Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Lợi ích tốt đẹp của việc tín ngưỡng Phật giáo
Lâm Thế Mẫn
04/11/2011 21:06 (GMT+7)



Đồng thời tôn giáo có thể an định xã hội, tịnh hóa lòng người, khiến cho người ta có đầy đủ tín tâm và hy vọng ở tương lai, giúp cho người ta có được sinh hoạt hợp lý, cao thượng.

Nói chung, tôn giáo đối với người bi quan, có tác dụng an ủi vỗ về; đối với người làm càn làm bậy, có hiệu lực cảnh cáo răn đe; đối với người tốt lành cũng có thể giúp họ hăng hái làm điều thiện.

Điều mà chương này cần thảo luận là lợi ích tốt đẹp của việc tín ngưỡng Phật giáo, nói thế không phải chê bai tín ngưỡng tôn giáo khác là không có lợi ích tốt đẹp. Tiến sĩ Trương Trừng Cơ trong cuốn “Thế nào là Phật pháp” có nói : “Phật pháp không chê bai tôn giáo khác, Phật pháp cho rằng căn khí chúng sinh khác nhau thì phương pháp dạy đạo cũng không thể chấp nhất”. Nhân đấy các tôn giáo và triết học đều có những giá trị và công dụng của nó. Các tôn giáo, ở trong khoảng một thời gian không gian nào đó, đối với một loại chúng sinh nào đó, có tác dụng giáo hóa và lợi ích thiết thực.

Song giữa các tôn giáo, do trí tuệ và hoài bão của vị giáo chủ khác nhau, giáo lý nói ra sâu cạn cũng bất đồng, phương thức, tinh thần giáo dục cũng có khác. Nhân đó mỗi một tôn giáo, tuy nhiều ít đều có thể đem lại cho người tín ngưỡng những điều lợi ích tốt đẹp, nhưng chỗ rốt ráo thì không giống nhau. Tiểu học và Đại học tuy đều là trường học, đều dạy đạo lý liên quan đến làm người, làm việc, và ngày sau có kỹ năng đứng vững trong xã hội, song vào Tiểu học và vào Đại học sở học và sở đắc có giống nhau không ?

Dưới đây là thuyết minh điều lợi ích tốt đẹp của việc tín ngưỡng Phật giáo.

1/ Phật giáo có thể khiến cho người ta đạt được nhân sinh quan chính xác

Phật giáo phân tích rõ ràng vấn đề vũ trụ nhân sinh, mục đích ở chỗ giúp cho người ta đối với nhân sinh có được nhận thức chính xác.

Thông thường, người ta có cái nhìn đối với đời sống không ngoài hai loại bi quan và lạc quan :

1- Bi quan : Cho rằng đời người ngắn ngủi tạm bợ, sinh mạng giả dối, người ta sống chỉ đợi một ngày nào đó sẽ chết, do đó mà cả ngày vẻ mặt u sầu, ủ rũ.

2- Lạc quan : Loại người này không phải cả ngày tươi vui thật sự, bởi vì sinh hoạt của họ không có mục đích và ý nghĩa. Họ chỉ ôm ấp quan niệm “vui chơi theo thời”, cuồng nhiệt vui thú theo dục lạc, nhằm thỏa mãn cảm giác của mình. Ý nghĩa sinh mạng và mục đích đời sống là gì, họ không cần quan tâm, họ cũng không cần biết đến.

Mà nhân sinh quan Phật giáo khẳng định không thuộc ở bi quan và cũng không thuộc ở lạc quan, chúng ta có thể miễn cưỡng gọi là “trung quan”.

Thế nào là “trung quan” ? Tức là không phải buồn than khóc lóc đời sống, cũng không phải buông thả sinh mạng một cách ngớ ngẩn. Trung quan chính là dùng con mắt trí tuệ, quét sạch hết thảy mọi nghi ngờ, sầu muộn và hiểu lầm về nhân sinh. Nhận thức một cách chính xác thực tướng của nhân sinh, nắm chắc phương hướng của nhân sinh.

Có người hoài nghi cho Phật giáo là bi quan, bởi vì đã đề xướng “khổ, không, vô ngã”. Cho rằng nhân sinh đầy dẫy khổ não, cho rằng thế giới trước mắt đều là nhân duyên tạm thời tụ hội mà thành, không có một thứ gì là chân thật, vĩnh hằng cả.

Thật ra Phật giáo chỉ là không “giấu bệnh tránh thuốc” mà thôi, chẳng qua là nói thật chứ không phải là bi quan. Bạn nhìn thử xem nhân sinh chẳng phải là đầy dẫy khổ não sao ? Bạn hãy xem kỹ thế giới này có chân thật, vĩnh hằng hay không ?

