Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Cầu An, có an không?
Hồng Quang
17/02/2012 08:34 (GMT+7)

HẠNH, NGUYỆN. Lối tu nầy, tín đồ các tôn giáo khác có thể áp dụng được không? Xin trả lời là được, nếu họ có một đời sống tâm linh thương mến tất cả chúng sanh và một niềm tin mãnh liệt như nhiều người người Phật tử.

Ngày rằm, mồng một, nhất là mỗi đầu năm Tết âm lịch, người Phật tử Việt Nam, ngay cả nhiều người không là Phật tử, cũng đến chùa dâng sớ và lễ vật cầu an, tụng kinh Phổ Môn (Lotus sutra), kinh Dược Sư (Medicine sutra). Hằng đợt sóng người, già trẻ, lớn bé, tấp nập khó chen chân ở hầu hết các ngôi chùa khắp cả nước. Bông hoa, hương trầm tỏa khói từ trong điện Phật đến ngoài sân. Những rừng người ồ ạt tấp nập còn hơn những ngày trải hội tại chùa Hương, chùa Thầy.

 



Mong cho gia đình sức khỏe, bình an trong cuộc sống




Chùa Từ Tân TP. HCM, Tết Nhâm Thìn, 2012

 

 

Câu hỏi hơi lạ nhưng cần thiết là, cầu an như thế có được an không? Nếu không, tại sao Tết năm nào dân chúng cũng tấp nập đến chùa cầu an. Và không an thì mất thì giờ, tốn tiền sắm lễ vật vô ích chăng? Và nếu có an, đâu là bằng chứng? Có thể thấy và lý giải trên cơ sở khoa học được không?


Trọng tâm của bài viết nhắm đến hai điểm, một là thuộc về tâm linh, hai là trên cơ sở khoa học. Vì thời đại nầy, nói phải có chứng cớ, còn không thì khó được quần chúng chấp nhận.

 

Tâm linh là vấn đề trừu tượng, khó lý giải nhưng không thể không chấp nhận. Cá nhân người viết có một kinh nghiệm thời niên thiếu; lúc 12 tuổi. Nhà ở vùng quê, bị “bệnh bao tử” ba năm. Gọi là bệnh nhưng không có triệu chứng đau nhức, chỉ có việc là mỗi ngày ăn ít dần. Đến cuối năm thứ ba vào dịp Đông tàn; sắp đến Tết, liên tiếp 4 ngày tôi không còn ăn uống gì cả. Tôi cảm thấy sắp chết. Thân thể yếu hẳn, chỉ nằm trên giường không còn ngồi dậy được nữa.

 

Quê nghèo, bệnh thường chữa trị bằng thuốc Bắc.Thầy Quỳnh, người làng Diên sanh tỉnh Quảng trị là một lương y nỗi tiếng. Sau ba năm liên tục bố tôi theo đuổi chữa bệnh cho con bằng thuốc Bắc với lương y nầy, nhưng không mang lại kết quả. Đến những ngày cuối năm thứ ba, gần Tết, tôi cảm thấy mình sắp chết, và thầy thuốc cũng mách bảo cho người hàng xóm là tôi “không qua khỏi” mùa đông.

 

Nhưng người Việt mình thường nói, còn nước còn tát. Bố tôi đi xem xăm tại chùa Tỉnh hội Quảng trị. Quẻ xăm viết “Xuân hựu lai”. Được thầy cho biết “mùa Xuân cháu mới bình phục.” Còn “thầy pháp” (bùa chú) thì bảo, mộ của mẹ tôi chôn nơi quá ẩm ướt, bà lạnh không thể chịu nỗi, phải dời đi chỗ khác. Mẹ không bao giờ “bắt” con, nhưng bà có cách “làm khó” cho con qua bệnh bao tử để bố tôi dời mộ [cải táng] đến chỗ đất cao hơn. Đây là con đường cùng; ai bảo gì làm đó, để cứu mạng cho con. Bố tôi nghe theo và dời mộ của mẹ đến chỗ đất cao. Và ngày kế tiếp là cúng lễ “tạ ơn thần thủy thổ”.

