Nguyễn Công Trứ, trong bài “Kẻ sĩ” có
viết:
Xe bồ luân dù chưa gặp Thang, Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị…
Xe bồ luân là loại xe có bánh đặc biệt quấn bằng cỏ bồ, các vị vua
quý trọng hiền tài như vua Thang, vua Văn dùng nó để đón bậc sĩ phu ra
giúp nước. Bánh xe thời cổ xưa làm bằng cây gỗ, đường sá chưa tráng
nhựa, dùng cỏ đệm cho êm để xe chạy bớt dằn xóc, biểu lộ tinh thần quý
trọng tha thiết của vua. Và chiếc xe bồ luân trở thành xe cao cấp đời
mới, như mỗi lần chúng ta thấy một đoàn xe chở các nhân vật quan trọng
chạy qua, tiền hô hậu ủng lướt êm như mơ.
Cỏ bồ xuất hiện trong đời sống thiền sư. Thiền sư Trần Tôn Túc hiệu
Đạo Minh, đời Đường quê ở Giang Nam, xuất gia giữ giới tinh nghiêm, học
thông Tam tạng, tham thiền ngộ đạo nơi tổ Hoàng Bá. Được cử làm thủ tọa
trong chúng, sư chính là người thúc đẩy ngài Lâm Tế đến thầy thưa hỏi.
Về sau, sư về ở chùa Khai Nguyên, thường dùng cỏ bồ đan giày bán nuôi
mẹ, mọi người kính trọng gọi sư là Trần Bồ Hài. Thời loạn lạc, giặc đến
phá thành chỗ sư ở, mọi người đều di tản. Sư treo một chiếc giày nơi
cổng, chúng đến nhìn thấy biết trong thành có bậc đạo đức bèn lui binh,
dân chúng được bảo trọng. Thế lực của một chiếc giày cỏ mạnh hơn gươm
giáo, cũng cho thấy tinh thần trọng đạo lý của những người gọi là giặc.
Bồ đoàn là nệm ngồi để tọa thiền, cũng giống như tọa cụ một trong 18
món phải đem theo bên mình của người hành hạnh đầu đà. Nó giúp cho thế
ngồi vững chắc, dễ chịu hơn, để chống chọi với những ma trận của thân và
tâm. Ngồi bao lâu, ngồi yên thế nào cho cánh cửa thiền định mở ra, thấu
suốt vấn đề sinh tử, đó là việc của người tu. Đức Phật ngày xưa đã dùng
cỏ để trải tòa ngồi, bó cỏ và chú mục đồng dâng cỏ đến bây giờ được
khắc ghi thành một nơi chiêm bái, gần chỗ của nàng Sujata dâng bát sữa.
Khách hành hương đến Ấn Độ, thăm Bồ Đề Đạo Tràng trước, sau đó mới theo
xe chạy vòng qua sông Ni-liên, đến làng Sujata viếng thăm các di tích
trước khi Phật thành đạo. Cũng vậy thôi, bất cứ ngôi làng nào cũng phong
cảnh như nhau, nhà tranh vách đất, người và vật lam lũ, mấy con bò con
dê quanh quẩn trong sân, trẻ con lem luốc hò reo với xe hành hương,
chuẩn bị chạy theo xin tiền. Xe đò Ấn Độ chở người lên tận nóc, có khi
một con dê nằm trên đầu xe cùng với chủ của nó, thản nhiên nhìn mọi thứ
qua một lớp bụi mù. Đền thờ mục đồng dâng cỏ, nói là đền cho oai chứ
thật ra chỉ là một cái nhà vừa phải, có tượng Bồ tát đưa tay nhận bó cỏ,
ông mục đồng đang quỳ đó. Nói là ông mục đồng vì hình tượng đơn sơ lắm,
chẳng có nghệ thuật chi, phía trước còn có một tấm biển ghi lại sự
tích. Khách cúng tiền, thắp hương lễ lạy trong khung cảnh của thế kỷ
này, có thể có người nghi ngờ không biết chỗ này có thật như vậy không?
Nhìn qua bờ bên kia, hình ảnh Đại tháp Bồ Đề trùm lên cả không gian thời
gian. Dù sao, dân làng bên này cũng ké được uy quang của Phật, đỡ khổ.
