Xá-lợi Phật chính là những di
vật thiêng liêng tượng trưng cho sự hiện hữu của Ngài tại
nhân gian, là nguồn lực gia trì cho sự tu tập của người Phật
tử, và là thông điệp về sự vô thường của các pháp hữu vi, dù
đó là thân xác của một đấng giác ngộ.
Thông thường xá-lợi của đức
Phật gồm có ba loại: thân xá-lợi (di cốt còn lại sau lễ trà
tỳ kim thân của đức Phật như: xương, răng, tóc...), tùy thân
xá-lợi (những vật dụng mà đức Phật thường dùng khi còn tại
thế như y, bát, tích trượng, tọa cụ...), và pháp xá-lợi tức
là những kinh điển hay pháp và luật mà Ngài đã truyền dạy.
Trong Phật giáo, y và bát của đức Phật được tôn trọng, kính
ngưỡng vì chúng không chỉ được xem là những phần xá-lợi gắn
liền với cuộc đời đức Phật Thích-ca mà còn là những vật
truyền thừa của chư Phật trong nhiều đời.
Theo các bản
sớ giải của bộ Phật Sử và kinh Bổn Sanh, sau khi vượt thành
xuất gia, thái tử Sĩ-đạt-đa nghĩ rằng bộ y phục sang trọng
may bằng lụa xứ Ba-la-nại mà mình đang mặc chẳng hợp với
những ai đang vân du khắp nơi để tầm cầu chân lý và vì thế
thái tử đã đổi nó để nhận một bộ y phục nhạt màu từ một
người thợ săn vốn là hoá thân của một Phạm thiên.[1]
Bộ y phục này được xem là khởi đầu cho truyền thống mặc y
phấn tảo (pāṃśukūla) hay y bá nạp (loại y được may từ những
mảnh vải rách lượm từ đống rác hay nghĩa địa được giặt sạch)
trong Tăng đoàn. Đại trí độ luận giải thích rằng, trong xã
hội Ấn thời xưa hàng bạch y vì tham cầu dục lạc nên thích
mặc nhiều y phục, lại có những nhà ngoại đạo tu khổ hạnh nên
sống lõa thể, hàng đệ tử của đức Phật theo gương của Ngài xa
lánh hai cực đoan này, sống đời thiểu dục, tri túc, mặc y
phục đủ để che thân.[2]
Đối với đức Phật và hàng đệ tử xuất gia của Ngài, ngoài ý
nghĩa liên hệ đến các yếu tố xã hội, việc thọ trì y phục còn
là việc noi theo truyền thống của chư Phật trong nhiều đời.
Luật tạng Nhất
thiết hữu bộ có ghi lại rằng, vào thời quá khứ tại Ca-tỳ-la-vệ
có mười anh em cùng xuất gia, tu tập và chứng quả
Bích-chi-phật. Trước khi nhập diệt, các vị Bích-chi này đã
trao lại những tấm y bá nạp của mình cho mẹ và cùng thưa
rằng vào đời đương lai có đức Thích-ca Mâu-ni, con của vua
Tịnh Phạn chứng quả giác ngộ vô thượng, nếu đem những y phục
này dâng cho Ngài thì sẽ được phước báu vô lượng. Người mẹ
theo ý nguyện của các vị Bích-chi nên giữ gìn cẩn thận những
bộ y đó. Trước khi qua đời, bà trao chúng lại cho người con
gái của mình để giữ gìn. Đến khi cô gái bắt đầu già yếu, cô
bèn đem những tấm y đó treo trên cây và cầu vị thần cây bảo
hộ để sau này trao lại cho người con của vua Tịnh Phạn. Lúc
ấy Đế Thích liền giữ gìn y này và đợi đến khi thái tử xuất
gia, liền hóa thành một người thợ săn đến đổi y phục cho
thái tử. Khi trở về cõi trời Ba mươi ba, Đế Thích bèn xây
tháp phụng thờ bộ y phục của thái tử và tháp này có tên là
Xuất gia y tháp.[3]
Tấm y mà thái tử đã đổi cho người thợ săn chính là y
phục mà thái tử đã mặc trong suốt thời gian tu khổ hạnh.
