Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Hạnh nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm phương pháp khơi dậy trí tuệ & từ bi
Thích Đạt Ma Phổ Giác
02/03/2012 13:56 (GMT+7)


Chủ trương của chúng tôi là hoằng pháp và từ thiện, như đôi cánh chim tung bay giữa bầu trời trí tuệ và từ bi, nhờ phương tiện giúp đỡ vật chất để xoa dịu bớt nỗi đau bất hạnh. Chúng tôi còn chia sẻ một số kinh nghiệm để họ có đủ niềm tin trong cuộc sống và vươn lên làm mới lại chính mình. Bởi vì người bất hạnh đa số không học hành tới nơi, tới chốn, cuộc sống bấp bênh nên nhận thức không được sáng suốt. Do đó dễ oán trời trách đất đổ thừa tại-bị-thì-là… trách móc xã hội sao quá bất công, thù ghét người thân bạn bè sao không giúp đỡ, họ đáng thương hơn là đáng ghét.

Thiền và Quán Âm

Chúng tôi được phúc duyên tu theo Hòa thượng Trúc Lâm với phương pháp biết vọng không theo, thấy biết là chơn tâm, dòng thiền hiện đại của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam, dưới sự chỉ dạy trực tiếp của Hòa thượng trụ trì thiền viện Thường Chiếu. Sau thời gian tu học, chúng tôi nhận thấy kinh là lời Phật dạy, thiền là hành thẳng nơi tâm. Qua lời Phật dạy phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa và thiền không hai, không khác. Đây là bài kinh nói về hạnh nguyện độ sinh của Bồ-tát Quán Thế Âm trong cõi Ta-bà, giúp cho tất cả mọi người “quán chiếu cuộc đời” để đạt được giác ngộ và giải thoát.

Phương pháp trì niệm danh hiệu Bồ-tát đơn giản và dễ dàng, nhờ thần lực nhiệm mầu Quán Thế Âm luôn xem xét lắng nghe tiếng kêu cứu khổ để giúp mọi người được tai qua nạn khỏi. Nếu nói về chùa và tín ngưỡng của người Việt Nam thì hầu như hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm đã ăn sâu và thấm nhuần trong lòng mọi người. Từ khắp ba miền đất nước, chùa nào cũng có thờ tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, thậm chí tại nhà mọi người đều có thờ riêng. Rõ ràng niềm tin vào Bồ-tát Quán Thế Âm đã ăn sâu vào tàng thức của người dân nước Việt.

Đạo Phật đã truyền vào Việt Nam trên 2.000 năm, trải qua rất nhiều thời đại vàng son, nhất là đời Lý Trần, nhờ chủ trương Phật đản toàn dân nên mọi người sống an vui, hạnh phúc. Song bên cạnh đó không biết bao nhiêu cuộc thăng trầm, thịnh suy, tùy theo vận mệnh của đất nước. Nhưng niềm tin của người dân nước Việt đối với Bồ-tát Quán Thế Âm không bao giờ bị mai một. Niềm tin dựa trên thần lực nhiệm mầu của Bồ-tát Quán Thế Âm, đi vào đời để cứu độ chúng sinh như “có cầu tất ứng”. Bồ-tát Quán Thế Âm sở dĩ được tôn xưng với danh hiệu không thể nghĩ bàn, nhờ ngài luôn ban bố niềm vui đến mọi người và sẵn sàng giúp tất cả chúng sinh vượt qua sợ hãi khổ đau, đang chịu nhiều bất hạnh trong đời. Như thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, sóng thần, động đất, yêu tinh tà ma hãm hại, giam cầm tù tội cho đến nạn trộm cướp và vua quan chiếm đoạt. Bồ-tát Quán Thế Âm là điểm tựa tinh thần vững chắc để mọi người, bắt chước và noi theo, từ con người phàm phu tục tử có thể trở thành Thánh nhân cao quý nhờ trì niệm hồng danh Ngài.

Pháp tu Quán Âm

Điểm đặc biệt để mọi người lưu ý, bài kinh này mang ẩn dụ rất cao nếu chúng ta không có trí tuệ soi sáng, dễ lầm tưởng Ngài có thể ban phước giáng họa và “cầu gì được nấy”. Thái độ cầu nguyện van xin tha lực của người tín ngưỡng, không phải là nội dung chính mà Phật muốn chỉ bày. Ở đây, cốt lõi của bài kinh nói rõ con người do tưởng quá nhiều nên sinh ra đau khổ. Tưởng là nhân đau khổ của tất cả chúng sinh, vì có tưởng nên có khổ. Muốn hết đau khổ, dứt bặt sự tưởng, tưởng hết mọi khổ đau đều hết. Nếu chúng ta miên mật trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì chắc chắn hết khổ.

Quán Thế Âm còn có nghĩa Quán Tự Tại, vì sao? Vì ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết thảy khổ ách. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy sáu căn là nhân của luân hồi sinh tử và sáu căn cũng là nhân của giải thoát. Sau khi Phật bảo 25 vị Thánh trình bày chỗ tu chứng của mình xong, Phật dạy Bồ-tát Văn thù chọn lựa căn viên thông để tu. Cuối cùng Bồ-tát chọn lựa “nhĩ căn” là viên thông hơn cả. Đây là lối tu: “Phản văn văn tự tánh” của Bồ-tát Quán Thế Âm. Chữ phản ở đây có nghĩa là ngược lại, thay vì từ xưa đến giờ chúng ta chạy theo âm thanh, có tiếng là có nghe, không tiếng là không nghe, quên mất tánh nghe thường hằng của mình. Bây giờ biết rồi, chỉ nhớ mình có tánh nghe, nghe tất cả mà không bám vào âm thanh riêng biệt nào. Cho nên Bồ-tát Văn Thù khuyên đại chúng và ngài A-nan: “Xoay cơ quan nghe của ông, trở lại nghe tánh nghe của mình, thành tựu tánh nghe là đạo vô thượng. Đây là con đường vào cửa Niết-bàn của tất cả chư Phật nhiều như số vi trần.

Nên kinh nói trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, công đức thù thắng hơn tất cả. Vậy, chúng ta trì niệm bằng cách nào? Nghĩa là phản quán lại tánh nghe chân thật của mình, nên không bị âm thanh bên ngoài chi phối, do đó hằng sống với tánh nghe. Trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm là phương pháp tu tập quán chiếu cuộc đời, để chúng ta thấy rõ được bản chất thực hư của nó, nên mỗi hành giả tự độ mình, vượt qua các khổ đau đang có mặt.

Mục đích chính của kinh là độ thoát tất cả chúng sinh, trừ bảy tai nạn trong đời và thực hiện hai sự cầu vi diệu mà trong kinh nói: “Cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái”. Vì bài kinh mang ẩn dụ cao siêu, chỉ cần người tin tưởng niệm danh hiệu Bồ-tát là đã có lợi lạc ngay tại đây và bây giờ. Huống hồ là chúng ta chí thiết thành khẩn “niệm” tinh chuyên miên mật không gián đoạn, thì kết quả sẽ được y như nguyện.

Theo sự hiểu biết của chúng tôi cầu con trai là cầu được trí tuệ rộng lớn, vì con trai tượng trưng cho lý trí mà muốn có trí tuệ thì phải tu tập thiền định, chứ không thể nào cầu nguyện van xin suông mà được. Đạo Phật là nền tảng của nhân quả, muốn được quả tốt thì phải gieo nhân tốt, nếu chúng ta không thành tâm khẩn thiết thì làm sau có cảm ứng giao thoa. Cầu con gái là cầu được phước đức, mà phụ nữ tượng trưng cho tình cảm dạt dào, muốn giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau bất hạnh nghèo đói, thiếu thốn khó khăn, Bồ-tát phải có nhiều tiền của, nhờ vậy mới đủ sức chia sẻ nỗi khổ niềm đau cho tất cả mọi người. Khi giúp chúng sinh mà không có trí tuệ rộng lớn thì còn thấy mình là kẻ ban ơn, người là kẻ thọ ơn và vật để thọ thí. Nếu thấy như vậy thì sinh phiền muộn khổ đau, chấp trước dính mắc và dễ dàng thối Bồ đề tâm. Do đó Bồ-tát muốn vào đời để độ sinh thì phải Quán Tự Tại mới được.

