Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Vướng lụy hình hài
21/08/2011 21:33 (GMT+7)

 vào lúc sáng sớm như thường lệ, Thế Tôn quán sát thế gian và thấy vị cư sĩ có túc duyên tu tập và khả năng thành tựu thánh quả. Do đó, khi trở về tu viện sau một vòng thiền hành khất thực, Thế Tôn đi với một Sa-môn thị giả đến trước cửa nhà của vị cư sĩ đau khổ.

Được tin Thế Tôn quang lâm, ông thầm nghĩ: “Chắc là Ngài đến thăm chơi và có đôi lời chúc lành lịch sự”. Ông cung kính thỉnh Thế Tôn vào nhà và mời Ngài ngồi trên một chiếc ghế rộng lớn đặt giữa phòng khách. Sau khi Thế Tôn an tọa, ông đảnh lễ Ngài và trịnh trọng ngồi sang một bên.

Thế Tôn nhìn ông, khẽ hỏi:

- Này đạo hữu có duyên với Phật pháp, vì sao trông đạo hữu buồn rầu khổ sở như thế?

- Bạch Thế Tôn, buồn lắm, đau đớn lắm! Con có một cháu trai duy nhất, tưởng đâu trời cho để nối tiếp dòng tộc, không ngờ cháu bị bệnh trái rạ mấy hôm rồi đi luôn. Gia đình con coi như tuyệt diệt từ đây! Ông nói với giọng nghẹn ngào rồi bưng mặt khóc hu hu…

- Đạo hữu, không nên tự mình làm khổ lấy mình nữa. Trên cõi đời này, cái chết không giới hạn cho riêng ai hay một khu vực nào, mà nó diễn ra bình đẳng, dứt khoát dưới mọi hình thức. Những gì có hình tướng đều bị chi phối và hủy hoại bởi sự tác động của thời gian vô cùng và không gian vô tận. Tất cả mọi thứ đều phải trải qua bốn giai đoạn tất yếu: với chúng sinh thì sanh lão bệnh tử; với thực vật thì sanh trụ dị diệt; với khoáng vật thì thành trụ hoại không. Thấy chưa?... Có cái gì vĩnh cửu đâu! Vậy mà đạo hữu ngày nào cũng ra gò thiêu khóc than ai oán, kêu gào tên con. Thật là tiêu hao sức lực và phí phạm thời gian! Đạo hữu chắc cũng đã từng nghe các thầy tụng kinh cầu siêu khi thiêu thi thể:

Hữu sanh hữu tử hữu luân hồi,

Vô sanh vô tử vô khứ lai,

Sanh tử khứ lai đô thị mộng,

Tốc phao trần thế thượng liên đài.

Thấy chưa?... Sanh tử khứ lai chỉ là mộng huyễn. Làm thế nào khi rời trần thế mà lên được đài sen mới là thượng sách, mới là Phật tử chân chính, mới là dày công tu tập, thành tựu công phu. Đã mang thân tứ đại thì phải bị tác hại bởi lẽ vô thường. Do đó, đạo hữu nên có cái nhìn thông đạt về cái chết để hết khổ, hết thương, hết vương, hết lụy. Nói tóm lại, cái gì mang tính hủy hoại thì phải hoại vong, cái gì mang tính tiêu tan thì phải tan rã!

- Các bậc hiền trí ngày xưa, Thế Tôn tiếp lời, không bao giờ thở than bi lụy về cái chết của một quý tử đến nỗi phải vất hết công việc, chẳng thiết uống ăn, suốt ngày xót thương thổn thức như đạo hữu ngày nay. Họ có thừa nghị lực tự chế và trí tuệ quán chiếu về hai mặt sống chết của vạn loại hữu tình. Họ tỉnh táo trong mọi tình huống nên nghịch duyên thế sự khó có thể lôi kéo họ từ thái cực này đến thái cực khác, từ thanh bình hạnh phúc đến rối loạn đau thương chẳng hạn. Tóm lại, nhờ tu tập thiền định và quán niệm vô thường mà họ luôn có cái nhìn biện chứng:

Hủy hoại vốn mang mầm hủy hoại

Tiêu tan hẳn bắt rễ tiêu tan

Nhân gian sống chết hai đàng

Như mây bạt gió trên ngàn xưa nay.

- Bạch Thế Tôn, họ là ai mà có cái nhìn nhẹ nhàng thanh thoát như vậy? Công phu tu dưỡng thế nào mới được thần lực thâm hậu như thế? Con muốn lắng nghe, bạch Thế Tôn.

- Vậy thì hãy lắng nghe, này đạo hữu.

Thế Tôn kể lại câu chuyện tiền thân U-ra-ga (Uraga) với đầy đủ chi tiết và tóm tắt nội dung theo thể loại niêm vận như sau:

Rắn thường lột xác già nua

Cho cơ thể được bốn mùa thanh tân

Một khi thoát kiếp hồng trần

Ấy là nhẹ gót phong vân thanh nhàn

Giã từ dòng tộc thênh thang

Xả ly quyến thuộc thôn làng ung dung

Khi thi thể cháy phừng phừng

Mắt nào thấy giọt rưng rưng lệ buồn

Tử sinh sinh tử vô thường

Còn chăng nghiệp lực vấn vương hình hài.

Thế đấy, các bậc hiền trí xưa nay đều xem sanh tử như vậy cả.

Dừng lại trong giây lát, không thấy đạo hữu hỏi tiếp, Thế Tôn đọc kệ:

Thân ái sinh ưu sầu,

Thân ái sinh sợ hãi,

Ai thoát khỏi thân ái,

Ắt hết mọi âu lo.

(PC. 212)

Góp chút lý tình:

Trên thế gian này, không có một thứ tình cảm nào sâu đậm, thiêng liêng và vô điều kiện bằng tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái. Vì sao? Vì con cái là hình hài cốt nhục của cha mẹ lưu truyền. Khi còn nằm trong bào thai hay tử cung, cung điện của em bé, thì mẹ con là một thể thống nhất, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Mẹ con nối kết nhau bằng một đường dây huyết mạch, đó là sợi dây rốn. Đến khi hài nhi ra đời, sợi dây ấy phải cắt đi, mẹ con bấy giờ là hai thực thể, hai sinh mệnh biệt lập theo cái nhìn ngoại trương của khoa học thực dụng, nhưng với nội hàm, hai thực thể ấy lại càng quan hệ mật thiết và vô ngã hơn. Lý do dễ hiểu: “Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba”. Hình hài của con đích thị là sự tổng hợp và nối tiếp sinh mệnh của cha mẹ. Do đó, cho dù cha mẹ đã qua đời nhưng bóng dáng người con vẫn là hình ảnh của cha mẹ, và ngược lên nữa là hình ảnh của ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ. Chính vì thế mà dân gian có câu: “Con cháu ở đâu, ông bà cha mẹ theo đó”. Kinh văn Phật giáo gọi mối quan hệ hữu cơ đó là “phi nhất, phi dị”, tức là không phải một, không phải khác. Và cũng chính vì mối quan hệ “phi nhất, phi dị” này mà Phật giáo có lễ hội Vu lan, lễ hội truyền thống nhằm thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, ông bà và tổ tiên nhiều đời nhiếu kiếp, một lễ hội độc nhất vô nhị trên trái đất này.

Tịnh Minh

http://www.giacngo.vn/phathoc/luockhao/2011/08/21/7A6440/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang