Bữa ngồi hóng mát trên sân
thượng, nghe huynh đệ nói về những người mắc chứng bịnh ưa bắt nạt người
khác làm tôi nhớ tới câu chuyện xưa.
Chuyện kể rằng, ngày xưa có một cậu học
trò nghèo nhưng học giỏi. Cậu được Thiên đình chú ý và ghi tên đậu tiến
sĩ trong sổ Thiên tào.
Gần làng cậu ở có một ngôi đình mà mỗi
ngày đi học cậu đều đi ngang qua. Vị thần trong đình đó vốn đã đọc sổ
Thiên tào rồi nên rất quý kính cậu.
Một hôm, thần báo mộng cho ông Từ giữ
đình hay là ngày mai sẽ có vị quan lớn đến chơi nên phải quét dọn sạch
sẽ và tiếp đãi tử tế. Tỉnh mộng, ông Từ làm y như lời thần căn dặn nhưng
có thấy vị quan nào đâu ngoài cậu học trò nghèo ghé vào nghỉ chân một
lát rồi đi.
Ít ngày sau, ông Từ lại chiêm bao thấy
thần dặn dò như trước. Nhưng rồi ông cũng chẳng thấy vị khách quý nào
ngoài cậu học trò bữa nọ. Chỉ có điều hơi khác là hôm nay cậu học trò
ghé vô đình ngâm nga một bài phú rồi lại đi. Có chút ngờ ngợ nhưng ông
Từ không tin lắm.
Đến lần thứ ba, sự việc diễn ra cũng
giống y chang hai lần trước. Thấy phù hợp với lời mách bảo của thần, ông
Từ bèn thuật lại đầu đuôi câu chuyện chiêm bao cho cậu học trò nghe và
bảo: “Đã ba lần thần cho hay như thế nhưng tôi chẳng thấy vị quan lớn
nào ngoài cậu. Cho nên tôi tin chắc khoa thi kỳ này cậu sẽ đỗ đạt làm
quan lớn”.
Nghe vậy, cậu học trò mừng rơn trong bụng.
Đêm ấy về nhà, nằm học bài dưới ánh
trăng khuya, cậu nhớ lại lời ông Từ nói ban chiều mà thả hồn lên mây, ồ,
ta học giỏi thế này thì phải được làm quan thôi! Khi làm quan rồi thì
ta sẽ trở nên người quyền thế, vinh hoa phú quý đầy nhà. Ngặt nỗi con vợ
của ta xấu quá không thể làm bà quan lớn được. Hay là ta bỏ nó đi rồi
cưới một con vợ khác đẹp hơn?
Nghĩ thế, cậu liền kiếm cớ gây sự rồi đuổi vợ đi.
Sáng hôm sau, có người trong tổng đến
đòi nợ. Người này vừa bước vào sân thì đã bị cậu vênh mặt lên mắng mỏ,
ta chưa có để trả. Phen này đỗ đạt về, ta sẽ cắm đất vào vườn nhà mày để
ở cho biết mặt.
Gặp ai không vừa lòng, cậu đe dọa, rồi tụi bây sẽ biết tay ông!
Mấy hôm sau, trong giấc mộng, ông Từ lại
thấy thần về cho hay là cậu học trò kia sẽ bị thi rớt. Vì tất cả những
hành động vô đạo của cậu đã khiến cậu mất hết phước rồi. Trong sổ Thiên
tào ghi danh những người đậu tiến sĩ khoa này không thấy có tên của cậu
nữa. Không chỉ thế, trong sổ lại có bản án ghi rõ tội trạng của cậu là:
“Nguyệt hạ phóng thê
Đình tiền tỉ trạch
Vị đắc ý, cố thất đức”.
Nghĩa là: Dưới trăng bỏ vợ, dọa dỡ nhà người chủ nợ, chưa thi đậu đã nghĩ điều thất đức. Bây giờ cậu đã hết sạch phước rồi.
