Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Những điều bí ẩn trong hơi thở
Hoàng Đặng - King milanda
01/11/2011 07:38 (GMT+7)

Trong đời sống nhân loại nói riêng, tất cả sinh vật có sự sống nói chung, hơi thở là nguồn mạch của sự sống. Nhiệm vụ của hơi thở là cung cấp nguồn năng lực cho sự sống với lượng khí oxygen dược chuyển vào trong phổi,tim và sẽ được bài tiết những chất carbon dioxide theo ra ngoài với hơi thở ra.

Không những thế, hơi thở còn ảnh hưởng từng giây từng phút đến các  cảm giác, giấc ngủ, bộ nhớ, năng lực tập trung và toàn bộ sự sống của chúng ta cho đến khi nhắm mắt lìa đời.

Từ ngàn xưa, hơi thở trở thành một đề mục tối cần thiết cho những nhà ẩn sĩ, đạo sĩ, tu sĩ, các vị nương đề mục nầy để an trú vào thiền định, hưởng được những hạnh phúc an lạc của các cảnh giới mà hầu như ngày nay rất hiếm được thấy có ai làm được và thậm chí trở thành không tưởng hay giả tưởng.

Hơn thế nữa, có vị do nhờ hơi thở nầy mà đã trở thành vĩ nhân, thánh nhân và điều hiển nhiên nhất là chính Đức Phật Thích Ca của chúng ta cũng do từ hơi thở nầy mà ngài đã trở thành Phật Chánh Đẳng Chánh Giác có một không hai trên thế gian nầy.

Do vậy, hơi thở chính là tài sản vô giá mà tất cả chúng ta ai ai cũng đều có, nhưng có thì có, mà mấy ai biết tận dụng nó, hiểu được nó để từ đó đem lại nguồn an lạc cho chính mình và cho toàn thể nhân loại.

Không hiểu biết về hơi thở là một điều thiêú sót và thảm hại nhất  cho nên chúng tôi mạo muội đưa ra tập sách nhỏ nầy hầu có thể đóng góp vào kho tàng văn học cũng như giúp cho những ai có sự mong cầu thành tựu được những sự an lạc trong cuộc sống và giải thoát cuộc sống ra khỏi ách thống trị và nô lệ  cho ma vương.

Hơi thở có những bí ẩn gì

Đối với tất cả chúng ta (ngoại trừ các vị có nghiên cứu, thiền sư..) hằng ngày chúng ta thở ra thở vào không biết là mấy chục ngàn lần mà chúng ta nào có hay biết nó, bên trong nó là gì,? thỉnh thoảng chúng ta để ỷ đến chúng tí xíu rồi đưa tâm đi phiêu diêu đây đó, toan tính mưu đồ kế hoạch, suy tư tìm kiếm những cảm giác hạnh phúc, đào sâu vào các công trình hầu đem lại sự giàu sang phú quý... ; cho đến khi chúng ta  gặp những hoạn nạn đau khổ không biết nương tựa vào đâu, từ đó nảy sanh những tri kiến lầm lạc bám víu vào các thần linh để mong cầu sự an lạc hạnh phúc...

Hơi thở, đây chính là nơi nương tựa tuyệt vời nhất và nó luôn luôn có mặt sẵn sàng chờ đợi chúng ta quan tâm đến nó và chính nó sẽ giúp các bạn vượt qua mọi khổ sầu ngay trong hiện tại. Không tin các bạn hãy thử những lúc gặp chuyện buồn (thất tình, thua lỗ...) bạn chỉ cần ngồi yên xuống quay về với hơi thở, sống với nó, trú trên nó, khi nó thở vào bạn biết rõ nó vào, khi thở ra bạn biết rõ nó ra...; cứ như vậy trong thời gian ngắn mọi ưu phiền lo toan đều tiêu tan, một liều thuốc an thần tuyệt vời không tốn một xu nào,  ngoài ra nó còn giúp cho các bạn vượt qua nhiều chứng bệnh trầm kha về thân lẫn tâm nếu các bạn kiên trì luyện tập đều đặn (tâm bình thế giới bình); đó là bí ẩn thứ nhất mà tôi giới thiệu đến qúy vị độc giả.

Hơi thở bản thể của nó chính là nguyên tố gió, những vật thể nào mang tính căng phồng, lay động, di chuyển lên xuống..chính là  gió.

Riêng về đặc tướng của gíó có hai loại cần được biết là :               

            Tĩnh phong và động phong.

Tĩnh phong là chất gió có khả năng duy trì các vật chất khác đồng sanh với nó được quân bình, thăng bằng không té đổ. Cho nên khi chúng ta ngồi hay đứng được vững vàng cũng do nhờ tịnh phong nầy.

Động phong thì có phận sự làm cho các vật thể di động, lay chuyển, không có gió thì mọi vật không thể chuyển động và từ đó không thể tồn taị được. Đi tới đi lui, co tay duổi tay, đứng lên ngồi xuống hay bất kỳ mọi cử động nào đều do động phong.

 

Đó là những bí ẩn thứ hai chúng tôi giới thiệu đến quý vị.

Bây giờ còn điều gì xảy ra với bí ẩn thứ ba?

Hơi thở  phát khởi được biết là do từ tâm sanh, một thân xác không có tâm đồng nghĩa với một xác chết (ngoại trừ những vị nhập thiền diệt và những vị trời vô tưởng) và một tử thi thì chắc chắn là không có hơi thở, một người vừa tắt hơi thở đồng lúc với  tử tâm thì là người chết. Đó là bí ẩn thứ ba cần được biết.

Hơi thở không những chỉ có bấy nhiêu mà nó còn rất nhiều điều mà chúng ta cần được biết là ngay chính trong hơi thở không những chỉ có nguyên tố gió mà nó còn có bảy sắc thể đồng sanh chung là : nước, lửa, đất, sắc, hương (khí), vị, và dưỡng tố;

Như vậy toàn bộ cái gọi là hơi thở sanh lên bao gồm 8 thể loại sắc tố  đồng sanh chung với nhau .

