Có
một lần, ở trong hội chúng, Đức Phật giảng dạy về nghiệp lực. Đức Phật
dạy rằng, trong ba nghiệp thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, thì ý
nghiệp là quan trọng nhất. Ý nghiệp có khởi sinh, có suy nghĩ kỹ càng
trước khi hành động, thì mới đưa đến thẩm lự tức là phán xét nên làm hay
không nên làm. Sau khi đã phán xét nên làm hay không nên làm, thì ý
nghĩ đó mới bắt đầu phát khởi ở nơi thân và ngữ. Như vậy ý nghiệp là chủ
đạo khiến cho thân và ngữ hành động. Nếu ý nghiệp duyên vào các phiền
não tham, sân, si, thì thân hành động và miệng mới biểu lộ ra chất tham,
chất sân, chất si trong đời sống hàng ngày. Nếu ý nghiệp duyên vào các
thiện tâm như vô tham, vô sân, vô si ở nơi tâm thức của chúng ta, thì
thân và ngữ mới biểu hiện ra cái vô tham, vô sân, vô si đó trong cuộc
sống hàng ngày của chúng ta. Bởi vậy, ý nghiệp là quan trọng nhất, nếu ý
đã nghĩ đến điều ác thì không có điều ác nào mà thân không làm và ngữ
không nói. Nếu ý đã nghĩ đến điều thiện, duyên vào điều thiện nơi tâm,
thì không có điều thiện nào mà thân và ngữ không biểu hiện trong đời
sống hàng ngày của chúng ta. Ở trong hội chúng, Đức Thế Tôn đã rống lên
tiếng rống sư tử ấy làm khiếp đảm, làm rơi rụng những nhận thức sai lầm
về nghiệp. Tiếng rống đó động tới các rừng tu, các trung tâm tu học của
các ngoại đạo thời bấy giờ. Có nhiều vị sôi sục đến tranh cãi với Đức
Phật. Đức Phật mỉm cười và nói rằng, này hỡi các du sĩ! Các du sĩ nói
rằng, trong ba nghiệp thì thân nghiệp là quan trọng nhất, vậy du sĩ hãy
chứng minh cho Như lai nghe. Các du sĩ ngoại đạo đó nói như thế này, Đức
Cồ Đàm có thấy không? Muốn giết người thì thân giết, thân cầm dao, thân
đi tìm kiếm và thân đâm, chém, chứ ý nghiệp đâu? Cho nên, trong ba
nghiệp, thân nghiệp là quan trọng hơn hết. Sau khi nghe tu sĩ ngoại đạo
trả lời như thế, Ngài mỉm cười, nói rằng, này hỡi các du sĩ! Như Lai
cũng nghe trong tôn giáo của các bạn dạy rằng, không được giết người,
không được giết hại chúng sinh. Thế thì, một tu sĩ hay một tín đồ của
bạn khi ngủ dậy, từ trên giường bước xuống đất đạp kiến chết, đạp những
loài sâu bọ chết, nếu cần xét xử người đó có phạm tội hay không phạm
tội, phạm giới giết hay không phạm giới giết, thì quý vị phải xét xử như
thế nào? Các tu sĩ ngoại đạo trả lời, thưa Đức Cồ Đàm, nếu những tu sĩ
hay tín đồ của chúng tôi từ trên giường bước xuống, nếu vô ý mà đạp
những loài chúng sinh chết thì tội nhẹ hơn, còn nếu cố ý mà đạp những
loài chúng sinh chết thì tội nặng hơn. Đức Phật mỉm cười, Ngài nói, thế
thì tôi có nói điều gì khác đâu, tôi nói trong ba nghiệp thân, ngữ, ý,
thì ý nghiệp là quan trọng hơn cả, thì bây giờ đây, quý vị cũng nói
giống tôi đó thôi, chứ tại sao quý vị lại đến đây để tranh cãi với tôi.
Quý vị nói, nếu vô ý mà đạp chết các loài chúng sinh thì tội nhẹ, còn cố
ý mà đạp các loài chúng sinh chết thì tội nặng, như vậy, ý nghiệp là
chủ ý trong vấn đề tạo nghiệp. Sau đó Đức Phật nói rằng, Như Lai không
thích tranh cãi với đời, chỉ có đời mới ưa tranh cãi với Như Lai mà
thôi! Người nào sống đời sống không ưa tranh cãi, thì người đó sẽ có
hạnh phúc lớn, trong đời sống của người đó vắng bặt tất cả mọi thứ phiền
não, mọi sự lo âu, mọi sự tranh giành hơn thua. Trong đời sống, người
nào ưa tranh cãi, thì người đó mất hết sinh lực của sự sống, người đó có
lo âu, sợ hãi, kẻ nào ưa thắng bại, thì chính kẻ đó đau khổ trước hết.
