Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Thuyết Linh
21/12/2011 08:44 (GMT+7)


Thuyết Linh là thuyết pháp cho các chư hương linh hướng về Phật pháp mau quy y Tam Bảo để sớm được thoát ra khỏi địa ngục được sanh về nước Cực Lạc.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

NAM MÔ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT

NAM MÔ LIÊN TRÌ HẢI HỘI PHẬT BỒ TÁT MA HA TÁT.


Đã mấy chục năm trôi qua, sinh ra làm người giữa cuộc đời này, cho đến hôm nay, hương linh đã chính thức kết thúc cuộc đời con người, đã chấm dứt cuộc sống và chỉ còn vỏn vẹn đêm nay, hương linh lưu lại dưới mái ấm gia đình để rồi mai nay, tất cả nội ngoại con cháu xa gần sẽ chính thức đưa hương linh về nơi an nghỉ cuối cùng trên miền đất của dương thế, một phút chia tay ngìn thu vĩnh biệt. Trước giờ phút âm dương hai ngã, trong cảnh kẻ ở người đi, đất khuất đây còn, có lẽ giờ này hương linh không làm sao tránh khỏi nỗi niềm bàng hoàng xót xa, khi nghĩ đến giờ phút ra đi mà không bao giờ trở lại, đó là tâm lý thường tình của chúng ta và đó cũng chính là một nỗi khổ lớn nhất mà tất cả chúng ta đã khi sinh ra giữa cuộc đời này nào ai tránh khỏi. Trong giờ phút nghiêm tịnh của đại lễ kỳ siêu, đối trước ánh từ quang của chư Phật, tôi mong hương linh hướng lòng theo Tam Bảo để đón nhận những lời dạy cao thâm của Phật tổ trên con đường giải thoát của hương linh.

Thưa hương linh Phật tử, ngày xưa đức Phật thị hiện giữa cuộc đời cũng với một tình thương khi nghĩ đến muôn loài chúng sanh còn quằn quại trong biển khổ thương đau. Cho nên, dù Ngài sinh ra và lớn lên giữa cảnh giàu sang phú quý, dấn mình giữa ngai vàng điện ngọc hưởng trọn tất cả niềm vui trong cảnh vợ đẹp con thơ; thế nhưng, vì ánh sáng trí tuệ, Ngài đã nhận rõ cuộc đời giả tạm, thân mạng vô thường, nhơn sinh là thống khổ. Do đó, cho nên, Ngài dứt khoát ra đi, lánh xa cuộc sống vị kỷ riêng tư, và để lại sau lưng một chuỗi ngày vàng đêm ngọc. Rồi từ đó tấm thân vương giả vùi mình vào cỏ cây muôn gió ngàn phương, dấn mình vào cát bụi tung trời, trên con đường tầm nghiên chơn lý, để cứu độ muôn loài chúng sanh. Ngài đã rời khỏi cuộc sống địa vị phàm phu, tục tử và Ngài đã bước lên ngôi vị của bậc hoàn toàn giác ngộ. Ánh đạo vàng của Ngài đã xuất hiện giữa ba ngàn thế giới, kể từ đó đến nay, suốt chiều dài lịch sử đã gần ba ngàn năm, pháp âm vi diệu của Ngài vẫn còn lan truyền khắp mãi. Chúng ta là những người con Phật, được thiện duyên làm người đệ tử của một đấng giác ngộ, hằng ngày chúng ta thường nghe Phật dạy: “Phàm hữu sở tướng, giai thị hư vọng”, nghĩa là cái gì có hình tướng, cái đó đều giả dối hư vọng vô thường.

Nhìn xa xa, những dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp, người không hiểu thì cho rằng dãy Trường Sơn ấy có bao giờ thay đổi, nào ngờ đâu mưa núi gió ngàn, dãy Trường Sơn kia cũng phải thay hình đổi dạng.