Quán Thế Âm có nghĩa là quán sát xem xét lắng nghe tiếng khổ của tha nhân để tùy duyên cứu độ. Ngài luôn quán chiếu cuộc đời lắng nghe âm thanh theo nguyên lý duyên khởi, vô ngã, vị tha, nhờ vậy biết cách giúp chúng ta vượt qua sợ hãi, thoát khỏi sự ràng buộc của khổ đau.

Trì danh Quán Âm

Người tu niệm danh hiệu Bồ-tát thì phải có tín, hạnh, nguyện. Tín có nghĩa là tin thần lực nhiệm mầu của Bồ-tát Quán Thế Âm, có đủ khả năng giúp chúng sinh tai qua nạn khỏi, đạt được kết quả như ý muốn. Nhưng tại sao có người nhờ niệm Quán Âm mà vượt qua hoạn nạn tai ương, cũng có người khi niệm chẳng thấy linh ứng và hiệu nghiệm tại sao? Người phát tâm trì niệm danh hiệu Bồ-tát điều đầu tiên, phải có lòng chân thành khẩn thiết và tinh chuyên ròng rặc miên mật. Ai đặt hết niềm tin tưởng và thành khẩn cầu sự cứu độ của Bồ-tát Quán Thế Âm thì được cảm ứng không thể nghĩ bàn “có cầu tất ứng”.

Hạnh có nghĩa là thực hành niệm danh hiệu Bồ-tát một cách tinh chuyên, ròng rặc, miên mật, thường xuyên mỗi ngày không lơ là giải đãi. Chúng ta chí tâm chí thành niệm danh hiệu Bồ-tát trong mọi hoàn cảnh, trong bốn oai nghi, đi đứng nằm ngồi mà không bị ngoại cảnh chi phối làm thất niệm. Cuộc sống thế gian vốn nhiều đau khổ bất an, tham lam, thù hận đố kỵ, tranh chấp xung đột, sợ hãi và sẵn sàng triệt tiêu lẫn nhau vì quyền lợi. Nếu chúng ta không thường xuyên cung kính niệm Bồ-tát, chờ đến khi gặp hoạn nạn mới khẩn cầu thì e rằng sẽ không có kết quả như nguyện. Vì lúc này tinh thần không sáng suốt khủng hoảng, sợ hãi, mất bình tỉnh, thì làm sao cầu sự gia hộ của Bồ-tát có hiệu quả được.

Nguyện ở đây có nghĩa là chí nguyện độ sinh, cứu vớt chúng sinh tai qua nạn khỏi, vượt thoát khổ đau và luôn đem niềm vui đến với tất cả muôn loài. Bồ-tát sau khi thành tựu đạo quả, nguyện dấn thân đi vào đời để lợi ích chúng sinh, cùng đồng hành, làm việc, đóng góp, cùng gánh vác, sẻ chia, chia vui và sớt khổ với tất cả chúng sinh. Chúng ta phải thường xuyên quán chiếu thế gian lúc nào cũng đầy dẫy khổ đau bất hạnh, như đang sống trong nhà lửa, chịu sự nóng bức của phiền não trong từng phút giây.

Tu và học theo hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm như nhịp cầu nối kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống, luôn giúp mọi người sống gần gũi gắn bó với nhau, thương yêu và hiểu biết, dấn thân và phục vụ, bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ, sẻ chia và giúp đỡ, nhưng không thấy ai là người thù, chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi. Bồ-tát nghìn tay là tượng trưng cho sự dấn thân làm việc không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán vì lợi ích chúng sinh. Con mắt trong mỗi bàn tay tượng trưng cho trí tuệ thấy biết đúng như thật, nhờ vậy Bồ-tát hiểu biết và thương yêu, giúp đỡ chúng sinh một cách bình đẳng, không phân biệt người thân hay kẻ thù.

Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay số 14

Các tin đã đăng:
Về đầu trang