Veranja là một địa danh, vào thời kỳ của Đức Phật thì có thể đấy là
tên của một thôn ấp hay một ngôi làng thế nhưng ngày nay thì địa danh
này không còn nữa. Nhà sư Tích Lan Môhan Wijayaratna gọi kinh Veranjaka-Sutta là "Kinh về các nam Thiên Nhân và các nữ Thiên Nhân". Kinh này được ghi chép trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya, quyển III, 57-59, ấn bản PTS, 1885-1910).
Sở dĩ phải trình bày dài dòng như trên đây là vì có một bản kinh khác cũng mang tên là kinh Veranjaka-Sutta, thế nhưng dài hơn và được xếp vào Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya,
tập I, kinh số 42), và đã được Hòa Thượng Thích Minh Châu Việt dịch
trong Đại Tạng Kinh Việt Nam (Kinh Trung Bộ, người đọc có thể xem kinh
này trên các trang web thuvienhoasen, quangduc...). Rất có thể là cả
hai bản kinh trên đây đã được Đức Phật thuyết giảng chung trong dịp
Ngài tiếp xúc với các vị "chủ gia đình" lưu ngụ tại Veranja, thế nhưng
lại cũng có thể là vì hai bản kinh dài ngắn khác nhau nên đã được xếp
vào hai Bộ kinh khác nhau chăng?
Dưới đây là phần chuyển ngữ bản kinh Veranjika Sutta ngắn tức là "Kinh về các nam Thiên Nhân và các nữ Thiên Nhân". Phần chuyển ngữ chủ yếu được dựa vào hai bản dịch: một từ tiếng Pa-li sang tiếng Pháp của Môhan Wijayaratna, (Sermons du Bouddha,
nxb Cerf, 1988, tr. 67-69), và một từ bản dịch từ tiếng Pa-li sang
tiếng Anh của hai nhà sư Tích Lan là Nyanaponika Thera và Bhikkhu Bodhi
thực hiện (Samyutta Nikaya, Part III, Chap. I, Div. I, selected and
translated from the Pali by Nyanaponika Thera and Bhikkhu Bodhi).
Veranjaka Sutta
Kinh về các nam Thiên Nhân và các nữ Thiên Nhân
(Anguttara Nikaya, III, 57-59, PTS, 1885-1910)
Tiết 6-1
"Có một lần Đấng Thế Tôn đang du hành trên con đường cái nối liền
giữa Mandura và Veranja, thì vào lúc ấy có một đám đông các vị chủ gia
đình cùng với các bà vợ của họ cũng cùng đi trên trục lộ quan trọng
này.
"Đấng Thế Tôn rời khỏi đường cái và ngồi xuống một chiếc ghế được
đặt dưới một gốc cây cạnh bên vệ đường. Trông thấy Đấng Thế Tôn ngồi
[nghỉ chân], đám người chủ gia đình cùng với các bà vợ bèn tiến đến
gần, họ đảnh lễ Đấng Thế Tôn rồi lùi lại và ngồi sang một bên. Khi họ
đã an tọa thì Đấng Thế Tôn cất lời với họ như sau:
Tiết 6-2
"Này các người chủ gia đình, có bốn cách sống chung (trong cuộc
sống lứa đôi). Vậy bốn cách sống ấy là gì? [Đấy là] một người đàn ông
giống như một xác chết sống với một người đàn bà giống như một xác
chết; một người đàn ông giống như một xác chết sống với một người đàn
bà giống như một nữ thiên nhân; một người đàn ông giống như một thiên
nhân sống với một người đàn bà giống như một xác chết; một người đàn
ông giống như một thiên nhân sống với một người đàn bà giống như một nữ
thiên nhân.
Tiết 6-3
"Này các người chủ gia đình, [vậy] một người đàn ông giống như
một xác chết sống với một người đàn bà giống như một xác chết là thế
nào? Trong trường hợp ấy, này các người chủ gia đình, người chồng là
một kẻ sát sinh, hắn phạm vào tội ăn cắp, vướng vào hành vi tính dục
bất chính, nói dối, dùng những thức uống làm say sưa khiến bị lầm lẫn
và xao lãng, hắn là người hung dữ gây ra khổ đau cho người khác, sống
với tâm địa ô uế, nhục mạ người tu hành và các vị tu sĩ.
