Hôm qua, tôi đến dự đám giỗ ở nhà người anh họ với một niềm vui đặc
biệt, vừa dự đám giỗ ông ngoại vừa ăn mừng đứa con trai duy nhất của
anh ấy thoát khỏi tai nạn. Khi đến nhà, thân tộc đã có mặt đầy đủ, mọi
người nói chuyện rôm rả, toàn những chuyện về tai nạn giao thông.
Vừa ngồi xuống ghế, đứa cháu trai bị tai nạn đến chào tôi. Nhìn cái
đầu tóc mới mọc như lính quân trường, tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe,
cháu bảo đã ổn định, chỉ phải uống thuốc duy trì cho tan máu tụ trong sọ
và thuốc chống co giật. Tôi hỏi trêu cháu: Chừng nào nhậu trở lại? Cháu
tôi gãi đầu cười: Dạ, hổng dám nhậu nữa, bác sĩ bắt cữ rượu. Tôi thầm
nghĩ: May mà không khui hộp sọ, chứ khui ra kể như đời tàn, chục người
mở hộp sọ hết bảy người như phế nhân.
|
Thần chú Đại bi - Bản chữ Hán.
|
Đang suy nghĩ thì vợ của cháu cũng tới
chào, nhìn cô cháu dâu vui vẻ mà tôi mừng giùm, suýt nữa thì đã mất
chồng hoặc ôm cục nợ suốt cả đời. Sau lễ cúng với thức ăn toàn bằng đồ
chay, ăn uống xong mọi người lần lượt ra về. Tôi nán lại nói chuyện với
cô cháu dâu, ngồi nghe cháu kể chuyện về tai nạn của chồng và sự may mắn
trong đường tơ kẽ tóc mà giật mình và khiến tôi càng tin tưởng vào oai
lực cứu khổ, cứu nạn của Bồ-tát Quán Thế Âm.
Cháu kể, sau khi ăn tiệc mừng sinh
nhật của con ở nhà, chồng cháu chở một người công nhân về trại thu mua
chỉ xơ dừa cách khoảng mười lăm cây số, lúc đi thì trong người cũng có
chút hơi men nhưng không đến nỗi say. Khi đến nơi, những người công nhân
ở đó sau giờ làm việc ngồi nhậu lai rai, họ nói riết chồng cháu nổi
hứng uống liên tục mấy ly, sau đó dù đã say, vẫn cứ cương quyết lên xe
ra về, không chịu ở lại dù anh em cố khuyên can. Khi tới dốc cầu xã nhà,
do say rượu lạc tay lái, tự đâm xe vào lan-can cầu, té xuống rồi không
biết gì nữa. Chồng cháu được sơ cứu ở địa phương rồi chuyển lên bệnh
viện tỉnh, bệnh viện tỉnh khám, chẩn đoán chấn thương sọ não đã chuyển
thẳng lên bệnh viện chuyên khoa ở TP.HCM.
Tại đây, dù chồng cháu đã tỉnh lại
nhưng các bác sĩ hội chẩn quyết định mổ mở hộp sọ để lấy máu tụ và cầm
máu đang tiếp tục chảy trong sọ. Lúc đó cháu rất bối rối vì chỉ có một
thân một mình nuôi chồng, cha mẹ chồng thì đã già không theo phụ được,
tuy cháu có một người em sống ở thành phố nhưng hiện đang đi công tác
lâu ngày ở nước ngoài nên có cũng như không.
Không người bàn bạc góp ý, cháu bắt
buộc phải ký giấy cam kết đồng ý phẫu thuật. Chồng cháu được đưa đi làm
vệ sinh, cạo đầu để chuẩn bị vào phòng mổ. Lúc đang chờ tới phiên mổ,
chồng cháu hết sức lo lắng vì hiểu rằng mở hộp sọ là một phẫu thuật nặng
nề, dễ để lại di chứng nên bảo cháu hỏi bác sĩ đừng mổ được không. Mặc
dù đã ký giấy cam kết đồng ý phẫu thuật vẫn cố gắng gặp bác sĩ trưởng
khoa xin xem lại trường hợp của chồng cháu vì thấy chồng vẫn sáng suốt,
không quên điều gì cả. Dù rất bận, vị bác sĩ đó vẫn giải thích cho cháu
biết trên kết quả chụp cộng hưởng từ, máu đang tiếp tục chảy trong hộp
sọ, nếu không mổ lấy khối máu tụ và cầm máu thì sẽ bị chèn ép não gây
nguy hiểm đến tánh mạng.
