Thời gian qua, nhiều Phật Tử đã đóng góp trong các Phật sự như xây chùa
tháp, cung nghinh xá lợi Phật, chiêm bái Phật Ngọc Hòa Bình, dự lễ hội
hoa đăng, cúng dường trai tăng, đi chùa lễ Phật đầu xuân vân vân...
Một số người không hiểu đã gọi như thế là tu kiểu hình tướng, không
thật là tu trí tuệ giải thoát. Lời phê bình đó chứa đầy ngộ nhận.
Ngày xưa, khi Bồ Đề Đạt Ma nói việc xây chùa của Lương Võ Đế là
“không có công đức,” thực ra là nêu lời khai ngộ, để thúc đẩy vua xa
lìa cái chấp vào công đức đó thì mới có thể giải thoát.
Công đức -- tiếng Anh là merit -- là kết quả có từ những thân, khẩu, ý
thiện lành, sẽ trổ quả trong kiếp này và sẽ mang theo sang kiếp sau.
Công đức như thế sẽ giúp người tu trên đường giải thoát. Nếu không có
đủ phước, chắc chắn không thể nào tu nổi. Thí dụ, nếu sinh vào một bộ
lạc trong rừng sâu Châu Phi, tất không hề biết gì tới các tiện nghi xã
hội văn minh, và pháp Phật cũng khó gặp trong đời.
Thí dụ, nếu sống ở núi rừng Đắc Lắc, luyện được đôi chân leo núi,
gỉỏi vác nặng và đi chạy nhanh nhẹn. Nhưng cũng không thể nào bằng một
cô gái yếu đuối ở Sài Gòn lái chiếc xe máy hay xe hơi. Mới biết, dù
tập luyện giỏi, cũng không bằng có phước. Tương tự, kinh doanh giỏi,
cuối đời có nhiều tàì sản, cũng không bằng người sinh vào nhà hoàng
tộc.
Người có phước đức sẽ có nhiều nhân duyên dễ tu học hơn, bởi vì nếu
phải lao động ngày đêm mà vẫn không nuôi nổi gia đình, chuyện tu học
tất nhiên trở ngại. Đôi khi nhờ phước đức tới sớm, nghiệp dữ có thể
hoãn được. Cũng như một người dân ở Campuchia mang nợ hay làm tội, trốn
sang Sài Gòn sống, không ai biết quá khứ, sẽ được hưởng phước của một
người dân Sài Gòn, cho tới khi nào về lại Nam Vang mới bị đòi nợ.
Kinh Tăng Chi Bộ, bản do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, nơi
Chương VIII Tám Pháp phần (VI) (36) Phước Nghiệp Sự, có viết, trích:
“1.- Này các Tỷ-kheo, có ba căn bản làm phước. Thế nào là ba?
2. Căn bản làm phước do bố thí, căn bản làm phước do giới đức, căn bản làm phước do tu tập.”(hết trích)
Chữ “tu tập” đó được hiểu là thiền định, có khi được hiểu là thiền tâm từ.
Nhiều người thường chấp rằng tu theo Phật là cần phải tìm một gốc cây
hay hang núi để ngồi Thiền, còn mọi pháp khác chỉ là hình tướng không
cần thiết. Thực ra, nghĩ như thế là sai lầm lớn, khi tách biệt tướng
với tâm. Chỉ cần nhớ rằng, Ngài Mục Kiền Liên là đạị đệ tử của Phật,
thần thông đệ nhất, vẫn không cứu nổi mẹ khi bà cứ đưa cơm lên là thành
lửa cháy. Lúc đó, Phật mới dạy là cần gây dựng công đức, bằng cách
cúng dường trai tăng, mới cứu nổi mẹ.
Hòa thượng Thích Minh Châu trong tác phẩm “Đạo Đức Phật Giáo và Hạnh Phúc Con Người,” nơi chương 16, đã viết, trích:
“...Tôn giả Mục-kiền-liên là một đệ tử lớn của đức Phật, và được suy
tôn là bậc thần thông đệ nhất. Sau khi chứng quả A-la-hán. Ngài dùng
thiên nhãn quan sát khắp các cõi sống thì thấy mẹ mình đang bị nạn đói
khát dày vò trong cõi sống quỷ đói. Tôn giả bèn cầm bát cơm xuống cõi
quỷ đói đưa cho mẹ. Mẹ cầm lấy bát cơm đưa vào miệng, thì cơm hóa thành
than hồng cháy đỏ không tài nào ăn được. Tôn giả Mục-kiền-liên không
biết làm sao được, bèn trở về xin Phật ra tay cứu giúp. Đức Phật nói:
"Mẹ ông bao nhiêu đời sống xan tham keo kiệt, nên phải chịu khổ báo là
quỷ đói, một mình ông không thể cứu nổi mẹ đâu. Phải nhân ngày rằm
tháng bảy tổ chức cúng dường đức Phật và chúng Thánh Tăng mười phương
nhờ vào sức mạnh chú nguyện của đức Phật và chúng Tăng mười phương thì
mẹ ông mới có thể siêu thóat được".