Nhìn ra biển cả bát ngát mênh mông, thuỷ triều vẫn có lúc xuống khi lên, dòng sông kia nước vẫn có lúc trong lúc đục. Quả đất chúng ta đang sống cũng có chỗ này lở chỗ kia bồi, mà cỏ cây hoa lá vẫn nằm giữa lẽ đổi thay của mùa xuân hạ thu đông:

“Xuân đáo bách hoa khai

Xuân khứ bách hoa lạc,

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai”

Nghĩa là: Xuân đến trăm hoa cười, xuân đi trăm hoa rụng. Trước cuộc đời việc cứ đi mãi, nhìn trên đầu tóc đã bạc rồi. Mùa xuân trần giới có đến có đi, đoá hoa giả nhân thế có nở có tàn, thì cuộc đời con người cũng tàn úa theo lớp bụi trần gian.

Hương linh cứ bình tâm xét kỹ, tất cả chúng ta đây, ai ai cũng mở mắt chào đời bằng tiếng khóc thế rồi tuần tự người trước kẻ sau, tất cả đều chấm dứt cuộc sống bằng một sự yên lặng nhắm mắt ra đi. Tất cả mọi người trên đời này, khi mới sinh ra đều nằm trên chiếc nôi nghe những tiếng hát, tiếng ru êm đềm của cha mẹ. Thế rồi tất cả chúng ta, ai nấy cũng đều nằm dưới lòng đất lạnh và khuất sau nấm mồ. Giữa chặng thời gian ấy, cuộc đời con người kéo dài nhiều lắm là trăm năm. Thế nhưng mấy ai đạt được số trăm năm ấy. Thế mà trên chặng đường ấy niềm vui thì ít cảnh khổ thì nhiều, tiếng cười chưa dứt tiếng khóc đã đến, cảnh đoàn tụ mới ngày nào đây mà giờ phút phân ly đã đến rồi. Những năm làm thân tứ đại, đến giờ phút này theo lẽ vô thường, thân tứ đại hương linh không còn nữa, hương linh thấy lời Phật dạy là một sự thật mà trên thế gian này không ai chối cải được. Thân này có sanh rồi phải diệt, giữa cuộc đời có hiệp rồi phải tan, có ai ngăn lại được đóa hoa sắp tàn, ai cản được một mùa xuân sau 90 ngày đêm, và ai giữ lại được cho mình mảnh trăng tròn cuối tháng; vì hoa nở để tàn, trăng tròn để khuyết, hoa tàn trăng khuyết nước chảy mây trôi là lẽ vô thường xưa nay không dành riêng cho ai cả. Khi hương linh không còn quyến luyến cảnh đời mà cũng đừng đem tâm tiếc nuối thân mạng vô thường, điều quan trọng là hướng về đức Phật, gạn lọc lòng mình thành tâm sám hối cho bao nhiêu tội chướng phiền não được tiêu trừ, tâm thức được thanh tịnh thì con đường giải thoát mới thành tựu viên mãn. Trong kinh đức Phật dạy: “Hà nhơn vô tội, hà giả vô khiên”, nghĩa là: đã làm người sống giữa cuộc đời này, ai mà không có tội, ai chẳng tránh khỏi lỗi lầm. Thế nhưng, người Phật tử có tội, có lỗi lúc nào cũng thành tâm sám hối, đó là một điều được đức Phật luôn ca ngợi và tán thán.

Trong kinh đã dạy: “Trên thế gian này có hai loại người anh dũng nhất. Hạng người anh dũng thứ nhứt là hạng người trọn đời không gây ra lỗi lầm, hạng người anh dũng thứ hai là hạng người biết mình có lỗi lầm, biết kiểm điểm ăn năng sám hối”. Chúng ta, hương linh và tất cả mọi người có lẽ không ai làm được hạng người anh dũng thứ nhất, nghĩa là trọn đời mình không hề gây tội. Thế nhưng dẫu sao đi nữa, chúng ta cũng dự được vào hạng người anh dũng thứ hai, nghĩa là xa xưa có những lỗi lầm nhưng đời hôm nay gặp được Tam Bảo, được nghe chánh pháp để tu trì, sửa đổi. Vì thế hàng ngày người Phật tử phải biết vâng theo lời Phật dạy: “Bỏ các việc ác, làm các việc lành, xa lánh đường tà, quay về nẻo chánh, bỏ các việc xấu xa, phát huy các việc tốt đẹp, xa lánh con đường mê mờ tối tăm để quay về bến giác ngộ”. Khi người Phật tử có một nhận định rõ ràng sáng suốt như thế, chính là người Phật tử lúc nào cũng biết tự kiểm điểm lấy mình. Ta sáng suốt kiểm điểm việc làm do thân, lời nói do miệng và ý nghĩ có từ trong tâm tư, trong cõi lòng của mình; sáng suốt nhận định, kiểm điểm ăn năng sám hối, để rồi trên đường đời của chúng ta, ta chọn một con đường đi chơn chánh hướng thượng và hướng thiện, hướng về sự sáng suốt, hướng về sự cao thượng, hướng về sự tốt đẹp, một chân trời giác ngộ an vui. Tôi tin tưởng rằng, hương linh Phật tử khi còn sống có nhơn duyên gặp Tam Bảo, thọ trì Ngũ giới với Pháp danh là…… nay trong giây phút cuối cuộc đời của hương linh, hương linh gặp được chư Tăng, gặp được Đạo hữu gần xa đồng tâm cầu nguyện, nhờ vào thiện duyên ấy, tôi tin tưởng rằng hương linh giờ phút này đã được thanh tịnh, đám mây phiền não đã cuốn sạch, dáng dấp vô minh không còn, tâm trí được khai thông, chính là lúc hương linh nhẹ nhàng bước lên con đường an vui. Từ nơi miền Ta Bà của cảnh luân hồi sanh tử, hương linh đang từ từ rời khỏi miền đất khách, hướng về cảnh giới Tịnh độ của Phật. Con đường đi xa thật là xa, thế nhưng đây kia đức Phật đang ứng hiện tiếp độ hương linh. Nay hương linh đã đem lòng giao cảm hướng về đức Phật để đồng tâm niệm Nam mô A Di Đà Phật.

Phật thương chúng sanh chẳng khác gì cha mẹ thương con. Cha mẹ thương con lúc nào cũng ngồi tựa cửa chờ con trở về. Đức Phật vì thương chúng sanh, cho nên lúc nào Ngài cũng sẵn sàng ứng hiện tiếp độ chúng sanh. Nay hương linh là con Phật, hãy đem lòng nhớ Phật, phát tâm niệm Phật để cầu sanh về cảnh giới của Ngài thì lẽ cảm ứng đạo sẽ có kết quả. Tin tưởng vào tình thương tiếp độ, nương theo pháp môn niệm Phật để cầu vãng sanh, thì tôi hy vọng hương linh từ nay đến 49 ngày, trong thời gian trung ấm, luôn luôn giữ chánh niệm sáng suốt, đem tâm nhớ Phật, niệm Phật thì nhất định sẽ giải thoát an lạc. Trong giờ phút cuối cùng tiễn biệt hương linh, thay mặt chư Tăng và đạo tràng cầu nguyện, tôi nhất tâm cầu xin chư Phật, chư Đại Bồ Tát phóng hào quang tiếp độ hương linh Phật tử sớm được siêu sanh về cảnh giới an lạc.

Cùng toàn thể bà con tang quyến, đã mấy ngày đêm trôi qua, với niềm báo đáp ân sinh thành dưỡng dục đối với người cha (mẹ) thân yêu, với tất cả tình cảm sâu sắc, giữa chốn bà con ruột thịt, trong giờ phút người đã ra đi, đây còn ở lại. Hôm nay, đêm cuối cùng các vị vân tập trang nghiêm trước ngôi Tam Bảo thành tâm cầu nguyện giải thoát cho hương linh. Các vị lại đang kính cẩn hầu bên di ảnh và bát hương của người thân thương quý mến, để tưởng nhớ ơn sinh thành dưỡng dục, trong giờ phút này trước mặt các vị đã chứng kiến cảnh chia tay, lòng các vị bồi hồi thương nhớ, nghĩ đến ngày mai linh cữu sẽ chính thức rời khỏi gia đình và vang vọng đó đây bên tai các vị còn nhớ người xưa nói:

Công cha nghĩa mẹ cao vời

Nhọc nhằng chẳng quản suốt đời vì ta

Nên làm con phải xót xa

Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.

Đội ơn chín chữ cù lao

Sinh thành kể mấy non cao cho vừa.

Cha mẹ là nguồn suối tình thương lai láng, trái tim cha mẹ là tình âu yếm, là nét dịu hiền, là gương hy sinh cao cả. Các bậc làm cha làm mẹ mỏi mòn sinh con, tận tuỵ lao lung dãi dầu sương nắng. Lo cho con từ khi mới lọt lòng cho tới ngày khôn lớn, cha mẹ mình buôn tảo bán tần thức khuya dậy sớm, không nề gian nan chẳng từ khổ nhọc để lo cho con từng miếng cơm, từng manh áo rồi lo cho con có chỗ học hành, lo cho con đức rộng tài cao, kế đến lo việc định vợ gã chồng cho con, mong sao con mình có tương lai hạnh phúc giữa cuộc đời để nở mặt rạng mày với thiên hạ. Cũng vì lận đận theo con như thế, mà trên má người thân đã sớm nhăn nheo, tâm trí người thân sớm bị héo mòn. Thế rồi, đến ngày con khôn lớn thì cha mẹ bước dần với xế bóng của cuộc đời. Cho đến khi nhìn cảnh sắc của con cháu được đoàn viên, thì than ôi! bao nhiêu tình sự sống đã dành hết cho con để đành phải vĩnh biệt nhắm mắt ra đi biến thành người thiên cổ. Thôi thế là hết, mưa sa cây ngả, gió thổi mây trôi, hình bóng cha (mẹ) già không còn nữa, tiếng cha đã chấm dứt, cảnh nhà trống vắng, trăng soi lặng lẽ, ruột héo gan đau. Kể từ nay và mãi mãi về sau, hiên trước nhà sau còn đâu bong hình hài của người cha (mẹ) kính mến, nhà trên cửa dưới kể từ nay đã im bặc tiếng nói của người thân phụ (từ mẫu), hình bóng ấy đã xa đi và xa đi mãi mãi.

Trên con đường tiếp tục làm cha làm mẹ, có nhiều lúc các vị đã thấm thía tình thương của cha mẹ đối với con cái. Có những đêm trường cha mẹ thức trắng mắt khi con mình tai biến ốm đau; rồi có những buổi chiều hoàng hôn rủ xuống, cha mình ngồi tựa cửa trông con nhìn trời, nhớ con mà ruột héo gan sầu. Cũng vì con mà cha mẹ chẳng có ngày đêm sáng tối, chẳng nề sớm khuya mưa gió, không ngại gieo neo, chẳng quản thân nghèo, không sợ mái đầu buồn phiền nhuộm bạc. Ngoài những tiếng hát ru êm đềm man mát, cha mẹ còn luôn luôn dạy bảo dặn dò, mong sao cho con cháu có một con đường đi chân chính giữa cuộc đời để xây dựng hạnh phúc cho mai hậu. Từng nỗi khổ này chồng chất lên trên những nỗi khổ khác, thế mà suốt cuộc đời cha mẹ không một tiếng thở than. Nhìn đến mái tóc, làn da, gân cốt, xương tuỷ, linh hồn của ta đây, tất cả đều nhờ cha mẹ mà có. Vì thế, nếu ai khi còn nhỏ giữa bàn tay che chở của cha mẹ, từng giọt nước mắt của cha mẹ mình đã đổ trên gò má vì thương con; rồi từng hơi thở của cha mẹ trút hết cho con khi nghĩ đến tương lai hạnh phúc của đời con mình. Rồi đến ngày ta khôn lớn có sự nghiệp giữa cuộc đời, ta nhìn cha mẹ với cặp mắt xa lạ, ta xem cha mẹ như những khách lạ qua đường. Hạng người như vậy là hạng người bội nghĩa vong ân, đã chà đạp lên một tình thương và sự hy sinh to lớn nhất, hạng người như thế đã đi sai đường lạc lối để rồi trở thành bất hiếu bất nhân. Ôn lại quá khứ, nhìn đến hiện tại, chúng ta thấy đúng như câu:

“Cha mẹ thương con thương cả cuộc đời”