Tiết 6-4
"Vợ hắn cũng là một kẻ sát sinh, ăn cắp, vướng vào
hành vi tính dục bất chính, nói dối, dùng những thức uống làm say sưa
khiến bị lầm lẫn và xao lãng, vợ hắn là người hung dữ gây ra khổ đau
cho người khác, sống với tâm địa ô uế, nhục mạ người tu hành và các vị
tu sĩ. Này các người chủ gia đình, đấy chính là một người đàn ông giống
như một xác chết sống với một người đàn bà giống như một xác chết.
Tiết 6-5
"Này các người chủ gia đình, vậy thì một người đàn
ông giống như một xác chết sống với một người đàn bà giống như một nữ
thiên nhân là thế nào? Trong trường hợp ấy người chồng là một kẻ sát
sinh, phạm vào tội ăn cắp, vướng vào những hành vi tính dục bất chính,
nói dối, dùng những thức uống làm say sưa khiến bị lầm lẫn và xao lãng,
hắn là người hung dữ gây ra khổ đau cho người khác, sống với tâm địa ô
uế, nhục mạ người tu hành và các vị tu sĩ.
Tiết 6-6
"Trong khi đó thì vợ hắn là người không sát sinh,
không phạm vào tội ăn cắp, tránh được những hành vi tính dục bất chính,
không nói dối, không dùng những thức uống làm say sưa khiến bị lầm lẫn
và xao lãng, vợ hắn sống với tâm địa tinh khiết, không gây ra khổ đau
cho người khác, không nhục mạ người tu hành và các vị tu sĩ. Này các
người chủ gia đình, chính đấy là một người đàn ông giống như một xác
chết sống với một người đàn bà giống như một nữ thiên nhân.
Tiết 6-7
"Này các người chủ gia đình, vậy thì một người đàn
ông giống như một thiên nhân sống với một người đàn bà giống như một
xác chết là thế nào? Trong trường hợp ấy, người chồng không sát sinh,
không phạm vào tội ăn cắp, tránh được những hành vi tính dục bất chính,
không nói dối, không dùng những thức uống làm say sưa khiến bị lầm lẫn
và xao lãng, hắn sống với tâm địa tinh khiết, không gây ra khổ đau cho
người khác, không nhục mạ người tu hành và các vị tu sĩ.
Tiết 6-8
"Trong khi đó thì vợ hắn sát sinh, phạm vào tội ăn
cắp, phạm vào những hành vi tính dục bất chính, nói dối, dùng nhưng
thức uống làm say sưa khiến bị lầm lẫn và xao lãng, vợ hắn sống với tâm
địa ô uế, gây ra khổ đau cho người khác, nhục mạ người tu hành và các
vị tu sĩ. Này các người chủ gia đình, chính đấy là một người đàn ông
giống như một thiên nhân sống với một người đàn bà giống như một xác
chết.
Tiết 6-9
"Này các người chủ gia đình, vậy thì một người đàn
ông giống như một thiên nhân sống với một người đàn bà giống như một nữ
thiên nhân là thế nào? Trong trường hợp ấy, người chồng không sát
sinh, không phạm vào tội ăn cắp, tránh được những hành vi tính dục bất
chính, không nói dối, không dùng những thức uống làm say sưa khiến bị
lầm lẫn và xao lãng, hắn sống với tâm địa tinh khiết, không gây ra khổ
đau cho người khác, không nhục mạ người tu hành và các vị tu sĩ.
Tiết 6-10
"Vợ hắn cũng không sát sinh, không phạm vào tội ăn
cắp, tránh được nhưng hành vi tính dục bất chính, không nói dối, không
dùng những thức uống làm say sưa khiến bị lầm lẫn và xao lãng, vợ hắn
sống với tâm địa tinh khiết, không gây ra khổ đau cho người khác, không
nhục mạ người tu hành và các vị tu sĩ. Này các người chủ gia đình,
chính đấy là một người đàn ông giống như một thiên nhân sống với một
người đàn bà giống như một nữ thiên nhân.
"Này các người chủ gia đình, đấy là bốn cách sống chung (trong đời sống lứa đôi)".