Bất kỳ vật thể nào sanh lên dù to như đảnh núi hay nhỏ như vi trần đều phải có ít nhất là 8 sắc nầy và chúng được goị là 8 sắc bất phân ly. Một vật thể không có đất thì không có chỗ nương tựa nâng đở, không có nước thì không thể kết dính lại nhau, không có lửa  thì không thể tồn tại, không có gió thì không thể di chuyển được; Đó là 4 đại không thể không có mặt để trợ lẫn nhau, ngoài ra bất kỳ vật thể nào cũng đều có màu sắc riêng của nó, mùi hương thơm, hôi, tanh, thối.., vị cay, đắng, ngọt, bùi.., và chất dưỡng tố để duy trì nuôi dưỡng sự tồn tại của chính nó ; hơi thở không ngoại lệ. Đó là bí ẩn thứ tư cần được biết đến.

Rồi khi ta thở vào thì điều gì sẽ xảy ra?

Khi chúng ta thở vào, như được biết hơi thở có 8 sắc bất phân ly  (đất - nước  - lửa - gió - sắc - hương - vị  và  dưỡng tố ) nhưng rõ rệt nhất của hơi thở chính là gió; chưa hết, 2 cái lỗ mũi thông tức nói về khoảng không (sắc hư không), cộng với bản thể đất, lửa, gió  xúc chạm vào  hệ thần kinh thân trải bao quanh trên đầu mũi tạo nên sự xúc (thân xúc, nguyên tố nước vì thuộc sắc tế nên không thể xúc chạm được) rồi từ đó sự cảm xúc đó thông truyền vào trong dòng tâm thức làm cho dòng tâm bị rung động rồi từ đó tâm thân thức phát sanh để biết được sự xúc của hơi thở vào; Cùng thế ấy, hơi thở ra cũng được hiểu như vâỵ ,đó là bí ẩn thứ năm rất quan trọng cần nắm thật rõ vì sẽ đem lại sự lơị ích khi chúng ta đi vào pháp hành thiền về hơi thở.

Vậy khi hành thiền về hơi thở có những bí ẩn gì?

Nhiều lắm, nhiều không thể tưởng, vớí tài hèn sức mọn tôi cố gắng trình bày cho quý vị những gì tôi biết, thế thôi.

Trước tiên, muốn đi vào công cuộc hành thiền về đề mục hơi thở nâỳ chúng ta cần phải có một số chuẩn bị thích đáng vì nếu không thì chúng ta sẽ chẳng gặt hái được gì và có thể đưa đến tri kiến lầm lạc hậu quả không lường.

Thứ nhất, điều cần phải làm là gìn giữ những giới hạnh tất yếu cần có như ngũ giới, bát quan trai giới…( http://budsas.110mb.com ), nếu có thân cận thì nên thân cận các bậc thiện trí nên tránh xa những nơi ồn ào náo nhiệt, chế độ ăn uống cần tri túc, giảm thiểu các chất kích thích tố, thân thể  gìn giữ sạch sẽ và nhất là lỗ mũi cho sạch và thông.

Tiếp đến là học cách ngồi sao cho thích hợp với cơ thể, tư thế ngồi tốt nhất là nên ngồi trên một cái gối để cho cột sống được thẳng, hai chân xếp tréo chồng lên nhau theo tư thế kiết già nếu không chịu được nổi cách nầy thì có thể ngồi bán già chân trên chân dưới xếp laị, còn không được nữa thì nên để hai chân xếp lại đặt nằm trên mặt đất theo lối người Miến Điện, ngoài ra những trường hợp khác vẫn có thể ngồi trên  ghế sao cho thích nghi với cơ thể và quan trọng là nên ngồi trong tình trạng luôn thoải mái có như vậy công cuộc hành thiền mới đem lại nhiều kết quả khả quan; riêng về hai tay thì tuỳ, bạn có thể để hai tay chồng lên nhau hoặc để úp trên hai đùi thật tự nhiên nhẹ nhàng.

Bây giờ mời các bạn đi vào thế giới huyền diệu của thiền. Sau khi mọi việc đã chuẩn bị đâu đó, việc trước tiên là tìm nơi vắng vẻ, ngồi xuống với tư thế kiết già hay bán già. Đặt tâm trên ngay chót mũi, chuẩn bị quan sát hơi thở vào, ra.

Khi hơi thở sanh lên (đều có nhân duyên tác tạo chẳng hạn như do sự cần thiết cho sự sống còn báo lên dòng tâm từ đó tâm tạo tác sự thở vào, ra) đi vào ngay cửa mũi, xúc chạm vào một trong những  khu vực thần kinh thân xung quanh mũi, bên trên, bên trong...hay bất kỳ nơi nào trên đầu mũi, Chính do sự xúc chạm đó báo vào dòng tâm thức (luồng hộ kiếp tâm) làm cho dòng tâm bị rúng động và cắt đứt dòng hộ kiếp và rồi một loại tâm khác sanh lên hướng về nơi hơi thở xúc đụng vào, liền sau đó tâm thân thức sanh lên biết được có xúc của hơi thở đi vào và liên tục hàng loạt lộ trình tâm do duyên từ đó sanh khởi, cho nên điểm chính yếu cần phải ghi nhận chính là sự xúc tác nơi nào rõ rệt nhất nơi đầu mũi (trên,dưới,trong.....); thở vào tâm  ghi nhận rõ ràng thở vào nương qua điểm xúc tác nơi đầu mũi ; cùng thế ấy, thở ra tâm ghi nhận rõ ràng thở ra.

Như thế nào là thở vào tâm ghi nhận rõ ràng thở vào, thở ra tâm ghi nhận rõ ràng thở ra?