Như Lai không tranh cãi với đời, cho nên, Như Lai không có sự khổ đau do
sự tranh cãi đem lại. Như Lai không ưa tranh cãi với đời, cho nên, sự
lo âu, sợ hãi về hơn thua không xảy ra trong đời sống của Như Lai. Như
Lai không ưa tranh cãi với đời, cho nên, sự oán đối giữa cuộc đời không
có mặt trong đời sống của Như Lai.
Tranh cãi, ưa tranh cãi, tất
nhiên sẽ có thua và có hơn, người tranh cãi mà hơn thì tâm sinh kiêu
mạn, tâm sinh tự đắc, tâm sinh tự thị. Cái kiêu mạn, cái tự thị, cái tự
đắc. Tất cả những cái đó làm cho cuộc đời mình nghèo đi, khổ đau nhiều
hơn, buồn chán nhiều hơn. Người tranh cãi mà thua, thì mặc cảm, xấu hổ
sẽ xảy ra trong đời sống của người đó. Như vậy, tranh cãi hơn cũng đau
khổ, mà tranh cãi thua cũng đau khổ. Muốn thoát ly sự khổ đau, thì phải
thực tập hạnh không tranh cãi trong đời sống của chúng ta.
· Vô tránh tam muội:
Thưa đại chúng, trong
những vị đại đệ tử của Đức Phật, Ngài Tu Bồ Đề là một vị đại đệ tử, Ngài
đã được Đức Phật ca ngợi là vị đệ tử không thích tranh cãi số một. Vì
sao? Bởi vì, Ngài Tu Bồ Đề tu tập, Ngài đạt được vô tránh tam muội,
nghĩa là vị đó sống đời sống không tranh cãi, nên, tâm của vị đó luôn
luôn an trú ở trong chánh niệm, tỉnh giác. Chỉ có an trú trong chánh
niệm, tỉnh giác, thì chúng ta mới không bị rơi vào tình trạng tranh cãi.
Nếu tâm không an trú trong chánh niệm, tỉnh giác, thì sân sẽ khởi lên,
khi sân khởi lên thì sẽ dẫn chúng ta đến với sự tranh cãi. Khi sân không
khởi lên, thì sự tranh cãi khó mà xuất hiện trong đời sống của chúng
ta. Tâm luôn luôn an trú trong chánh niệm, tỉnh giác, thì tham không
khởi lên, tham không khởi lên, thì khó mà đẩy chúng ta đến với chiến
trường tranh cãi. Chúng ta tranh cãi là do quyền lợi, là do danh, là do
địa vị, là do quan điểm..., tất cả những tranh cãi đó cũng có gốc rễ từ
tham mà ra. Người và những loài vật thấp kém do tham ăn nên tranh cãi
nhau về ăn, ăn thế nào cho ngon, nấu như thế nào cho ngon, uống cái gì
cho ngon..., tất cả những cái đó đều là sinh hoạt của những loài người
mang bản năng thấp kém và đương nhiên, sau cuộc tranh cãi đó, nếu không
chế ngự được, không có chánh niệm, tỉnh giác, thì cuộc hội họp đó trở
thành ra một bãi chiến trường và sau bãi chiến trường đó, người được, kẻ
thua đều là nạn nhân của sự khổ đau.
Do đó, một vị tu tập chánh
niệm, tỉnh giác, đạt được vô tránh tam muội, thì tâm của vị đó luôn an
trú ở trong chánh niệm, tỉnh giác, cho nên, tham không khởi lên. Tham mà
khởi lên, thì đương nhiên có sự tranh cãi, kinh doanh tranh cãi theo
kiểu kinh doanh, buôn bán tranh cãi theo kiểu buôn bán, vua, quan thì
tranh cãi theo kiểu vua, quan và khi đã tranh cãi thì khổ đau, oán kết,
hận thù xảy ra. Hạt giống khổ đau, oán kết, hận thù đó sẽ rơi vào tâm
thức của chúng ta, nó lưu trú ở trong tiềm thức của chúng ta, khi có cơ
duyên thì nó sẽ bung khởi ra. Bởi vậy, trong hàng đệ tử của Đức Phật,
Ngài Tu Bồ Đề là một vị được Đức Phật ca ngợi là vị có đời sống không
tranh cãi, Ngài đã đạt được vô tránh tam muội. Vô tránh tam muội là gì?