Tôn giả Mục-kiền-liên vâng lời đức Phật dạy, đến ngày rằm tháng bảy
là ngày tự tứ ra hạ của chư Tăng, đem thức ăn, đèn, sáp, hương hoa...
đặt vào chậu lớn, cúng dường trai Tăng. Bà mẹ của Tôn giả Mục-kiền-liên
nương nhờ vào uy lực của giới đức và phước đức của chư Tăng mười
phương, và cũng nương nhờ vào công đức bố thí và lòng chí thành của Tôn
giả Mục-kiền-liên, mà sớm thoát khỏi nỗi khổ của quỷ đói, nỗi khổ ví
như nỗi khổ của người bị treo ngược, siêu thăng lên các cõi lành...”
(hết trích -- nguồn:
http://www.thuvienhoasen.org/daoducphatgiao-minhchau-04.htm)
Theo báo Tibet Sun ngày 26-7-2010, Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi lễ
khánh thành tượng Đức Di Lạc Bồ Tát (Maitreya) cao 100 feet (30.4 mét)
tại Nubra Valley, Ấn Độ, với nhiều ngàn vị sư, quan chức và dân chúng
tham dự, đã cảm ơn ban tổ chức và những người xây tượng, nói, “Họ đã
làm được nhiều công đức... Người ta sẽ được công đức đi nhiễu quanh
tượng, và vì tượng cao nên có thể được ngắm từ xa, người nhìn ngắm
tượng cũng sẽ có công đức...”
Như thế, chúng ta hiểu được vì sao Phật tử thành kính tham dự các lễ hội Phật Giáo.
Đức Đạt Lai Lạt Ma viết trong cuốn “The Compassionate Life,” với các
dòng chữ sau này đưa vào sưu tập “Dalai Lama Quote of the Week” đã ghi
rằng khi những kẻ thù nghịch gây tổn thương chúng ta, chúng ta có thể
mang ơn họ vì đây là cơ hội để tu hạnh kham nhẫn của bồ tát, “bởi vì
công đức gây dựng từ pháp tu kham nhẫn chỉ có thể có cơ duyên cho mình
tu là từ kẻ thù nghịch gây ra, nói nghiêm khắc là, chúng ta nên hồi
hướng công đức của chúng ta để xin lợi ích cho kẻ đối nghịch.”
Theo truyền thống Phật Giáo Thái Lan, cụ thể có những cách vun trồng công đức như sau, theo thứ tự, trích:
“1. Xuất gia, thọ đại giới.
2. Góp tiền xây chùa.
3. Có một con trai đi tu, làm sư.
4. Hành hương các chùa Phật Giáo khắp Thái Lan.
5. Đóng góp sửa chùa.
6. Cúng thực phẩm hàng ngày cho các vị sư, và cho các ngày lễ linh thánh.
7. Trở thành một sa di.
8. Vào chùa tu các ngày lễ quan trọng, và giữ bát quan trai giới các ngày này.
9. Giữ 5 giới trong mọi thời.” (hết trích -- nguồn, sách “Monks and
Magic” của B.J. Terwiel, http://www.thaibuddhist.com/making-merit.html)
Đọc kỹ, các điều trên cũng tập trung vào ba căn bản: bố thí, giữ giới luật, tu tâm từ bi.
Tại Quận Cam, Nam California, người viết có quen thân một vị cư sĩ,
tác giả nhiều sách nghiên cứu Phật Học. Vị này có một cậu con trai, đã
tập cậu bé từ nhỏ là mỗi khi vào chùa là rút ít tiền ra đưa vào thùng
công đức và đọc lời nguyện, “Con nguyện xin mọi người được OK, hạnh
phúc, khỏe mạnh và sẽ thành Phật.” Vị cư sĩ đó cũng đã dạy con tạo
dựng công đức.
Giữ giới là một công đức có đầy oai lực, không hình tướng, nhưng sẽ
tác động vào thế giới các cõi. Như khi Ngài Angulimala được Đức Phật
chỉ dạy cách chú nguyện để cứu một sản phụ. Ngài Angulimala là kẻ đã
giết nhiều người để tìm xâu 1.000 ngón tay làm tràng hoa, và đã rượt
theo Đức Phật để tìm giết người cho đủ số thì được Đức Phật cảm hóa và
cho theo thọ học giáo pháp. Toàn văn ghi trong Trung Bộ Kinh, kinh thứ
86.
