Khi mọi người không còn muốn nghe người khác nói nữa thì đó là lúc mà sự ghét bỏ, nghi kỵ, hận thù, xa cách lớn dần lên.
Nghe lời nói ngon ngọt thì dễ, nhưng nghe, hoặc lắng nghe lời nói nghịch nhĩ thì
thật khó khăn. Đối với chúng sinh bình thường, sự lắng nghe đã khó, còn đối với
những nhân vật gọi là quyền cao chức trọng, giầu có, tăm tiếng, thế lực, nổi
tiếng v.v..thì sự khó khăn đó còn tăng gấp bội, bởi vì cái Tôi, cái Ngã của
những vị này rất lớn.
Nghe là sự vận hành tự nhiên của một cơ thể bình thường. Thế nhưng sự vận
hành này tuy tự nhiên nhưng không phải hoàn toàn phóng túng, bừa bãi, vô tổ
chức…mà có chọn lọc. Chúng ta có thể ví lỗ tai (nhĩ căn) của chúng ta giống như
một chú lính. Khi nhận được một tín hiệu, một thông điệp, một tin tức nào…thì
chú vội vàng báo ngay cho chủ tướng của mình – không ai khác hơn là chính Ta. Mà
cái Ta này chính là cái Tôi hay cái Ngã do Nhãn (Mắt), Nhĩ (Tai), Tị (Mũi),
Thiệt (Lưỡi), Thân, Ý (Ý thức) kết hợp lại mà thành. Khi một “tin tức” tốt được
“báo cáo” thì vị chủ nhân hân hoan nói, “Được, chú tiếp tục nói đi.” Lúc đó vị
“chủ tướng” tức cái Ngã, lim rim tận hưởng khóai cảm của những lời tán tụng,
những lời du dương, những lời ngon ngọt gửi tới. Thật sướng lỗ tai! Thế nhưng
khi một lời nói khó chịu, một lời nói bất ưng được báo vào thì ông tướng lập tức
nổi giận, quát tháo ầm ĩ “Cút đi! Ta không muốn nghe nữa!” Thật tội nghiệp cho
chú lính. Chú chạy biến ra ngòai, ngồi xuống rầu rĩ bịt kín lỗ tại lại. Trong
khi đó thì “ông tướng” có thể vẫn tiếp tục nổi trận lôi đình, chửi bới rân trời
và chú Khẩu (Miệng) bị vạ lây.
Nghe lời nói ngon ngọt thì dễ, nhưng nghe, hoặc lắng nghe lời nói nghịch nhĩ
thì thật khó khăn. Đối với chúng sinh bình thường, sự lắng nghe đã khó, còn đối
với những nhân vật gọi là quyền cao chức trọng, giầu có, tăm tiếng, thế lực, nổi
tiếng v.v..thì sự khó khăn đó còn tăng gấp bội, bởi vì cái Tôi, cái Ngã của
những vị này rất lớn. Nhìn vào lịch sử Trung Hoa, chúng ta thấy biết bao trung
thần, nghĩa sĩ đã chết vì những lời tâu trình nghịch ý vua. Khá hơn là những ông
vua, tuy không ra lệnh chém đầu nhưng lại bỏ tù, hoặc tước hết phẩm trật, đuổi
về quê những ông quan dại dột tâu lên những điều mà nhà vua không muốn nghe. Còn
tại triều đình Âu Châu, các ông vua Tây Phương tuy không đến nỗi ác độc như vậy,
nhưng lại có một lối “bịt tai” một cách rất “thông minh”. Các ông vua này nuôi
mấy anh hề, chạy lăng xăng trước ngai vàng. Khi có quan đại thần nào tâu trình
điều gì thì mấy anh hề làm trò khiến vua cười sặc sụa. Và dĩ nhiên như thế vua
có thể “đổ thừa” là “Trẫm có nghe gì đâu!”. Quan đại thần lúc đó chỉ có nước lạy
tạ mà lui ra. Còn tại Hoa Kỳ, một quốc gia được coi như triệt để bảo vệ quyền tự
do ngôn luận và mọi người thảo luận trong tình thần ôn hòa, tương kính. Tuy
nhiên không phải tất cả đều như vậy. Quý vị nào theo dõi các buổi hội luận, phát
biểu ý kiến trên các đài truyền hình lớn như Fox News, CNN…chắc đã thấy rất
nhiều trường hợp, các người tranh luận không thèm lắng nghe người đối diện mình
nói, hoặc chờ cho đối thủ của mình nói xong. Cả hai người đều tranh nhau nói,
khiến khán giả chẳng biết ông nói gì, bà nói gì, và dĩ nhiên chỉ có nước lắc đầu
cười trừ. Ở đây sự xung đột ý kiến lên tới mức trầm trọng khiến người ta không
thèm lắng nghe nhau mà chỉ muốn phát biểu ý kiến của mình.
