Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
KIỂM SOÁT SỰ TỨC GIẬN
Giác Hạnh Phương
29/12/2012 16:49 (GMT+7)


những rủi ro khách quan xảy ra ngoài dự kiến, hoặc nhờ một bạn giúp đỡ mà bị từ chối v.v… nói chung có hàng trăm ngàn tình huống xảy ra làm cho chúng ta “không vừa lòng, không thuận ý, không như sự mong đợi…. tâm lý phản ứng thông thường của con người rất dễ phát sinh sự bực dọc tức giận là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Hầu hết trong số chúng ta thường thể hiện sự tức giận thô tháo ở các mức độ khác nhau như la hét, đập vỡ đồ vật, ném, đánh đá đồ vật, nói lời ác ngữ, cấp độ cao nhất của sự tức giận là sự giết hại, và một số người khác trong trường hợp người ta không thể hiện ra bên ngoài được nhưng trong tâm rất bực tức thì cấp độ biểu hiện sự tức giận vi tế hơn như là sự nóng nảy, cáu gắt, bực dọc, khó chịu, càm ràm, phiền muộn, không hợp tác, sợ hãi, lo lắng, trầm cảm, bất mãn, tiếc nuối, thiếu khoan dung…Khi cơn giận lên đến đỉnh điểm là sự chỉ trích, nói xấu, vu khống làm mất nhân phẩm với đối tượng mà mình đang có vấn đề v.v…Hoặc khi cơn giận được ôm ấp, đè nén, để bụng, chứa đựng bên trong cảm xúc sôi sục được thể hiện bằng những câu nói như “Tôi sẽ không quên dễ dàng nếu ai đó bất công với tôi” hoặc thể hiện bằng thái độ, hành vi cử chỉ như “tránh né người mà tôi không thích” hoặc “Tôi không thèm nói chuyện với họ”.v.v… tất cả những cảm xúc này đều xem là phản ứng tiêu cực đưa đến sự hủy hoại, tổn thương bản thân và mọi người xung quanh.

Mặc khác có những cơn giận mang tính tích cực hơn, có sự chuyển hóa bản thân, nuôi chí nguyện lớn, làm nên lịch sử như trường hợp cơn giận của Trần Quốc Toản. Theo sử liệu ghi lại, khi quân Mông Cổ sang xâm lăng Đại Việt lần thứ ba, vua Trần Nhân Tông triệu tập hội nghị quần thần tại bến Bình Than bàn kế đánh giặc. Trần Quốc Toản lúc đó mới mười lăm tuổi, xin vào họp, các vương không cho. Vua ban cho một quả cam và bảo về học thêm kiếm cung. Vì tuổi còn thiếu niên không được mời vào dự hội nghị chống giặc nên giận quá bóp nát quả cam, về nhà tụ tập thiếu niên luyện võ thêu cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân”. Sau đó ra trận và lập nhiều chiến công.

Cho dù cơn giận có tính tích cực đi chăng nữa nhưng nó vẫn phục vụ cho “cái tôi” ảo giác trương phồng nhiều hơn. Trong Phật giáo, chúng ta thường thấy hình ảnh gần gũi nhất là các vị Thiền sư đã làm chủ được cảm xúc của cơn giận, mặc dù tình huống xảy ra cũng “không vừa lòng, đẹp ý” như thế mà các ngài vẫn không hề có thái độ phản ứng sự giận dữ, họ vẫn giữ được thái độ trầm tĩnh, bình an, an nhiên tự tại.

Một hình ảnh làm chủ cơn giận hoàn hảo nhất đó là các vị A la hán, đức Phật Thích Ca mà trong kinh điển đã ghi lại để làm tấm gương soi sáng cho chúng ta ngàn đời.

Nói chung trong cùng một tình huống, sự kiện có rất nhiều hình thức phản ứng biểu hiện của cơn giận khác nhau, cũng có người không biểu hiện sự giận dữ nào cả tùy thuộc vào cách suy nghĩ, cá tính (nghiệp, thói quen) và nhận thức tri kiến của mỗi người khác nhau.