Cháu nghe giải thích xong đành chấp
nhận, không có ý kiến gì thêm. Cháu về báo cho chồng biết, động viên và
khuyên chồng cùng với mình niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, cầu Ngài
phù hộ lúc phẫu thuật.
Chồng cháu dù đau đớn, lo lắng nhiều
nhưng vẫn cùng cháu niệm danh hiệu Ngài, vì ở nhà thờ Bồ-tát Quán Thế
Âm, cả hai đều rất tin tưởng vào Bồ-tát, khi đến rằm lớn hai vợ chồng
đều đi chùa lễ Phật, cúng dường. Cháu thường bảo với chồng Bồ-tát Quán
Thế Âm là mẹ thứ hai của mình, Ngài đã dìu dắt cháu từ nhỏ, từ ngày
người mẹ sinh thành qua đời.
Lúc cả hai đang niệm danh hiệu Bồ-tát
Quán Thế Âm, cầu mong Ngài từ bi cứu khổ cứu nạn thì đột nhiên đứa em
trai của cháu đang ở nước ngoài điện về. Đứa em bảo: Em đang ngủ bỗng
nằm mơ thấy anh chị quỳ trước Bồ-tát Quán Thế Âm cầu nguyện, lại thấy
nét mặt Bồ-tát lộ vẻ xót thương, còn anh chị thì sợ hãi khóc lóc nên
điện về hỏi thăm coi có chuyện gì không. Cháu liền báo cho em mình biết
tình trạng của chồng, em cháu nghe xong liền hỏi tên bệnh viện chồng
cháu đang nằm rồi cúp máy, nói sẽ điện lại sau.
Tới giờ, y tá đến đẩy xe đưa chồng
cháu vào phòng mổ, đột nhiên có một vị bác sĩ là phó giám đốc bệnh viện
đến đề nghị xem lại trường hợp của chồng cháu. Ông ấy coi hết các kết
quả cận lâm sàng, sau đó đề nghị cho kiểm tra lại, kết quả thật bất ngờ,
máu đã ngừng chảy. Căn cứ vào đó, cộng với sự tỉnh táo của chồng cháu,
ông ấy quyết định không cho tiến hành phẫu thuật nữa mà chuyển qua điều
trị nội khoa. Nửa tháng sau, chồng cháu được xuất viện. Sau này cháu mới
biết, người em trai của mình gọi điện về vị bác sĩ phó giám đốc đó -
vốn là bạn thân của mình - nhờ xem giúp trường hợp của anh rể, nhờ sự
can thiệp kịp thời đó mà chồng cháu khỏi phải mở hộp sọ, một phẫu thuật
quá nhiều rủi ro, để lại nhiều di chứng.
“Cho tới hôm nay vẫn chưa hết ngạc
nhiên vì sự can thiệp đúng lúc của vị bác sĩ đó” - cô cháu dâu của tôi
nói - “chỉ chút xíu nữa thôi, nếu không có sự can thiệp đó chắc gia đình
con bây giờ không biết ra sao. Nhờ em con được Bồ-tát báo mộng nên mới
gọi điện về kịp lúc, Bồ-tát đúng là mẹ hiền của con”. Cháu ấy nói với
đôi mắt biết ơn vô vàn.
Nghe cháu nói, tôi bỗng nhớ lại cách
đây hơn ba mươi mấy năm, lúc đó nhà cháu ở gần cơ quan tôi làm việc. Mẹ
cháu vì không chịu nổi sự khắt khe của cha cháu nên đã quyên sinh. Sau
khi vợ chết, cha cháu mang cháu gởi cho người cô ruột nuôi, lâu lâu ông
ấy mới về thăm. Nhà cô của cháu ở gần một ngôi chùa trong xã, cô ấy là
một Phật tử nên cháu thường theo cô qua chùa chơi, biết hoàn cảnh cháu,
thầy trụ trì rất thương, thường cho quà bánh và dạy dỗ cháu.
