Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
CÁCH THỰC HÀNH CỦA DÒNG TRUYỀN THỪA DRUKPA KAGYU
Việt dịch: Nhóm Thuận Duyên
14/12/2011 08:40 (GMT+7)



Thực hành Bổn tôn là thực hành mật thừa độc đáo, trong đó chuyển hóa những kinh nghiệm bình thường, luân hồi và thế tục về sự thật thành kinh nghiệm phi thường của trạng thái chân thực của mọi hiện tượng.

Thực hành Bổn tôn là phương pháp đặc biệt và lớn lao để nhanh chóng chuyển hóa những sự hiện hữu thế tục mê mờ thành sự giác ngộ. Chính xác hơn là, thực hành Bổn tôn phát lộ trạng thái thực sự của sự hiện hữu tuyệt đối, hoàn toàn thanh tịnh, và thoát khỏi những sự tồn tại cố hữu và không ngừng. Sự thanh tịnh và trống rỗng này luôn có trong mỗi chúng ta, nhưng nó bị che lấp và không thể nhìn thấy bởi vì tâm rối loạn và ảo tưởng của chúng ta.

Bởi vì đây không phải thực hành bổn tôn bình thường, mà là bản tánh mật tông. Điều vô cùng quan trọng là người ta phải nhận được các chỉ dẫn chi tiết và quán đảnh về các giáo lý mở rộng này trực tiếp từ một vị thầy chân chính của một dòng truyền thừa thực sự khi thời gian và điều kiện chín muồi.

Giai đoạn phát triển:

Trong truyền thừa Drukpa Kagyu, các thực hành chính cho giai đoạn phát triển – Phần thực hành quán tưởng bổn tôn hay “Khe-rim” trong tiếng Tây Tạng (“rim” là giai đoạn, “Khe” là tạo ra hay phát triển) gồm có:

1. Chakrasamvara hai tay

2. Chakrasamvara mười hai tay dạng hợp nhất

3. Vajrayogini (Kim Cương Du già thánh nữ)

4. Vajrapani (Kim Cương Thủ)

5. Mahakala bốn tay

Các thực hành Bổn tôn trên là bắt buộc trong các thực hành nhập thất trong truyền thống Drukpa Kagyu.

Ngoài ra, cũng có các thực hành mở rộng khác trong truyền thừa:

1. Phật A Súc Bệ

2. Phật Kim Cương Tát Đỏa

3. Phật Vô Lượng Thọ

4. Quan Âm Tứ Thủ

A Súc Bệ Phật và Phật Kim Cương Tát Đỏa là các thực hành phổ biến hơn trong tu viện của chúng tôi bởi vì Dechen Choekhor nắm giữ truyền thừa chính yếu các thực hành này và đã giữ dòng truyền thừa thanh tịnh không gián đoạn thông qua sự tinh tấn và kiên trì trong suốt 500 năm qua.

Giai đoạn hoàn thiện:

Với giai đoạn hoàn thiện hay các thực hành thiền định bên trong:

Chúng tôi sử dụng Đại Thủ Ấn làm tri kiến;

Để nhận ra tri kiến này,

Chúng tôi dùng Sáu pháp Du già của Naropa làm phương tiện;

Để đối phó với thiền định và tri kiến

Chúng tôi áp dụng Sáu pháp vị Bình Đẳng như là hành động.

Cùng với tri kiến, thiền định và hành động, chúng tôi cũng thực hành Bảy pháp Duyên khởi.

Guru Yoga (Đạo sư Du già, Thượng sư tương ưng pháp):

Trong truyền thừa Drukpa Kagyu, điều quan trọng và tinh túy nhất của mọi thực hành là Guru Yoga, thực hành rất mạnh mẽ trong truyền thừa.

Chỉ với sự gia trì của Đạo sư, thông qua sự hiện diện của ngài, những giáo lý của ngài, và sự chỉ dẫn của ngài, đã có thể làm chín muồi và giải phóng tâm chúng ta trước khi chúng ta có thể hiểu ý nghĩa sâu xa hơn của Đại thủ ấn và nhận ra bản tánh chân thật của tâm.

Trong dòng truyền thừa, có một thực hành nhập thất Guru Yoga đặc biệt trong 4 tháng, 7 tháng và thực hành Guru Yoga Lama Kusum trong 3 năm 3 tháng. Đây không phải pháp Guru Yoga phổ biến hay thông thường, mà là thực hành mở rộng và trọn vẹn độc nhất của dòng Drukpa Kagyu bao gồm các pháp thực hành Yoga và Nội hỏa (tummo).

Tuy nhiên trong Kim Cương thừa, đây chỉ là các phương tiện, cách thức duy nhất để nhận ra bản tánh chân thật của tâm là thông qua sự nhận ra và nhìn nhận vị thầy là Lama Dorje Chang, vị Phật tuyệt đối. Cho đến khi người ta phát triển lòng sùng mô chân chính không dao động và nhìn nhận vị thầy là hiện thân sống động của sự giác ngộ và lòng bi mẫn của chư Phật, không có cách nào để người ta có thể chứng ngộ bên trong Pháp tuyệt đối. Nhìn nhận hay học hỏi với một vị thầy bình phàm [nhìn nhận thầy là một người bình phàm], người ta không thể đạt được trí tuệ tuyệt đối.

Các thực hành khác:

Bên trên là các thực hành Drukpa Kagyu chính yếu của Dechen Choekhor. Tu viện của chúng tôi không chỉ thực hành theo truyền thống Drukpa Kagyu, mà còn có các thực hành của dòng Nyingma như là:

1. Shitro 100 bổn tôn

2. Vajrakilaya

3. Chimey Phagma

Ở tu viện Dechen Choekhor Tây Tạng, chư tăng được đào tạo các thực hành dòng Nyingma một cách phổ biến hơn. Chúng tôi sẽ giải thích kỹ hơn về các thực hành này khi thời gian và điều kiện cho phép.

Chú ý:

Một vài độc giả có thể nhầm lẫn các thuật ngữ “Kagyu” và “Kargyu” được sử dụng trong trang website này. Dưới đây là giải thích ngắn gọn cho ý nghĩa thực sự của 2 thuật ngữ này. Tuy nhiên, ngày nay Drukpa “Kargyu” và Drukpa “Kagyu” được sử dụng lẫn lộn trên các phương tiện truyền thông Anh ngữ.

Kagyu – có thể được dịch là “Dòng Khẩu truyền”. Âm đầu tiên “Ka” liên quan đến các bản kinh Phật và sự khẩu truyền các giáo lý của Đạo sư. “Ka” có ý nghĩa là ý nghĩa giác ngộ được truyền tải thông qua các chỉ dẫn của một đạo sư giác ngộ, cũng như là năng lực và sự gia trì mà những từ ngữ bên trong mang đến; và “gyu” đơn giản nghĩa là dòng truyền thừa hay truyền thống.

Kargyu – Kar (trắng) Gyu (truyền thừa) của đức Marpa, Milarepa và các vị đệ tử; rất nhiều trong số này mặc y trắng. Kewang Sangye Dorje, một trong các đệ tử chính yếu của Pema Karpo, đã đề xuất tên này cho dòng truyền thừa Drukpa Kargyu của chúng ta.

1) A Súc Bệ Phật (Tiếng Tây Tạng: Miputra)

Lịch sử truyền thừa:

Truyền thừa của đức Palden Atisha

Sự trao truyền của dòng truyền thừa:

A Súc Bệ Phật > Kim Cương Thủ > Các Đại thành tựu giả Ấn Độ, bao gồm Aryadeva > Palden Atisha mang đến Tây Tạng > sau rất nhiều các bậc nắm giữ dòng truyền thừa >  Tsangpa Gyare  Yongzin & Choegon

Dòng truyền thừa Drukpa Kagyu nắm giữ truyền thừa của Đức A Súc Bệ Phật, chủ yếu ở Dechen Choekhor (trụ xứ của đức Choegon Rinpoche), Khampagar (trụ xứ của đức Khamtrul Rinpoche) và Nangchen Garh (trụ xứ của đức Adeu Rinpoche) và mọi bậc nắm giữ dòng truyền thừa của các ngài. Dòng truyền thừa này đến từ Đức A Súc Bệ Phật, Kim Cương Thủ, Arya Deva, xuống đến đức Atisha, người đã đến Tây Tạng, sau đó, từ đức Tsangpa Gyare đến dòng truyền thừa truyền thống Dechen Choekhor của đức Choegon Rinpoche. Từ đây, pháp thực hành A Súc Bệ Phật lan rộng ra hầu khắp các tu viện Drukpa Kagyu vào thế kỷ 16.

Dechen Choekhor nhấn mạnh đặc biệt vào thực hành về A Súc Bệ Phật. Đó là các thực hành nhấn mạnh và tăng cường cho các lễ puja, Jangchok, nhập thất, tịnh hóa và nhiều nghi lễ khác. Sự gia trì của của dòng truyền thừa vẫn được giữ liên tục không gián đoạn nhờ có sự kiên trì và thực hành tinh tấn trong suốt hơn 500 năm qua. Thực hành về đức A Súc Bệ vẫn là một thực hành nhập thất bắt buộc theo truyền thống Dechen Choekhor cho đến ngày nay.

Giới thiệu về bổn tôn:

Đức A Súc Bệ Phật, “Đấng Bất Động”, Chủ của Kim Cương Bộ, là một trong năm Phật Bộ hay Ngũ Trí Phật; đại diện cho các uẩn hoàn toàn thanh tinh. Trong Giải thoát tự nhiên, ngài đại diện cho trí tuệ như-tấm-gương và sự chuyển hóa của ngũ độc, giận dữ và thù ghét. Trong tiếng Tây Tạng, ngài được biết đến là “Mitrupa”, người mà không bao giờ bị phiền não bởi giẫn dữ hay thù ghét. Ngài được coi là có sức mạnh đặc biệt trrong việc tịnh hóa các ác nghiệp.

A Súc Bệ Phật phát đại nguyện rằng mọi hữu tình chúng sinh có thể tịnh hóa bất cứ ác hạnh nào, thậm chí các ác hạnh lớn lao như thù ghét, bạo lực, và sát sinh cũng có thể được tịnh hóa thông qua việc nương tựa vào ngài bằng cách thiền định, nhận ra và tránh các ác hạnh, và khẩn cầu năng lực gia trì của ngài để tịnh hóa. Trong Kinh A Súc Bệ Phật, Đức Thích Ca Mâu Ni đã tán dương sự nhẫn nại của đức A Súc Bệ trong việc thực hiện đại nguyện của ngài mạnh mẽ đến mức vô lượng chúng sinh đã được cứu khỏi sự khổ đau vô cùng của các cõi thấp.

Cõi tịnh độ của ngài là Abhirati, cõi Lạc Thổ, và theo các kinh điển, người ta nói rằng những ai sinh ra ở cõi này sẽ không rơi trở lại các cõi thấp hơn của ý thức.

Những miêu tả sơ lược:

Đức A Súc Bệ Phật, Đấng Bất Động và Điềm Tĩnh, ở phía Đông và đại diện cho Kim Cương Bộ. Ngài có màu xanh, ngồi trên một bông sen được nâng bởi một con voi, biểu tượng cho sự kiên định và sức mạnh; tay phải ngài bắt ấn bhumisparsha, ấn xúc địa, biểu tượng cho sự vững chắc không thể lay chuyể; còn tay trái ngài để trong lòng cầm chày kim cương. Chày Kim Cương biểu thị cho tâm giác ngộ, bản tánh kim cương không thể phá hủy của ý thức thanh tịnh, hay bản chất của sự thật tuyệt đối.

Mục đích và những lợi lạc của thực hành:

Theo các giáo lý của chư Phật, tuổi thọ hiện tại là một trong những điều suy giảm khi mọi chúng sinh trong vòng sinh tử (luân hồi) đang chịu khổ đau lớn lao bởi vì những hành động ác hạnh và những cảm xúc gây phiền não.

Nghi lễ và sự thực hành A Súc Bệ Phật là một thực hành tịnh hóa lớn lao được thực hiện vì lợi lạc của bản thân và vô số chúng sinh khác. Nó có thể giải thoát không chỉ bản thân hành giả khỏi những sợ hãi của việc tái sinh không may mắn mà còn là mọi chúng sinh khác. A Súc Bệ Phật cũng được thực hành cho những người quá cố. A Súc Bệ Phật đã hứa nguyện một cách chắc chắn rằng công đức khi trì tụng 100 000 lần thần chú dài của ngài và tạo ra một hình ảnh của ngài có thể hồi hướng cho người khác, thậm chí những người đã chết rất lâu, và họ chắc chắn sẽ thoát khỏi những cõi thấp hơn, và tái sinh vào những cõi may mắn về tâm linh.

Thiền định về A Súc Bệ Phật là rất tốt để tịnh hóa nghiệp liên quan đến các ác hạnh. Thông qua năng lực của thực hành nghi lễ thanh tịnh và sự tịnh nghiệp, các ác nghiệp sẽ dần giảm bớt, và sau đó người ta có thể tiến vững chắc trên con đường giác ngộ.

2) Phật Kim Cương Tát Đỏa (Tiếng Tây Tạng: Dorje Sempa)

Lịch sử dòng truyền thừa:

Dòng truyền thừa Vua Dza

Sự trao truyền của dòng truyền thừa:

Phật Kim Cương Tát Đỏa > Vua Dza > các đại thành tựu giả Ấn Độ, trong đó có Viryapa >Lama Marpa mang đến Tây Tạng >Lama Milarepa >các bậc trì giữ dòng truyền thừa >>> Yongzin và Choegon

Giới thiệu về bổn tôn:

Kim Cương Tát Đỏa, vị Phật của thanh tịnh nguyên sơ liên quan đến sự tịnh hóa các ác nghiệp.

Miêu tả ngắn gọn:

Đức Kim Cương Tát Đỏa là Báo thân Phật. Ngài ngự trên một bông sen tám cánh màu trắng vô cùng thanh tịnh với dáng điệu kim cương trọn ven. Thân của ngài màu trắng sáng và chói lọi như là ngọn núi tuyết được chiếu sáng bởi ngàn mặt trời. Ngài thường được miêu tả là cầm chiếc chày Kim Cương bằng vàng bên tay phải ở ngang trái tim, và một chiếc chuông bạc ở tay trái, đặt ở đùi trái. Trong dòng truyền thừa của chúng tôi, đức Kim Cương Tát Đỏa được quán tưởng cùng với vị phối ngẫu.

Mục đích và những lợi lạc của thực hành:

Thực hành về đức Kim Cương Tát Đỏa là một trong các thực hành quan trọng và cơ bản nhất trong Phật giáo Kim Cương thừa, và được tôn kính vì vai trò và sự nhanh chóng tịnh hóa ác nghiệp và sự phá hỏng samaya giới của nó.

Kể từ thời vô thủy, trong vô lượng kiếp, chúng ta đã tích lũy vô số ác nghiệp. Đó là chướng ngại chính ngăn không cho người ta nhận ra Phật tánh và đạt đến giác ngộ trong một đời.

Thực hành một cách chuẩn xác, năng lực gia trì lớn lao của ngài có thể thanh tẩy và tịnh hóa mọi ác nghiệp bao gồm các vô minh tinh tế nhất của thân, khẩu và ý đến mức chứng ngộ tâm giác ngộ nguyên sơ.

3)  Phật Vô Lượng Thọ (Tiếng Tây Tạng: Tse-Pameh)

Lịch sử dòng truyền thừa:

Dòng truyền thừa của đức Rechungpa

Sự trao truyền của dòng truyền thừa:

Phật Vô Lượng Thọ > Các đại thành tựu giả Ấn Độ > Lama Walachandra > Rechungpa mang đến Tây Tạng > sau rất nhiều các bậc trì giữ truyền thừa >>> Yongzin và Choegon

Giới thiệu bổn tôn:

Đức Amitayus – Đức Phật của Trường Thọ, Công Đức và Trí tuệ. Ngài là pháp thân của đức Vô Lượng Quang – Đức Phật của Ánh sáng và cuộc đời bất diệt; và là vị Phật chính yếu để vượt qua sức mạnh mà cái chết và sự ngu dốt bao chùm chúng ta. Khi những điều này được xua tan, chúng ta sẽ khai mở tiềm năng thực sự - đạt được hạnh phúc tối thượng.

Miêu tả ngắn gọn:

Đức Vô Lượng Thọ được miêu tả là đang cầm một chiếc bình amrita, chất cam lồ quý giá của sự bất tử mang đến sự trường thọ, và những chiếc lá của cây ashoka, biểu tượng cho sự trường thọ mà không chút khổ đau (shoka) của tật bệnh. Thân của ngài có màu giống như ngọn núi hồng ngọc, sáng chói như là viên ngọc quý giá thanh tịnh và sáng chói, tiêu trừ những khổ đau và ngu dốt của chúng sinh.

Mục tiêu và những lợi lạc của thực hành:

Đức Thích Ca Mâu Ni đã từng nói về sức mạnh và những lợi lạc lớn lao của thần chú ngài Vô Lượng Thọ. Theo Kinh điển, các công đức tích lũy từ việc cúng dường chư Phật với những viên đá quý nhất đầy cả vũ trụ vẫn có thể đếm được, nhưng công đức tụng đọc thần chú ngài Vô Lượng Thọ là không thể nghĩ bàn. Đức Phật cũng đưa ra ví dụ rằng tụng thần chú của ngài Vô Lượng Thọ có thể sánh với 99 triệu đức Phật nhập thiền định và cùng tụng thần chú, vì thế nó rất mạnh mẽ.

Đức Vô Lượng Thọ là đức Phật của trường thọ, công đức và trí tuệ. Bằng cách thực hành pháp tu của ngài, chúng ta có thể phát triển những phẩm tánh này, điều mà rất quan trọng trong sự phát triển tâm linh của chúng ta, và cuối cùng đạt đến trạng thái giác ngộ tối thượng.

Thực hành và sùng mộ chí thành đến đức Vô Lượng Thọ sẽ giúp xua tan các chướng ngại để trường thọ như là bệnh tật và ốm đau, và làm an dịu những khả năng của một cái chết bất ngờ hay chết non. Thực hành Bổn tôn Vô Lượng Thọ là vô cùng quan trọng bởi vì sống lâu là một điều kiện quan trọng cần thiết cho phép chúng ta có nhiều thời gian và cơ hội thực hành chánh Pháp để giải thoát bản thân khỏi luân hồi. Chúng ta cũng có thể dùng thực hành này để xua tan các chướng ngại gây nguy hại đến cuộc đời người khác.

4) Chakrasamvara Mười hai tay (tiếng Tây Tạng: Demchok Khorlo Dompa hay Khorlo Dompa Shal-She Chu-Nyi Chag)

Lịch sử truyền thừa:

Dòng truyền thừa của Đại thành tựu giả Tilopa

Sự trao truyền của dòng truyền thừa:

Đức Phật Kim Cương Trì hóa thân thành Đức Chakrasamvara > Đại thành tựu giả Tilopa > Naropa > Marpa > Milarepa > Rechungpa > sau mười ba vị trì giữ truyền thừa > các đạo sư dòng Drukpa Kagyu > Yongzin và Choegon

Dòng truyền thừa này được biết đến là truyền thống “Khandro Nyengyud” hay “Chakrasamvara của dòng truyền thừa thì thầm Rechungpa”  hay “dòng truyền thừa thì thầm của chư Dakini” (tiếng tạng: Khandro Nyen-gyud).

Rechung Dorje Tagpa (1083 – 1160), yogi nổi tiếng là một trong hai tâm tử của Milarepa, và vị kia là thầy thuộc vĩ đại Tây Tạng, học giả, tu sĩ Dagpo Lha-Je Gampopa (1079 – 1173).

Truyền thống Chakrasamvara của Rechung Nyengyud là một thực hành đặc biệt của dòng Kagyu, truyền xuống từ đại thành tựu giả Tilopa, Naropa, Milarepa đến Rechungpa, và cuối cùng sau mười ba vị nắm giữ dòng truyền thừa, đến với một trong các đạo sư dòng Drukpa Kagyu, và từ đây lan rộng và trở thành thực hành phổ biến trong các truyền thừa khác. Trước đó, nó chỉ được truyền lại trong dòng truyền thừa duy nhất từ đạo sư đến người tiếp theo và không được phổ biến rộng rãi.

Giới thiệu bổn tôn:

Heruka Chakrasamvara (tiếng Tạng Demchok Khorlo Dompa; “Bánh xe của Hạnh phúc hoàn hảo”) là bổn tôn thiền định mật tông (Yidam) của Mật điển Du già tối thượng (Anuttara) trong Kim Cương thừa.

Chakrasamvara, cùng với Hevajra và Vajrayogini là ba thực hành bổn tôn thiền định chính yếu của dòng Kagyu.

Có rất nhiều hình tướng khác nhau của Bổn tôn Chakrasamvara xuất hiện với nhiều mặt, tay, và số lượng đoàn tùy tùng quyến thuộc. Mặc dù có sự khác biệt lớn trong các truyền thừa và thực hành về Chakrasamvara, các điểm khác biệt trên các bức tranh là không quan trọng. Về bản chất, có dạng hai tay và dạng mười hai tay của Chakrasamvara, (dạng mười hai tay ôm vị phối ngẫu Vajrayogini trong tư thế hợp nhất). Sự hợp nhất thần thánh này là một ẩn dụ cho sự hợp nhất của hỷ lạc và tánh không (phương tiện thiện xảo và trí tuệ), thứ mà như một.

Trong dòng truyền thừa Drukpa Kagyu, thực hành bổn tôn Chakrasamvara phổ biến là dạng mười hai tay. Trong truyền thống của chúng tôi, 62 Mandala là thực hành phổ biến ở hầu khắp các tu viện, 13 Mandala chủ yếu ở các trung tâm nhập thất, và một mandala duy nhất là thực hành hằng ngày. Tất cả đều là truyền thống Khandro Nyengyud được gọi là Chakrasamvara của “Dòng truyền thừa thì thầm của đức Rechungpa” hay “Dòng truyền thừa thì thầm của chư Dakini” (Tiếng Tạng Khandro Nyen-gyud).

Không có quá nhiều các sự khác biệt trong thực hành bổn tôn Chakrasamvara, nhưng thực sự thì có những dòng truyền thừa khác nhau trong chính truyền thống Kagyu. Dòng truyền thừa của chúng tôi đến từ dòng truyền thừa chính yếu của đức Naropa, gọi là “Dòng nhĩ truyền của chư Dakini của đức Naropa (Khandro Nyen-gyud) – thực hành Chakrasamvara mười hay tay với 62 mandala. Đó là thực hành quan trọng của Drukpa Kagyu. Phần lớn các tu viện Drukpa Kagyu đã thực hành pháp tu này trong hàng thế kỷ. Tu viện Dechen Choekhor, đặc biệt là nơi nắm giữ chính yếu thực hành này, và đang thực hành truyền thống không gián đoạn này trong suốt 500 năm. Và thực hành này vẫn hiện diện trong dòng truyền thừa Drukpa Kagyu của tu viện Dechen Choekhor, tu viện Khampagar và tu viện Nangchen Gark từ thời đức Gyalwang Je.

Miêu tả ngắn gọn:

Chakrasamvara (Thắng Lạc Kim Cương), sự thị hiện về mật của đức Thích Ca Mâu NI, đại diện cho sự hợp nhất phương tiện và trí tuệ (hỷ lạc và tánh không); ôm vị phối ngẫu Vajrayogini, ngài được miêu tả là có 4 mặt tượng trưng cho bốn hoạt động giác ngộ: tức tai, tăng ích, kính ái và hàng phục. Mười hai tay cầm các pháp khí khác nhau tượng trưng cho thập nhị nhân duyên trong “bánh xe cuộc đời” và mười hai sức mạnh.

Mandala của Chakrasamvara mười hai tay:

a) Mandala của 13 vị bổn tôn (tiếng Tạng Khorlo Dompa Chok-Sum Ma)

- thực hành chủ yếu bởi cá nhân hành giả và cũng được thực hành trong các khi nhập thất.

- nói chung, thực hành Mandala này sẽ dẫn đến những Thành tựu Tối thượng.

b) Mandala của 62 vị Bổn tôn (tiếng Tạng: Khorlo Dompa Druk-Chu Tsa-Nyi Ma)

- chủ yếu thực hành bởi chư Tăng trong chùa trong các lễ puja lớn.