A. HẬU QUẢ CỦA SỰ TỨC GIẬN

Trước hết, chúng ta biết rằng theo y học về mặt sinh lý sự giận dữ dù ở cấp độ thô hay vi tế đều gây ảnh hưởng tác động tiêu cực về thể chất như: Đầu nóng lên, căng cơ máu không lưu thông sẽ gây bệnh nhức đầu, bệnh tim mạch, máu dồn lên não, đột quỵ, giảm trí nhớ, nếu ôm ấp cơn giận lâu ngày dễ gây bệnh loét dạ dày, ung thư v.v…ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe. Thứ hai, tác động tiêu cực về cảm xúc như mất bình tĩnh, thiếu khoan dung, cáu gắt.v.v…Thứ ba, về mặt tâm lý hành động của sự tức giận có ảnh hưởng đến người khác tạo cảm giác, bầu không khí nặng nề đối với mọi người xung quanh, đánh mất nhân tâm, mất lòng người khác,…chính điều này đi vào trong tiềm thức gợi lại ký ức sâu sắc ấn tượng không tốt cho mọi người.

Nói chung cơn giận dữ nào cũng đều đưa đến sự tổn thương tâm – sinh lý cho bản thân mình và mọi người xung quanh. Ngoài ra mỗi phút sân hận làm bạn mất đi 60 giây hạnh phúc. Trong lúc giận dữ không còn nhận biết phân biệt đúng, sai cho nên để lại hậu quả khó lường, sân hận nếu không kiềm chế được nữa, không chuyển hóa sẽ trở thành hiềm hận, sự trả thù và giết hại để thỏa mãn “cái tôi” ảo giác nó lừa bịp chúng ta mà thôi.

B. DIỄN BIẾN SỰ TỨC GIẬN

Chúng ta muốn kiểm soát được cảm xúc của cơn giận. Trước hết cần hiểu rõ diễn biến của cơn giận. Cuộc sống con người luôn luôn có những “sự kiện,” tình huống xảy ra theo hai khuynh hướng “vừa lòng thuận ý” thì phát sinh tâm lý tham đắm, luyến ái, dính mắc không muốn rời xa, ngược lại khi tình huống “không hài lòng, thuận ý” thì phát sinh tâm chán ghét, chối bỏ, phản ứng không chấp nhận đúng không?

Tiếp theo, khi sự kiện xảy đến chúng ta ứng xử theo hướng nhận thức, đánh giá sai sự kiện gốc, chúng ta có những nhìn nhận mang tính chủ quan đối với sự kiện gốc. Bởi vì đôi khi nhận thức của chúng ta bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có thể xuất phát từ quá khứ trong ký ức của mình. Chúng ta lưu lại hình ảnh nào đó bên trong ký ức giống như tạo ra bộ phim về người ấy chỉ qua vài lần bạn gặp gỡ. Khi chúng ta gặp người ấy, mà trước đây người ấy đã làm một điều gì khiến chúng ta tạo nên hình ảnh méo mó và sau này khi gặp lại người đó (mặc dù hiện tại họ đã thay đổi), nhưng trong ký ức chúng ta vẫn tồn tại hình ảnh trước kia của họ.

Chính vì nhận thức như thế mà chúng ta tạo ra những hình ảnh bóp méo về người kia. Chính bạn tạo ra hình ảnh người đó theo nhận thức của bạn, cứ như vậy trong tâm trí của bạn, hình ảnh của họ được mặc định đúng như vậy. Lúc này trong tiềm thức của bạn cứ nghĩ rằng: Phải như thế này, phải như thế kia, trong khi đó người kia lại không đáp ứng đúng hình ảnh bạn tạo ra, thì lúc đó bạn trở nên bực tức.

Như vậy chính bạn tạo ra hình ảnh người nào đó trong đầu của bạn theo cách bạn  muốn, mà bạn không nhìn nhận “sự kiện gốc” (một người nào đó chẳng hạn) đúng với bản chất thật như nó đang là, do đó bạn nhận thức sai về hiện thực. Khi nhận thức sai với hiện thực hệ quả tất yếu kéo theo là chúng ta thường đưa thêm vào đó những lời nói tiêu cực, “suy nghĩ bóp méo sự kiện gốc” đang diễn ra.