 

Sau việc dời mộ mẹ và lễ “tạ ơn”, tôi đi tiểu liên tục suốt một đêm trường, cứ 3 hoặc 5 phút một lần. Dường như mấy lâu nay ít ăn hoặc không ăn được vì nước bị chứa nhiều trong người, nay được thoát ra. Từ đó, sức khỏe tôi ngày mỗi khá và hai tháng sau thì lành hẵn. Đến nay, đã vài mươi năm nhớ lại cơn bệnh thời thơ ấu, vẫn không thể lý giải được mà chỉ biết nói rằng, con người còn quá giới hạn về những vấn đề siêu hình và tâm linh, khó kiến giải.

 

Câu chuyện thứ hai, vợ người bạn tôi tên Nga cùng ở vùng California với tôi. Hai năm trước, lúc đi chơi vườn Tao Đàn, TP. HCM, bà ngồi trên xe xích đu của trẻ em, bị té, mặt chảy máu khá nhiều. Những người cùng đi bộ bàn nhau nên gọi xe cứu thương. Nhưng gặp một người tuổi khoảng 60, thấy tình trạng ấy, đứng cách xa bà Nga 2 mét, ông nói để tôi cầm máu cho. Ông ta chỉ đưa bàn tay hướng về mặt bà Nga, tự động máu cầm lại. Ông ta tiếp tục lặng lẽ đi mà không nói một lời nào.

 

Qua việc nghiên cứu Thiền tôi được biết, người ngồi Thiền có thể có “năng lượng” để gởi ra giúp người khác. Mà trường hợp bà Nga là một.

 

Phật và Bồ tát là những vị đã giác ngộ, thì việc phóng năng lượng để giúp chúng sanh, lúc chúng sanh chí thành cầu nguyện, không phải là việc khó làm đối với quý Ngài.

 

Câu chuyện nhỏ khác, năm 1979, tôi đi phố mua về ba ve (chai nhỏ) nước sâm. Mỗi ve một mỹ kim. Bạn cùng nhà xin một ve và hỏi giá bao nhiêu? Tôi đáp 15 mỹ kim. Ông bạn uống trước lúc đi ngủ. Sáng dậy ông nói, cảm ơn nhiều lắm. Tối khi đêm nhờ uống ve nước sâm nên ngủ rất ngon. Tôi thầm nghĩ, vì tôi nói giá 15 mk một chai nên ông bạn cảm thấy ngủ ngon, nếu nói thật một ve chỉ có 1 mk thì, có thể, bạn tôi sẽ không cảm thấy ngủ ngon?

 

Tuy nhiên, các câu chuyện trên đây cũng vẫn chỉ là niềm tin và vô hình. Tôi muốn trình bày cùng độc giả việc “cầu an có an hay không?” trên cơ sở khoa học.

 



Quảng Bình: Pháp hội Dược Sư

 

Ngày nay khoa học có những phát minh và thí nghiệm đã biến nhiều vấn đề trừu tượng thành cụ thể; có thể nắm bắt và chứng nghiệm.

 

Trong Thế chiến thứ hai nhiều thương binh phe Đồng minh được chích thuốc morphine tại chiến tường hay tại bệnh viện để giảm cơn đau. Nhưng lượng thuốc không đủ để cung ứng vì có quá nhiều thương binh. Những người điều trị chích nước biển nhưng nói láo với thương binh là họ đã được chích morphine. Kết quả là các thương binh ấy cũng cảm thấy giảm đau nhức. Nhưng nếu có ai tiết lộ là họ được chích nước biển chứ không phải morphine thì chính bệnh nhân ấy lại cảm thấy đau nhức.

 

Năm 1980, hai chuyên gia Hashish, Hai và đồng nghiệp thí nghiệm trên các người vừa được nhỗ răng. Bác sĩ nói với những người vừa được nhổ răng là họ đang được nhận các làn sóng từ máy siêu âm phát ra để khỏi bị đau. Những người nầy được chia làm ba nhóm:

 

Nhóm A được nhận sóng siêu âm từ máy phát ra.

 

Nhóm B không nhận được sóng siêu âm nhưng họ tưởng rằng có nhận được vì chuyên viên thí nghiệm lén tắt máy mà họ không hề biết.

 

Nhóm C không nhận được sóng siêu âm gì cả.


 

Kết quả: Hai nhóm đầu [có nhận sóng siêu âm và không nhận sóng siêu âm], mức độ giảm đau nhiều hơn nhóm ba (C) là nhóm hoàn toàn không nhận sóng siêu âm [Evidence for placebo effects on physical but not on biochemical outcome parameters: a review of clinicaltrials, Wikipedia].

 

Bác sĩ Leuchter và các đồng nghiệp cho thấy trị bệnh bằng niềm tinkết quả đạt được từ 60-70 % cho các bệnh lo âu, trầm cảm, bao tử, giảm huyết áp, hạ cholesterol…và hệ miễn nhiễm gia tăng.

 



 

Thuốc giả, một viên đường hoặc viên muối chẳng hạn, có khả năng chữa trị bệnh tật nếu bệnh nhân tin đó là thuốc thật (The healing power of placebos).                          

 

Chữa bệnh bằng niềm tin

 

Một thông tin được tìm thấy trên Marco Visscher ấn bản tháng 5. 2006.

 

Bà Judy Ruth Ashley đến bệnh viện thành phố Denver, bang Colorado, Mỹ, để chữa chứng bệnh tay run [Parkinson’s disease]. Bác sĩ giả vờ chích 4 lỗ kim trên đầu bà, và nói là để cấy vào đó những sợi thai phôi thần kinh có khả năng chữa trị chứng bệnh mà bà chịu đựng 20 năm qua.

 

Bà Ashley tưởng rằng mình đã được cấy vào những thai phôi thần kinh thật nhưng không; bác sĩ làm như có vẻ chữa trị thật để thí nghiệm phương pháp Placebo. Nhiều tháng sau bà Ashley, 65 tuổi, cảm thấy bệnh thuyên giảm và không còn khó kiểm soát được sự run tay như 20 năm qua (was less and less bothered by the dyskinesia—excessive, uncontrollable movement—that ruled her life for over 20 years). Bà nói, không còn bị đau lúc thức dậy (I would wake up pain-free), tay có thể sử dụng máy hút bụi, cầm micro hát Karoke, ngay cả lái xe... một cách bình thường. [Marco Visscher | May 2006 issue,Wekipedia].

 

Tại sao vậy?

 

Bệnh Parkinson là do cơ thể thiếu chất dopamine. Nhưng lúc con người có niềm tin thì chất dopamine trong cơ thể tiết ra nhiều hơn nên bệnh Parkison thuyên giảm. Ngoài ra các chất  hóa học khác như nitric oxide, endorphins, và chất thần kinh dẫn truyền enkelytin cũng được tiết ra trong cơ thể khi con người có niềm tin và an lạc hỹ xả. Sự an lạc hỷ xả làm gia tăng hạnh phúc, giảm căng thẳng, hệ thống miễn nhiểm mạnh hơn nên có khả năng phòng chống bệnh tật.

 

Thời đức Phật chưa có dụng cụ y khoa để thí nghiệm và phòng chống bệnh tật. Đức Phật thuyết kinh Diệu pháp liên hoa trong đó có phẩm Phổ môn và kinh Dược sư để Phật tử đọc tụng lúc cầu an. Khi người tụng kinh và cầu nguyện thành tâm, có tin tưởng thì các chất hóa học cần thiết sẽ tiết ra làm cho con người an lạc, vui vẻ, hỷ xả. Đây là những kháng chất chống lại bệnh tật, gia tăng sức khỏe, tăng tuổi thọ, trí tuệ phát sinh, thân hình cường tráng xinh đẹp.

 

Do đó, việc cầu an nếu có tâm thành, có sự tin tưởng thì ngoài sự gia hộ của chư Phật chư Bồ tát, người thọ trì sẽ có kết quả cụ thể. Đó cũng là một trong những lối tu mà Phật dạy là TÍN, HẠNH, NGUYỆN.

 

Lối tu nầy, tín đồ các tôn giáo khác có thể áp dụng được không? Xin trả lời là được, nếu họ có một đời sống tâm linh thương mến tất cả chúng sanh và một niềm tin mãnh liệt như nhiều người Phật tử.


 

Tóm lại, chúng ta không nên quá lạm bàn về những vấn đề thuộc tâm linh và vô hình. Tụng kinh, niệm Phật, lạy hồng danh, sám hối…với lòng thành và tin tưởng thì sẽ có kết quả rất tốt cho tâm, thân và cuộc đời là điều có thể tin và có thể hiện thực.




Hồng Quang

15/02/2012

Các tin đã đăng:
Về đầu trang