Theo kinh Phổ Diệu, trải qua thời gian sáu năm khổ hạnh, tấm
y này của thái tử bị rách và ngài đã đến nghĩa địa nhặt
những mảnh vải cũ vốn được dùng để bọc tử thi của một tỳ nữ.
Cô gái này đã chết trong ngôi nhà gần nơi trú ngụ của vị
trưởng làng. Thái tử đã giặt sạch những mảnh vải này và sau
đó khâu thành một bộ y phục mới cho mình tại một gốc cây mà
nơi này về sau có tên là Pāṃśukūlasīvana (nơi khâu y phấn
tảo).[4]
Trong thời
gian du hóa sau ngày thành đạo, đức Phật đã được nhiều vị
gia chủ cúng dường những tấm lụa quí hiếm, nhưng Ngài đều
giao lại cho đệ tử mình tùy nghi sử dụng. Truyện kể rằng có
một lần bác sĩ Kỳ-bà được bệnh nhân tặng một xấp vải quí,
không dính nước, đáng giá mười vạn đồng như là tiền thù lao
của mình. Bác sĩ bèn đem vải dâng cúng cho đức Phật. Đức
Phật đã trao vải lại cho tôn giả A-nan và tôn giả đã cắt vải
may y cho đức Phật, La-hầu-la và các tỳ-kheo khác. Tạp Báo
Tạng kinh có ghi lại chuyện Di mẫu Kiều Đàm dùng tơ quí dệt
thành một bộ y và đem dâng cúng lên đức Phật. Khi bị đức
Phật từ chối, Di mẫu tỏ ra không vui và thưa rằng bà đã từng
nuôi nấng đức Thế Tôn trong thời thơ ấu và nay thì chính tay
bà đã dệt bộ y này với mục đích duy nhất là cúng dường cho
đức Phật. Đức Phật liền bảo bà nên đem cúng bộ y ấy cho chư
tăng vì Tăng bảo là ruộng phước, cúng dường chư Tăng cũng
chính là cúng dường Phật. Sau đó Di mẫu đến giữa Tăng đoàn
và cúng bộ y này cho tôn giả Di-lặc.[5]
Ngoài chuyện Di mẫu dâng cúng y cho đức Phật, kinh điển Phật
giáo còn ghi lại chuyện tôn giả Đại Ca-diếp đổi y
Tăng-già-lê mềm mại của mình để nhận tấm y phấn tảo của đức
Phật. Tôn giả vốn thường thực tập hạnh đầu đà nhưng vẫn chưa
tìm được một tấm y phấn tảo thích hợp nào. Một lần nọ đức
Phật đến thăm lúc Tôn giả đang ở dưới một gốc cây, Tôn giả
bèn gấp y Tăng-già-lê của mình và thỉnh đức Phật ngồi lên
tấm y đó. Khi nghe đức Phật khen tấm y mềm mại, Tôn giả
thành tâm xin được cúng dường tấm y của mình cho đức Phật và
mong được thọ trì tấm y phấn tảo mà đức Phật đang dùng. Đức
Phật biết Tôn giả đang cần y phấn tảo để thực hành hạnh đầu
đà nên Ngài hứa khả.[6]
Sau khi nhận được y, tôn giả đã sử dụng nó cho đến cuối đời
mình.
Các văn bản
Phật học Pāli và Phạn ngữ dường như không nói nhiều về tấm y
mà đức Phật dùng trong những năm du hoá cuối đời và khi Ngài
nhập diệt. Sách Pháp Uyển Châu Lâm có thuật lại chuyện về
tấm y Tăng-già-lê của đức Phật do một vị trời Tứ Thiên
Vương kể cho luật sư Đạo Tuyên như sau. Trước khi nhập diệt
ba tháng, đức Thế Tôn bảo ngài Văn Thù triệu tập đại chúng
tại đạo tràng. Khi hội chúng đã vân tập, đức Phật bèn kể
rằng sau khi vượt thành xuất gia và đổi y phục cho một người
thợ săn, Ngài được một vị thần cây dâng lên y Tăng-già-lê
của đức Phật Ca-diếp theo như lời phó chúc của đức Ca-diếp.