Ví dụ: Đã có lần chúng ta đã từng nói hay tâm sự với một người bạn nào đó với những câu nói như “lần trước họ làm như thế với mình,” hay “tại sao điều ấy xảy ra với tôi cơ chứ,” hay suy nghĩ “hôm nay, mình phải lên chánh điện tụng kinh, nếu không người ta sẽ nói mình làm biếng”.v.v…

Bạn đừng đánh giá thấp những lời nói đó khi nó xuất hiện trong tâm bạn. Bởi vì, tất cả những lời nói ấy đều bị thúc đẩy bởi phiền não vi tế, tất nhiên không đúng hiện thực đang diễn ra. Nếu chúng ta cứ tiếp tục nói những lời nói tiêu cực như thế, có nghĩa là trong lòng chúng ta lặp lại những lời nói tiêu cực, tự tạo ra câu chuyện trong lòng mình như một bộ phim trong tiềm thức. Những lời nói tiêu cực sẽ nuôi dưỡng sự tức giận và làm cho mức độ tức giận tăng lên. Khi sự tức giận tăng, chúng ta bắt đầu “đổ thừa” cho người khác về tình huống của mình, đổ thừa hoàn cảnh, và sau đó cảm xúc tức giận sẽ trào dâng cho đến khi nào không kiểm soát được nữa thì sự tức giận sẽ bùng nổ.

C. THỰC TẬP LÀM CHỦ CƠN GIẬN

Khi còn chúng sinh phàm phu, chưa có sự thực tập và chưa có trí tuệ thì khi một sự kiện bất như ý xảy ra thì lập tức phản xạ tự nhiên là sự giận dữ, đó là hiện tượng tự nhiên. Nhưng chúng ta may mắn có được những vị thầy (các vị thiền sư, các vị A la hán, các đức Phật) đã thực tập làm chủ được cơn giận, sau đó chỉ dạy chúng ta phương pháp từng bước khéo điều phục cơn giận bằng thực tập chánh niệm.

1. Tìm nguyên nhân đi từ “sự kiện” ban đầu. 

a. Thay đổi trạng thái, thay đổi đối tượng đang suy nghĩ tiêu cực thành suy nghĩ tích cực.
b. Dùng trí tuệ từ bỏ những suy nghĩ tiêu cực vì tác hại của nó.
c. Chấp nhận sự thật như nó đang là.
d. Tạo sự bình an nội tâm.

Chúng ta có thể thấy rằng, chúng ta đã bóp méo sự kiện, do sự suy nghĩ của tưởng tri, của ký ức và khiến cho sự việc trở nên tồi tệ hơn lúc ban đầu. Có nghĩa là từ sự kiện gốc, chính bản thân chúng ta đã tạo ra tất cả những sự phức tạp làm cho cơn giận gia tăng, vậy mà sau đó chúng ta lại đổ thừa cho người khác đã làm cho tôi tức giận. Nếu chúng ta bắt đầu giải quyết sự kiện từ cái móc “đổ thừa” chúng ta thấy, đây không phải là giải pháp hay. Vậy, chúng ta hãy trở lại vấn đề bắt đầu từ cái gốc đó là nhận thức về “sự kiện.”

Sở dĩ cơn giận xuất hiện là do thiếu sáng suốt trong nhận thức. Do đó chúng ta chuyển hóa cơn giận bắt đầu từ nhận thức đúng, định hướng lại sự chú ý của mình. Theo Phật giáo đó là nhận thức “chánh kiến” về cơn giận đang xảy ra trong tâm mình, không đồng hóa cơn giận cho rằng cảm xúc cơn giận này là tôi, là của tôi, mà chỉ cần nhận diện ra cơn giận đang có mặt trong ta, biết rõ mình đang có cơn giận xảy ra, biết rõ hành động tức giận, nhưng không để ý đến nó và không làm theo bất cứ sự sai khiến nào trong lúc đang giận, mà chỉ đơn thuần quan sát cảm xúc của cơn giận và quán chiếu “cơn giận chỉ là cơn giận, cảm xúc chỉ là cảm xúc” lúc đó chúng ta đang duy trì chánh niệm, và không tư duy gì cả, lại càng không nuôi dưỡng cơn giận bằng suy nghĩ tiêu cực hay đổ thừa đối tượng bên ngoài. Nếu không, bạn hành xử giống như nhân vật trong bài kinh “Ai là kẻ bắn tên” tức là chúng ta đi tìm tác giả, đối tượng đã làm cho chúng ta tức giận.

Một người bị một mũi tên bắn trúng, mũi tên tẩm thuốc độc rất dày. Bạn bè và bà con huyết thống người ấy vội mời một y sĩ phẫu thuật đến chăm sóc. Người ấy nhất định không chịu, bảo rằng: “Tôi sẽ không rút mũi tên ra một khi tôi chưa biết rõ được ai là kẻ bắn tôi – hắn thuộc dòng dõi hoàng tộc, Bà-la-môn, là kẻ buôn bán hay người làm công?”

