Từ hiểu
biết thực tiễn xã hội thông qua trí tuệ của tôn giáo dẫn dắt con người
thể nhập vào thế giới vô lượng vô biên của vũ trụ, từ hình tượng con
người của thực tại xuyên qua sự thánh hóa của tín ngưỡng, hướng dẫn con
người qua lại chính với bản thể chân như của mình. Đây là điều kiện duy
nhất để tôn giáo ra đời, tồn tại và phát triển, đồng thời có địa vị
vững chắc không gì lay chuyển nổi trong xã hội loài người.
Khi
nói đến tôn giáo thì điều đầu tiên được nhắc đến ai là người sáng lập,
tôn giáo đó tín ngưỡng sùng phụng vị thần nào? Thuộc đa thần giáo hay
nhất thần giáo. Nếu nói Phật Giáo là một tôn giáo thì cũng không thể
thiếu những điều kiện đã nêu trên. Phật Giáo được ra đời trong một xã
hội có nhiều tín ngưỡng thánh thần nhất trên thế giới, Giáo nghĩa của
Phật Giáo được ung đúc và tập thành từ kho tàng văn hóa triết học cổ đại
Ấn Độ, một trong những cái nôi văn hóa trí tuệ của loài người. Điều gì
khiến cho Phật Giáo không bị đồng hóa trong kho tàng trí tuệ đó và đồng
thời thoát ra khỏi sự quản lý nghiêm khắc của thế giới thánh thần. Chính
đây là nét đặc trưng Trí Tuệ Bát Nhã của Đức Phật đồng thời là sự diệu
dụng thần thông của A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Khi các giáo nghĩa của các tôn giáo khác rơi vào chấp có chấp không, thì Phật dạy: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”
chấp vào chủ tể sinh vạn vật thì Phật thuyết: “Nhất thiết nhân duyên
sinh” chấp phải khổ hạnh hay tự do buông thả Phật chỉ rõ con đường
“trung đạo” chấp tướng của các pháp thì Phật dạy: “thị chư pháp không
tướng”. Trùng trùng duyên khởi, Pháp Pháp sắc không, tự tại viên mãn và
đây là con đường Phật dạy để Phật Giáo thoát khỏi sự đồng hóa trí tuệ
hữu lậu tiến đến vô lậu giải thoát Niết Bàn.
Khi các tôn giáo khác chủ trương phụng
thờ đa thần hoặc nhất thần. Cúng tế phụng thờ thần chủ tể để được ngài
ban phúc hoặc lo sợ ngài sẽ giáng họa. Phật dạy: “Ta là Phật đã thành,
các con là Phật sẽ thành, ta không phải là thần cho nên không ban phúc
hay giáng họa cho ai, phúc họa là do chính mình tạo và hãy tự mình thắp
đuốc lên mà đi” nói như thế không có nghĩa là trong Phật Giáo không có
thánh thần, mà nhiều khi thánh thần còn nhiều hơn cả các tôn giáo khác.
Đức Phật được tôn xưng là thầy trong ba
cõi, từ phụ của bốn loài, cho nên hết thảy chúng sanh nếu còn ở trong
Tam Giới đều là đối tượng để hóa độ của chư Phật, đồng thời là đệ tử
trong quá khứ hay trong hiện tại và ngay cả vị lai của chư Phật Bồ tát,
điều này thường được thấy ghi chép trong các kinh điển của Đại Thừa.
Trong Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Tựa thứ nhất chép: “Lúc bấy
giờ Thích Đề Hoàn Nhơn cùng quyến thuộc hai muôn vị thiên tử câu
hội…Bốn vị Đại thiên vương…Tự tại thiên tử…Chủ cõi ta bà Phạm thiên
vương, Thi khí thiên vương, Đại quang minh thiên vương… có tám vị long
vương…có bốn vị Khẩn na la vương…có bốn vị Càn thát bà vương…có bốn vị A
tu la vương…Ca lầu la vương…cả chúng đều lễ dưới chân Phật, lui về ngồi
một phía…”
Chư Thiên và các vị thần của Phật Giáo
khác với các tôn giáo khác ở chỗ, những tôn giáo thờ thần thì thần là
đối tượng để sùng bái, lễ lạy, cầu xin, còn đối với Phật Giáo thần tiên
trở thành những vị thần thính chúng nghe phật thuyết pháp, ngộ đạo rồi
phát tâm hộ trì chánh pháp và trở thành Hộ Pháp Thần của Phật Giáo.