Phật giáo không phải là một loại tôn giáo không có tinh thần trách nhiệm. Đầu tiên Phật giáo muốn chúng ta nhận thức nhân sinh ấy là thứ nhân sinh khổ não. Sau đó tiến thêm một bước, phân tích những thứ khổ não ấy của nhân sinh, đều là do vô tri tham dục của chính bản thân con người gây ra và mọi người đều có thể tự mình khắc phục những thứ khổ não ấy. Sau cùng chỉ ra con đường hạnh phúc của nhân sinh, mong muốn chúng ta phải tiết chế dục vọng của mình, vì người khác mà phục vụ. Phật giáo tin chắc rằng : Mình muốn an lạc thì nhất định không thể thiết lập sự an lạc đó trên đau khổ của kẻ khác. Chỉ khi nào toàn thể chúng sinh đều được hạnh phúc an lạc, cá nhân mình mới có hạnh phúc, an lạc chân chính.

Phật giáo cho rằng công danh lợi lộc chỉ là mây khói bay qua mắt, vì sinh ra không đem gì theo, chết rồi cũng không mang gì đi. Do đó khuyên người ta không nên tham luyến quá mức, mong cầu quá mức. Ngược lại còn khuyên người phải biết bố thí, tu phước tu huệ, tránh xa danh lợi. Nhiều của cải cũng không thể tiêu biểu cho sự tốt đẹp về tinh thần của một cá nhân, chỉ có tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tịnh hóa tâm linh, mới có thể giúp cho cuộc sống được an vui hạnh phúc.

2/ Phật giáo có thể khiến cho người ta tích cực hướng thượng

Sau khi Phật giáo “phủ định” tất cả, khiến cho người ta không còn tham luyến, truy cầu một cách mê muội nữa. Có như thế mới có thể “tích cực” vì nhân quần mà phục vụ, lại còn khẳng định giá trị của cuộc sống và ý nghĩa của sinh mạng.

Phật giáo nói thân thể của con người là “không”, “giả’, mục đích ở chỗ khuyên người không nên “nơi nơi vì ta”, mà phải “ta vì mọi người”. Bởi vì “ta” đã là “không” là “giả” thì công danh lợi lộc có gì là thật đâu ?

Phật giáo lại cho rằng chúng sinh là một thể, vui buồn có nhau, tiểu ngã sinh hoạt trong đại ngã. Do đó cần phải hy sinh tiểu ngã, hoàn thành đại ngã, chẳng những không nên tự tư tự lợi, ngược lại còn phải có tinh thần từ bi giúp người.

Phật giáo không đồng ý về việc vận mạng thao túng trong tay của thần hoặc người khác, tự mình làm tự mình gánh chịu. Do đó mọi người phải chịu đựng nhẫn nại, nỗ lực phấn đấu, muốn ngày mai tươi sáng thì ngày nay phải cống hiến. Nếu không chịu cày cấy khổ nhọc thì làm sao thu hoạch kết quả tốt cho được ?

Phật giáo khuyên người nên “thiểu dục tri túc”, mà không muốn người ta phải trốn tránh trách nhiệm. Phật giáo muốn người ta “vai thép gánh đạo nghĩa” chứ không nên chỉ lo cho bản thân mình. Cái gọi là “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”, “ta không vào địa ngục, thì ai vào ?” đã chứng minh sự tốt đẹp nhất tinh thần cứu nhân độ thế của Phật giáo.

Giới luật của Phật giáo, đối với hành vi của con người không phải là trói buộc cứng nhắc, mà là cổ vũ sinh động. Về phương diện tiêu cực có thể dừng ác phòng ngừa tội lỗi, về phương diện tích cực có thể khuyến khích cứu nhân độ thế. Chẳng hạn như giới “không sát sinh”, mục đích và tinh thần chân chính của nó, không phải ở chỗ bản thân mình không giết mà còn phải khuyên người khác giữ giới sát nữa. Một người lập chí học Bồ tát đạo, tự mình sát sinh vốn là phá giới, nếu thấy người sắp chết mà không cứu cũng phạm giới. Những giới luật khác cũng như vậy, không phải chỉ tự mình không nên “trộm cắp”, “nói dối” mà còn phải khuyên người không nên trộm cắp, nói dối, hết lòng khuyên bảo người cải tà quy chính.