Vô tránh tam muội tức là vị đó có tâm luôn luôn an trú trong chánh niệm,
tỉnh giác. Vị đó ý thức rất rõ mình đang đứng, đang nằm, ngồi, nói
năng, tiếp xúc, ý thức rất rõ về mọi động tác của mình, ý thức đó là ý
thức của chánh niệm, tỉnh giác, chứ không phải ý thức theo kiểu vọng
thức. Ý thức đó có gốc rễ từ vô si, còn nếu chúng ta có ý thức từ nơi
si, thì nó sẽ đẩy chúng ta đi tới tà kiến và tranh cãi. Hai người đang
còn tranh cãi với nhau, ai cũng đang có ý thức cả, nhưng ý thức đó là ý
thức của si, ý thức của bản ngã, cho nên, ai cũng lựa những lời thật cay
độc để bắn ra cho đối phương phải gục đầu, gục đầu bằng ngôn ngữ chứ
không phải bằng vũ khí, ngôn ngữ cũng là một loại súng bắn người, giết
người một cách khủng khiếp.
Thưa đại chúng, ngày hôm nay, chúng
ta tu tập chánh niệm, chúng ta quán chiếu thật sâu sắc về hạnh không
tranh cãi, nhưng có nhiều người nói rằng, dạ bạch Thầy, chúng ta tu mà
không tranh cãi chi hết thì buồn lắm, phải tranh cãi mới thú vị, như một
triết gia cận đại đã nói:” Sau sự tranh cãi thì chân lý sẽ bùng vỡ”.
Tôi đã trả lời rằng, tôi không phải là triết gia, cũng không phải là đạo
sĩ, tôi chỉ là thầy Thái Hòa thôi, nhưng theo tôi :” Sau sự tranh cãi
thì khổ đau sẽ bùng vỡ giữa hai bên”. Không phải Đức Phật dạy chúng ta
tu tập có nghĩa là chúng ta câm, mà Ngài dạy chúng ta phải nói và phải
nói ở trong chánh niệm. Đức Phật đề nghị chúng ta trình bày, nhưng trình
bày ở trong chánh niệm, khi người khác trình bày thì chúng ta theo dõi
hơi thở và lắng nghe thật sâu. Đức Phật không cấm chúng ta trình bày vấn
đề, nhưng vấn đề đó phải thiết thực, giải quyết được khổ đau của chúng
ta, còn nếu chúng ta chỉ nêu lên những vấn đề mà đến khi chết rồi chúng
ta vẫn không giải quyết được, thì không có ích lợi gì cả.
· Hiện thực từ cuộc sống:
Thưa
đại chúng, ngày xưa có mấy vị đệ tử của Đức Phật, họ đến hỏi Đức Phật
như thế này:” Dạ bạch Như Lai! Sau khi Ngài chết, Ngài đi về đâu? Thế
giới này là hữu cùng hay vô cùng? Thế giới này là hữu biên hay vô biên?
“. Ngài cười và nói rằng, này các tôn giả ơi! Như lai nói cho tôn giả
như thế này, một người đang bị tên độc bắn vào, việc trước tiên chúng ta
phải làm gì để cứu người bị tên độc bắn vào? Có nên hỏi rằng, tên độc
này do ai bắn? Tên độc này được bắn từ đâu? Tên độc này bị tẩm thuốc gì
mà độc hại như thế? Hay là chúng ta phải tới và nhổ tên độc ra khỏi cơ
thể người bị bắn, rồi băng bó vết thương lại cho họ. Vị đệ tử nói rằng,
dạ bạch Đức Thế Tôn, chúng ta nên chạy tới ôm người bị tên độc bắn vào,
nhổ tên độc ra khỏi cơ thể của họ và bôi thuốc vào cho họ. Đức Phật nói
rằng, à cũng vậy, bao nhiêu chuyện siêu hình, bao nhiêu chuyện gì Như
lai cũng biết hết, nhưng mà Như lai không nói, Như Lai chỉ nói những gì
mang tính hiện thực, giải quyết được vấn đề sinh tử cho chúng sinh. Cũng
vậy, một người có lương tâm, muốn chửa trị người bị tên độc, thì việc
trước tiên là phải ôm người trúng độc lại, nhổ tên độc ra và làm thuốc
cho họ, chứ không phải để người trúng độc quằn quại như vậy, còn mình
chỉ quan tâm đến tên độc này làm bằng cái gì, tẩm thuốc gì, bắn từ đâu
và ai bắn, chúng ta cứ ngồi tranh cãi nhau như thế, còn nạn nhân thì đau
đớn cho đến chết. Cho nên, chuyện không đáng tranh cãi, mà phải giải
quyết hiện thực. Giáo pháp của Như Lai là giáo pháp hiện thực, giải
quyết triệt để vấn đề khổ đau cho chúng ta, đem lại sự an lạc triệt để
cho chúng ta, chứ không phải bàn luận về an lạc, về khổ đau. Giáo pháp
của Như Lai chỉ thẳng khổ đau và chỉ thẳng phương pháp diệt khổ.
Thưa
đại chúng, giáo pháp của Đức Phật là giáo pháp giải quyết triệt để khổ
đau bằng đời sống chứng nghiệm hiện thực, chứ không phải chỉ bằng khái
niệm. Do đó, khi quý vị tụng Kinh, đọc Kinh, quý vị sẽ thấy rằng, Đức
Phật không hề lý luận, Đức Phật chỉ đưa ra các hiện pháp chứng nghiệm mà
Ngài đã đạt được để trao truyền cho chúng ta mà thôi, chứ không phải là
một mớ kiến thức hay khái niệm được tích lũy. Do Kinh là những gì Ngài
đã chứng nghiệm được và nói ra cho chúng ta, cho nên, không còn có gì để
tranh cãi nữa. Do đó, Đức Phật, Ngài luôn luôn an lạc, thảnh thơi, Ngài
luôn luôn sống thoải mái là bởi vì, trong đời sống Ngài không còn gì để
tranh cãi nữa.
· Năng lượng thực tập:
Bây
giờ chúng ta tu tập, chúng ta muốn có đời sống an lạc, hạnh phúc, thoải
mái trong đời sống của chúng ta, thì chúng ta phải thực tập hạnh không
tranh cãi. Giả như quý vị đi đến đâu mà người khác muốn đặt vấn đề với
chúng ta, ưa tranh cãi với chúng ta, nhưng chúng ta chỉ ngồi yên lặng để
cho họ nói, ngay cả khi người khác chỉ trích chúng ta, chúng ta cũng
chỉ theo dõi hơi thở và mỉm cười thôi, thì lời chỉ trích của đối phương
sẽ mất dần hiệu năng. Ngay cả khi họ khen chúng ta, chúng ta cũng ngồi
tỉnh bơ và theo dõi hơi thở, thì người khen đó cũng không còn dám khen
tiếng thứ ba. Quý vị hãy thực tập đi, quý vị sẽ thấy, người khác khen
chúng ta mà không dám khen tiếng thứ ba nữa, chứ đừng nói là chỉ trích
và khi đó đối phương sẽ thay đổi thái độ ngay tức khắc. Nhưng khi đối
phương khen chúng ta, mà chúng ta cứ ngúc, ngúc, chúng ta ngúc chừng nào
thì đối phương sẽ càng nói xảo trá với chúng ta chừng đó. Hoặc khi đối
phương chỉ trích chúng ta, nhưng chúng ta không làm chủ được tâm ý, mặt
của chúng ta đỏ bừng lên, đó là lúc chúng ta rơi vào cái bẫy của đối
phương, khi đó chúng ta bắt đầu tranh cãi, bởi vì đối phương muốn chúng
ta như thế, nhưng, nếu chúng ta vượt ra ngoài cái bẫy của đối phương,
chúng ta không tranh cãi, thì đối phương sẽ mất dần nhuệ khí.
Điều
này quý vị hãy thực tập, quý vị chỉ thực tập trong hai tuần thôi, quý
vị sẽ thấy kết quả lạ lùng. Chính tôi đã thực tập điều này và tôi đã
thấy được kết quả đó nơi chính bản thân tôi. Khi chúng ta thực tập sâu
như vậy rồi, người khác có thích chỉ trích chúng ta, thì họ chỉ trích
chúng ta sau lưng thôi, họ không dám chỉ trích trước mặt chúng ta nữa và
khi họ như vậy, thì họ chỉ còn nửa gan mà thôi./.
Thích Thái Hòa