Khi thở vào chúng ta tinh cần nỗ lực đặt tâm niệm nơi sự xúc của hơi thở tại đầu mũi một cách rõ ràng với trí tuệ sáng suốt không lờ mờ và liên tục liên tục, có nghĩa là tâm ghi nhận liên tục trong suốt quá trình hơi thở sanh lên cho đến khi hơi thở vào chấm dứt, khi thở ra cùng thế ấy tâm ghi nhận sự xúc của hơi thở nơi đầu mũi một cách rõ ràng sáng suốt liên tục cho đến khi hơi thở ra chấm dứt. Cứ như vậy chúng ta tập liên tục trong khoảng thời gian một giờ có thể ít hơn tùy theo khả năng và mỗi ngày tập đều đặn ít nhất hai thời sáng sớm và tối.

Những trường hợp khả dĩ sẽ xảy ra ngay trong khi thở vào hay thở ra có thể là :

Trường hợp 1: chúng ta sẽ không ghi nhận được  sự xúc nơi đầu mũi, trong trường hợp nầy trước tiên chúng ta cũng nên ghi nhận là không ghi nhận được xúc, đồng nghĩa là chúng ta ghi nhận được sự không ghi nhận xúc nơi đầu mũi, như vậy không có nghĩa là không có xúc mà vì sự ghi nhận của mình còn yếu không nhạy bén nên không ghi nhận được thôi, cho nên phải cố gắng tinh tấn hơn để thấy cho được rõ sự xúc đó càng nhiều càng tốt. Có thể rằng là dòng tâm lúc đó biết được hơi thở vào, ra như một luồng hơi chạy vào tuốt trong bụng rồi chạy ra tuốt ngoài mũi do tưởng tri hoặc nữa là tâm biết được hơi thở vào, ra là do sự chuyển động phồng xẹp của bụng, khi hơi thở vào do nhân duyên tác động làm cho gió trong bụng bị  ép đẩy cái bụng phình từ từ to lên căn rộng ra rồi khi to đến mức không thể thì ngưng rồi hơi thở ra và bụng xẹp lần xuống..; tại đây chúng ta có thể hiểu rằng là chính do bản thể gió trong bụng (3) dồn ép xúc tác vào hệ thần kinh thân nơi bụng rồi tác động đến dòng tâm làm cho chúng ta biết được bụng phồng lên, do vậy nếu có quán sát thì một là quán sát bản thể gió đang sanh, hai là quán sát sự xúc  nơi bụng do duyên từ gió chứ không phải quán sát cái tướng bụng phồng lên hay xẹp xuống.  Tất cả những vấn đề phát sanh về sau đều do từ xúc, chẳng hạn như mắt tiếp xúc cảnh sắc, từ đó hàng triệu hàng tỷ chuyện phát sanh; Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý...! một khi  một trong các căn ‘ nhãn, nhĩ... ‘ tiếp xúc với các cảnh ‘ sắc, thinh... ‘ thì mọi vấn đề phát sanh rất phức tạp. Nếu chúng ta không liễu tri được điều nầy thì công việc hành thiền của chúng ta sẽ khó tiến hóa được.

Thí dụ: trong khi chúng ta đang ngồi thiền  quán niệm hơi thở, bổng nhiên có tiếng chim hót chẳng hạn, Lúc đó tâm của chúng ta bị chi phối và hướng về tiếng hót đó. Trong sự việc nầy nếu nói theo thông thường thì khi nghe tiếng chim hót, tâm liền biết đó là tiếng chim hót, đúng thực tế, nhưng khi phân tích sâu vào thì khi nghe tiếng chim hót mà chúng ta biết đó là tiếng chim hót thì lúc đó tâm chúng ta đã đi quá xa và tâm đã rơi vào trạng thái chế định pháp (sammuttisacca), cho nên nghe như vậy không phải là cái nghe của thiền quán. Một khi đã bước vào cửa thiền nầy thì chúng ta phải bằng mọi cách sao cho thấy được thực tính của các pháp (paramatthasacca) chứ không phải chế định pháp. Nhưng khổ nỗi cái tâm của chúng ta nó thuộc về hàng siêu tốc cho nên khi sự việc xảy đến chúng ta khó mà nắm bắt được ở giai đoạn pháp thực tính  còn đang diễn tiến mà chúng ta chỉ thấy được cái tâm khi nó đã hình thành ở trạng thái suy diễn thuộc chế định pháp. Nhưng có một vấn đề còn tệ hại hơn là có một số quan niệm cho rằng khi nghe chỉ cần ghi nhận cái âm thanh và niệm nghe, nghe...như vậy là đã an trú trong thực tính pháp nhưng trên thực tế tâm đã biết rõ đó là âm thanh thuộc loại nào rồi, nhưng vì thiễn trí không hiểu được tiến trình hoạt động của tâm nên cố chấp hoặc lầm tưởng mình đã an trú trong chân đế pháp. Cho nên sự việc không đơn giản như vậy mà cần phải tu tập niệm rất nhiều cho đến khi sự ghi nhận thật sự nắm bắt chân đế phải một cách rõ ràng không tưởng tượng. Một âm thanh sanh lên (như tiếng chim hót ...) rồi sau đó sóng âm nầy đi vào khu vực thuộc lỗ tai xúc chạm liên tục vào hệ thần kinh nhĩ làm rung động rồi chuyền tính hiệu vào dòng tâm. Từ đây dòng tâm hộ kiếp bị dứt dòng, sau đó một tâm hướng về khu vực nơi tai chổ mà âm thanh đi vào rồi tiếp đến nhĩ thức sanh khởi làm phận sự biết sắc cảnh thinh, từ đó tiếp nhận, quan sát, xác định tâm và hàng triệu lộ tâm diễn tiến (một cái khải móng tay, hàng triệu triệu lộ tâm sanh diệt) duyên từ đó mới biết được đó là tiếng chim hót, tiếng hát hay....cho nên sự ghi nhận của chúng ta (phàm phu tục tử) hay lắm là biết được những gì mót lại qua tưởng tri. Vì thế  phải nổ lực huấn tập tâm niệm ngay tại chổ nhĩ xúc cho thuần thục nhạy bén và lần lần tự nhiên sẽ thu ngắn sự diễn tiến của dòng tâm, có như vậy chúng ta mới hy vọng nắm bắt được thực tính pháp. Cùng thế ấy, mắt thấy, mũi ngữi...cũng vậy .