Sau ngày thành đạo đức Phật đã thọ trì và giữ gìn tấm y này
một cách cẩn thận suốt năm mươi năm.[7]
Theo tác phẩm Ðại Ðường Tây Vực Ký của ngài Huyền Trang, khi
hay tin đức Phật nhập diệt, Ma-da phu nhân cùng chư thiên từ
cung trời Đao Lợi đã đến Câu-thi-na để chiêm ngưỡng lần cuối
kim thân cùng y Tăng già lê, bình bát và tích trượng của đức
Phật.[8]
Cũng theo ngài Huyền Trang, khi đến thành Ê-la ở Tây Bắc Ấn,
Ngài đã được chiêm ngưỡng xá-lợi và y Tăng-già-lê của đức
Phật.[9]
Theo bộ Phât Sử, sau lễ trà tỳ tại Câu-thi-na, xá-lợi của
đức Phật được sứ giả tám nước mang về xây tháp cúng dường;
những vật tùy thân khác của Ngài được đưa về thờ ở nhiều nơi
khác nhau như bình bát và tích trượng ở Vajirā, hạ y ở
Kusaghara, thắt lưng ở Pāṭaliputra, y tắm ở Campā, Pháp y ở
cung trời Phạm thiên.[10]
Tuy nhiên tác phẩm này không nói rő vì lý do gì di vật của
đức Phật được mang đến những nơi đó và việc thờ phụng, giữ
gìn chúng ra sao.
Cùng với y, bình bát của đức Phật cũng được xem như xá-lợi
của đức Phật và là bảo vật truyền thừa của chư Phật. Theo
các sử liệu Phật giáo của cả hai truyền thống Nam và Bắc
truyền, sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, đức Phật đã thọ
dụng bữa ăn đầu tiên vào tuần thứ tám do hai thương gia Đề
Vị (Tapussa) và Ba-lợi (Bhallika) dâng cúng. Khi được hai
thương gia dâng cúng thực phẩm, đức Phật liền nghĩ rằng chư
Phật trong ba đời đều dùng bình bát để thọ dụng vật thực,
nay ta cũng nên theo truyền thống này. Lúc bấy giờ có bốn vị
Thiên vương biết được tâm niệm đó nên mỗi người mang một
bình bát bằng đá đem dâng lên đức Phật. Vì thương tưởng các
vị Thiên vương này, đức Phật liền nhận cả bốn bình bát và
Ngài dùng thần lực khiến cho bốn bình bát này trở thành một
bình bát duy nhất.[11]
Bình bát này về sau trở thành vật tùy thân của đức Phật
trong suốt những năm du hóa của Ngài.
Cuối TK IV TL,
khi ngài Pháp Hiển đến nước Phất-lâu-sa (thuộc khu vực
Càn-đà-la), Ngài đã có duyên được chiêm ngưỡng và lễ bái
bình bát khất thực nói trên của đức Phật trong một tu viện
tại đó. Theo ngài Pháp Hiển, khi vua Nguyệt Dân chinh phạt
nước này, vua muốn mang bình bát về nước mình để thờ phụng
nhưng dù bằng mọi cách khác nhau, ngay cả khi dùng sức của
tám voi, vua cũng không cách nào đem bình bát đi được. Nghĩ
rằng nhân duyên chưa đến, vua bèn xây bảo tháp cùng một ngôi
già lam để thờ bát. Hằng ngày, trước giờ ngọ và vào ban đêm,
chư Tăng và tín đồ được phép đến lễ bái, cúng dường bát.
