Đệ
nhất giác ngộ: Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không,
ngũ ấm vô ngã, sanh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ, tâm thị ác nguyên,
hình vi tội tẩu, như thị quán sát, tiệm ly sanh tử. Có nghĩa là: điều
đầu tiên mà các bậc đại nhân thấy biết một cách rõ rệt là mọi sự vật
trong cuộc đời vốn không mãi mãi tồn tại một cách cố định; các cõi nước
đều mong manh; bốn yếu tố tạo nên hình sắc con người thực chất là trống
không và chỉ mang lại khổ não; năm yếu tố tạo nên một chúng sinh không
hề mang lại một bản ngã chắc thực; tất cả đều được sinh ra rồi diệt mất,
thay đổi khác lạ, chỉ là những thứ giả dối không có chủ; tâm chúng sinh
chính là nguồn ác còn hình sắc của chúng sinh là nơi tập trung mọi tội
lỗi; bậc đại nhân quán sát rõ như vậy mà dần dần rời được sự sinh tử.
Có thể nói đoạn kinh văn này thể hiện toàn bộ vũ trụ quan, thế giới quan và nhân sinh quan của người học Phật.
Về
phương diện vũ trụ, đoạn kinh văn nói trên khẳng định môi trường sinh
sống của mọi chúng sinh luôn có sự biến đổi một cách bất thường, không
hề ổn định để nâng đỡ cho cuộc sống của mọi sinh vật như có nhiều nguồn
tư tưởng cho rằng vũ trụ này được tạo dựng để phục vụ cho cuộc sống của
con người vì con người đã được ban cho vai trò làm chủ thế giới. Quả
thật, những sự kiện về sự biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như những hiện
tượng biến đổi của thiên nhiên không nhằm phục vụ sự sống mà giới khoa
học khám phá gần đây đã khiến loài người mở mắt để thấy con người là
người không hề có vai trò là người chủ của vũ trụ.
Về phương diện thế giới, kinh văn khẳng định mọi sự tổ hợp thành các
cộng đồng người có thể xây dựng những đế quốc hùng mạnh, những dân tộc
văn minh, những xã hội tiến bộ… đã từng lúc trở nên yếu hèn, dã man, trì
trệ. Nếu có những bộ tộc kết hợp lại thành các quốc gia hùng mạnh thì
cũng đã có những quốc gia bị phân liệt trở lại thời kỳ bộ tộc yếu hèn;
nếu có những dân tộc văn minh có những phát kiến tân kỳ thì những phát
kiến đó cũng không làm cho họ trở nên thuần hậu hơn, thay vào đó, đã có
những kẻ lợi dụng những phát kiến tân kỳ ấy để xây dựng những cuộc sống
đầy bản năng đầy dã man, chỉ nhằm thỏa mãn dục vọng riêng mình trên đau
khổ của đồng loại; nếu có những xã hội tiến bộ đến mức độ tưởng như đạt
đến lý tưởng của loài người thì cũng chính những xã hội ấy đã có lúc rơi
vào khủng hoảng trì trệ vì tham vọng của xã hội ấy đã mang lại những
xáo trộn không cần thiết. Rõ ràng, không một quốc độ nào tồn tại vững
chắc mãi mãi.
Về phương diện nhân sinh, kinh văn nêu rõ con người
chỉ là tập hợp của tứ đại và ngũ uẩn, là những thành tố trống không,
không hề biểu hiện cho một bản ngã chắc thật; tất cả đều sinh ra rồi mất
đi với sự thay đổi liên tục, hoàn toàn giả dối không có điều gì làm
chủ, trong đó tâm chỉ là nguồn ác và thân là nơi tập trung tội lỗi. Về
mặt này, nếu không hiểu rõ về thân và tâm, về tứ đại và ngũ uẩn, một
người bình thường khó mà có thể lĩnh hội được ý của kinh văn. Qua sự
quán sát, Đức Phật đã chỉ ra con người chỉ là một tập hợp không thể tách
rời của thân và tâm, trong đó, thân là tập hợp của tứ đại; còn tâm là
tập hợp của thọ, tưởng, hành, và thức là bốn bộ phận chính của ngũ uẩn;
bộ phận kia là sắc, tượng trưng cho thân. Theo phân tích của giáo lý nhà
Phật, thân được duy trì bởi các phần cứng chắc như xương, thịt, da,
móng, gân…gọi là địa đại; các phần có thể dịch chuyển ở thể lỏng như
máu, nước miếng, nước tiểu, nước mắt… gọi là thủy đại; các phần chứa
năng lượng như nhiệt phát sinh trong quá trình chuyển hóa thực phẩm
trong cơ thể… gọi là hỏa đại; các phần dịch chuyển ở thể khí như không
khí để thở, như các chất khí xuất sinh trong quá trình chuyển hóa thực
phẩm trong cơ thể… gọi là phong đại. Những yếu tố duy trì thân xác đó
đều không thật có một cách bền vững mà luôn thay đổi; chẳng những thế,