Trong Kinh Pháp Hoa phẩm Đà La Ni thứ hai mươi sáu chép: “Bấy giờ Tỳ sa
môn thiên vương vị trời hộ đời, bạch Phật rằng; “Thế Tôn chúng con cũng
vì thương tưởng chúng sanh ủng hộ vị Pháp sư đó mà nói Đà la ni….Trì
quốc thiên vương…con cũng dùng thần chú Đà la ni để ủng hộ người trì
kinh Pháp Hoa…mười vị La sát nữ cùng với quỷ Tử mẫu… chúng con cũng muốn
ủng hộ người đọc tụng thọ trì kinh Pháp Hoa…”
Hộ Pháp thần trong pháp hội, hay Hộ Giới
thần trong giới hội đều có chung một ý nghĩa như nhau đều là phát tâm
hộ trì chánh pháp. Trong Phật Quang Từ Điển Chú: “Hộ Pháp là các vị
Thiện thần Phát tâm hộ trì Phật Pháp còn gọi Hộ Pháp thần, Hộ Pháp
Thiên. Gồm các vị như Phạm Thiên, Đế Thích, Kim Cang Lực sĩ, Tứ Thiên
Vương, Hộ thế Bát thiên Vương, 10 vị La Sát Nữ, 12 vị thần tướng, 16 vị
thiện thần, 28 bộ chúng thần, 30 vị Phiên thần, 36 vị thần vương, 18 vị
Già lam thiện thần, Long vương , quỷ thần.v.v…” trong kinh Tô Bà hô Đồng
tử thỉnh vấn chép: “đạo tràng phải thanh tịnh, dâng hoa hiến hương, tức
được chư Hộ Pháp thiện thần và chư Phật Bồ tát ảnh hiện hộ trì.”
Hộ Giới Thần là những vị thần phát tâm
hộ trì Giới Pháp. Trong kinh Quyền Đảnh quyển 4 chép: “Những vị thiện
thần thủ hộ Giới Pháp do Phật chế. Người thọ trì Tam Quy Y có 36 bộ quỷ
thần vương hộ trì , người thọ ngũ giới có 25 vị thiện thần hộ trì canh
ngoài cửa ra vào trừ diệt hết các việc hung ác…”. Giới Đài Phật Giáo Bắc
Truyền có 72 vị thiện thần phát tâm Hộ Giới. Theo sách Chư Tôn Yếu Sao
72 vị thiên thần phát tâm hộ giới chép: “ Gồm Thái Sơn Phủ Quân, Ngũ Đạo
Đại Thần, Đại Cát Tường thiên cùng 69 vị thiên thần, tổng cộng là 72
vị. 69 vị thiên thần gồm có Tứ Bích Bất Động thiên vương, tứ Đại Minh
vương, Thập Nhị thiên, Bắc Đẩu Thất Tinh, Thập Nhị Cung Thần, Ngũ Tinh,
Nhị Thập Bát Tú.
Giới Đàn là thọ mạng của Phật Pháp, nơi
kế thừa Tăng mạch, sự việc hết sức trọng đại của Phật Giáo, khiến cho
pháp giới chư Thiên phát tâm hộ trì cho Giới Đàn cũng như Giới Pháp là
việc hiển nhiên không có gì mới lạ và khó hiểu, có khác ở chổ vì Giới
Đàn có lập Giới Đài nên việc trang nghiêm cho Giới Đàn, đồng thời tạo
thêm cảnh tượng thâm nghiêm của Giới Pháp nên tạo tượng Hộ Giới Thần an
trí trên Giới Đài cho đúng cách, còn nếu như không đủ điều kiện lập Giới
Đài thì tâm niệm hộ trì thì ý nghĩa cũng như nhau.
Người thọ tam quy y Phật dạy có 36 vị
Giới Thần hộ giới, Kẻ trì ngũ giới Phật sắc 25 vị thiện thần hộ trì,
Tăng truyền Đại Giới người xuất gia thọ trì Cụ Túc giới là nhân thành
tựu một vị Phật trong tương lai vô số chư Thiên tán thán, vạn thế thánh
thần hộ trì là điều chân thật. Trong Giới Đàn Đồ Kinh chép: “Nơi nào có
Giới Đàn nơi ấy các vị thiện thần ứng thân hộ giới.” trong sách Đại Học
Hoằng Giới chép: “ đây là việc trọng đại của trời người cho nên Thánh
Phàm đều phát tâm hộ trì..” Thứ nữa người đăng đàn thọ Cụ Túc giới là
người đủ tướng đại trượng phu cụ bị 72 oai nghi và muôn ngàn tế hạnh,
cho nên 72 vị hộ giới thần hộ trì cho người đầy đủ 72 oai nghi tế hạnh,
đây là pháp tương ưng trong Phật Giáo và phép tròn đầy viên mãn pháp số
của Đại Thừa Phương Đẳng.
Phật Pháp bất ly thế gian, trong thế có
Phật, Phật không rời thế. Đạo Phật ngoài các vị thiên thần Hộ Pháp hộ
giới ra còn có rất nhiều thiện hữu tri thức, bằng trí tuệ của mình, bằng
phước đức và tài lực của mình với tinh thần hộ trì chánh giới mà phát
tâm bố thí hộ pháp, hộ giới. Tinh thần vô kỷ vị tha này là những vị Hộ
Pháp thần sống của Phật Giáo, chính vì những vị hộ thần sống mà Phật
Giáo mới có sự trang nghiêm và thù thắng của Giới Đàn như ngày hôm nay.
Họ là thần trong tinh Thần tùy hỷ công đức, họ là Thiên trong ý niệm hộ
trì, họ là hiện thân viên mãn nhất của pháp giới hộ thần, họ là hình ảnh
sâu sắc nhất trong hải hội Thiên Phật Giới đàn. Nhất Tâm đảnh lễ Nam Mô
Hộ Giáo Hộ Giới Chư Vị Thiện Thần, Tứ Đại Trọng Ân Bồ Tát Ma Ha Tát.