Điều lạ là khi những người nghèo dâng cúng một vài vòng hoa
thì hoa nở rộ đầy bát, còn khi những phú gia đặt hàng trăm
vòng hoa vào bát, bát vẫn không khi nào đầy.[12]
Hơn hai thế kỷ sau khi ngài Huyền Trang đến nơi này, bình
bát nói trên không còn nữa và chỉ còn lại bệ thờ của bình
bát mà thôi. Ngài Huyền Trang cũng cho biết rằng bình bát đã
di chuyển đến nhiều nước và vào thời điểm đó bình bát hiện
đang ở xứ Ba Tư.[13]
Khi đến Tích
Lan, ngài Pháp Hiển có gặp một nhà sư Ấn Độ và vị này cho
biết rằng bình bát khất thực của đức Phật vốn được thờ tại
Tỳ-xá-ly và sau đó cứ vài trăm ngàn năm sẽ tuần tự di chuyển
đến các nước khác nhau như Càn-đà-ka, Kế Tân, Tích Lan,
Trung Hoa... và cuối cùng thì quay lại Ấn Độ. Khi trở về Ấn
Độ, bình bát sẽ được mang lên trời Đâu-suất. Nơi đây, đức
Di-lặc cùng chư thiên đều mừng rỡ cung đón và thiết lễ cúng
dường trong bảy ngày. Từ cung Đâu Suất bình bát sẽ được mang
về lại Diêm-phù-đề và được Long vương mang xuống long cung.
Đến lúc đức Di-lặc sắp thành Phật bình bát sẽ được phân
thành bốn bình bát cũ tại núi Át-na. Khi đức Di -lặc thành
đạo có bốn vị Thiên vương sẽ mang bốn bình bát này dâng lên
đức Di Lặc. Ngài Pháp Hiển cho rằng chư Phật trong hiền kiếp
đều có chung một truyền thống nhận bát như thế.[14]
Bình bát của
đức Phật được xem là một bảo vật luôn mang lại nhiều phước
lành cho nhân gian, là biểu tượng cho sự hưng hiển của chánh
pháp. Khi bình bát này được mọi người tôn thờ và giữ gìn cẩn
thận thì lúc đó chánh pháp được vững mạnh. Lúc bình bát bị
vỡ hay sắp biến mất cũng là lúc báo hiệu cho thời kỳ mạt
pháp. Theo Phật diệt độ hậu quán liệm táng tống kinh, khi
bình bát này di chuyển đến nước nào thì nơi ấy tai ương, ách
nạn tiêu trừ, mùa màng đượm nhuần, chánh pháp hưng hiển, vua
chúa nhân từ, muôn dân đều sống trong thanh bình và an lạc.[15]
Cho đến thời kỳ mạt pháp, lúc những điềm xấu như bệnh dịch,
mất mùa, thiên tai xuất hiện, thọ mạng loài người ngắn dần,
thực phẩm trở nên khan hiếm, v.v... thì đó cũng chính là lúc
bình bát không còn lưu lại trong nhân gian.[16]
Vào thời điểm bình bát được mang xuống long cung, cõi
Diêm-phù-đề đều chấn động, mặt trời, mặt trăng đều ẩn khuất,
bầu trời trở nên tối tăm suốt bảy ngày, bảy đêm.[17]
Kinh Liên Hoa Diện có kể lại một câu chuyện rằng: Vào thời
quá khứ có một môn đồ phái Phú-lan-na tên là Liên Hoa Diện.
Người này tuy thông thạo thiên văn, địa lý nhưng tâm thức
vẫn còn si ám, mê muội. Sinh tiền, Liên Hoa Diện có cúng
dường cho bốn vị La-lán nhưng trong lúc cúng dường anh ta
bỗng khởi lên một ý niệm thâm độc rằng sau này chính mình sẽ
phá hoại Phật pháp. Do phước cúng dường trên nên trong nhiều
đời Liên Hoa Diện được thân hình đoan nghiêm. Đến đời rốt
sau Liên Hoa Diện thác sanh trong hoàng tộc và về sau trở
thành vua Mị-chi-hạt-la-câu-la. Vua vốn là người sùng tín
ngoại đạo nên tìm mọi cách ngược đãi Phật giáo và cũng chính
ông đã phá vỡ bình bát của đức Phật. Chẳng bao lâu sau khi
làm vỡ bình bát vua bị đọa vào đại địa ngục. Cũng vì bình
bát của đức Phật bị vua Mị-chi phá hoại nên chánh pháp theo
đó cũng dần dần bị suy vong.[18]
Bình bát mà
vua Mị-chi phá vỡ không phải là bình bát của bốn vị Thiên
Vương nói trên mà đó là một trong số những bình bát mà đức
Phật đã dùng khi Ngài còn tại thế. Sách Pháp uyển châu lâm
có nói đến một bình bát bằng đất do một vị thần núi dâng cho
đức Phật sau ngày thành đạo. Trong suốt ba mươi tám năm sau
đó, đức Phật luôn sử dụng bình bát này rất cẩn thận. Một lần
nọ Ngài được quốc vương xứ Ma-kiệtđà thỉnh vào thành Vương
Xá để thọ trai. Sau giờ ngọ hôm ấy, La-hầu-la mang bình bát
này đến hồ Rồng để rửa nhưng chẳng may làm vỡ bình bát thành
năm mảnh. Lúc ấy thay vì trách cứ La-hầu-la, đức Phật bèn vá
lại bình bát và Ngài tiên đoán rằng trong tương lai, sau khi
Ngài diệt độ có những người xuất gia không tôn kính và thọ
trì giáo pháp, trong năm trăm năm đầu luật tạng bị chia
thành năm bộ, giáo pháp thì bị chia thành mười tám bộ và đến
lúc chánh pháp suy tàn, tam tạng thánh điển bị chia thành
năm trăm bộ. Bình bát này về sau được các vị Đế Thích, Thiên
Vương, Long Vương... tuần tự thờ phụng, cúng dường và cuối
cùng được trao lại cho đức Phật Di-lặc trong tương lai.[19]
Một trong
những sự kiện quan trọng liên quan đến việc truyền thừa y và
bát của đức Phật Thích-ca cho đức Di Lặc trong tương lai đó
là việc tôn giả Đại Ca-diếp nhập định lưu thân tại núi Kê
Túc. Các tác phẩm Pāli không nói gì về sự kiện nhập diệt của
tôn giả Đại Ca-diếp, riêng luận Ðại Tỳ-bà-sa và A-dục vương
truyện có nói chi tiết về việc này như sau: Khi biết cơ
duyên hoằng hóa đã mãn, Tôn giả quyết định vào núi Kê Túc
nhập đại định đợi đến khi đức Di-lặc thành đạo sẽ trao lại y
bát của đức Thích-ca. Trước khi lên núi, Tôn giả vào thành
Vương Xá để từ biệt vua A-xà-thế. Lúc ấy nhà vua còn đang
nghỉ nên Tôn giả một mình lên Kê Túc. Sau khi thức dậy, vua
A-xà-thế bèn tìm gặp tôn giả A-nan và nhờ Tôn giả đưa mình
đến đảnh lễ ngài Đại Ca-diếp. Khi cả hai đến núi Kê Túc,
theo như lời nguyện của ngài Đại Ca-diếp, núi bỗng mở ra và
cả hai cùng được chiêm ngưỡng và đảnh lễ tôn giả Đại Ca-diếp
