Cũng vậy, con người lăn lóc trong ba cõi sáu đường, tạo
nghiệp, thọ khổ vẫn không hề hay biết rằng mình vốn có khả tính giác ngộ
và giải thoát.
Là một con người, thường thì sinh ra, trưởng thành, tạo dựng sự nghiệp,
lập gia thất, có con cái, cháu chắt, già nua, rồi qua đời, kết thúc sự
hiện hữu của một kiếp người trong thân phận lầm lũi của chúng sinh.
Đa phần trong số ấy, khi cuộc sống có gặp phải những khổ não, thì
hoặc là tìm cách trốn chạy trong những hình thái cứu rỗi của thế giới
thần quyền, hoặc là mặc nhiên chịu đựng như một thứ định mệnh tất yếu
không thể tránh khỏi.
Đối với người bình phàm, mục đích của đời người không vượt qua những
thành tựu tương đối về mặt danh vọng địa vị xã hội, về mặt vật chất của
cải, về những dục vọng bản hữu của một chúng sinh.
Hạnh phúc là một từ ngữ dù mang tính mơ hồ trừu tượng, nhưng lại là
một diễn dịch cụ thể đối với mục tiêu của cuộc sống con người.
Trong đời sống thường nhật, hạnh phúc thường xuyên là cái gì để được vươn tới hơn là cái gì đang được thọ nhận.
Khi còn trẻ đang đi học, hạnh phúc sẽ là được làm bác sĩ. Khi làm bác
sĩ, hạnh phúc sẽ là kiếm ra được nhiều tiền, được mọi người kính trọng.
Khi kiếm ra được nhiều tiền, hạnh phúc sẽ là một đời sống giàu sang
sung túc, v.v...
Cứ thế, hạnh phúc luôn luôn ở phía trước để con người phải cố gắng
vươn tới mà thành đạt. Nhưng một khi hướng tâm vươn tới cái gì đó thì
quên đi tất cả những gì mình đang có, đang thọ nhận.
Cho nên, hạnh phúc, như vậy, chỉ là tên gọi suông, là ảo tưởng không
bao giờ hiện thực. Hiện thực của đời sống là những giây phút của bận
rộn, vất vả, cố gắng, mệt nhọc, lo lắng, suy tư, phiền muộn, biếng nhác,
gian trá, thù hận, vui vẻ, sung sướng, thỏa mãn, tham lam,v.v...
Những hiện tượng của đời sống đó, hiện hữu như những đợt sóng nhô
lên, xô tới, rồi lặn xuống, mất đi. Đợt sóng này qua, đợt sóng khác xuất
hiện. Không một phút giây nào mà con người không bị xô đẩy bởi vô số
những cơn sóng được tạo tác từ những ngọn gió tham, sân, si.
Có người nói rằng, giây phút vui vẻ, sung sướng, thỏa mãn đó chính là hạnh phúc!
Nếu quả thật vậy thì mục đích mà đời người nỗ lực để vươn tới quá
mong manh, quá tạm bợ, quá ngắn ngủi! Trong những giây phút vui vẻ, sung
sướng, thỏa mãn đó, con người có thật sự cảm nghiệm một cách chân xác
và toàn vẹn sự vui vẻ, sung sướng, thỏa mãn như chính nó đang diễn ra?
Rất hiếm ai có thể làm được như vậy! Đa phần người ta không thật sự
sống trọn vẹn cho giây phút phù du ấy. Con người luôn luôn sống hời hợt,
qua loa trước tất cả mọi sự cố xảy ra trong đời mình, có chăng chỉ là
những giây phút hoài niệm dĩ vãng, lôi kéo quá khứ, mời gọi tương lai về
sống cho hiện tại. Bản chất của vui vẻ, sung sướng, thỏa mãn ấy chứa
đựng nhiều mâu thuẫn.
Thứ nhất, chúng thật ra chỉ là những cảm quan mang đầy tính
chủ quan của từng người. Vì có thể đối với người này, nó là vui vẻ, sung
sướng, thỏa mãn, nhưng đối với những người khác thì lại không.
Thứ hai, chúng là sản phẩm của vô minh và tham ái được tạo
dựng trong một tâm thức vọng động và điên đảo, cho nên, con người sẽ
không bao giờ biết đủ để dừng lại trước những cám dỗ của dục lạc thế
gian qua các hình thái vui vẻ, sung sướng, thỏa mãn.
Thứ ba, vì nó sinh khởi từ vô minh và các phiền não như
tham, sân, si, cho nên, nó thường trực chứa đựng mầm mống của bất an và
khổ não. Cũng vì thế, bản chất của vui vẻ, sung sướng, thỏa mãn, tự nó
thật ra không vui vẻ, sung sướng và thỏa mãn tí nào cả.
Giữa cái khổ và cái vui tạm bợ kia, con người đôi khi trong chừng mực
nào đó vẫn còn có cơ hội để chọn lựa. Nhưng, cái già, bệnh và chết thì
không ai có thể tránh khỏi. Chúng vốn ở ngay trong bản chất của sự hiện
hữu của thân phận con người.