Thế nhưng trong số vô lượng chúng sinh đã và đang ngụp lặn, luân hồi trong
Thế Giới Ta Bà này, có một nhân vật rất lạ lùng, đó là Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát
đã phát hạnh nguyện lắng nghe; lắng nghe sự khổ đau cũng như nỗi bất ưng của
muôn lọai chúng sinh mà đến cứu giúp. Mà ngài đã thể hiện hạnh nguyện đó từ vô
lượng kiếp trước. Do đâu mà chúng ta biết được hạnh nguyện của vị đại Bồ Tát hi
hữu này?
Trong pháp hội tại Núi Kỳ Xà Quật của Thành Vương Xá, Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát,
từ trong đại chúng đã đứng lên thưa hỏi Phật như sau: “Thế Tôn! Ngài Quán Thế Âm
Bồ-tát do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?” Phật đã bảo ngài Vô Tận Ý Bồ-tát
như sau: “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các
khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ-tát này một lòng xưng danh, Quán Thế Âm Bồ-tát tức
thời xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát” (Kinh Pháp Hoa)
Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát tương truyền đã và thường thị hiện thành hình tướng
người nữ với tướng mạo thật đoan nghiêm, hiền từ, được gọi một cách thân thương
và giản dị là Phật Bà Quan Âm để cứu độ bất cứ ai lên tiếng kêu khổ và niệm danh
hiệu ngài. Câu niệm đầy đủ nhất là “Nam Mô Tầm Thanh Cứu Khổ, Cứu Nạn Linh Cảm
Quan Thế Âm Bồ Tát!”. Do đó mà hình tượng của Phật Bà Quan Âm đã được dựng lên
khắp nơi, được kính ngưỡng, thờ phượng. Tại sao vậy? Bởi vì khi chúng ta niệm
danh hiệu ngài, hoặc trông lên tượng Phật Bà Quan Âm, chúng ta cảm thấy bình an,
được cảm thông, thấy tin tưởng và không còn sợ hãi. Mới đây nhất một pho tượng
Phật Bà Quan Âm, 17 tầng, cao 69.7 m, được xem là tượng Phật cao nhất Việt Nam
đã được dựng và khánh thành tại Chùa Bãi Bụt hay Chùa Linh Ứng nhìn xuống Bãi
Biển Sơn Trà, Đà Nẵng, không ngòai mục đích tôn kính biểu tượng của Từ Bi, Cứu
Khổ, Hạnh Nguyện Lắng Nghe và Khát Vọng Bình An của mọi người. Mẹ Hiền Quan Âm
không tạo ra dông bão, lụt lội, động đất, cuồng phong, bệnh dịch, chiến tranh,
chết chóc để lòai người sợ hãi mà van vái cầu xin. Hình ảnh đẹp của Ngài Quán
Thế Âm Bồ Tát có thể tìm thấy ngay trong cuộc sống này ở nơi các bà mẹ hiền
thương con vô bờ bến, không bao giờ giận hờn con, không bao giờ làm khổ con mà
chỉ biết lo cho con.
Bạn ơi!
- Bạn không thể phát khởi Tâm Đại Bi, tức lòng xót thương người nếu bạn không
lắng nghe những lời than van, kêu khổ của người khác.
- Bạn không thể chia xẻ nếu như bạn không nghe được nỗi lòng thầm kín, nỗi
oan ức của người khác.
- Bạn không thể an ủi người khác nếu bạn bịt kín lỗ tai lại.
- Hãy để cho người khác trút hết nỗi niềm tâm sự và bạn là người lắng nghe.
Chỉ cần lắng nghe, lắng nghe một cách cảm thông và hiểu biết, thì nỗi khổ của
người đối diện đã vơi đi rất nhiều.
- Ngày nay các nhà tâm lý trị liệu, các nhà cố vấn tâm lý chỉ là những người
biết lắng nghe bạn trút hết nỗi lòng, những ý nghĩ thầm kín mà bạn không biết
tâm sự cùng ai.
- Thật vĩ đại và nhiệm màu thay hình ảnh của Phật Bà Quan Âm chỉ vì ngài là
bậc biết lắng nghe.
Để tìm hiểu thêm về sự tuyệt vời của hạnh nguyện lắng nghe, chúng ta kiểm
điểm lại xem trong quá khứ đã bao lần chúng ta im lặng để lắng nghe lời kêu than
của người khác? Phải chăng lúc đó chúng ta thấy chúng ta thật bao dung cởi mở?
Phải chăng lúc đó cử chỉ và ngôn ngữ của chúng ta thật dịu dàng? Phải chăng lúc
đó trái tim chúng ta không dung chứa gì, ngòai sự cảm thông? Chúng ta đã hiển lộ
Phật tánh lúc nào mà chúng ta không hay. Chính vì thế mà bạn ơi, hãy là một
người biết lắng nghe, Be a good listener!