Vài lời ghi chú
Trên bình diện tổng quát thì các bài thuyết giảng của
Đức Phật hầu hết đều nhằm vào các chủ đề thật khúc triết và những khái
niệm thật căn bản trong giáo lý, chủ yếu là nhắm vào những người xuất
gia, tức là những môn đệ của Ngài. Tuy nhiên người ta cũng tìm thấy một
số bài giảng dành cho người thế tục, nhắm mục đích giúp họ mang lại
hạnh phúc và sự hài hòa trong gia đình, thực thi một cuộc cuộc sống đạo
đức, ý thức được bổn phận của họ trong cộng đồng xã hội.
Theo dòng tiến hóa của xã hội hơn hai ngàn năm trăm năm,
tất nhiên các quan niệm về gia đình, đạo đức, phong tục cũng đã biến
đổi không ngừng để thích nghi với các nền văn hóa khác nhau và các
chủng tộc khác nhau. Thế nhưng trên căn bản thì các quy luật đạo đức
quy định cho nếp sống gia đình và cách xử thế giữa con người với nhau
mà Đức Phật chủ trương vẫn còn giữ được giá trị đến ngày nay. Những gì
mà Ngài thuyết giảng và chỉ dạy cho những con người thời bấy giờ đôi
khi cũng khiến chúng ta phải bàng hoàng vì ngỡ rằng Ngài đang thuyết
giảng cho chính chúng ta hôm nay.
Trong số những bài thuyết giảng ở cấp bậc "thấp" tức
mang tính cách đại chúng, dành cho người thế tục, Đức Phật đã nêu lên
rất nhiều chủ đề khác nhau liên quan đến gia đình, xã hội, sự giao tiếp
giữa con người với nhau. Đôi khi Ngài giảng rất chi tiết và đưa ra
nhiều thí dụ rất cụ thể về các cách xử thế cần phải chọn. Trong quyển
sách trên đây, Môhan Wijayaratna có trích dẫn một số kinh thuộc vào
lãnh vực này, chẳng hạn như Đức Phật dạy một vị chủ nhân phải làm thế
nào để tạo ra sự hợp tác tốt đẹp với người làm công (kinh Sigalovada-sutta, Digha Nikaya. III, 180), người chủ gia đình nên làm thế nào để mọi người chung quanh kính mến mình (kinh Vasala-sutta, Suttanipata, v. 116-142), làm thế nào để tránh khỏi cảnh sa sút và nghèo đói (kinh Parabhava-sutta, Suttanipata, 91-115), phải dùng đồng tiền như thế nào (kinh Vyaggapajja-sutta, Anguttara Nikaya. IV, 281-282), v.v...
Tóm lại Đức Phật không những chỉ thuyết giảng những gì
thật cao siêu mà Ngài cũng đã mang lại những giải pháp cụ thể giúp
người thế tục đạt những khát vọng đôi khi rất đơn sơ và chân thật của
họ, chẳng hạn như trong câu chuyện khá cảm động sau đây ghi lại trong
một bản kinh thật ngắn là Nakulapita-Sutta (Anguttara Nikaya.
II, 61-62). Đấy là câu chuyện của một đôi vợ chồng đã lớn tuổi thế
nhưng vẫn quấn quýt bên nhau, họ hỏi Đức Phật phải làm thế nào để họ
còn tiếp tục tìm thấy nhau trong các kiếp sống tương lai. Vì bản kinh
không quá dài do đó cũng xin chuyển ngữ toàn bộ như dưới đây để thay
cho phần kết luận và cũng để bổ túc thêm cho bản kinh Veranjaka-Sutta
đã trình bày trên đây. Phần chuyển ngữ được dựa vào bản dịch từ tiếng
Pa-li sang tiếng Anh của Nyanaponika Thera và Bhikkhu Bodhi ("An anthology of Suttas from the Anguttara Nikāya", selected and translated from the Pāli by Nyanaponika Thera and Bhikkhu Bodhi, Edited by Nyanaponika Thera):
Nakulapita-Sutta
Kinh "Làm thế nào để gặp lại nhau trong các kiếp sống tương lai"
(Anguttara Nikaya, II, 61-62, PTS, 1885-1910)
"Có một lần Đấng Thế Tôn lưu ngụ với những người dân
trong vùng Bhagga, gần thị trấn Sumsumaragiri, thuộc khu rừng Lộc
Uyển, nơi hang Bhesakala. Một hôm, vào lúc tinh sương, Đấng Thế Tôn
khoác thêm tấm y thượng (áo ấm) lên người, cầm bình bát và đi đến nhà
một người chủ gia đình tên là Nakulapita. Khi đến nhà người này thì
Đấng Thế Tôn ngồi vào chiếc ghế dành riêng cho Ngài.