Trường hợp 2: Trong khi đang quan sát thở vào hay thở ra, bỗng nhiên tâm suy nghĩ qua chuyện khác, chẳng hạn như nhớ đến ai đó, suy tư đến việc gì đó…. như vậy là chúng ta đã bị rơi mất đề mục chính, công việc đầu tiên là ghi nhận ngay sự suy nghĩ đó cho đến khi nó biến mất rồi quay trở về với hơi thở ra, vào.

Trường hợp 3: trong khi quan sát hơi thở như vậy đột nhiên tham dục sanh khởi do nhân duyên nhớ lại đối tượng nào đó...làm cho dục tham chưa sanh được sanh khởi, đã sanh càng tăng trưởng. Các bạn đừng sợ, hãy nhìn thẳng vào nó và hãy tác ý xem nó như một đề tài để quan sát, để nghiên cứu. Có như vậy chúng ta sẽ có kinh nghiệm và biết rõ thật tướng của nó một cách rõ ràng hơn và sau khi các bạn nhìn ngắm nó một cách tỉ mỉ thì tự nó mắc cở và biến mất không còn dám hiện diện nữa; Cùng thế ấy, khi sân hận sanh do nhân duyên nào đó.....bạn cũng chỉ cần ngắm nhìn nó một cách an nhiên tự tại, tự nhiên chúng biến mất. Cứ như vậy dù trong bất kỳ trạng thái nào sanh khởi trong tâm mà ngoài đề mục hơi thở, chúng ta chỉ cần nhìn ngắm nó một cách  thoải  mái nhẹ nhàng và nên nhớ rằng khi chúng biến mất thì chỉ nên biết và ghi nhận chúng biến mất, đừng nên mừng ‘ mất rồi, ta đã diệt được…!’ thế là hỏng việc vì bạn đã lồng cái Ta vào trong sự việc nầy rồi; các sự việc nó đến thì tự nhiên nó sẽ đi, có sanh ắt có diệt, không có gì chúng ta phải mừng như đã chính mình làm được một việc tiêu diệt được nó và cũng đừng vội mừng là mình đã chứng ngộ được sự sanh diệt của các pháp. Cái mà mình thấy đây chỉ là bước đầu sơ cơ mà thôi, bởi cái tâm sanh diệt nhanh không thể đo lường được cho nên với trí tuệ phàm phu của mình ghi nhận được chẳng qua chỉ là sự tưởng lại trạng thái đó mà thôi,nhưng mừng một chút cũng tốt cho sự hoan hỉ tu tập vì đó cũng là thu hoạch bước đầu của công việc hành thiền có điều là đừng tưởng đó là thật mà vội đi khoe khoang ẩu là mình đã đạt được tuệ sanh diệt, thế là hỏng bét. Các pháp đều có sự tuần tự phát triển, cho nên không thể đột nhiên chứng ngộ thình lình được .

Trường hợp 4: trong trường hợp bị rơi vào trạng thái dã dượi buồn ngủ (hôn trầm - thụy miên), tâm muốn rơi vào tình trạng hộ kiếp cho nên cố gắng tỉnh thức ghi nhận đề mục chính cho đến khi tình trạng nầy không còn tồn tại nữa, nếu cố gắng hết mức mà chúng vẫn không hết thì các bạn nên tưởng đến ánh sáng trong tâm để dòng tâm hoạt động trở lại thì sự buồn ngủ uể oải sẽ mất đi,nhưng nếu như vậy mà không hết nữa thì bạn hãy suy xét tìm kiếm nguyên nhân nào đưa đến tình trạng nâỳ ? do ăn quá độ, do cơ thể mệt mỏi quá, do thời tiết hay những nguyên nhân nào đó trong quá khứ ...và rồi loại trừ những nguyên nhân đó.  Nếu đến như vậy mà không giảm thì mời bạn từ từ đứng dậy trong sự. tỉnh thức luôn ghi nhận rõ từng cử chỉ một(cẩn thận trong giai đoạn nầy nếu không khéo thì sẽ rơi vào bất thiện pháp), rồi đi từ từ ra ngoài nơi thoáng khí rồi khoan thai đi kinh hành trên một đoạn đường ngắn (cần học cách đi kinh hành cho đúng cách, đặt niệm cho đúng chổ ); như vậy chắc có lẽ cơn buồn ngủ sẽ tan biến trong chốc lát, còn cả đến như vậy mà không xong thì mơì bạn trở vào phòng lên giường ngủ một cách thoải mái trong an bình chánh niệm cho được việc.

Trong những trường hợp tâm sanh khởi trong khi thở vào, ra chẳng hạn như: tham, sân, hôn thụy, nghi, hối, ganh tỵ, bòn rít, ác tâm ..và ngay cả thiện tâm ....thường thì chúng ta  ghi nhận các trạng thái tâm đó ngay khi chúng ta ý thức được nó hiện hữu, nhưng nếu có thể có nghĩa là đủ khả năng nhạy bén của  trí quán thì chúng ta nên  khéo tác ý hướng tâm  soi rọi cái mà làm cho các loại tâm đó sanh khởi (thuộc cảnh pháp) hoặc là dùng tuệ quán soi thấu ngược dòng tâm tìm ra nguyên nhân tác thành chúng. Tất cả các pháp đều có nhân có duyên, không thể tự sanh được. Tâm sanh cũng phải có đối cảnh mới phát khởi được, chẳng hạn tâm tham dục sanh thì phải có đối cảnh hoặc có nhân duyên (quá khứ, hiện tại) tác động nó mới sanh được. Cùng thế ấy, tất cả các loại tâm khác cũng đều phải tương tự.