- nói chung, thực hành Mandala này sẽ dẫn đến những Thành Tựu Phổ Biến.

Mục tiêu và Những lợi lạc của việc thực hành:

(Đạt được) suối nguồn của sự thành tựu.

Chakrasamvara là hóa thân của đức Phật Vajradhara và là bổn tôn thiền định chính yếu trong Kim Cương thừa. Phần lớn các vị trong 84 Đại thành tựu giả nổi tiếng xứ Ấn Độ cổ đã đạt giác ngộ hoàn hảo nhờ nương tựa vào vị bổn tôn này; và kể từ khi Mật tông được đưa đến Tây Tạng, rất nhiều các vị đạo sư Tây Tạng vĩ đại cũng chứng ngộ hoàn hảo nhờ thực hành này.

5) Chakrasamvara hai tay (tiếng Tây Tạng: Khorlo Dompa Lhenchig Kyepa)

Lịch sử truyền thừa:

Dòng truyền thừa của Đại thành tựu giả Drilbupa.

Sự trao truyền của dòng truyền thừa:

Đức Phật Vajradhara hóa thân thành đức Chakrasamvara > Đại thành tựu giả Ấn Độ Drilbupa > các bậc đại thành tựu giả > Palchen Galo Namgyal Dorje[1], đạo sư và dịch giả Tây Tạng vĩ đại người đã mang các giáo lý quý giá bao gồm cả dòng truyền thừa này từ Ấn Độ đến Tây Tạng > các bậc nắm giữ truyền thừa >>> Yongzin và Choegon.

Palchen Galo Namgyal Dorje, nổi tiếng là Ga Lotsawa là một đại thành tựu giả và dịch giả Tây Tạng vĩ đại người đã đến Ấn Độ và mang về rất nhiều giáo lý quý giá cho Tây Tạng, bao gồm cả sự thực hành.

Giới thiệu Bổn tôn:

Heruka Chakrasamvara (Tiếng Tạng Khorlo Dompa; “Bánh xe Đai Hỷ lạc”) là một bổn tôn thiền định mật điển (yidam) của mật điển du già tối thượng (Anuttara) trong Phật giáo Kim Cương thừa.

Chakrasamvara, cùng với Hevajra và Vajrayogini là ba thực hành bổn tôn thiền định chính của dòng Kagyu.

Có rất nhiều hình tướng khác nhau của Bổn tôn Chakrasamvara xuất hiện với nhiều mặt, tay, và số lượng đoàn tùy tùng quyến thuộc. Mặc dù có sự khác biệt lớn trong các truyền thừa và thực hành về Chakrasamvara, các điểm khác biệt trên các bức tranh là không quan trọng. Về bản chất, có dạng hai tay và dạng mười hai tay của Chakrasamvara, (dạng mười hai tay ôm vị phối ngẫu Vajrayogini trong tư thế hợp nhất). Sự hợp nhất thần thánh này là một ẩn dụ cho sự hợp nhất của hỷ lạc và tánh không (phương tiện thiện xảo và trí tuệ), thứ mà như một.

Heruka Chakrasamvara hai tay là dạng quan trọng của Chakrasamvara. Ngài xuất hiện là một bổn tôn nửa phẫn nộ màu xanh đậm, với một mặt, hai tay, và ba mắt. Ngài bắt ấn alidha với chân trái co và chân phải duỗi rộng trên đĩa mặt trăng bằng vàng và một bông sen nhiều màu. Với hai tay bắt chéo ở ngực, ngài ôm vị phối ngẫu, đức Vajrayogini, trong khi đang cầm một chiếc chày kim cương và một chiếc chuông ở tay trái và phải. Ngài đội vương miện năm chiếc sọ, đeo sáu thứ trang sức bằng xương, ở chỗ thắt lưng có chiếc áo da hổ mặc trễ, và các vòng trang trí những chiếc đầu bị cắt.

Mandala của đức Chakrasamvara hai tay:

Mandala của một vị bổn tôn & Mandala của 5 vị bổn tôn:

-         Chủ yếu thực hành bởi các hành giả cá nhân với căn cơ cao hơn

-         Thực hành Mandala này sẽ đưa đến những Thành tựu Tối thượng.

Mục đích và những lợi lạc của thực hành:

(Đạt được) suối nguồn của thành tựu.

Chakrasamvara hai tay là bổn tôn thiền định chính cho những người có căn cơ cao vì tâm của họ đã ít loạn hơn và dạng đơn giản của bổn tôn là đủ để hỗ trợ sự thực hành.

Chakrasamvara là hóa thân của đức Phật Vajradhara và là bổn tôn thiền định chính của Mật thừa. Phần lớn trong 84 Đại thành tựu giả Ấn Độ nổi tiếng đã giác ngộ hoàn hảo bằng cách nương tựa nơi ngài; và kể từ khi các mật điển này được mang đến Tây Tạng, rất nhiều đạo sư Tây Tạng vĩ đại đã chứng ngộ tuyệt đối nhờ thực hành này.