lần cuối.[20]
Núi Kê Túc thuộc Bắc Ấn là nơi những người Phật tử thường
đến chiêm bái. Theo ngài Pháp Hiển, nơi đây thường có các vị
La Hán lai vãng, trong núi có nhiều hổ, báo và sư tử.[21]
Ðại Đường Tây Vực ký của ngài Huyền Trang thì ghi lại rằng
núi này cao chót vót, động sâu hun hút, cây cối chằng chịt,
đường dốc chập chùng, người đời sau vì kính trọng tôn giả
Đại Ca-diếp nên gọi núi này là Tôn Túc. Hai mươi năm sau kỳ
kiết tập kinh điển, tôn giả Đại Ca-diếp biết mình sắp nhập
diệt nên theo lời phú chúc của đức Phật vào núi này nhập
định để sau này trao lại y báu cho đức Di Lặc.[22]
Việc tôn
giả Đại Ca-diếp dâng y cho đức Di Lặc được thuật chi tiết
trong kinh Phật thuyết Di Lặc đại thành Phật. Theo bản kinh
này, khi đức Di Lặc vừa dùng thần lực mở núi Kê Túc, Phạm
Vương liền dùng dầu thơm cõi trời xoa trán và thân của tôn
giả Đại Ca-diếp. Tôn giả bèn ra khỏi Diệt tận định, trần
vai phải, quỳ gối phải, thưa thỉnh và dâng y Tăng-già-lê của
đức Thích-ca lên đức Di Lặc. Lúc ấy hội chúng của đức Di Lặc
bèn bạch Ngài rằng vì sao hôm nay trên ngọn núi này có một
chúng sanh đầu nhỏ như côn trùng, mặc y Sa-môn, lễ bái Ngài
như thế. Đức Di Lặc bèn dạy các đệ tử Ngài rằng đừng nên
khởi tâm khinh mạn người này. Đây chính là tôn giả Đại
Ca-diếp, bậc đầu đà đệ nhất trong số một ngàn hai trăm năm
mươi vị đệ tử thân cận của đức Phật Thích-ca, là vị Sa-môn
tu hành rất tinh tấn, luôn thương tưởng những chúng sanh bần
cùng, bậc tối thắng trong hàng trời, người... các ông nên
một lòng chắp tay kính lễ vị ấy. Khi nghe đức Di-lặc dạy như
vậy, cả hội chúng không còn thắc mắc, tất cả đều lễ bái tôn
giả Đại Ca-diếp.[23]
Theo Đại trí
độ luận, loài người sanh trong thời đức Di Lặc có thân hình
to lớn và tuổi thọ cũng cao hơn nhiều so với loài người
trong thời đức Thích-ca nên khi thấy tôn giả Đại Ca-diếp có
thân hình nhỏ, đắp pháp phục và thi triển được thần thông cả
hội chúng của đức Di Lặc đều kinh ngạc. Lúc ấy đức Di Lặc
liền dạy các hàng đệ tử của mình rằng tuy thân nhỏ nhưng tôn
giả Đại Ca-diếp đã thành tựu những pháp thù thắng, còn các
ông là hàng lợi căn, thân hình to lớn há lại không thành tựu
những công đức như thế sao. Khi đó cả hội chúng đều sinh tâm
hổ thẹn, khiêm nhường. Đức Di Lặc nhân đó thuyết pháp giáo
hóa khiến cho nhiều người chứng đắc thánh quả.[24]
Điều đáng chú ý là dù chúng sanh sinh trong thời đức Di Lặc
có thân hình to lớn hơn nhiều so với chúng sanh trong thời
đức Thích-ca, nhưng tấm y mà tôn giả đại Ca-diếp dâng lên
vẫn xứng hợp với đức Di Lặc. Điều này được ngài Đạo Nguyên,
sơ tổ dòng Tào Động tại Nhật giải thích như sau: “Kích thước
cơ thể của người phàm khác hẳn với kích thước cơ thể của đức