Một hôm, tôi ghé thăm thầy trụ trì,
khi đang uống trà với thầy, thấy cháu qua chơi, thầy trụ trì bảo với tôi
rằng cháu rất thông minh, các ảnh Phật, Bồ-tát chỉ dạy qua một lần là
nhớ hết, cả chú Đại bi dài mà học cũng thuộc. Tôi liền hỏi thử, quả
nhiên cháu trả lời rất đúng, duy khi hỏi đến ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm cháu
lại nói là Mẹ Quán Thế Âm. Tôi hỏi cháu sao lại gọi là Mẹ mà không gọi
là Bồ-tát, cháu trả lời vì mắt của Bồ-tát rất giống mắt mẹ cháu nên gọi
như thế cho đỡ nhớ mẹ. Cháu bảo: “Mỗi lần con bị bệnh hoặc bị cha đánh
đòn, mẹ nhìn con y như Mẹ Quán Thế Âm vậy!”. Tôi nghe mà xót xa cho đứa
trẻ sớm bị mất đi tình mẫu tử.
Rồi thời gian trôi nhanh, tôi về hưu
nên ít có điều kiện tiếp xúc với cháu. Không ngờ đứa cháu trai con người
anh họ của tôi lại cưới cháu làm vợ. Sau đám cưới một thời gian, nghe
ông anh họ khoe mà mừng, anh ấy nói con dâu rất ngoan hiền, hiếu thảo
với cha mẹ chồng. Nhà anh xưa giờ không có thờ Phật, chỉ thờ ông bà, từ
ngày con dâu bàn với gia đình thờ Phật, gia đình trở nên vui vẻ, gặp
nhiều may mắn, đã mở thêm mấy điểm thu mua sản phẩm chỉ xơ dừa, làm ăn
thuận lợi lắm. Bây giờ anh chỉ còn lo một điều là thằng con trai làm thì
rất giỏi mà nhậu cũng quá chừng, anh chị rầy la hoài không chịu nghe,
vợ nói riết cũng chưa chừa. Tôi nói: Anh cứ cầu nguyện Phật, Bồ-tát đi,
lần lần đủ duyên là nó sẽ bỏ thôi!
Trước khi ra về, tôi đến bàn thờ Phật
xá ba xá và ngắm nhìn pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm mới tinh, rực rỡ
trong ánh đèn điện. Cô cháu dâu bảo: “Pho tượng Bồ-tát này con mới thỉnh
vào ngày Đức Quán Thế Âm vừa qua. Trước kia nhà chỉ thờ ảnh, sau khi ở
bệnh viện về, chồng con tỏ ý muốn thờ tượng Bồ-tát cho trang trọng hơn.
Từ lúc có tượng Bồ-tát, ngày nào anh ấy cũng đốt nhang, lễ Phật rất chí
thành, thỉnh thoảng anh ấy lại sờ vào đầu mình rồi nói: Nếu Bồ-tát không
báo mộng kịp thời chắc cái xương sọ của mình còn nằm trên bệnh viện
hoặc bị đem đi tiêu hủy rồi, ôi nhớ lại còn rợn tóc gáy! Sau vụ tai nạn
và phát tâm thờ Bồ-tát, anh ấy đã nguyện bỏ rượu, con nghe anh ấy hứa mà
rất mừng”.
Trên đường về nhà, tôi suy nghĩ mình
cũng từng trải qua nhiều nạn khổ, nhờ hết lòng tin tưởng vào Phật pháp
lại thường niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, trì chú Đại bi nên những
nạn khổ đều vượt qua được. Nay lại chứng kiến người thân thoát khỏi tai
nạn trong đường tơ kẽ tóc cũng nhờ vào oai lực cứu khổ cứu nạn của
Bồ-tát, nên càng thêm tin tưởng vào thần lực và tấm lòng thương yêu
chúng sanh vô hạn của Ngài. Đúng như cháu dâu tôi nói, Bồ-tát Quán Thế
Âm là Mẹ từ bi của mọi chúng sanh.