Thuở nhỏ, trong tâm hồn tôi,
Bồ tát Quán Thế Âm như là một nhân vật của thế giới cổ tích. Thay vì bà
tiên có chiếc đũa thần “làm mưa làm gió”, đức Quán Thế Âm lại “lợi hại”
với giọt nước cành dương.
Những khi quỳ trước tôn tượng của Ngài,
hình như lúc nào tôi cũng say sưa nhìn thật lâu: cái nếp áo, cái khăn
đội đầu, những sợi tóc mai, những ngón tay thon, rồi bình cam lồ, nhánh
dương liễu… tất cả sao mà đẹp, mà thiêng liêng quá! Những lúc như thế,
ánh mắt Ngài nhìn có vẻ xót thương, nụ cười kín đáo của Ngài trở nên bí
ẩn… Ai lại đến với Bồ tát bằng sự vướng bận đó!
Biết vậy nhưng mỗi lần đứng trước tôn
tượng của Ngài, tôi đều muốn chiêm ngưỡng cái vẻ đẹp như là một hợp thể
ngũ uẩn vẹn toàn đó. Cả cái màu áo trắng tinh khiết hay màu xanh dương
khôi nguyên Ngài khoác trên mình cũng cho tôi cái cảm giác vẹn toàn. Vậy
nên, tôi vẫn luôn giữ thói quen chiêm ngưỡng đó. Nhưng bao giờ tôi cũng
để cái nhìn của mình đứng lại lâu hơn nơi bình can lồ và nhành dương
trên tay Ngài. Vì với tôi, đó là một biểu tượng của lòng từ bi. Ngài
lắng nghe tiếng hoảng sợ, tiếng kêu thương của chúng sanh mà đến, không
phải một mình tôi sợ hãi, mình tôi âu lo mà có hàng muôn chúng sanh sợ
hãi, âu lo… Xem ra, từ bi và tình thương từ trong bản chất đã khác nhau
thật nhiều. Tôi tự nhủ: nếu từ bi là tình thương, chắc Bồ tát đã mỏi mệt
với trùng trùng tiếng kêu thương đó. Nhưng không, có thể tôi đã đúng
khi suy luận: Từ bi là quán tự tại. Cái hạnh lắng nghe của Ngài là từ
bi, mà cũng là quán tự tại. Ngài là mẹ hiền Quán Thế Âm vì Ngài tự tại
lắng nghe tiếng gọi trần gian bằng tất cả lòng thương tưởng của Ngài.
Năm tháng cứ qua đi. Tôi vẫn mang theo
hơi thở câu thần chú thuở nào. Trong tôi, Bồ tát Quán Thế Âm với hạnh
lắng nghe tự tại, đem mắt thương nhìn cuộc đời là hình ảnh của một đấng
giác ngộ cứu khổ chúng sanh bằng cái nghe, cái nhìn từ tấm lòng, và là
bậc đạt đến giải thoát bằng sự quán tự tại trong cái thấy, cái nghe.
Cứ như rằng Ngài bao giờ cũng ở bên cạnh
tôi, cứ như rằng Ngài chỉ có một việc là lo âu cho một mình tôi… và tôi
đã thật sự yên tâm nhờ suy nghĩ đó. Sợ ma ư? Không thành vấn đề. Chẳng
phải đã có Bồ tát kịp đến khi câu thần chú “Án ma ni bát di hồng” từ tâm
trí tôi phát ra tín hiệu cầu cứu sao?
Ngài chưa từng để tôi đơn độc một mình
trong hãi sợ, chưa từng để tôi chờ lâu, chưa từng quên tôi cần Ngài… Mấy
mươi lần vào phòng thi là mấy mươi lần tôi khẩn thiết cầu thỉnh Ngài ở
bên cạnh tôi. Thật là lạ. Đến bây giờ tôi vẫn không diễn tả hết được cái
cảm giác bình yên lúc đó. Có thể Ngài đã mỉm cười độ lượng với tôi: Con
đừng sợ, con đừng lo, tim con mà dồn dập thế kia, đầu óc con mà căng
thẳng thế kia, sẽ không sao mà, đã có ta bên con mà, ra sẽ cho con sự
“không sợ hãi”, con thở thật sâu đi, ta sẽ đến với con bằng hơi thở của
con. Những khi đang đi trên đường hay trong đêm khuya bất chợt trời đổ
mưa rồi ầm ầm tiếng sét, tiếng sấm, tôi thường chỉ biết cầu viện tới sự
chở che của Ngài bằng thần chú Bạch Y. Những lời tôi lẩm nhẩm trong
miệng mình mỗi lúc một gấp gáp hơn, như Ngài đang để yên cánh tay cho
tôi núi thật chặt mà đi. Ngài đã đi cùng tôi như thế, trong đêm tối,
trong gió mưa, trong hy vọng phập phồng, trong đau đáu ước mong… Và
những sợ hãi, lo âu của tôi thường được mau chóng qua đi như thế…
Quỳ trước Ngài mà khóc, quỳ trước Ngài
mà kể, quỳ trước Ngài mà cầu xin… không có cái gì hiện ra trước mắt,
nhưng dường mọi thứ đều hiện hữu trong cảm nhận thiêng liêng và tôi
biết, nó còn thật hơn cả những thứ cầm nắm được: Sự lắng nghe, sự không
sợ hãi. Và có lẽ, tôi đã rất đủ, rất hạnh phúc với bấy nhiêu đó.
Tác giả: Tuệ Châu/Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 28 năm 2007