Xuất xứ
của từ này được thấy trong kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm: “…Nếu như
sau khi Như Lại diệt độ, giả như có tỷ kheo phát tâm quyết định tu tâp
thiền định mà có thể đối trước hình tượng của Như Lai đốt một ngọn đèn,
đốt một lóng tay, cho đến đốt một chấm hương trên thân thể của mình thì
Như Lai nói rằng tất cả những nghiệp chướng nhiều đời của người này lập
tức trả hết, và tuy thường sống ở thế gian nhưng đã vĩnh viễn thoát ly
phiền não. Tuy chưa chứng được Vô thượng Bồ Đề, nhưng người này đối với
giáo pháp của Như Lai, tâm đã quyết định. Nếu như không làm được một
chút nhân nhỏ về sự xả thân như vậy thì cho dù có đạt được vô vi, rồi
cũng phải sanh trở lại làm người hoàn trả nợ cũ…”( “….Nhược ngã diệt
hậu, kỳ hữu tỷ kheo phát tâm quyết định tu tam ma đề, năng ư Như Lai
hình tượng chi tiền, nhiên nhất đăng, thiêu nhất chỉ tiết, cập ư thân
thượng nhiệt nhất hương chú, ngã thuyết thị nhân vô thỉ túc trái nhất
thời thù tất, trường tập thế gian vĩnh thoát chư lậu. Tuy vị tức minh vô
thượng giác lộ, thị nhân ư pháp dĩ quyết định tâm. Nhược bất ư thử xả
thân vi nhân, túng thành vô vi, tất hoàn sanh nhân thù kỳ túc trái.)
(Lăng Nghiêm Kinh quyển 6). Đây chính là nói đến sự chân thành, quyết
tâm tin Phật của người xuất gia. Vết sẹo chấm hương đó không phải chỉ có
ở trên đầu mà là ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể cũng đều có thể làm được.
Số lượng chấm hương trên đầu cũng không nhất định, có thể là một, hai,
ba, sáu, chín, mười hai, càng nhiều càng biểu hiện tâm kiền thành. Có
người còn đốt một hoặc hai ngón tay.
Đốt hương trên đầu bắt đầu từ lúc
nào còn phải đợi sự khảo chứng. Thế nhưng vào thời Đường và Tống dường
như chưa thấy có tục lệ này. Ví dụ như pho tượng điêu khắc về chân thân
của ngài Giám Chân ( 688– 763) - một bậc cao tăng đời Đường (Do đệ tử
của ngài là Tư Thác làm, được lưu giữ hơn 1200 năm tại Nhật Bản) thì
không thấy có vết tích của sự đốt hương trên đầu. Lại nữa như tượng cùa
Ngài Huyền Trang – một nhà lữ hành vĩ đại, một nhà dịch kinh vĩ đại,
trên đầu đều không thấy vết tích của sự đốt hương. Lúc bấy giờ, một số
cao tăng của Nhật Bản đến Trung Quốc học Phật pháp cũng không thấy đề
cập đến vấn đề đốt hương trên đỉnh đầu.
Tục đốt hương trên đỉnh đầu thịnh
hành vào đời nhà Nguyên. Theo một đoạn văn được ghi chép trong “Tân tục
cao tăng truyện” nói về ngài Sa môn Thích Chí Đức ở chùa Thiên Hỷ tại
Kim Lăng vào đời nhà Nguyên thì vào năm Chí Nguyên thứ 25 (1288), Nguyên
Thế Tổ triệu kiến ngài Chí Đức: “…Ban tặng tiệc chay và Ca sa tía, ra
lệnh bổ nhiệm ngài trú trì hai chùa Thiên Hỷ và Kỳ Trung, thỉnh ngài
thuyết giảng kinh Pháp hoa, Hoa Nghiêm, Kim Cang, Duy thức và các sớ
giải trong thời gian ba năm, đồng thời đặc biệt ban tặng ngài hiệu là
Phật Quang Đại sư, khi truyền giới cho bảy chúng đệ tử nhất định dạy cho
họ nên cùng với cha mẹ anh em hướng dẫn nhau tu tập, đừng có vi phạm.
Còn như việc đốt hương trên đầu là chỉ cho việc phát nguyện trọn đời
theo Phật….”. Lúc bấy giờ ngài Chí Đức được Nguyên Thế Tổ triệu kiến, có
thể thấy uy thế tiếng tăm của ngài rất cao. Khi ngài truyền giới tất cả
đệ tử của ngài đều phải đốt hương trên đỉnh đầu để chứng minh tâm
nguyện trọn đời theo Phật. Truyền thuyết cho rằng người Mông Cổ (chỉ nhà
Nguyên) đề xướng việc Đốt hương trên đỉnh đầu là để làm tiêu chí phân
biệt giữa Tăng sĩ người Hán với Lạt Ma, đây thực chất là hành động kì
thị Tăng sĩ người Hán.
Như trên đã nói tục đốt hương trên
đầu vào thời Đường Tống chưa thấy lưu hành, nhưng gần đây bộ phim Tiếu
Lâm Tự lại có hình ảnh Tăng nhân có điểm hương trên đầu thì không phù
hợp vớ sự thật lịch sử.
Hoàng Bỉnh Chương trước
Minh Đức dịch
Trích dịch từ tác phẩm “ Phật Giáo với văn hóa Trung Quốc” . nhà xuất bản Trung Hoa Thư Cục.