Mọi người khuyên nên cấp bách nhổ tên ra kẻo nguy hiểm đến tính mạng. Hắn nói: “Tôi sẽ không rút tên ra khi nào tôi chưa biết được người bắn tôi tên gì, tộc tánh gì; kẻ đó cao hay thấp, da đen, da sẫm hay da màu; hắn ở làng nào, thị trấn, thành phố nào?”. Do bị khuyên tiếp, hắn kiên quyết: “Trừ khi tôi biết rõ cái cung mà tôi bị bắn thuộc loại cung thường hay cung nỏ, dây cung làm bằng dây leo, dây gai hay thứ cây có nhựa; mũi tên mà tôi bị bắn được kết bởi lông gì, được cuốn bởi loại gân nào; mũi tên đó là tên nhọn hay tên móc, thuộc loại tên như đầu sào, như răng bò hay như kẽm gai…; trừ khi biết rõ như thế tôi mới rút tên ra!” Rồi người ấy chết. Chết, nhưng người ấy vẫn không biết được gì. (Kinh Trung Bộ, tập II, Tiểu kinh Màlunkyà - Cula Màlunkyà Sutta. HT.Thích Minh Châu, dịch)

Có lẽ trong một số người đã không hành xử một cách ngu xuẩn như nhân vật trong bài kinh trên. Khi cơn giận xuất hiện cách khôn ngoan nhất “mau mắn rút mũi tên ra một cách an toàn” tức là hãy dừng lại việc suy nghĩ tiêu cực về sự kiện hay đối tượng mà thay vào đó quay vào quán chiếu bản chất cơn giận đang hiện diện trong tâm, vấn đề cần giải quyết là cơn giận đang có mặt trong tâm, và chính bản thân chúng ta giải quyết cơn giận chứ không ai có thể giúp chúng ta hết giận, lại càng không giải quyết được sự kiện hay đối tượng A nào đó ở bên ngoài làm cho chúng ta giận. Như vậy, cơn giận sẽ được xoa dịu, sau đó quan sát nhìn sâu bản chất cơn giận và sáng suốt nhận thức vấn đề một cách khách quan cho đến khi sự tức giận tan biến hoàn toàn.

2. Chuyển đổi trạng thái tức giận

Như trên đã phân tích, mặc dù hoàn cảnh môi trường sống, áp lực công việc, những sự kiện không vừa lòng chỉ là yếu tố kích hoạt để cơn giận sinh khởi đó là hiện tượng phản ứng tâm lý tự nhiên, phản ứng tâm lý giận dữ này diễn ra theo cách thức riêng của chức năng thọ uẩn. Mặc khác, các sự kiện xảy ra bên ngoài cũng là những hiện tượng khách quan. Cho nên không xem “sự kiện” là tác nhân có dụng ý, có ý đồ gây ra cho ta sự tức giận hay nghịch cảnh.

Do đó chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh hay các “sự kiện” vì nó xuất hiện mang tính tự nhiên theo nhân quả khách quan, mà sự kiện xuất hiện theo luật nhân quả khách quan thì không thể nào sai bảo tình huống “không vừa lòng” đừng xảy ra hay sai bảo sự kiện xảy ra theo ý chúng ta mong muốn.

Chẳng hạn, chúng ta không thể sai bảo “thời tiết đừng nóng, đừng lạnh, đừng mưa, đừng có bão tố…hay đường phố đừng kẹt xe, cũng như không thể ngăn cấm người khác chê bai, chỉ trích, nói lời thô ác, nhục mạ đối với chúng ta, v.v…Cho nên vấn đề quan trọng không phải giải quyết “sự kiện” đã xảy ra sao, mà là thái độ nhận thức của chúng ta đối với “sự kiện” đó như thế nào, nếu nhận thức sự kiện như nó đang là ngay trong giây phút hiện tại, gọi là nhận thức có “chánh kiến” lập tức cơn giận sẽ suy yếu và biến mất.

Vì vậy, chuyển đổi trạng thái tức giận của chúng ta là giải pháp lý tưởng nhất, lợi ích nhất, chẳng những không gây ảnh hưởng sức khỏe và không làm mất lòng người khác, mà còn gia tăng hiệu quả công việc.