Như thế, tâm lý tự tư “mỗi người tự quét dọn tuyết ở trước nhà mình” sẽ không còn chỗ đứng. Mọi người đều sốt sắng việc công, chăm lo việc nghĩa, tốt đạo đẹp đời, “thực hành đại đạo, thiên hạ là việc công”. Có như thế mới xứng đáng là người tràn đầy nhân ái, luôn tích cực hướng thiện, hướng thượng.

3/ Phật giáo có thể tịnh hóa xã hội lòng người

Trong xã hội loài người vẫn thường xảy ra những chuyện trộm cướp, giết người, hiếp dâm, gian dối v.v… thật khủng khiếp. Ai lại không đau buồn lo lắng ?

Một tín đồ Phật giáo tối thiểu phải nghiêm túc giữ gìn năm điều giới luật cơ bản dưới đây :

1- Không sát sinh : Không tàn hại sinh linh.

2/ Không trộm cắp : Không lấy, không cướp đoạt tài sản của người khác.

3- Không tà dâm : Là quan hệ vợ chồng chính đáng, không ngoại tình hoặc xúc phạm tiết hạnh người khác phái.

4- Không vọng ngữ : Nói lời chân thật, không hư dối, không nói láo.

5- Không uống rượu : Rượu có thể làm loạn tính, khiến cho người ta mất hết lý trí, do đó cần phải cấm tuyệt (chỉ khi có bệnh cần rượu pha thuốc thì mới tạm thời được uống).

Các bạn học hãy suy nghĩ thử xem, năm giới này có trùng khớp với nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của Nho gia đề xướng không ? Như nhân (không sát sinh), nghĩa (không trộm cắp), lễ (không tà dâm), trí (không uống rượu), tín (không nói dối).

Nghiêm thủ năm giới là căn bản của việc làm người, vi phạm năm giới đối với xã hội cũng không thể có chỗ đứng, đồng thời còn bị pháp luật trừng trị, giam cầm tù đày nữa. Phật giáo cho rằng muốn làm “người” thì không thể không giữ ngũ giới, nếu vi phạm thì đời sau không thể được thân người trở lại, mà còn phải đọa vào ba đường ác : Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh (ba loại báo ứng của chúng sinh đó đều là thống khổ không chịu được, do đó gọi là đường ác).

Chúng ta không cần phải để ý đến đời sau như thế nào, chỉ xem việc trước mắt cũng đủ. Người ta không sát sinh thì xã hội sẽ không có án giết người; không trộm cắp thì sẽ không có ăn cắp vặt, cướp đoạt của người; không tà dâm thì không có chuyện ngoại tình, phá hoại luân lý gia đình; không vọng ngữ thì không có việc dối trá lẫn nhau; không uống rượu, thì thân tâm an ổn, đầu óc sáng suốt, không phải vì một lúc say sưa mà hại cả mình lẫn người. 

Một xã hội như thế không phải là xã hội yên tĩnh, an lạc sao ? Do đó tôi cho rằng Phật giáo có công dụng tịnh hóa xã hội lòng người.

4/ Phật giáo có thể khiến cho người ta đạt được an lạc chân chính

Người ta muốn có được an lạc chân chính, đại khái cần phải có đầy đủ các yêu cầu dưới đây :

1- Tâm hồn bình tĩnh, không sinh phiền não.

2- Đối với khổ nạn trước mắt, tùy hoàn cảnh mà giải quyết, không oán trời trách người.

3- Đối với các vấn đề vũ trụ, nhân sinh, có thể giải đáp một cách hợp lý.

4- Đối với vị lai, có thể được đáp án thỏa đáng.

5- Tiền đồ, vận mạng, chỗ về của mình, cho đến thành bại, khổ vui không phải bị thao túng trong tay kẻ khác.

Tôi nghĩ Phật giáo có thể đáp ứng hoàn toàn yêu cầu ấy của nhân loại vì :

a- Phật giáo khuyên người nên biết đủ thường vui, phải học tập thiền định, lạc quan tiến thủ, tâm ý tự nhiên bình tĩnh thì sẽ không sinh phiền não.

b- Phật giáo cho rằng sự việc nhãn tiền không như ý, đều là kết quả của nhân mà mình đã làm trước đây, cho nên cần phải dũng mãnh nhẫn nại, dám làm dám chịu, không nên oán trời trách người.