Phật. Cơ thể của người phàm thì có thể đo lường còn cơ thể
của đức Phật không thể đo lường được. Vì lý do đó nên y của
Phật Ca-diếp xứng hợp với đức Phật Thích-ca, và y của đức
Phật Thích-ca cũng xứng hợp với đức Phật Di Lặc”.[25]
Khi Thiền tông
hưng khởi tại Trung Hoa, y, bát được xem là những biểu tượng
thiêng liêng của chánh pháp và là vật truyền thừa tối quan
trọng trong thiền môn. Truyền thống này bắt nguồn từ giai
thoại đức Thế Tôn trao truyền chánh pháp nhãn tạng cho tôn
giả Đại Ca-diếp trên hội Linh Sơn được ghi lại trong Vô môn
quan.[26]
Cảnh đức truyền đăng lục có chép rằng sau khi truyền tâm ấn
cho ngài Huệ Khả, tổ Bồ-đề Đạt-ma còn truyền pháp y để minh
định tông chỉ nhà thiền và xem đó như bảo vật để minh chứng
cho sự truyền thừa từ một tổ sư Thiên Trúc cho một môn đồ
đắc pháp Trung Hoa. Tổ Đạt-ma còn huyền ký rằng sau khi ngài
diệt độ hai trăm năm, lúc người biết đạo thì nhiều mà hành
đạo thì ít, nói lý thì nhiều mà tỏ lý thì ít, pháp y không
được truyền thừa nữa.[27]
Lịch đại pháp bảo ký cũng thuật lại rằng lúc trao pháp y cho
nhị tổ Huệ Khả, tổ Đạt-ma căn dặn rằng ví như khi một vị
Chuyển Luân Thánh Vương vừa lên ngôi được bảy món báu, việc
truyền ca-sa là để biểu trưng cho sự truyền thừa chánh pháp.[28]
Như thế việc truyền thừa y, bát trong Phật giáo, đặc biệt là
trong Thiền tông ám chỉ cho sự truyền pháp của một vị thầy
hay một thiền sư cho người đệ tử nào xứng đáng và đã đắc
pháp với mình. Chúng ta có thể biết rõ hơn điều này qua việc
ngài Phật-đà Bạt-đà-la truyền y cho ngài Tăng Triệu hay tổ
Đạo Tín truyền y cho ngài Pháp Dung.
Truyền
thống Thiền tông cũng cho rằng pháp y được truyền từ thời tổ
Đạt-ma cho đến thời ngài Huệ Năng chính là tấm y mà đức Phật
đã truyền lại cho tôn giả Đại Ca-diếp, người lãnh hội được
yếu chỉ của thiền trên pháp hội Linh Sơn. Song theo huyền ký
của tổ Đạt-ma nói trên cũng như trong kinh Pháp Bảo Đàn[29]
khi được đệ tử Pháp Hải hỏi về việc truyền pháp y, ngài Huệ
Năng đáp rằng cứ theo di kệ của tổ Bồ-đề Đạt-ma, sau khi
Ngài viên tịch pháp y sẽ không được truyền thừa như trước
nữa. Theo ngài Thần Hội, tại Ấn Độ, nơi có những bậc Cao
tăng sống đời thanh bạch và nghiêm tịnh pháp y không được
xem như là ấn tín. Việc truyền thừa y để ấn chứng chỉ xảy ra
ở những nơi có quá nhiều người tham cầu tiếng tăm, lợi
dưỡng, hay tranh cãi và sống thô tục, chẳng hạn như Trung
Hoa.[30]
Ngoài ý nghĩa biểu trưng cho sự hiện hữu của đức Thế Tôn tại
nhân gian, y và bát của đức Phật còn là một thông điệp đầy ý
nghĩa đối với hàng đệ tử của Ngài. Trong sinh hoạt của Tăng
đoàn việc thọ trì y và bát theo luật nghi là một điều tối
quan trọng để hội chúng xuất gia được thanh tịnh và để kế
thừa truyền thống chánh pháp của chư Phật trong nhiều đời.