Quả vậy, từ đó về sau, cậu học trò ấy
thi mãi mà không đậu. Cậu muốn nối duyên lại với người vợ cũ cũng không
được. Cửa nhà của cậu ngày một sa sút đi.
Nhân câu chuyện này mà người đời có câu "Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng" để răn dạy những kẻ hống hách.
Ngày nay, có rất nhiều người vướng phải
căn bịnh tai hại này. Họ mới thành công chút đỉnh thôi thì đã vênh vang
tự đắc. Vừa có chút quyền hành đã kênh kiệu ta đây. Thậm chí chỉ toàn
dựa hơi cấp trên mà đã ra oai tác quái…
Ngặt nỗi con vi-rút “coi trời bằng
vung” ấy đã len lỏi vào cả chốn thiền môn khiến không ít Tăng nhân chao
đảo. Nhưng người xuất gia vốn là “Thích tử xưng bần” có gì mà phải kiêu
ngạo chứ?
Thực tế có không ít người trong chúng ta
đây tuy đã quy y thế phát nhưng lòng tục còn vương, trần tâm chưa dứt,
nên cứ mãi quay cuồng theo danh lợi thế gian. Vô hình chung, chúng ta
trở thành những kẻ tôn sùng đời sống vật chất nơi cửa Không, rồi sai lầm
coi việc phải có “chùa to Phật lớn” mới là “thành tựu đạo nghiệp”(?)
Ô hay! Nếu đủ phước duyên thiết lập Già
lam rộng lớn để trưởng dưỡng Tăng tài và tổ chức các khóa tu học cho
quần chúng Phật tử thì muôn người như một đều hoan hỉ tán thành ủng hộ.
Bằng vin vào đó để “quánh giá” mặt mũi nhau rồi sinh ra tự mãn thì vạn
lần đáng trách…
Còn một điều tệ nữa. Đó là việc đối với
thầy, bạn ít có điều kiện học hành thì chúng ta xem thường bởi mình vừa
thông thuộc làu làu dăm ba quyển kinh văn. Trong công phu tu tập chỉ lóe
lên chút “sáng” là đã buông lời đại vọng ngữ xưng ngộ thiền cơ. Để lấy
lòng tin thiên hạ thì không ngần ngại phán những câu linh thiêng chắc
nịch rằng vong linh đã được vãng sanh, siêu thoát…, sau khi làm xong
pháp sự hộ niệm.
Cũng có không ít trường hợp, trong lúc
cử hành lễ hoặc sau buổi lễ, thấy xuất hiện vài hiện tượng tự nhiên của
nhật nguyệt tinh tú, thiên hà vũ trụ, chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên
thôi mà ta đã kêu toán lên, rồi hô hào linh thiêng này, mầu nhiệm nọ, vô
tình gieo rắt mê tín cho cộng đồng. Riêng bản thân ta thì móng khởi tâm
niệm mình là người “ngon lành”, rồi tủm tỉm cười đắc ý làm cái “bản
ngã” bự thêm.
Về việc này, đối với bậc chân tu, dù tự
nơi công hạnh tu tập của quí ngài có sự chiêu cảm linh ứng nhưng không
bao giờ quí ngài tiết lộ. Hoặc giả có ai đó phát hiện sự nhiệm mầu thì
quí ngài phớt lờ đi, không dám nhận tự nơi quí ngài cảm hiện nên. Bởi đó
không phải là mục tiêu chính của việc tu đạo giải thoát.
Cho nên, nếu nói Phật pháp nhiệm mầu thì
thiết thực nhất chính là sự chuyển hóa tâm thức của người ứng dụng thực
hành pháp Phật, bỏ tà về chánh, bỏ ác làm lành, từ hư thành nên, từ xấu
thành tốt, từ u mê tăm tối thành hiểu biết sáng suốt… Nói chung, đó
phải là sự “thay da đổi thịt”, “chết đi sống lại”, là “lột xác” để làm
một con người hoàn toàn mới, tốt đẹp hơn, hiền thiện hơn, nhận chân
thực-hư rõ ràng, biết chăm sóc giữ gìn thân tâm mình và làm lợi ích cho
người nhiều hơn trước đây. Thế mới thật nhiệm mầu đấy chứ! Có đâu?...