c- Kinh điển của Phật giáo không phải ở chỗ ca ngợi quyền uy và tài năng của Phật, mà là hoàn toàn giải thích triệt để vấn đề cơ bản của vũ trụ nhân sinh, có thể giúp cho người ta đạt được giải đáp hợp lý. Cho nên La Tố, nhà triết học Anh quốc đã nói : “Tôn giáo trên thế giới mà tôi tán thành nhất chính là Phật giáo”. Tôn Trung Sơn nói : “Phật học là mẹ của triết học, nghiên cứu Phật học có thể bổ khuyết cho khoa học”. Khương Hữu Vi nói : “Phật học rộng lớn tinh vi… tuy có triết học của bậc thánh cũng không ứng phó kịp. Giáo lý ấy hàm nghĩa rất sâu xa”. Chương Thái Viêm nói : “Lý luận của Phật giáo khiến cho người thượng trí không thể không tin”. Lương Khải Siêu nói : “Tín ngưỡng Phật giáo là trí tín chứ không phải là mê tín”.

d- Trong kinh Phật có nói : “Phật vì một nhân duyên lớn xuất hiện ở nơi đời”. “Nhân duyên” lớn ấy (tức là mục đích của Phật đến thế gian) là gì ? Chính là vì giúp chúng sinh chuyển mê thành ngộ, từ trong khổ nạn mà giải thoát, hưởng sự an vui và tự do mãi mãi.

e- Phật giáo cho rằng con người chính là loài hiên ngang khí phách, trên con người không có thần nào có thể thao túng sự sống chết, thành bại, họa phước của chúng ta. Con người là chủ nhân của chính mình, chủ tể của chính mình, chỉ cần tự mình phấn đấu nỗ lực, nhất định sẽ có ngày vinh quang tươi sáng.

Do đó tôi cho rằng tín ngưỡng Phật giáo có thể đạt đến an lạc chân chính.

5/ Phật là bậc Đạo sư rất hiền từ của nhân loại

Đức Thích Ca Mâu Ni sinh tại nhân gian, là thái tử con vua Tịnh Phạn, đã lìa bỏ công danh phú quý, là một người có đầy đủ lòng từ bi và trí tuệ rộng lớn. Vì nhân loại chưa giải thoát được sinh lão bệnh tử, nên Ngài ăn không ngon, ngủ không yên, phải xuất gia tìm đạo. Sau khi đắc đạo, Ngài thuyết pháp 49 năm, sớm tối truyền bá không mệt mỏi, lưu lại rất nhiều chân lý và lời dạy quý báu, là một ngọn đèn sáng bất diệt của nhân sinh tăm tối, là chiếc thuyền từ không chìm trong biển khổ mênh mông đầy sóng gió. Ai có thể bi tâm như Phật với lời thệ nguyện : “Ta không vào địa ngục thì ai vào ?”.

Phật không bao giờ nổi giận, hoặc xử phạt đệ tử, tuyệt đối không tìm đâu thấy Phật tức giận dùng tai họa, tật dịch để xử phạt loài người.

Phật đối với đệ tử lúc nào cũng hòa ái tươi vui, tha thiết dạy bảo, dù già, trẻ, giàu, nghèo, quý, tiện, cho đến tất cả chúng sinh trong vũ trụ Ngài đều rủ lòng thương chỉ giáo. Tùy theo căn cơ của chúng sinh mà Ngài nói pháp cho họ nghe.

Phật bình thường giáo hóa chúng sinh, lúc giải đáp nghi vấn cho đệ tử, Ngài áp dụng bốn loại phương pháp như sau : 1/ Vấn đề nào cần phải phúc đáp thẳng thắn, 2/ Vấn đề nào nên dùng phương pháp giải đáp phân tích, 3/ Lại có vấn đề nên lấy phản vấn làm phúc đáp, 4/ Cuối cùng, có một loại vấn đề cần phải gác lại. (Tức là tạm thời chưa giải đáp, bởi vì đối phương chưa có thể hiểu được đạo lý ấy, nói ra sẽ làm tăng thêm hoang mang và nghi hoặc cho họ. Như học sinh Tiểu học ngay cả đến số học cũng không hiểu mà hỏi về vi tích phân (toán học) thì thầy giáo làm sao có thể giải đáp cho chúng hiểu được ?).

Phương thức giải đáp vấn đề như thế đó, chính là ứng cơ thuyết pháp.

Phật luôn luôn dùng tâm ái và tâm nhẫn để chỉ dạy đệ tử. Ngài không cho rằng có người ngu đần đến nỗi không thể giáo dục, có người hung ác đến nỗi không thể hối ngộ.

Một đời của Phật cống hiến trí tuệ và từ ái của mình, nói ra những chân lý vĩ đại, dạy đạo vô số chúng sinh, nhưng Ngài không tự xưng mình là “giáo chủ” hoặc “chúa tể”. Ngài cho rằng mình đến nhân gian, chỉ là trách nhiệm thừa tiếp người trước, hướng dẫn kẻ sau - phát dương chân lý mà các Đức Phật thời quá khứ đã phát hiện, chỉ dạy cho người biết sau, giác sau.