6) Vajrayogini (Kim Cương Du Già Thánh Nữ, tiếng Tây Tạng Dorje Naljorma)

Lịch sử dòng truyền thừa:

Dòng truyền thừa của Đại thành tựu giả Tilopa

Sự trao truyền của dòng truyền thừa:

Vajrayogini > Đại thành tựu giả Tilopa > Naropa > Marpa > Milarepa > Rechungpa > các vị trì giữ dòng truyền thừa >>> Yongzin và Choegon

Giới thiệu Bổn tôn:

Vajrayogini là Pháp thân nữ của Phật. Ngài là vị yidam (bổn tôn thiền định) của Mật điển  Tối thượng Du già – mật điển cao nhất, và xuất hiện trong nhiều thực hành mật tông. Bà xuất hiện như vị phối ngẫu của Heruka Chakrasamvara.

Bà là Bậc Nắm giữ Mật điển Bí mật của những giáo lý rộng lớn của Mật thừa Bí mật bao gồm dòng truyền thừa Chakrasamvara và Mahamudra, trực tiếp từ đức Phật Vajradhara.

Bà là một người trẻ trung, ở trần và nhiệt thành với Pháp. Thân bà màu đỏ tươi và bà đeo chiếc vòng đầu lâu của 51 người biểu tượng cho sự làm chủ các sự kiện tinh thần. Chân phải co lại và chân trái duỗi rộng đứng trên một cái xác chết.  Một chiếc khatvanga được đặt trên vai trái bà. (xem hình ảnh)

Mục đích và những lợi lạc của thực hành:

Thực hành về Kim Cương Du Già thánh nữ là suối nguồn của sự gia trì.

Trong Mật điển gốc cô đọng Heruka có viết rằng, những lợi lạc có được từ việc thực hành Bổn tôn Vajrayogini là bất khả tư nghì và rằng một ngàn lần nói ra cũng không thể liệt kê được chúng.

Sự thực hành bổn tôn Vajrayogini là sự tổng hợp của mọi điểm tinh yếu của các giai đoạn của Mật điển. Thực hành Vajrayogini mang đến sự gia trì nhanh chóng, đặc biệt trong giai đoan suy đồi về tâm linh này. Khi chúng ta thực hành những chỉ dẫ này một cách chính xác, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận được sự gia trì lớn lao từ chư Phật. Sự gia trì này giúp chúng ta hiện tại, và cuối cùng sẽ đưa chúng ta đạt đế mục đích tối thượng là sự giác ngộ hoàn toàn.

Rất nhiều hành giả đã đạt được sự chứng ngộ cao nhất thông qua thực hành bổn tôn Vajrayogini.  Trong tám mươi tư đại thành tựu giả của Ấn Độ cổ, rất nhiều người đã đạt được chứng ngộ thông qua thực hành Heruka Chakrasamvara và Vajrayogini, và kể từ khi các mật điển được đưa đến Tây Tạng, rất nhiều đạo sư Tây Tạng vĩ đại đã thành tựu hoàn hảo thông qua thực hành này.

7) Kim Cang Thủ (tiếng Tây Tạng: Chagna Dorje)

Lịch sử dòng truyền thừa

Dòng truyền thừa của Ngài Rechungpa

Sự trao truyền truyền thừa

Đức Phật Kim Cang Trì -> Ngài Kim Cang Thủ -> Các Đại Thành Tựu giả Ấn độ-> Lạt Ma Walachandra -> Ngài Rechungpa mang tới Tây Tạng -> sau một số bậc thầy nắm giữ dòng truyền thừa ->  Ngài Yongzin và Ngài Choegon

Giới thiệu Bổn tôn:

Kim Cương Thủ là vị Bồ Tát biểu trưng cho sức mạnh của tất thảy chư Phật . Ngài là vị Phật toàn giác, chuyển hóa năng lượng của cảm xúc tiêu cực thành trí tuệ siêu việt và sự toàn thiện kỳ diệu. Ngài tượng trưng cho Kim Cương bất hoại của chư Phật, sức mạnh hàng phục. Ngài là "Vị chúa tể của các bí mật" ( Tây Tạng: Sangwe Dagpo) – người nắm giữ tất cả các mật điển của Kim Cương Thừa.

Miêu tả ngắn gọn:

Thân Ngài mang sắc tướng xanh đen, một con rắn quấn quanh cổ, trang nghiêm thân bằng vòng vàng, khăn quàng lụa, các loại trang sức và xương, phía dưới Ngài khoác tấm da hổ. Ngài đứng giữa một đám cháy dữ dội. tay phải nắm giữ chùy Kim cang 9 chấu, dùng để hàng phục các thế lực phàm trần; tay trái cầm Kim xí điểu ngang ngực. Ngài biểu hiện sự phẫn nộ bằng ba mắt và lưỡi cuộn tròn. Chân trái Ngài dang rộng và chân phải hơi co, dẫm lên xác bản ngã.