Bây giờ lấy thân làm thí dụ : đang ngồi bổng dưng muốn đứng dậy, Câu hỏi được đặt ra là tại sao muốn đứng? Suy xét truy tìm nguyên nhân đó là gì? chán nản, mệt mõi, ...bất kỳ lý do nào hãy suy xét cẩn thận trước khi đứng vì nếu đứng liền thì thất niệm còn không suy xét thì có thể thảm hại hơn tức là thực hiện hành động đó có thể do tâm bất thiện sai khiến. Cho nên thực hiện sự khéo tác ý truy tìm nguyên nhân là một hành vi tốt đẹp có lợi cho nhiều mặt và có khả năng thu ngắn được lộ trình tâm để từ đó có thể nắm bắt được thực tính pháp, thấu rõ được chân tướng sự vật .

Trường hợp 5: đau do ngồi lâu tâm động không thể an trú trên hơi thở được, Trường hợp nầy đa phần ai cũng phải trải qua và rất mệt mỏi về việc nầy thậm chí sanh tâm chán nản không muốn hành nữa hoặc sanh tâm sợ hãi bị ảnh hưởng đến cặp chân yêu quý của mình… Lúc nầy việc cần thiết phải làm là trực chỉ đưa tâm hướng thẳng đến ngay chỗ đang bị đau quán niệm cái đau, không phải niệm đau đau.., nêú không hết đau thậm chí còn đau hơn, đau dữ dội hơn, tại lúc nầy, trí tuệ rất dễ phát sanh nêú bạn đủ nghị lực, đủ hiểu biết về sự đau. Đối với cơn đau, bản thể nó là một trong những cảm thọ cần phải liễu tri, do vậy chúng ta trước tiên cần phải quán xét một cách bình tĩnh rằng là do nhân gì duyên gì cơn đau phát sanh?

Do vì ngồi lâu với tư thế  tréo chân nên tứ đại bị xáo trộn, dòng lưu chuyễn của máu bị ảnh hưởng làm phát sanh sự đau và rõ rệt nhất là chính bản thể gió bị dồn ép tại khu vực tắt nghẽn làm phát sanh sự đau, Đây là nguyên nhân chính yếu mà chúng ta cần phải đặt hết tâm lực vào điểm nầy để quan sát hầu thấy rõ thật tướng của bản thể gió đang hoành hành chứ không phải niệm ‘đau,đau..’, và nếu với ai có trí tuệ nhạy bén thì ngay tại đây họ có thể nhận chân ra thực tướng của  gió nói riêng tứ đại nóí chung, và từ đây có thể là nhân là duyên đưa đến tuệ quán sanh khởi và đạo quả sẽ hiển bày.

Lại nữa, một câu hỏi cần được đặt ra là ‘ai đau, cái gì đau?’

Như sự trình bày phần trên, ở đây bản thể gió dồn ép xúc tác vào hệ thần kinh thân rồi đưa tín hiệu lên dòng tâm thức báo cho tâm biết, từ đây tâm thân thức thọ khổ sanh rôì hàng triệu lộ tâm  sau sanh khởi bị cơn đau đau hành hạ do duyên từ đó.

Như vậy sự đau chính thức là tâm đau, bây giờ chúng ta hãy áp dụng phương cách lấy tâm quán tâm, có nghĩa là dùng tuệ quán để quán sát cái tâm đau, như một đề mục trực tiếp chúng ta có thể mục kích được trạng thái của tâm một cách rõ rệt và nếu ai có được tuệ quán sâu sắc thì có thể soi thấu được bản thể pháp, thể nhập thực tính pháp và thành tựu cưú cánh ngay trong hiện taị.

Hay nói một cách khác, cái đau chính là cảm thọ đau (khổ), một trong năm thọ (khổ,lạc,hỹ, ưu, xã); Do vậy ở đây nói cho chính xác hơn là chúng ta quán sát cảm thọ đau từ thân xúc duyên chính trực tiếp làm cảm thọ khổ phát khởi nơi thân thức từ đây làm cho cảm thọ ưu phát khởi nơi dòng tốc lực tâm (javana), có nghiã là ở đây chúng ta dùng niệm để ghi nhận và dùng tuệ quán soi chiếu cảm thọ ưu đang phát sanh nếu được bằng không thì chúng ta có thể quán cái tâm đang mang cảm thọ ưu đó chính là tâm sân. Thọ là một trong những loại tâm sở luôn có mặt trong tất cả loại tâm cần đựợc biết rõ như vậy.  Do vậy, tâm sở thọ có mặt nơi nào thì tâm có mặt nơi đó, tâm có mặt nơi nào thì tâm sở thọ có mặt nơi đó.

Trở về với hơi thở, sau khi chúng ta với sự tinh cần tinh tấn, nhiệt tâm huấn tập với chánh niệm tỉnh giác với hơi thở vô biết rõ hơi thở vô, hơi thở ra biết rõ hơi thở ra, bây giờ đến giai đoạn : ‘khi thở vô dài, biết rõ thở vô dài, khi thở vô ngắn, biết rõ thở vô ngắn’

Như thế nào là khi thở vô dài, biết rõ thở vô dài; khi thở vô ngắn, biết rõ thở vô ngắn ? Cũng như đã trình bày ở phần trên chúng ta căn cứ vào sự tiếp xúc của hơi thở xúc chạm vào đầu mũi để biết được hơi thở ra, vô. Cùng thế ấy, khi hơi thở vô dài, biết rõ, có nghĩa là căn cứ trên sự chánh niệm ghi nhận sự xúc của hơi thở vô dài thì được biết đó là hơi thở vô dài, thở ra dài, chánh niệm  ghi nhận sự xúc của hơi thở ra dài thì được biết đó là thở ra dài; Cùng thế ấy, thở vô ngắn tức là sự chánh niệm ghi nhận sự xúc của hơi thở ngắn, thì biết hơi thở vô ngắn, mặc dù hơi thở còn dài nhưng sự chánh niệm ghi nhận chỉ ngắn hạn, cho nên ở đây cần được biết đó là hơi thở vô ngắn căn cứ trên chánh niệm  không căn cứ trên hơi thở, vì thở mà không biết thở thì không được coi là thở ; Ở đây chỉ có sự chánh niệm ghi nhận biết rõ hơi thở vào ra chứ không có ai hay người nào biết sự vào ra của hơi thở và cũng cần nói thêm là sự biết rõ hơi thở dài, ngắn là do chính trí tuệ biết rõ, tự nó phân định cái nào dài cái nào ngắn tuỳ theo thời gian không gian chứ không có cái mình biết dài ngắn hoặc không do tưởng hơi thở hít chạy sâu vào đến rún thì là dài còn đến ngực thì là ngắn  ...Thật ra, hơi thở khi thở vào chỉ đi vào phổi mà thôi không có đi xuống bụng cho nên sự việc bụng phồng ra là do hơi thở vào trong phổi rồi ép hoành cách mô làm cho hoành cách mô ép xuống làm cho gió trong bụng đẩy da bụng phồng ra, thế thôi; Còn niệm thi ghi nhận hơi thở vào, ra.