khi những yếu tố đó thiếu sự hòa hợp chúng sẽ đem lại sự đau đớn cho
thân xác, đó là một trong những nỗi khổ mà con người phải chịu. Đức Phật
lại quán sát thấy thân và tâm là hai mặt không thể tách rời của mỗi
chúng sinh; trong đó, tâm thể hiện từ cạn đến sâu qua thọ, tưởng, hành,
rồi thức. Thọ là cảm giác tiếp nhận bởi thân khi thân tiếp xúc với ngoại
sắc. Những cảm giác đó tạo thành kinh nghiệm làm cơ sở cho chúng sanh
có sự nhận biết mang tính phân biệt; chính sự nhận biết có tính phân
biệt này được gọi là tưởng. Dẫn xuất từ những nhận thức mang tính phân
biệt, chúng sinh bắt đầu có những suy tính so đo, gọi chung là hành; và
toàn bộ những nhận thức đó được lưu trữ, được phân loại, được xử lý để
chúng sinh đưa ra những phản ứng có tính toán mỗi khí tiếp xúc với ngoại
sắc, gọi là thức. Khi thân tiếp xúc với ngoại sắc, toàn thể năm tầng
nhận biết từ sắc đến thức đều được kích hoạt cùng một lúc. Sắc có nội
sắc và ngoại sắc; nội sắc là tập hợp tứ đại tạo nên thân chúng sinh,
ngoại sắc là tập hợp tứ đại bên ngoài biên giới thân thể ấy. Nội sắc lại
có thô và tế, thô là các bộ phận của cơ thể, tế là hệ thống thần kinh
não tủy. Do khát vọng sống, mọi chúng sanh đều tìm cách chiếm hữu ngoại
sắc để bồi đắp cho sự sống của chính mình, hy vọng nhờ đó có thể xây
dựng cho mình một sự tồn tại miên viễn. Do tưởng, chúng sinh phân biệt
được những ngoại sắc mang lại cảm giác êm dịu, thích ý với những ngoại
sắc mang lại sự khó chịu, đau đớn, bực dọc. Nhờ vào hành, chúng sinh so
đo tính toán sao cho luôn luôn chiếm hữu được những ngoại sắc được yêu
thích và triệt tiêu những ngoại sắc bị ghét bỏ. Tổng hợp tất cả những
kinh nghiệm có trước, thức sẽ đưa ra những hành vi nhằm đạt được sự tính
toán so đo của hành. Vì không nhận thức được tính cách của vô thường
của vạn sư vạn vật, chúng sinh trở nên đau khổ mỗi khi những so đo tính
toán của hành uẩn không thực hiện được, hoặc đã thực hiện được rồi nhưng
không duy trì được; hơn nữa, ngay khi thực hiện rồi lại thấy không vừa
ý. Điều đó khiến nỗi khổ là một thực tế chắc thật nhất mà mọi chúng sinh
trên khắp thế gian đều phải chịu đựng. Chính yếu tố hành trong nhận
thức của chúng sinh đã đưa chúng sinh đến chỗ phải có những hành vi tạo
nghiệp ác , và hành chính là một phần của tâm; vì thế mà kinh văn khẳng
định tâm là đầu mối của mọi ác nghiệp. Nhưng nếu không có sự tiếp xúc
của thân với ngoại sắc mang lại những cảm giác thì không hề có sự so đo
tính toán của hành uẩn, vì vây, kinh văn nói hình sắc chính là nơi mà
mọi tội lỗi tập trung về (tội tẩu).
Kinh văn đưa ra một kết luận
chắc thực, rằng nếu quán sát được tất cả những điều ấy một cách đúng như
thật, một hành giả sẽ dần dần xa lìa được mọi nỗi khổ của sinh tử.
Có
thể thấy đoạn kinh văn trên đây đã nhắc nhở cho người học Phật nhớ đến
khổ đế, tập đế và đạo đế trong giáo lý nhà Phật. Xét về mặt tu tập, đây
là đoạn kinh văn cô đọng và đầy sự thiết tha nhằm nhắc nhở người học
Phật phải luôn nghĩ đến mục đích của việc tu tập là đạt đến việc xa lìa
nỗi khổ của sự sinh tử. Đoạn kinh văn này phải được tụng đọc hàng ngày
đối với những người đã hiểu sâu sắc giáo nghĩa, đã lấy lý tưởng giải
thoát làm mục tiêu tối hậu của đời minh. Tuy nhiên, về một mặt khác, sự
cô đọng của đoạn kinh văn này cũng có một tác dụng khiến người sơ cơ lấy
làm ngạc nhiên về kết luận của nó, buộc người đó phải tìm hiểu sâu hơn,
vì lý do nào và phải quán sát những gì kinh văn đã nêu ra có thể dần
dần xa rời sự sinh tử; từ đó, một người chưa biết gì về Phật học, lần
đầu tiên tiếp xúc với đoạn kinh văn này, cũng phải bỏ công sức tìm hiểu,
để được dẫn dắt vào sâu trong Phật pháp.
Phải chăng, khi soạn lại toát yếu giáo lý nhà Phật bằng những bài kệ trong kinh
Bát Đại Nhân Giác, ngài An Thế Cao đã có cả hai dụng ý như trên cùng một lúc?
Liễu Tâm - Văn hóa Phật giáo