Bản thân Ngài là Phật, mà Phật tin chắc rằng chúng sinh ở trong vũ trụ, xuyên qua sự nỗ lực và ma sát của bản thân họ, sẽ đạt đến nhân cách vĩ đại, trí tuệ sáng suốt giống như bản thân Ngài.

Ngày nay các bạn đồng học vẫn đọc sách cầu học, nhân đó gọi là học sinh, là chúng sinh biết sau giác sau. Song chỉ cần nỗ lực, một ngày nào đó các bạn cũng có thể học được các tri thức và kỹ năng, cũng ngang bằng với các thầy dạy của các bạn hiện nay, có thể trở thành thầy giáo  của người, kế tục sự nghiệp giáo dục, cống hiến cả cuộc đời của mình cho hậu sinh.

Phật với chúng sinh là bình đẳng, mỗi một chúng sinh là Phật ở vị lai. Giữa Phật và chúng sinh không phải là mối quan hệ “chủ nhân và nô lệ”, mà chỉ là một loại quan hệ “thầy trò” tạm thời mà thôi.

Các bạn học thân mến ! Lúc mê là chúng sinh, một khi đã khai ngộ thì là Phật với đầy đủ tri kiến chân chính.

Nản lòng, nhụt chí cũng như căn nhà tối tăm đã trải qua thời gian mười năm, chỉ cần đốt lên một ngọn đèn thì có thể xua đuổi bóng tối hàng chục năm, đem lại ánh sáng đầy nhà.

Các bạn đọc thân mến ! Hãy mau thắp lên ngọn đèn bất diệt ở trong tâm của bạn, ánh sáng sẽ ở chung quanh bạn, hạnh phúc sẽ ở bên thân của bạn.

Những đạo lý này chính là do Đức Phật cao quý nói với chúng ta, Ngài không phải là một vị thầy hiền từ nhân ái sao ?

6/ Phật giáo có thể bồi dưỡng nhân cách tự tôn tự tin và độc lập tự chủ

Từ lúc tu hành đến khi thành chính quả, Đức Phật phải ra sức nỗ lực bằng chính bản thân mình, không ai có thể thay thế giúp sức cho Ngài cả.

Phật giáo khẳng định mỗi cá nhân đều là chủ nhân của chính mình, không phải là nô bộc của người khác, không cần phải cầu xin thần hoặc Phật, chỉ cần nỗ lực thực hành theo đạo lý Ngài đã dạy thì có thể thành Phật. Điều này đã cổ vũ lòng tự tin và tự tôn của chúng ta.

Phật giáo cho rằng mỗi người đều có đầy đủ bản tính thành Phật, “trên trời dưới trời chỉ có ta là cao quý”, không ai có thể điều khiển loài người, có thể nô dịch loài người, sự thành bại hạnh phúc của con người hoàn toàn ở bản thân họ. Mà việc tu hành chứng quả là do tự ta hoàn thành nhân cách vĩ đại - thành Phật. Đó là nỗ lực của chính bản thân nhân loại, không phải do ân điển của thần, cũng không phải sự cứu bạt của Phật (mà là chúng sinh tự cứu lấy mình).

Phật giáo cho rằng, con người là vì “mình” mà sống, vì “hết thảy chúng sinh” mà sống (làm cho chúng sinh trong vũ trụ đều được hạnh phúc, an lạc). Đồng thời thành quả của mọi nỗ lực là do tự mình phấn đấu mà có, vinh quang quy về bản thân nhân loại, nếu thất bại đó là nỗ lực của mình không đủ, cần phải cố gắng thêm nữa, nhắm thẳng mục tiêu mà tiến tới.

Tư tưởng này của Phật giáo, nhắc nhở loài người đối với hành vi của mình phải tự mình gánh lấy trách nhiệm không thể quy tội cho trời hoặc oán trách người khác.

Vì thế người ta mới có quyền quyết định vận mạng và tiền đồ của mình, người ta mới có nhân cách độc lập tự chủ (không phải bị lệ thuộc nơi thần, bị thần thao túng, khống chế). Có nhân cách độc lập tự chủ rồi, mới có thể nói đến tự tôn và tự tin.

Thích Chân Tính (dịch)

http://phathoc.net/tu-hoc/tu-hoc-nhap-mon/7ED04A_loi_ich_tot_dep_cua_viec_tin_nguong_phat_giao.aspx

Các tin đã đăng:
Về đầu trang