Mục đích và những lợi lạc của việc thực hành:

Kim Cương Thủ, Bậc Chiến Thắng siêu việt, là phương tiện đạt tới quyết tâm mạnh mẽ, là biểu tượng cho hiệu quả không ngừng trong cuộc chinh phục cái xấu và chuyển hóa nó thành con đường của hoàn thiện tâm linh.

Thực hành Pháp Kim Cương Thủ là phương pháp ưu việt đốt cháy mọi cảm xúc phiền não và che chướng. Thông qua thực hành Pháp Kim Cương thủ, chúng ta có thể đạt được sức mạnh để đánh bại và cượt qua những chướng ngại tâm linh và thế tục bao gồm những ốm đau khổ hạnh hay các tật bệnh hiểm nghèo khác. Thành tựu đó là năng lượng vi diệu làm lợi ích cho chúng sinh.

8) Ngài Mahakala tứ thủ (tiếng Tây Tạng: Gonpo Chagshi)

Lịch sử dòng truyền thừa:

Dòng truyền thừa của Ngài Palchen Galo Namgyal Dorje

Ngài Palchen Galo Namgyal Dorje, được biết đến nhiều hơn với tên gọi Ngài Ga Lotsawa là một Đại thành tựu giả vĩ đại của Tây Tạng và là một dịch giả, người đã đến Ấn Độ và mang về rất nhiều giáo pháp quý giá cho Tây Tạng, đặc biệt là pháp thực hành Mahakala. Ngài chuyên về việc thực hành tu tập pháp Mahakala, và đã truyền dạy rất nhiều pháp này cho cả bốn tông phái của Phật giáo Tây Tạng. Tất cả các pháp thực hành Mahakala bắt nguồn từ Ngài Pachen Galo đều được coi là rất xác thực và có uy tín cao.

Sự trao truyền của truyền thừa:

Đức Phật Kim Cương Trì -> Ngài Kim Cương Thủ -> Nhà vua Indra Bhuti -> Ngài Saraha -> Nagajurna (Bồ Tát Long Thọ) -> sau một số vị Đại thành tựu giả Ấn Độ -> Ngài Pachen Galo Namgyal Dorje, bậc thượng sư Tây Tạng vĩ đại và là dịch giả đã mang nhiều pháp Mahakala trong đó có dòng truyền thừa này từ Ấn Độ sang Tây Tạng -> Ngài Tsultrim Jungne-> Ngài Dorje Wangchuk -> Ngài Phagmo Drupa -> Ngài Shang Tsalpa -> Ngài  Rinchen Repa -> Ngài Tsangpa Gyare -> sau một số bậc thầy nắm giữ dòng truyền thừa -> Ngài Yongzin & Ngài Choegon.

Giới thiệu Bổn tôn:

Mahaka là hóa thân phẫn nộ của Bồ Tát Quan Âm, hiện thân cho lòng từ bi phẫn nộ của tất cả chư Phật. Lòng từ bi phẫn nộ của Ngài có thể giúp vượt qua mọi chướng ngại và tiêu cực mà người ta phải đối mặt trên con đường đi đến giác ngộ.

Mahakala, còn được biết đến là một Đại Hộ pháp, là người bảo vệ cho những giáo pháp của Đức Phật. Những vị hộ pháp về cơ bản là những hóa thân của chư Phật để thực hiện vai trò loại bỏ những chướng ngại trên con đường đến với giải thoát. Pháp thực hành của Ngài có thể được tu tập giống như Tam căn bản – Thượng sư, Bổn tôn và Hộ pháp.

Có rất nhiều màu sắc và hình tướng khác nhau của Mahakala, nhưng nhìn chung Ngài thường được nhận ra trong tất cả những tông phái của Kim Cương Thừa là một trong những người bảo vệ Pháp nổi bật và vĩ đại nhất.

Ví dụ như, Ngài Maning Mahakala của truyền thống Nyingma, Ngài Mahakala Bernakchen (Mahakala áo đen) – Mahakala Nhị Thủ của dòng Karma Kagyu, Ngài Mahakala Tứ Diện (Shar She Pa) của truyền thống Sakya và Ngài Mahakala Lục Thủ là Đại hộ pháp của dòng Gelugpa.

Mục đích và những lợi lạc của việc thực hành:

Mục đích của việc thực hành pháp Mahakala là để giúp những hành giả loại bỏ tất cả mọi chướng duyên ngăn cản sự tu tập tâm linh của họ, cũng như ủng hộ những nỗ lực và chí thành đồng thời tịnh hóa những phiền não và vô minh. Với lời thỉnh cầu tha thiết và thực hành tinh tấn, hành giả sẽ có được những ân phước gia trì và vượt qua mọi chướng ngại.

*Ngài Palchen Galo Namgyal Dorje là một trong những đời trước của Ngài Choegon Rinpoche

Nguồn: http://www.drukpachoegon.info/lineage-practices.aspx

Việt dịch: Nhóm Thuận Duyên.

Các tin đã đăng:
Về đầu trang