Rồi như thừa thắng xông lên, bản ngã tăng vù vù. Ta không còn hứng thú ngồi yên lắng lòng nhìn lại mình nữa.
Trong sinh hoạt hàng ngày, ta thản nhiên
vung túng thân khẩu ý một cách vô tội vạ vì cho mình là người có tiếng
tăm, thuyết pháp hay, ngoại giao giỏi, được người đời ái mộ, quần chúng
tôn kính, vật dụng cúng dường đầy đủ, có bằng cấp cao, chức vị lớn… Còn
chuyện ai đó kiêu căng ngạo mạn làm tiêu tan sự nghiệp hay sự nghiệp
chưa thành đã vội tiêu tan là của bàn dân thiên hạ, không dính dáng gì
đến ta, hơi đâu mà bận lòng!
Cuộc sống của ta luôn xuôi chéo mát mái,
mọi thứ đến quá dễ dàng, làm việc gì cũng suông sẻ, nói gì ai cũng
nghe, tiền hô hậu ủng đàng hoàng mắc chi phải đắn đo suy xét? Phải nói
là có phước quá đi chứ!
Nhưng xin nhớ rằng, những gì mà ta may
mắn có được trong hiện tại biết đâu lại là những cái ta đang vay mượn
trước ở tương lai? Nếu ta sử dụng thái quá, lên mặt kiêu căng ắt tổn
giảm phước đức ngay trong hiện đời chứ chưa nói đến sự vay-trả ở những
đời sau.
Hẳn chúng ta còn nhớ chuyện ngài Ngộ Đạt
Quốc Sư, một bậc cao tăng đức độ, chỉ vì chút móng khởi vi tế trong
tâm, hãnh diện tự hào khi được vua ban cho chiếc ghế trầm hương mà phước
đức mười kiếp tu hành mất sạch trơn, còn phải bị quả báo mụt ghẻ hình
mặt người nơi đầu gối hành hạ. Huống chi chúng ta giờ đây thuộc dạng tội
dày phước mỏng, tu hành lơ ta mơ mà dám nghênh ngang tự cao tự đại hay
sao?
Trong kinh Di giáo, đức Phật dạy: “Các
thầy Tỷ kheo, hãy tự xoa đầu mình, đã bỏ sự trang sức và đồ tốt đẹp,
mình mặc áo hoại sắc, tay cầm đồ thích ứng, khất thực để sống; tự thấy
như vậy mà kiêu ngạo còn nổi lên, thì phải cấp tốc tỏa chiết. Tăng thêm
kiêu ngạo là điều mà thế nhân còn không nên có, huống chi người xuất gia
nhập đạo là kẻ vì giải thoát, tự giáng mình xuống mà đi khất thực?”
Than ôi! Chúng ta đã bỏ tục xuất gia,
làm thân khất sĩ, chí cầu giải thoát, xin vật thực tạm nuôi thân qua
ngày để tu mà còn mang nặng tâm kiêu mạn thì thật là tội nghiệp. Cái tâm
kiêu mạn ấy nguy hiểm vô cùng. Dù bộc lộ bên ngoài hay hoạt động âm
thầm bên trong nó cũng làm ô nhiễm tâm người tu hành và gây chướng ngại
con đường giác ngộ.
Cho nên, để dứt trừ sự kiêu căng ngạo
mạn, không gì hơn là chúng ta phải luôn luôn cảnh giác canh chừng từng
niệm khởi trong tâm. Lấy tấm gương khiêm cung của Bồ tát Thường Bất
Khinh để răn nhắc mình mỗi giây phút, và cũng là giữ gìn phẩm hạnh của
người xuất gia tu Phật vậy.