3. Dùng trí tuệ từ bỏ những suy nghĩ tiêu cực

Nếu có những suy nghĩ tiêu cực đang diễn ra trong đầu ta (tưởng tri, tà tư duy), làm cho trạng thái tâm lo lắng, hồi hộp, sợ hãi, bất an, tức giận, hiềm hận, … Ở đây, cần thay đổi là thái độ phản ứng của chúng ta về “sự kiện” thay vì tư duy tiêu cực (tà tư duy), thì chúng ta tư duy về nhân quả, nghiệp báo (chánh tư duy) và thái độ chấp nhận “sự kiện” như nó đang là (chánh kiến), sẽ giúp chúng ta làm chủ cảm xúc của cơn giận và cơn giận sẽ biến mất.

Thay đổi thái độ nhận thức tưởng tri (saññājānāti), thức tri (vijànàti) của phàm phu trở thành tuệ tri (pajānāti) và liễu tri (àjānāti) là điều mà chúng ta có thể làm được, có thể giải quyết ngay trong giây phút hiện tại, ngay trong giây phút cơn giận vừa sinh khởi trong tâm, để cho những tư duy, suy nghĩ tiêu cực không có cơ hội liên kết với các tâm bất thiện khác xuất hiện trong tâm quá lâu đến nỗi để nó trở thành quả bom bùng nổ của cơn giận.  Đó chính là điểm mấu chốt giúp ta đề phòng và kiểm soát sự tức giận.

4. Chấp nhận sự thật như nó đang là

Thông thường, khi tức giận, các nhà vật lý trị liệu áp dụng phương pháp thay đổi đối tượng, hay chuyển đài tâm sang một đối tượng khác, tức là hãy hít thở sâu vào khi đang bực tức, vì khi chú ý đến hơi thở thì nỗi bực tức sẽ vơi đi một nữa. Đó là giải pháp làm lắng dịu cơn giận tạm thời trong giây lát mà thôi, nhưng mỗi lần có ai đó làm bạn không vừa lòng thì bạn lại tức giận nữa hay sao? Và cơn giận nó sẽ tái diễn trở lại với cường độ mạnh hơn.

Vấn đề giải quyết cơn giận không phải thay đổi đối tượng, hay chuyển đài tâm quan sát hơi thở, mà vấn đề giải quyết triệt để nhất là phải đối diện trực tiếp vào bản chất cơn giận, đối diện ở ngay chính tri kiến nhận thức của chúng ta về vấn đề mà chúng ta cho rằng “vừa lòng và không hài lòng.” Nếu chúng ta cứ sống theo thói quen “vừa lòng thì thoải thích, hoặc không vừa lòng thì phản ứng” thì chúng ta mãi mãi là kẻ nô lệ cho cơn giận, mãi mãi chúng ta không làm chủ được cảm xúc của mình, và mãi mãi chúng ta sẽ sống trong vô minh khổ đau, và con đường đi ra khỏi sinh tử luân hồi còn xa xôi lắm.

Theo đức Phật dạy hãy sống “tùy duyên thuận pháp” là sống với thái độ chấp nhận. Người có thái độ chấp nhận thực tế cuộc sống là người đó đã có trí tuệ. Khi có hiểu biết soi sáng thì bóng tối (cơn giận) sẽ tan biến, tâm chúng ta trở nên bình an đó là nguyên tắc vận hành của tâm.

Chẳng hạn, trong cuộc sống gia đình có đôi lần bạn than vãn nói “Tôi không thể nào chấp nhận một người chồng (hoặc vợ) như thế? Tức là bạn đang mong đợi “đối tượng” theo ý muốn chủ quan của bạn, khi sự mong đợi ấy không xảy ra bạn phàn nàn, kêu ca, giận dữ, ly dị…. Theo tâm lý, con người thường mong đợi người nào đó theo ý của mình thì mình cảm thấy dễ chịu về người đó. Nhưng con người phàm phu thì không ai có thể hoàn hảo được, do đó sẽ có những mặt tốt và mặt xấu, có những đặc điểm này, đặc điểm kia.

Hãy nghĩ mà xem, bạn không chấp nhận “đối tượng” chính bạn tự làm bạn khổ mà thôi. Còn bản thân “đối tượng” (có thể là chồng, vợ, con, cha mẹ, hoàn cảnh sống….) vẫn là đối tượng, họ không hề cố ý làm bạn khổ, mà chính thái độ phản ứng không chấp nhận của bạn làm bạn đau khổ mà thôi. Do đó khi bạn mong đợi và kỳ vọng về người nào đó ít đi, mà hãy chấp nhận sự thật hiện có của người nào đó, chấp nhận biệt nghiệp của họ nhiều hơn, vì bạn không thể thay đổi cá tính, biệt nghiệp của họ được. Khi bạn chấp nhận những điểm tốt cũng như điểm xấu của người đó thì bạn cảm nhận người đó dễ chịu hơn đối với bạn. Bạn hãy chấp nhận họ là con người bình thường nhiều hơn, không nên quá mong đợi họ là người rất tuyệt vời để có thể làm bạn được với họ. Hãy thay đổi chính bạn, thay đổi sự “mong đợi, kỳ vọng” trở thành sự “chấp nhận” khi đó cuộc đời bạn sẽ thay đổi, sẽ bình an và hạnh phúc.