Do vậy, nếu chúng ta tu tập chánh niệm trở nên thuần thục nhu nhuyễn thì sự tu tập sẽ trở thành Niệm  giác chi (một trong thất giác chi) liên hợp đến hơi thở vô, hơi thở ra, đưa đến viễn ly, ly tham, đoạn diệt các ác pháp và hướng đến từ bỏ; Cùng thế ấy, toàn bộ thất giác chi  ‘niệm - trạch - tấn - hỷ - khinh - định  - xả’ câu hữu với niệm hơi thở vô, ra liên hệ đến viễn ly, ly tham, đoạn diệt và hướng đến từ bỏ. Đó là kết quả thù thắng do niệm hơi thở đem lại .

Lại nữa, nếu chúng ta tu tập luyện niệm hơi thở vô, hơi thở ra, chánh niệm và tĩnh giác được làm cho sung mãn thời sự chờ đợi sẽ được một trong hai quả sau đây: ngay trong hiện tại chứng được chánh trí thành tựu cứu cánh giải thoát, nếu có dư y thì chứng quả bất lai.

Đó chỉ là sự diễn đạt cho chúng ta thấy được sự thù diệu của kết quả niệm hơi thở mà thôi. Bây giờ chúng ta còn phải nhiệt tâm tinh cần để  thâm nhập vào thập lục tuệ quyền môn để bước vào giải thoát thánh đạo môn.

Với sự nổ lực quyết chí để thành đạt cứu cánh cuối cùng, chúng ta dồn hết tâm trí cắm sâu vào hơi thở vào, ra đưa tâm hướng đến một trạng thái cận định vững vàng, rồi từ đó chúng ta khai thác toàn bộ trí tuệ có được soi thấu một cách cẩn thận tỉ mỉ cái ngũ uẩn  thủ (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mà từ xưa đến nay mình vẫn xem nó là tự ngã của chính mình, và khi quán chiếu như vậy chúng ta sẽ khám phá ra :

Cánh cửa đầu tiên đã mở chính do sự soi thấu của trí tuệ khám phá ra rằng cái mà từ xưa chúng ta cho đó là ta, là tự ngã của ta hay linh hồn gì đó đó chỉ là sự kết hợp của hai tập hợp danh và sắc. Danh bao gồm hai thành phần tâm và tâm sở kết hợp nhau trôi chảy liên tục không hề gián đoạn và sanh khởi rồi diệt mất do sự tiếp xúc giữa sáu căn, sáu cảnh tác động làm duyên. Còn sắc thì bao gồm những yếu tố năng lực cấu thành và những bản chất đặc thù biến dạng dưới mọi hình thức. Đây là cánh cửa đầu tiên còn được định danh tuệ biệt phân danh sắc (nàmarùpa-ricchedanàna), tức trí phân định rõ, biết rõ cái mà chúng ta từng xem là người, trời, thú... chỉ là tổng hợp của hai thành phần danh sắc (đây là trí tu biết được, không phải trí tư hay trí văn). Không bước qua được cửa nầy thì coi như chưa có gì cả, cố gắng thêm lên và cũng đừng vội mơ tưởng đến những gì xa xôi nhé. bây giờ mời quý vị bước vào cửa thứ hai.

      2.   Nhị tuệ quyền môn:

Sau khi chúng ta bước qua được nhất tuệ quyền môn, đã thấy được thật tướng của chính mình, không còn dính mắc về những quan kiến sai lầm, vượt thoát lên những tạp niệm về cái gì đó mà chúng ta cho là bản ngã hay một linh hồn với một thân xác đồng nhất thể, bất biến thường trụ, vĩnh hằng, giờ đây chúng ta bước vào cánh cửa thần kỳ thứ hai để tìm cho ra được do nhân gì duyên gì cái thân ngũ uẩn nầy xuất hiện?

Một tia sáng cuối đường hầm phát loé lên cho chúng ta thấy được rằng : mọi thứ trên đời nầy từ vật chất đến tâm linh đều là do sự cấu hợp mà thành, thuộc hữu vi pháp, chúng có được là do nhiều duyên hợp tạo, vạn pháp do duyên sanh. Với cặp mắt trí tuệ cho thấy có được kiếp sống nầy là do bốn nhân thuộc quá khứ: vô minh, ái, thủ và nghiệp quá khứ cùng với nhân hiện tại là vật thực (tứ thực) của đời sống hiện tại nầy tạo thành. do nghiệp quá khứ kết tạo duyên cho đời sống hiện tại, cùng thế ấy, do nghiệp hiện tại sẽ trợ tạo cho đời sống tương lai (www.artandclassicalguitar.com mục budhist,d.origination). Cánh cửa đệ nhị tuệ quyền môn nầy còn được gọi là : tuệ duyên đạt (paccayapariggahanàna) tức  trí tuệ biết rõ duyên khởi của danh sắc và chính do sự hiểu biết nầy trí tuệ của chúng ta vượt lên trên mọi sự hoài nghi tam thế (quá khứ, hiện taị, vi. lai).