- Trong những đêm khuya thanh vắng, hãy im lặng để lắng nghe tiếng con cú
đang gọi bạn.
- Tiếng vạc kêu sương,
- Tiếng con cò lặn lội bờ sông,
- Tiếng côn trùng rên rỉ,
- Tiếng dế nỉ non,
- Tiếng cóc, nhái, ễnh ương âm vang một hợp tấu tuy đơn điệu đối với chúng
ta, nhưng vô cùng quyến rũ đối với loài lưỡng cư để mời gọi con mái,
- Tiếng mưa rơi trên mái ngói hay trên những mái nhà dột nát,
- Tiếng bà mẹ ru con,
- Tiếng than van của những người nghèo khó trong những khu lao động,
- Tiếng nhạc khích động vọng ra từ những phòng trà ca vũ của những người
nhiều tiền lắm của tìm thú vui hoặc của những người cô đơn phải tìm một nơi giải
trí cho vơi sầu muộn,
- Và cả tiếng cô ca sĩ đang cố ru hồn người bằng những cung bậc nỉ non, da
diết,
- Tiếng nhạc Rock, nhạc Pop, nhạc Rap xập xình,
- Trong khi đó tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng hiền từ của ni cô đang ngồi tụng
Kinh Cứu Khổ nghe rõ giữa canh khuya để cho thấy tình thương của nhân lọai vẫn
còn đây,
- Tiếng đại bác từ chiến trường vọng về cho thấy nỗi gian nan của người chiến
sĩ,
- Tiếng lá cây xào xạc theo ngọn gió đong đưa,
- Tiếng sóng vỗ rì rào như tiếng lòng của biển,
- Rồi bất thần tiếng xe cứu thương rú lên như muốn xé tan màn đêm u tịch để
cảnh báo cho mọi người đừng quên con người từng giây từng phút bị chi phối bởi
luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử,
- Và cả nhịp đập của trái tim mình.
Trong không gian bao la và tịch mịch đó, tất cả đều bình đẳng, tự do hiển lộ
trong thế giới trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm. Lúc đó mọi tư tưởng đều
vắng bặt, chỉ còn sự quán chiếu, cảm nhận và cảm thông. Phải chăng trong thế
giới này chúng ta không cần chân lý mà cần sự cảm thông? Ít ra là trong giây
phút này đây. Lắng nghe là một sự cảm thông kỳ diệu nhất.
- Chư Phật trong hằng hà sa số thế giới đều lắng nghe lời diễn nói của chư
Phật ở thế giới khác.
- Trong nhiều pháp hội có khi Đức Phật chỉ lắng nghe những vị Bồ Tát rồi ấn
chứng.
- Trong nhiều pháp hội, thính chúng chỉ lắng nghe Phật nói không thôi mà cũng
đắc quả.
- Trong khi các vị thần chỉ biết ra oai và trừng phạt thì các Bồ Tát, A La
Hán, Bích Chi Phật và hàng Đại Sĩ trong vô lượng kiếp lại biết lắng nghe.
Trong bối cảnh đầy bạo lực và có nguy cơ hủy diệt của thế giới ngày hôm nay,
Đạo Phật đang trở thành ngọn đuốc lương tri cho nhân lọai. Mặc dù Đạo Phật chưa
ảnh hưởng tới những thế lực chỉ muốn dùng sức mạnh để giải quyết những vấn đề
của con người, nhưng Đạo Phật đang từ từ thấm dần vào hàng ngũ trí thức khắp mọi
nơi. Là Phật tử chúng ta hiểu rằng sinh mệnh của Đạo Phật nằm ở hai chữ Từ Bi.
Từ Bi là xót thương, là cứu độ, là không làm người khác khổ, là cảm thông và
biết lắng nghe. Khi mọi người không còn muốn nghe người khác nói nữa thì đó là
lúc mà sự ghét bỏ, nghi kỵ, hận thù, xa cách lớn dần lên. Không biết lắng nghe,
hoặc không thèm lắng nghe người khác cũng là một hình thái xây đắp hoặc bảo vệ
một ngục tù tư tưởng hay một “Tử Cấm Thành” của cái Tôi. Sự vĩ đại của Đạo Phật
hay của Đức Phật là sự giải phóng trí tuệ và “viễn ly mọi điên đảo, mộng tưởng”
(*). Chính những điên đảo mộng tưởng này đã đưa tới vọng động làm khổ mình và
làm khổ nhân lọai.
Bạn ơi, trong bao nhiêu điều có thể nói về Đạo Phật, chỉ xin bạn nhớ cho “Đạo
Phật là đạo của những người biết lắng nghe.”
Đào Văn Bình