên trau dồi và làm gia tăng thêm những phẩm tính tích cực của mình.

                        
                            Bures-Sur-Yvette, 19.03.11
                             Hoang Phong chuyển ngữ

Các tin đã đăng:
Về đầu trang