Tiếp đến là cánh cửa thần kỳ thứ ba :

      3.  Tam tuệ  quyền môn:

Với đà tiến triển và phát huy một cách mạnh mẽ của trí tuệ càng lúc càng sâu sắc và nhạy bén hơn, tam tướng ‘vô thường, khổ, vô ngã’  hiển lộ một cách rõ ràng, Cho nên dù trong bất kỳ nơi đâu, bất kỳ cảnh giới nào, tất cả đều trôi chảy không ngừng, Tất cả đều đau khổ, không có một cái gì là hạnh phúc thật sự và cái gì thay đổi không bền vững thì cái đó là đau khổ và cái gì thay đổi lẩn đau khổ thì không thể nói rằng có một linh hồn trường cửu bất biến, một tự ngã thường hằng bất dịch. Đó là cánh cửa thần kỳ thứ ba đã được mở dưới danh hiệu phổ thông tuệ (samma-sananàna) phá tan sự ngu muội của hầu  hết phàm phu tục tử hay lầm tưởng là có  một cái gì đó vô hình vô tướng trường cửu bất biến bên trong mỗi một con người là có thật .

 

       4.  Tứ tuệ quyền môn :

Cánh cửa thần kỳ thứ ba đã đem lại cho chúng ta một niềm hoan hỉ qua sự nhận thức được thật tướng của các pháp và từ tại điểm nầy với lòng nhiệt huyết chuyên tâm tu tập không ngừng nghỉ..., Một ngày đẹp trời bỗng nhiên toàn thân phát tủa ra ánh sáng (obhàsa), lòng hân hoan thỏa thích sung sướng hòa quyện trong niềm hạnh phúc vắng lặng chưa từng có, lòng càng tinh tấn thêm lên, phát triển tâm niệm càng lúc càng sâu sắc hơn, tuệ quyền càng bén nhạy như gươm thần, hào quang càng toả sáng, thế là phát sanh tư tưởng thỏa thích trạng thái nầy, dính mắc trong đó; Ở đây, nếu không có các bậc thiện trí nhắc nhở hoặc thiếu trình độ học thức về Phật học thì chúng ta có thể lầm tưởng rằng mình đã đắc quả thánh vì thấy mình có hào quang như bậc thánh mà người đời đã truyền tụng rồi cuốn chiếu về nhà tuyên bố kết quả mà mình có được. May mắn nếu có sự nhắc nhở của các bậc thiền sư nên mới nhận thức ra được rằng đây chỉ là  một trở ngại cho bước đường tu tập cản trở việc phát triển tuệ giác của chính mình, và từ đây, không dừng bước cố gắng trau giồi phát triển cho được trong sạch tiến bộ thêm lên. Đây là cánh cửa thần kỳ thứ tư được định danh là đạo phi đạo tri kiến tịnh . (maggàmagga nàna dassa visudhi).

      5.  Ngũ tuệ quyền môn :

Sau khi mục kích quán sát nhận chân ra được đâu là con đường chân chánh đâu là phi chân, với mức độ tiến hoá dang trên đà, chúng ta quyết chí dồn hết tâm trí gom tâm quán chiếu vào trạng thái của các pháp, một ánh sáng thù diệu khác phát sanh soi rọi cho chúng ta thấy được với trí tuệ thực chứng rằng các pháp hưũ vi phát sanh lên và hoại diệt một cách rõ rệt . Một cánh cửa thần kỳ thứ năm đã mở có danh hiệu tuệ sanh diệt (udayabbayanàna).

      6.   Lục tuệ quyền môn

Quán chiếu sự sanh diệt trong khoảng thời gian, chúng ta lại một lần nữa thấy được điều kỳ diệu hơn chính là sự hoại diệt được hiển bày một cách mạnh mẽ, rõ và trưởng hơn sự sanh,. Từ đó tuệ quán nhận chân ra được sự biến mất, sự tàn lụi một cách rõ ràng hơn hiển nhiên hơn là sự phát sanh. Đây được gọi là tuệ diệt (bhanganàna).

      7.  Thất tuệ quyền môn

Sau khi bước qua trạng thái hoại diệt của các pháp hưũ vi, chúng ta thấy được tất cả những gì thuộc danh sắc đều tan biến, điêu tàn, đổ vỡ tạm bợ, từ đó phát sanh lòng kinh cảm trước mối hiểm họa đáng khiếp đảm của các pháp thế gian nầy. Tại đây cánh cửa nầy được goị là tuệ  hiểm nguy (àdìnavanàna).

      8.  Bát tuệ quyền môn

Bước qua được cánh cửa đầy nguy hiểm, từ đó phát sanh một cảm  giác nhàm chán không còn tha thiết gì với các pháp hưũ vi nầy nữa, Tất cả đều là giả dối, tạm bợ..; và khi tuệ quán nầy phát sanh thì khi đó có được một trạng thái được gọi là yếm  ly tuệ, hay chán nản tuệ (nibbidànàna)

      9.  Cửu tuệ quyền môn

Một khi đã sanh tâm nhàm chán bất kỳ điều gì thì từ đó chúng ta mong muốn được tẩu thoát ra khỏi nó; Với lòng mong muốn như vậy, quyết tâm nỗ lực vượt ra các pháp và tuệ giải thoát phát sanh đến vói chúng ta như ý nguyện. Cánh cửa thần kỳ thứ chín đã mở với danh hiệu dục thoát tuệ (muncitukamyatànàna).

     10.  Thập tuệ quyền môn

Với sự quyết ly mong thoát ra khỏi các pháp hưũ vi, lần nầy chúng ta quay trở lại quán sát một cách tận tường tỷ mỷ qua tam tướng vô thường, khổ, vô ngã , và khi đã quan sát như vậy một lần nữa chúng ta bước qua ngưỡng cửa thứ mười được định danh là quyết ly tuệ, hay suy tư tuệ (patisankhànàna).