Thiền sư Huệ Lăng ở Trường Khánh tham học nơi Tuyết Phong và Huyền
Sa, qua lại 20 năm, ngồi rách bảy cái bồ đoàn mà chưa tỏ ngộ. Nhà thiền
ghi lại chuyện này bằng câu “Trường Khánh bồ đoàn”, ý nói tính cách
quyết tâm gian khổ. Đâu phải một lần ngồi mà xong việc, ngồi thiền là
chuẩn bị nấu cho chín nhừ mớ vọng tưởng lăng xăng, ngày đêm gì cũng đối
mặt với chính mình. Thiền sư ngồi trên bồ đoàn nhưng chỗ ngộ đôi lúc là
đang đi đứng, hoặc trợt chân té bất ngờ, hoặc nghe một tiếng động… Ngài
Huệ Lăng một hôm cuốn rèm đại ngộ. Bảy cái bồ đoàn đã qua có giúp chỗ
này không? Bồ đoàn bây giờ dồn gòn, may vải tốt không dễ rách hư, nhưng
đọc câu chuyện của Ngài cũng giúp người nung chí.
Bồ đoàn tọa nại giang đầu lãnh
Hương hỏa trùng sinh kiếp hậu khôi.
Bùi Giáng dịch thoát:
Bồ đoàn ngồi lại nguyện cầu
Luống từng chịu gió giang đầu giá băng
Trùng sinh kiếp hậu há rằng
Tro là hương hỏa, mộng hằng là than
Ngồi suông trên tấm bồ đoàn
Ngày xuôi giốc tuột
hai hàng thái hư.
Thiền tăng ngồi yên trên bồ đoàn để làm gì? Câu hỏi đó vẫn lẽo đẽo
theo chúng ta trên từng bước tu học. Ngồi cũng là để hỏi han dòm ngó.
Không ngồi thì không tỉnh thức nổi, tập khí lao xao mịt mờ như ma trận,
hôn trầm buồn ngủ rình chộp. Thời gian vẫn trôi qua trên đầu, cuộc đời
vẫn là buồn vui như thế, không ngồi vững vàng có nghĩa là không thể mỉm
một nụ cười trước mọi sự.
Ở đây nói ngồi để chống chọi với gió rét đầu bến sông. Đôi khi ngồi
trong phòng rất ấm nhưng gió rét vẫn từng trận thổi qua, đó là những cơn
gió nội tâm, chỉ có người trong cuộc mới biết. Chung quanh vẫn tĩnh
lặng. Ngồi đến khi nào thân tâm ngưng đọng được không? Các vị La-hán
ngồi đến mức có thể tuyên bố “Ta sanh đã tận, phạm hạnh đã lập, không
thọ thân sau”, khi đó những cuộc hẹn hò tái lai không còn rủ rê, không
còn dính dáng, “Mộng trùng lai không có ở trên đời”.
Ngồi như vậy không đơn giản. Và những cơn gió không phải là gió
thường, nó có thể thổi bay chúng ta qua tám muôn bốn nghìn dặm như gió
của cây quạt Ba tiêu. Quạt một cái Tôn Hành Giả bay tít mù không cưỡng
được. Cũng có thể là gió nghiệp thổi người qua những hành lang sinh tử.
Chỉ có ngồi kiên trì lặng lẽ, thấy mình trôi chảy như mộng, ngày nọ tiếp
nối ngày kia vẫn tọa cụ bồ đoàn, nhắm mắt hay mở mắt cũng khung trời
đó, tự hỏi ta là cái gì? “Ngày xuôi giốc tuột hai hàng thái hư”,
mọi thứ đi qua không dừng lại, để cho mưa nắng và thời gian rêu mốc mấy
phen. Thơ Tô Đông Pha tặng Đạo Tiềm, một nhà sư và nhà thơ thâm giao với
ông ở miền Giang Triết, có câu: “Bế môn tọa huyệt nhất thiền sáp / Đầu thượng tuế nguyệt không tranh vanh”.
Ông lặn lội trong chốn quan trường, đôi lúc cũng muốn được như sư, đóng
cửa ngồi thiền - nơi tọa thiền cũng là một chốn hang động ẩn cư của
chính mình. Bỏ quên tuế nguyệt cũng là bỏ quên những kỷ niệm một thời,
mơ ước tương lai. Tọa thiền cho thật chín chắn mới hiểu hết ý nghĩa của
nó, mới cám ơn bồ đoàn tọa cụ đã giúp mình chiến đấu chống chọi với
chính mình. Thiền sinh khi bước vào thiền đường, chắp tay vái chào chỗ
ngồi, xá chào bồ đoàn, thầm nguyện sẽ tiếp tục ngồi bây giờ và mãi mãi,
cho đến khi sóng gió đầu sông bến nước đổi thành tro than không còn tung
tích. Ngồi thiền là tự hứa sẽ đi vào biển đại nguyện, lúc đó bồ đoàn
tọa cụ trở thành chiếc thuyền thân thiết chở người qua sông, như bây giờ
chở hành giả ngồi qua những đoạn đường gay cấn.