Chính vì vậy, đã có sinh thì ắt phải có già, bệnh, chết. Sự có mặt
tất yếu của già bệnh chết không phải chỉ nói lên bản chất vô thường của
pháp hữu vi, mà điều quan trọng hơn đối với con người là nó cho thấy cái
giới hạn không thể vượt qua, cái bất toàn không thể bù đắp, và cũng qua
đó chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về cái khổ đau thống thiết của kiếp
nhân sinh!
Cuộc đời như thế thì quả đúng như lời đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú, phẩm Lão, kệ thứ 146:
“Làm sao vui cười, có gì thích thú, khi ở trong cõi đời luôn luôn bị
thiêu đốt? Ở trong chỗ tối tăm bưng bít, sao không tìm tới ánh quang
minh?”
Dõi theo bước chân của chúng sinh trên các nẻo đường sinh tử từ vô thỉ
kiếp đến nay là vô minh và các phiền não. Cho nên, con người luôn luôn
bị buộc trói và vây kín trong cái thành trì tối tăm và nhỏ hẹp của bản
ngã vị kỷ, của tham lam, thù hận, tật đố và nghi kỵ.
Ở trong môi trường ấy, mọi hành tác của thân, miệng, ý đều bị điều
động bởi vô minh và các phiền não, để dẫn đến con đường tạo nghiệp rồi
thọ khổ. Mê hoặc và khổ lụy này làm nhân duyên cho mê hoặc và khổ não
khác.
Cứ thế, con người chạy quanh trong cái vòng tròn tử sinh đau khổ, từ
kiếp này sang kiếp khác, từ cõi này đến cõi nọ. Như vậy, nếu con người
chưa đốn phá được vô minh và diệt trừ phiền não thì cuộc đời là tù ngục
trong đêm dài tăm tối.
Quả thật vậy, tri thức thường nghiệm mà con người đang tự hào đó vốn cưu
mang nhiều điều bất toàn. Nó là cái tập hợp nhận biết giới hạn của ngũ
quan và ý thức.
Mắt, tai, mũi, lưỡi và thân chỉ nhận biết được các pháp qua sự tiếp
xúc trực tiếp và hiện tiền trong một khoảng không gian và thời gian rất
hạn cuộc, bởi vì sự tiếp xúc chỉ có thể xảy ra khi nào có sự hiện hữu
đồng lúc và tại cùng một điểm không gian của căn, cảnh và thức.
Cái nhận thức của ngũ quan, do đó, không thể xảy ra trong quá khứ
hoặc tương lai, cũng không thể xảy ra ở bất cứ dị điểm không gian nào
khác.
Ý thức cũng là tập hợp của những nhận thức do kinh nghiệm tích tập. Ý
thức không thể nhận biết một pháp nào mà nó chưa từng có kinh nghiệm
biết đến.
Cho dù là lông rùa sừng thỏ đi nữa, ý thức cũng đã có kinh nghiệm
nhận biết, nhận biết về cái lông, con rùa, cái sừng, con thỏ. Một con
người với cấu trúc giới hạn của ngũ quan, não bộ và ý thức, với môi
trường sinh sống hạn cuộc trong một khoảng không gian và thời gian, cho
nên, tri thức mà con người có được thật là nhỏ hẹp.
Ngay dù là một nhà bác học thông thái thì cũng vẫn còn rất nhiều điều
chưa biết hết. Cho dù con người có thể khám phá hết các hành tinh trong
thái dương hệ mà chúng ta đang sống đây, thì ở ngoài vũ trụ mênh mông
không ngằn mé kia vẫn còn có vô lượng thế giới, vô lượng thái dương hệ,
vô lượng dải ngân hà mà với tri thức thường nghiệm con người không làm
sao biết hết được.
Hơn nữa, tri thức thường nghiệm xây dựng trên nền tảng của tâm phân
biệt vọng chấp, cho nên nó thường xuyên bị dính mắt trong các đối tượng
nhận biết. Nó là tác nhân mà cũng là tác duyên cho sự hiện hữu mang bản
chất sinh diệt không ngừng của vọng tâm.
Nhận thức của con người còn bị tập khí của bản ngã vị kỷ trói buộc lại.
Trong tiến trình nhận thức ảnh hưởng của bản ngã vị kỷ có sức tác động
rất lớn.
Khi nghe một điều gì, chẳng hạn, con người không nghe với một tâm
thức rỗng lặng và cởi mở mà nghe với sự tham dự sâu đậm của hậu cảnh tâm
thức, của bản ngã vị kỷ: chỉ nghe những gì mình thích, mình có cảm
tình; chối bỏ không nghe, đóng kín tâm thức trước những điều mình không
thích, không ưa, những gì ngược lại với nhận thức chủ quan, với cá tính
của bản ngã vị kỷ.
Mắt, mũi, lưỡi, thân và ý cũng vậy. Cái gì thích thì ham muốn có
được, tham. Cái gì không thích thì ghét bỏ, sân. Cái thích mà không tới
tay, ngược lại cái không thích mà cứ tiếp xúc thì bực tức, sân si.