Tình thương và sự hy sinh cao cả của cha mẹ, đúng như tổ tiên ta thường ví với thiên nhiên, sông núi để nói lên ơn cha nghĩa mẹ sinh thành:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Tình thương ấy, sự hy sinh ấy, ngôn ngữ trên cuộc đời này làm sao nói cho hết được, sách vở trên thế gian này làm sao tả cho cùng. Là người đệ tử của đức Phật, chúng ta đã hấp thụ nguồn sóng giáo lý vô thượng mà trên con đường hoằng truyền chánh pháp, đức Phật luôn lấy đạo hiếu làm đầu. Ngài thường khuyến khích hàng Phật tử phải chu toàn hiếu đạo đối với cha mẹ. Khi ngồi dưới cây Bồ-đề, trong giờ phút kiết giới Bồ-tát, đức Phật đã mở đầu bởi một lời dạy bảo thân thiết: “Hiếu thuận phụ mẫu, hiếu danh vi giới”. Nghĩa là ai biết ăn ở có hiếu với cha mẹ, người đó giữ giới của Phật. Trong Quy nguyên trực chỉ có dạy: “Hiếu tâm tức thị Phật tâm, Hiếu hạnh vô phi Phật hạnh, Nhược dục đắc đồng đạo chư Phật, Tiên tu hiếu hạnh song thân”. Nghĩa là: Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật, muốn bước lên địa vị giải thoát giác ngộ, trước hết phải làm cho tròn bổn phận con cháu trong gia đình. Muốn xây toà nhà cao, trước hết phải xây móng cho vững. Cũng như thế, chúng ta muốn hoàn thành nhân cách làm người, từ môi trường này đến địa hạt nọ, trước hết chúng ta phải hoàn thành nhân cách làm con làm cháu trong gia đình cho tốt.

Vì thấy rõ công ơn cha mẹ to lớn như thế, cho nên trong kinh Tăng Chi đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, trên đời này có hai hạng người mà dù sống đến trọn đời, ta cũng không đền đáp hết công ơn, đó là cha và mẹ ta. Dầu vai trái cõng cha, vai mặt mang mẹ, gặp lúc đói khát cắt da đến xương, nghiền xương đến tuỷ, máu đổ thịt rơi, trăm kiếp nghìn đời cũng không thể nào đền đáp hết công ơn của cha mẹ”. Lời dạy của đức Phật là một lời cảnh tỉnh lớn như tiếng chuông chùa ngân vang trong đêm vắng, cảnh tỉnh những ai còn quên cha quên mẹ, còn báng bổ thâm tình, thì hãy mau mau nghĩ đến ơn cha nghĩa mẹ để lo phần đền ơn đáp nghĩa, kẻo một ngày mai, âm dương xa cách, sanh tử đôi đường, cha mẹ mình khuất núi xa xăm, khi đó có ăn năn hối cải cũng không còn kịp nữa. Công cha nghĩa mẹ to lớn như vậy cho nên đức Phật dạy: “Dẫu ta đốn cây rừng làm viết, lấy nước ngoài biển làm mực, để mà ghi chép công ơn của cha mẹ thì không bao giờ cùng”. Thật là cao cả quý báu, một đấng giác ngộ, vị thầy khả kính của chúng ta đã luôn luôn thấy cha mẹ là cao cả thiêng liêng như thế mà suốt đời tầm sư học đạo, niềm thuơng cha kính mẹ lúc nào cũng canh cánh trong lòng đức Phật. Khi Ngài viên thành đạo qủa, Ngài đã tìm đến thành Ca-tỳ-la-vệ thuyết pháp cho vua cha, ngày vua cha lâm bệnh đích thân Ngài săn sóc bên giường lo lắng thuốc men, ngày vua cha lâm chung đích thân đức Phật đã lo phần tẩm liệm. Giờ phút đưa limh cữu, Ngài đã nghiêng vai gánh một góc quan tài đưa đến tận núi Linh Thứu để lo phần hoả táng, và khi hoả táng xong đức Phật xới trong đống tro tàn để tìm từng đốt xương của cha, đựng vào trong hủ cung nghing phụng thờ. Riêng đối với mẹ Ngài, sau khi sinh Ngài được bảy ngày thì mẹ Ngài qua đời thác sanh lên cung trời Đao Lợi. Đức Phật đã tìm về cùng trời để thuyết pháp báo hiếu cho mẹ. Tại cung trời Đao Lợi, đức Phật đã thuyết giảng ra bộ kinh Địa Tạng, mở đầu kinh có câu: “Như thị ngã văn nhất thời Phật tại Đạo Lợi thiên vị Mẫu thuyết pháp”. Nghĩa là: Tôi nghe như thế này, một thời Phật tại cung trời Đao Lợi vì thân Mẫu mà thuyết pháp. Vì báo hiếu cho mẹ mà đức Phật thuyết pháp ra bộ kinh Địa Tạng. Đối với đức Phật, việc hiếu đạo cao cả như thế. Còn đối với các hàng đệ tử của đức Phật, như Ngài Mục Liên Tôn giả, sau khi chứng được thần thông Ngài đã tìm mẹ, cứu mẹ ra khỏi cảnh khổ ngạ quỷ đói khát lầm than. Bao nhiêu hình ảnh của chư Phật, Bồ-tát, bao nhiêu lời dạy của các Ngài bàn bạc trong các kinh sách, chúng ta đọc lại, nhớ lại để khắc cốt ghi tâm, nguyện làm con thảo phụng hành theo tinh thần đạo Phật để báo hiếu ân sanh thành dưỡng dục của cha mẹ theo hai khía cạnh cơ bản, đó là vật chất và tinh thần. Người Phật tử phải cố gắng chu toàn bổn phận làm con của mình. Về vật chất, khi cha mẹ còn sống, tuỳ vào khả năng hoàn cảnh của người con mà phụng dưỡng thức ăn, vật mặt, chạy thầy lo thuốc khi cha mẹ ốm đau, sớm tối viếng thăm, quạt nồng ấp lạnh. Về tinh thần, trong kinh Trường A-hàm, đức Phật dạy: “Làm con phải nghe lời cha mẹ dạy bảo, trước khi làm gì trình bày cho cha mẹ rõ ràng, khuyến khích cha mẹ quy y Tam Bảo, tạo điều kiện cho cha mẹ hướng về cuộc sống đạo đức thuần lương”. Trong gia đình là một xã hội nhỏ, ta biết làm con hiếu cháu hiền, biết làm người vợ người chồng trọn đời chung thuỷ, biết làm người cha người mẹ hy sinh cho con, biết làm người anh người chị người em hoà thuận với bà con quyến thuộc. Ra ngoài xã hội, đạo Phật cho đó là một gia đình mở rộng, chúng ta phải ăn ở tốt đẹp với mọi người, sống biết mình biết người, biết đem tình thương mà chan hoà giữa cuộc sống, biết đem công sức và năng lực trí huệ của mình đóng góp sự phúc lợi cho mọi người, có như vậy cha mẹ vô cùng hoan hỷ. Ngày cha mẹ đã khuất, làm con cháu phải biết phụng sự ông bà cha mẹ, lo phần phụng sự Tam Bảo, phụng sự tổ tiên trong ý nghĩa ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn. Khi cử hành tang lễ cũng như những ngày huy nhật, người Phật tử phải tuyệt đối tránh việc sát sanh, hại vật cúng tế mà phải lo phần trai giới, phóng sanh, bố thí giúp đỡ người nghèo tạo việc phước đức; ăn chay làm lành, tụng kinh niệm phật để hồi hướng công đức ấy mà cầu nguyện cho người quá cố được nhẹ bước về cảnh giới an lạc.

Hôm nay, dưới mái gia đình đượm thắm hiếu tình của các vị, khoảnh khắc ấy sẽ biến thành thiên thu. Tôi nhận thấy các vị trong tang quyến đã thực hành đúng đắn theo tinh thần đạo Phật, đó là một việc làm rất hợp tình hợp lý với đạo làm người, lại đúng như Chánh pháp. Tôi thay mặt chư Tăng có lời tán thán công đức đạo tâm đạo niệm của các vị hướng về đức Phật, hiếu tâm hiếu tình của các vị hướng về quá cố hương linh. Tôi nhất tâm cầu nguyện chư Phật gia hộ cho tất cả quý vị trong tang quyến, bà con nội ngoại xa gần thân tâm an lạc, phúc trí trang nghiêm, gia đình hưng thịnh, bà con quyên thuộc luôn luôn được sống an lành dưới ánh hào quang từ bi của Phật tổ.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

TK Thích Khế Chơn

http://nguoiphattu.com/news/thuyet-linh.d-1219.aspx

Các tin đã đăng:
Về đầu trang