5. Tạo sự bình an nội tâm

Đối nghịch của tức giận là bình an, cũng giống như cái cân có hai cái bình: Một bên treo cái bình “bình an,” một bên kia treo cái bình “tức giận.” Nếu bạn bỏ vào cái bình tức giận ngày càng ít cho đến khi trống rỗng, thì cái bình bình an đầy thêm và ngược lại. Mỗi người chúng ta có hai cái bình mà thôi: Hoặc là bạn làm đầy sự tức giận, hoặc là bạn làm đầy sự bình an.

Những cuộc điều tra cho chúng ta thấy, tức giận, căng thẳng ngày càng gia tăng trên thế giới, nhưng hiếm có người tập trung vào giải pháp tạo bình an cho bản thân để giảm thiểu sự tức giận. Có người cố tìm ra nhiều cách để vượt qua tức giận, nhưng rất ít người biết hằng ngày thực tập thiền chánh niệm để tạo ra sự bình an cho chính mình và khả năng điều chỉnh cảm xúc, làm chủ cảm xúc.

Ở đây, đức Phật dạy chúng ta hãy thực tập duy trì chánh niệm từng phút từng giây để tạo thành thói quen chánh niệm trong đời sống hằng ngày, và bằng sự quan sát và quán chiếu mỗi khi cơn giận xuất hiện, sau đó dùng kiến thức, sự thông tuệ của mình, hoặc có thể sử dụng một phương pháp nào đó như: Ngồi thiền, thư giãn thân tâm hoàn toàn thoải mái dần dần trạng thái tức giận sẽ yên lắng cho đến khi trạng thái tức giận hoàn toàn biến mất, đồng thời “sự kiện” cũng không còn là vấn đề giải quyết nữa, tự thân nó cũng tan biến. Bởi vì nguyên tắc làm việc của tâm thức chỉ nhận thức trên một đối tượng mà thôi, “hễ cái này có mặt thì cái kia vắng mặt” cũng giống như ánh sáng (trí tuệ, sự hiểu biết, chánh kiến…) có mặt thì bóng tối (si mê, giận dữ, tà kiến…) không còn, lúc đó xuất hiện trạng thái bình an nội tâm, vì tâm thức đã giải phóng hết năng lượng phiền muộn, sầu, bi, khổ, ưu não do tiến trình của cơn giận mang lại.

Thực tập quán chiếu và nhắc nhở trong tâm “Hôm nay tôi bình yên, tôi quan sát suy nghĩ trong tâm bằng đôi mắt chánh niệm và tâm trạng bình yên. Đôi mắt chánh niệm ơi! Chào mừng bạn hãy luôn ở lại soi sáng trong lòng tôi và trong tâm trí tôi, những cảm xúc và suy nghĩ cũng là một vũ điệu để tâm hồn tôi sưởi ấm trong sự bình yên.”

D. KẾT LUẬN

Một người muốn làm chủ cảm xúc của cơn giận thì cần phải có sự quyết tâm, kiên nhẫn thực tập thiền quán và lòng can đảm của bản thân. Dù với cách nào, việc kiểm soát tinh thần hài hòa một cách thuần thục, chế ngự được cơn giận dữ mỗi khi có dấu hiệu phát sinh, sẽ giúp cho ta bản lĩnh hơn và khả năng tự chủ ngày một hoàn thiện. Khi làm chủ được cơn giận cho bản thân, có nghĩa là chúng ta đã thực hiện được điều kỳ diệu trong cuộc sống.

Susukham vatajìvàma

verinesu averino

verinesu manussesu

viharàma averino     

Vui thay chúng ta sống

Không hận, giữa hận thù

Giữa những người thù hận

Ta sống, không hận thù.

(Pháp Cú, phẩm An lạc)

Giác Hạnh Phương

Các tin đã đăng:
Về đầu trang