Phẩm hạnh của mỗi người xuất gia được hình thành một phần
nhờ vào nếp sống thiểu dục, tri túc thông qua việc thọ nhận
phẩm vật của người đời để nuôi thân và che thân. Y và bát
của đức Phật hay của mỗi người xuất gia vừa là để phân biệt
với lối sinh hoạt của người thế tục, nhưng đồng thời cũng
nói lên chí nguyện, hoài bão mà người xuất gia đang hướng
đến. Con người sở dĩ chịu quá nhiều đau khổ, tai ương là vì
họ quá đam mê ngũ dục. Hình ảnh một bậc vương tử, một người
tầm đạo khả kính nhất, một bậc đạo sư của ba cõi sống một
cuộc đời thanh đạm với y phục hoại sắc và bình bát đơn sơ sẽ
mãi mãi là hình ảnh cao đẹp và thâm thúy nhất đối với những
ai đang thao thức về một lẽ sống thuần tịnh và thanh cao,
những ai đang hướng về một lý tưởng trong sáng, và những ai
đang tiếp bước trên con đường mà các bậc tiền nhân khả kính
đã đi qua.
Đồng Thành
(Nguồn: TS. Pháp Luân số 30)
[1] Theo Chú Giải Kinh Bổn Sanh, vị Phạm thiên
này vốn là một người bạn của thái tử trong thời Phật
Cadiếp. Kinh Phổ Diệu còn ghi rằng khi trở về thiên
giới, vị phạm thiên này đã xây một bảo tháp để thờ
bộ y phục của thái tử.
[2] T 25n1509, tr. 538b.
[3] Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ-nại-da
Phá Tăng Sự, quyển 4, T24n1450, tr. 118a.
[4] S. Strong, Relics of the Buddha, New Jersey:
Princeton University Press, 2004, p. 216.
[5] T4n203, tr. 470a. Tham khảo thêm Kinh Phân
Biệt Cúng Dường, số 142, Trung Bộ Kinh.
[6] Kinh Tương Ưng, Phẩm Tương Ưng Ca-diếp XVI.
[7] T53n2122, tr. 560a-b.
[8] T51n2087, tr. 904b.
[9] Sđd, tr. 879a-b.
[10] Horner, I.B. The Minor Anthologies of the
Pali Canon, Part III, London: Pali Text Society,
1975, pp. 98-99
[11] Xem Đại Phẩm I, Bổn Sanh I, Ngũ Phần Luật,
quyển 15, Tứ Phần Luật quyển 31, Căn Bổn Thuyết Nhất
Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Phá Tăng Sự, quyển 5, Phật
Thuyết Thái Tử Thụy Ứng Bổn Khởi Kinh (T3n185, tr.
479a), Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh, quyển 3
(T3n189, tr.643b), Phật Bổn Hạnh Tập Kinh, quyển 32
(T3n190,tr.801b-c), Phương Quảng Đại Trang Nghiêm
Kinh, quyển 10 (T3n187, tr. 601a), Phổ Diệu Kinh,
quyển 7 (T3n186, tr. 526b-c).
[12] Cao Tăng Pháp Hiển Truyện, T51n2085, tr.
858b-c.
[13] Đại Đường Tây Vực Ký, T51n2087, tr.879c.
[14] Sđd, tr. 865c.
[15] T12n392, tr. 1114b-c.
[16] Cao Tăng Pháp Hiển Truyện, tr. 865c.
[17] Liên Hoa Diện Kinh, T12n386, tr. 1076a.
[18] Sđd, tr. 1075c.
[19] T53n2122, tr.1008b-c.
[20] T50n2042, tr. 114c. T27n1545, tr. 698b
[21] T51n2085, tr. 864a.
[22] T51n2087, tr. 919b-c.
[23] T14n456, p. 433b-c.
[24] T 25n1509, tr. 79a.
[25] B. Faure, “Quand L’habit Fait Le Moine: The
Symbolism of the Kāṣāya in Sōtō Zen” in Chan
Buddhism in Ritual Context, Ed. B. Faure, London:
Routledge Curzon, 2003, p. 214.
[26] T48n2005, tr. 293c.
[27] T51n2076, tr. 219c.
[28] T51n2075, tr. 181a-b.
[29] T48n2008, tr. 361a.
[30] J. Kieschnick, The Impact of Buddhism on
Chinese Material Culture, New Jersey: Princeton
University Press, 2003, pp. 106-107.