Người chủ gia đình Nakulapita và người nội trợ là
Nakulamata (tức là vợ của Nakulapita), cả hai cùng tiến đến gần Đấng
Thế Tôn vái chào Ngài rồi ngồi sang một bên. Sau khi an tọa Nakulapita
cất lời thưa với Đấng Thế Tôn như sau:
"Bạch Thế Tôn, từ ngày con đem người nội trợ
Nakulamata, lúc ấy còn trẻ dại, về sống nơi căn nhà này với con, con
xin thú nhận rằng cho đến hôm nay con chưa bao giờ lừa dối vợ con dù
chỉ trong tư tưởng, huống chi bằng hành động thì lại còn khó để mà xảy
ra hơn nữa. Bạch Thế Tôn, chúng con hằng mong ước lúc nào cũng nhìn
thấy nhau cho đến hết kiếp sống này và sẽ còn nhìn thấy nhau trong kiếp
sống tương lai".
Sau đó lại đến lượt người nội trợ Nakulamata cất lời thưa với Đấng Thế Tôn như sau:
"Bạch Thế Tôn, từ khi con còn con gái và được mang
về căn nhà này để chung sống với người chồng trẻ tuổi của con là
Nakulapita, con xin thú nhận rằng cho đến hôm nay con chưa bao giờ lừa
dối chồng con dù chỉ trong tư tưởng, huống chi bằng hành động thì lại
còn khó để mà xảy ra hơn nữa. Bạch Thế Tôn, chúng con hằng mong ước lúc
nào cũng nhìn thấy nhau cho đến hết kiếp sống này và sẽ còn nhìn thấy
nhau trong kiếp sống tương lai".
Đấng Thế Tôn bèn cất lời với họ như sau:
"Này cả hai gia chủ, nếu cả vợ lẫn chồng ước mong
lúc nào cũng nhìn thấy nhau cho đến hết kiếp sống này và còn muốn tiếp
tục nhìn thấy nhau trong kiếp sống tương, thì phải có cùng một niềm
tin, một lòng rộng lượng như nhau, noi theo một nền đạo đức như nhau,
thực hiện được một trí tuệ như nhau; [được như thế] thì cả hai sẽ nhìn
thấy nhau cho đến hết kiếp sống này và sẽ còn nhìn thấy nhau trong kiếp
sống tương lai".
Nếu Đức Phật đã từng chứng minh cho chúng ta thấy qua hệ
thống giáo lý siêu việt và vô cùng sâu sắc các quy luật toàn cầu chi
phối sự vận hành của cả vũ trụ này, chẳng hạn quy luật tương liên, hiện
tượng vô thường và bản chất trống không của vạn vật..., khiến cho các
khoa học gia, triết gia và học giả Tây phương ngày nay phải kinh ngạc
và thán phục, thì trong kiếp nhân sinh của Ngài, Ngài cũng đã từng ngồi
xuống để lắng nghe những con người thật bình dị, đơn sơ và chất phác
thổ lộ những ước mơ thật tự nhiên và chân thật của họ.
Tuy những ước mơ ấy phản ảnh bản chất bám víu và trói
buộc đưa họ quay trở lại với thế giới ta-bà, thế nhưng Đức Phật không
làm gì khác hơn được và đã chỉ cách cho họ để có thể tiếp tục nhìn thấy
nhau, bằng cách hướng họ vào con đường của đạo hạnh, từ bi và trí tuệ.
Đấy là con đường giúp cho họ đến một ngày nào đó sẽ tìm thấy sự giải
thoát tối hậu. Dù cho con đường ấy có thật dài đi nữa, thế nhưng đấy
cũng là những gì có thể giúp họ mang lại một ý nghĩa nào đó cho sự sống
này, và nhất là sẽ giúp cho họ không nhìn thấy nhau "giống như hai xác chết" đang sống cạnh nhau trong kiếp nhân sinh này của họ.
Bures-Sur-Yvette, 11.11.11
Hoang Phong