Chính vì thế, giới hạn của tri thức cũng là giới hạn của tình cảm, tâm
tư. Tâm thức không thể trải rộng ra xa hơn ngoài cương vức của bản ngã
vị kỷ.
Tình cảm, do đó, vì tham ái mà có. Chỉ có thể thương yêu người khác
khi bản ngã vị kỷ chịu mở cửa để đón nhận. Ngược lại, kẻ nào làm đụng
chạm đến bản ngã vị kỷ thì nó tức thì đóng kín cửa lại, không tiếp nhận
cái hình ảnh của người đó, cho dù là cha mẹ, vợ chồng hay con cái.
Tình thương yêu đó quả thật đã bị điều kiện hóa, đã bị trói chặt trong cái vỏ ốc nhỏ hẹp của bản ngã vị kỷ.
Bản chất của tri thức và tình cảm ấy chính là vô minh và phiền não.
Nó cũng là căn nguyên gây ra bao nhiêu khổ não. Muốn hết khổ đau thì
phải mở tung những trói buộc của tri thức và tình cảm phàm tình.
Mở tung nó bằng cách nào? Bằng cách đập phá tan nát cái tri thức và tình
cảm phàm tình đó? Nếu như vậy thì con người còn lại gì? Một con người
không có nhận thức và tình cảm? Hay là giống như một khối gỗ đá vô tri?
Thật ra vấn đề không phải rắc rối như vậy. Chỉ đơn giản thôi: cái gì
buộc thì mở cái đó. Mở cái buộc chứ không phải phá cái bị buộc. Cái buộc
là gì? Là vô minh và các phiền não.
Vậy mở cái buộc tức là mở vô minh và các phiền não, chứ không phải phá nát cái nền của nhận thức và tình cảm ở trong con người.
Nhưng mở như thế nào? Mở tức là chuyển, là chuyển hóa, chuyển hóa vô
minh và phiền não thành giác ngộ và giải thoát. Cho nên ngay sau khi
thành Đạo, đức Phật đã tuyên bố:
“Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà
không gặp kẻ làm nhà. Đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi! Hỡi kẻ làm
nhà! Nay ta đã gặp được ngươi rồi. Ngươi không được làm nhà nữa! Bao
nhiêu rui mè của ngươi đều gãy cả rồi, kèo cột của ngươi đã tan vụn cả
rồi. Trí ta đã đạt đến vô thượng Niết-bàn, bao nhiêu dục vọng đều dứt
sạch cả.”
Làm sao để chuyển hóa được vô minh và phiền não? Vô minh và phiền não
như bóng tối. Vậy muốn chuyển hóa bóng tối thì phải làm gì? Phải nhờ đến
ánh sáng để xóa tan bóng tối. Ánh sáng đó chính là trí tuệ. Muốn xóa đi
bóng tối của vô minh và phiền não thì phải vận dụng được năng lực của
từ bi và trí tuệ.
Vận dụng bằng phương thức nào? Bằng con đường nỗ lực thực nghiệm
giới, định và tuệ qua sáu pháp môn cụ thể là bố thí, trì giới, nhẫn
nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
Đó là con đường trên cầu Phật đạo, dưới cứu khổ quần sinh của Bồ-tát.
Con đường dành cho những ai cảm nghiệm được một cách sâu sắc rằng tất
cả mọi đau khổ của con người, của chúng sinh đều khởi sinh từ vô minh và
phiền não.
Duy chỉ có mỗi một giải pháp để dứt trừ khổ đau là phát thệ nguyện
giác ngộ và giải thoát cho mình và người. Sự thành tựu tuệ giác tối
thượng của Bồ-tát Hộ Minh cách nay trên hai mươi lăm thế kỷ là một điển
hình sáng chói của chí nguyện cao cả đó.
Trong thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay có quá nhiều bất an và khổ
não, từ những biệt nghiệp sai khác của mỗi người đến những cộng nghiệp
thâm trọng của tập thể.
Chiến tranh, thù hận, khủng bố, đói khổ, bệnh tật, tai ương, v.v...
cứ trút xuống thân phận bé bỏng của con người. Cuộc đời càng mong manh
và khổ não thì sự giác ngộ của đức Phật càng có giá trị và cấp thiết.
Chính vì vậy mà ngày nay đạo Giác ngộ đã được lưu truyền rộng rãi
trên khắp thế giới. Càng ngày con người càng nhận thức ra được rằng trí
tuệ giác ngộ và đức từ bi không giới hạn mà đức Phật đã khai thị là
phương thức hữu hiệu nhất để mang lại hòa bình, an lạc, tự do, nhân tính
và công lý đích thực cho mọi người, mọi chủng tộc.
Đây cũng là lý do khiến cho tổ chức Liên Hiệp Quốc đã chính thức công
nhận và tổ chức Đại lễ kỷ niệm ngày Đản sinh của đức Phật mỗi năm tại
trụ sở chính ở thành phố New York, Hoa Kỳ.
Theo: Tập san Pháp luân