Tâm Từ 1 trong tứ VÔ LƯỢNG TÂM của Phật giáo, bố thí sanh mạng là gốc (căn tâm) Tâm Từ.
Trong Bố thí Parami (bố thí Ba la mật), có ba bậc bố thí: bố thí tài
sản, tài vật, ngoại vật là bậc hạ, bố thí một phần cơ thể của mình là
bậc trung, bố thí cả sinh mạng mình là bậc thượng. Tất cả những sự bố
thí ấy đều để phát triển Tâm Từ. Việc phong sinh là ở bậc hạ.
Đọc kỹ những kinh ấy, có thể hiểu đức Phật dạy rằng, con người cần có
một TÂM từ bi, cứu khổ, cứu nạn chúng sinh (gồm cả muông thú và con
người). Việc làm đó được xuất phát từ tấm lòng, sự phát nguyện chân
thành của mỗi người. Cứ hiểu theo sự dạy của đức Phật thì việc phóng
sinh được thực thi mọi lúc, mọi nơi, thấy nạn là cứu, chứ không cần đúng
dịp đúng ngày.
Chắc chắn rằng đức Phật không bao giờ dạy chúng sinh: phóng sinh là mua
chim thú về thả! Chim thú vốn đang tự do, để phục vụ cho việc “phóng
sinh” (tức là phục vụ “cầu” trong nguyên tắc cung cầu) đã bị bắt, bị mua
bán rồi lại được “phóng sinh” sau một thời gian bị dày vò, hành xác
trong lồng chậu. Ắt hẳn việc làm ấy trái với tinh thần từ bi của đức
Phật.
Cái việc "thả", việc “phóng sinh” ấy không thể là sự biểu lộ của lòng
hiếu thuận, sự an ủi những vong hồn lưu lạc, bơ vơ. Xin nhớ cho rằng
việc phóng sinh, cứu khổ cứu nạn cần được thực hiện với cái tâm trong
sáng, không vụ lợi, và không gây phương hại đến chúng sinh.
Và càng không đúng lời răn của Phật khi việc phóng sinh chim thú này mà đẩy chim thú khác vào chỗ diệt vong.
Như vậy, soi đến hành vi của một bộ phận cư dân Hà Nội, mảnh đất có đến
1000 năm văn hiến, đã đồng loạt thả rùa tai đỏ xuống Hồ Gươm có đúng là
phóng sinh hay không? Xin nói ngay, không phải là phóng sinh, mà đó là
sự mê tín mù quáng.
Bởi, người thả liệu đã có TÂM trong sáng hay chưa khi thả rùa, đã suy
nghĩ chín chắn khi “phóng sinh” hay chưa? Chắc chắn rằng, theo quan điểm
của nhà Phật, TÂM sẽ không sáng, và đây là một hành động thiếu suy
nghĩ.
Nếu là người Hà Nội, yêu Hà Nội, thì không ai không biết “cụ rùa” Hồ
Gươm, biểu trưng của hồn thiêng sông núi cần được bảo vệ, cần được trân
trọng, và cần được có một môi trường sống trong lành. Khi thả rùa tai đỏ
với tác hại khôn lường như bài báo nói, thì cái việc “phóng sinh”, cái
hành động tưởng là cứu khổ cứu nạn ấy vô hình trung đã đẩy một loạt thủy
sinh của Hồ Gươm (trong đó có cụ rùa) đến cửa tử, đến diệt vong. Vậy
việc phóng sinh kia chính là điều ác.
Sự thiếu hiểu biết, không giác ngộ giáo lý nhà Phật, cùng với sự tham
sân đã đẩy một bộ phận cư dân Hà Nội đến với tội ác. Đây chính là sự mê
muội!
Còn nhớ cách đây hơn 20 năm, Việt Nam đã gặp một trường hợp như rùa tai
đỏ bây giờ, ấy là ốc bươu vàng. Hậu họa đến giờ vẫn chưa hết. Cả hai
loài đều phàm ăn, ăn sạch những gì chúng có thể ăn được. Cân bằng sinh
thái bị phá hỏng. Cứ nhìn vào “tấm gương” tày liếp của ốc bươu vàng, mà
rùng mình nghĩ đến rùa tai đỏ.
Liệu mai đây, cái giống rùa ngoại nhập phàm ăn tục uống này có như ốc
bươu vàng, có tràn ngập cả nước. Rồi sẽ có phong trào tìm diệt rùa tài
đỏ cứu môi trường chăng?
Lại căn theo giáo lý nhà Phật, thì công ty nhập khẩu kia đã làm điều ác, ác với môi trường Việt Nam, và ác cả với rùa tai đỏ.
Theo: bee.net.vn
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)