     11.  Thập nhất tuệ quyền môn

Sau khi quán xét tỉ mỉ về tam tướng, chúng ta biết rõ thực tính của pháp hữu vi không vượt ngoài tam tướng, do vậy tâm trạng trở nên lắng dịu bình thản và ung dung bước qua ngưỡng cửa thứ mười một nầy, Cho nên cánh cửa thần kỳ nầy được goị là hành xả tuệ (sankhàrupekkhànàna).

     12.  Thập nhị tuệ  quyền môn

      Khi trí tuệ khởi lên ở giai đoạn nầy sẽ bắt đầu hướng thẳng tiến đến niết bàn, lấy niết bàn làm đối tượng, trong thời điểm nầy cánh cửa thần kỳ thứ mười hai được gọi là thuận thứ tuệ (anulomanàna).

     13.  Thập tam tuệ quyền môn

Đến đây là cánh cửa cực kỳ quan trọng vì là giao điểm  giữa phàm và thánh tánh, cho nên được định danh là tuệ chuyển tộc nhưng tuệ nầy vẫn còn thuộc lãnh vực phàm và đang chuẩn bị chuyển sang một gia tộc khác (gotrabhùnàna).

     14.  Thập tứ tuệ quyền môn

Trình độ tuệ giác phát sanh đến mức độ cận kề như thế nầy rồi, từ đây chúng ta chỉ còn chọn một trong ba đặc tướng ‘vô-thường- khổ- vô ngã’ và tùy theo mỗi một người, ai hợp với tướng nào thì tập trung nắm lấy đề mục đó hạ thủ công phu khai triển tuệ giác liên tục không ngừng nghỉ vì để bước qua được cánh cửa nầy là cả một vấn đề nan  giải cho nên phải tận lực dồn tất cả trí tuệ vào để phá vỡ và làm nổ tung cánh cửa thần kì nầy. Một ngày đẹp trời nào đó với năng lực gươm báu  trí tuệ  sẽ phá vỡ cánh cửa thần kỳ hoặc xé tan bức màn vô minh mà đã bao nhiêu đời kiếp bao phủ trí tuệ chúng ta,và từ đó, ánh sáng bình minh đã ló dạng, ngày vinh quang đã đến, mục tiêu mà chúng ta muốn đạt được đã đến chính là đạo quả niết bàn, một trạng thái hạnh phúc siêu thế vô sanh bất diệt, một hạnh phúc tuyệt đối chưa từng có đối với các hạng phàm phu và từ đây chúng ta đã trở thành một thánh nhân, đã chuyển sang giòng tộc thánh không còn hệ lụy với phàm phu tánh nữa, cánh cửa nầy được vinh danh là Tuệ đạo giải thoát môn (magganàna). Ôi, hạnh phúc thay!

 

     15.  Thập ngũ tuệ quyền môn

Một khi trí  đạo đã phát sanh với công năng sát trừ phiền não thì liền sau đó trí quả cũng phát sanh theo để duyệt xét và hưởng thụ trạng thái niết bàn,vô sanh bất diệt, hạnh phúc tuyệt vời và tại đây được vinh danh là tuệ quả giải thoát môn (phalanàna).

     16.  Thập lục tuệ quyền môn

Sau khi đã chứng đắc đạo quả thánh nhân, thời điểm cuối cùng nầy chỉ là quay trở lại dùng tuệ quán xét các phiền não đã diệt, xét nghiệm các đạo quả đã thành tựu và chiêm nghiệm lại niết bàn  mà chính mình đã chứng ngộ. Tại đây được vinh danh là phản kháng tuệ (paccavekkhananàna).

Như vậy toàn bộ 16 cánh cửa thần kỳ cũng như những điều bí ẩn của hơi thở đã được trình bày hầu mong đem đến cho quý vị độc gỉả những điều lợi ich và chắc chắn không sao tránh khỏi những thiếu sót kính mong quý cao nhân hoan hỉ cho.

 

__()__

 

 


Hồi hướng

Do phước quý báu nầy, chúng con xin  hồi hướng đến tất cả các vị đại phạm thiên, phạm thiên, chư thiên các cõi trời  dục giới cùng các vị chư thiên trong vòng quả địa cầu nầy, diêm vương..cầu mong các vị hoan hỷ thọ lảnh phước báu nầy và hộ trì cho con và toàn thể gia đình luôn được an vui hạnh phúc, gặp nhiều thuận may trong đời sống, tất cả tật bệnh thảy đều tiêu tan.

Cùng với phước báu nầy nguyện xin hồi hướng đến các bậc thầy tổ cùng tất cả chư tôn thiền đức Tăng Ni trên toàn thể quả địa cầu nầy, cầu  mong các ngài được thọ lảnh phước báu nầy cho được thân tâm an lạc, thành tựu mọi điều như ỷ nguyện.

Với pháp thí cao thượng, xin hồi hướng đến thân bằng quyến thuộc đã quá  vãng cũng như còn tại tiền, các bậc ân nhân và nhất là Cha hiện đang trọng bệnh, cầu mong do quả phước nầy sẽ giải trừ tất cả tật bệnh mọi sự thống khổ thảy đều tiêu tan đến với cha.

Lời nguyện

Ước mong tôi cùng toàn thể gia đình luôn được an vui hạnh phúc an lạc mọi phương diện, mọi trú xứ và luôn có đầy đủ trí tuệ sớm thành tựu cứu cánh giải thoát, chứng ngộ nibbàna.

 Hoàng Đặng - King milanda 

Wednesday, May 6 , 2010 , Indianapolis, IN                       email:saccayamaka@yahoo.com                                           

  1. Gió chuyển lên (ợ, ngáp,ắc xì..)
  2. Gió chuyển xuống (đánh dấm ..)
  3. Gió thường trực trong bụng
  4. Gió khắp toàn thân 
  5. Gió  chuyển dịch trong các bộ phận cơ quan của cơ thể
  6. Hơi thở vào, ra.
  7. Nhất tuệ quyền môn:
Nguồn tin: King milanda

http://nguoiphattu.com/news/nhung-dieu-bi-an-trong-hoi-tho.d-1392.aspx

Các tin đã đăng:
Về đầu trang