Bản văn của Ngài Walpola Piyananda Thera như sau, trích dịch:
“Ngài Angulimala không an tâm, bởi vì ngay cả khi thiền định đơn độc,
ngài vẫn thường nhớ tới quá khứ và những tiếng kêu khóc thảm thương
của các nạn nhân của ngài. Vì ảnh hưởng nghiệp dữ của ngài, trong khi
đi khất thực trên đường, ngài vẫn cứ trở thành mục tiêu cho dân chúng
chọi đá và đánh gậy, và rồi ngài trở về tu viện Jetavana với đầu thương
tích, máu chảy, mình đầy vết cắt, vết bầm, và được Phật nhắc nhở: “Con
ta, Angulimala. Con đã xa lìa các ác pháp rồi. Hãy kiên nhẫn. Đây là
ảnh hưởng các ác pháp con đã làm trong kiếp này. Nghiệp dữ của con lý
ra sẽ làm con đau khổ xuyên qua vô lượng kiếp, nếu ta không gặp con.
"Một buổi sáng, trong khi đi khất thực tại Savatthi, ngài Angulimala
nghe có người khóc đau đớn. Tới gần, ngài thấy một sản phụ đang lên cơn
đau sản nạn, và gặp trở ngại khi sinh nở, thì ngài mới phản ánh rằng
tất cả chúng sinh đều chịu khổ cả. Xúc động vì lòng từ bi, ngài tới gặp
Đức Phật và kể về cơn đau của phụ nữ tội nghiệp kia. Đức Phật mới
khuyên ngài đọc tụng các lời sự thực sau đây, và sau này các lời này
được gọi là Angulimala Paritta (Hộ Kinh Angulimala). Tới trước người
phụ nữ đang đau đớn kia, ngài ngồi trên một chỗ cách biệt sản phụ bởi
một bức màn, và nói lên những lời sau này:
“Chị ơi, từ ngày tôi trở thành một a la hán,
Tôi đã không cố ý hủy diệt
Sinh mạng của bất kỳ chúng sinh nào.
Với sự thật này, xin nguyện cho chị an lành,
Và xin nguyện cho em bé chưa sanh của chị an lành.”
Ngay tức khắc, sản phụ sinh ra bé sơ sinh dễ dàng. Cả mẹ và con đều
an lành và khỏe mạnh. Ngay cho tới bây giờ, nhiều vị vẫn còn đọc hộ
kinh này, như tụng đọc thần chú.
Ngài Angulimala ưa thích sống trong đơn độc và ẩn dật. Về sau, ngài
viên tịch bình an. Là một bậc a la hán, ngài đã thể nhập đại bát niết
bàn. (hết trích dịch)
Như thế, công đức giữ giới có oai lực như thế.
Đặc biệt, tạo dựng công đức cần nhất là tâm thành. Như Đại Sư Sogyal
Rinpoche đã kể trong cuốn “The Tibetan Book of Living and Dying” (Tạng
Thư Sống Chết), kể về thời Đức Phật, có một bà cụ ăn mày thường nhìn
thấy các vua, hoàng tử, dân chúng cúng dường Phật và chư tăng, nhưng bà
cụ không có gì để cúng. Tới khi ăn xin đủ để có một đồng chì, mới mang
ra người bán dầu để mua dầu cúng Phật. Người bán nói là tiền này không
đủ mua gì cả, nhưng khi nghe nói bà cụ sẽ cúng Phật, người bán mới
tặng bà cụ số dầu cần thiết. Bà cụ mang dầu về tự viện, thắp ngọn đèn,
đặt trước Đức Phật và phát nguyện, “Con không có gì để cúng trừ chiếc
đèn nhỏ này. Qua lễ cúng dường, trong tương lai con nguyện tỉnh thức
mãi với đèn trí tuệ, cho con cứu tất cả chúng sinh ra khỏi nơi tối tăm.
Con nguyện cứu họ ra khỏi mọi trở ngại, và đưa họ sang bờ giảỉ thoát.”
Đêm đó, dầu tất cả các đèn khác cạn và tắt. Nhưng ngọn đèn của bà cụ
xin ăn vẫn cháy vào lúc bình minh, khi đệ tử Phật là ngài Maudgalyayana
vào để dọn tất cả đèn. Khi ngài thấy chỉ có một ngọn đèn còn sáng, với
dầu đầy, mới tìm cách làm tắt hoàì mà không được, dù là thổi hay lấy
tay dập. Đức Phật mới nói rằng Maudgalyayana không tắt nổi đèn nàỳ, dù
là lấy tất cả nước ở đại dương cũng không dập tắt nổi, vì đèn này được
cúng với tâm ý thanh tịnh.
Như thế, hãy suy nghĩ: với tâm thành, chỉ cúng một ngọn đèn, mà đã
có cơ duyên để đời đời tu học thành tựu trí tuệ, huống gì là với tâm
thành để cúng dường trong lễ hội hoa đăng.
Như thế, tu thiền tới mức đại thần thông như ngài Mục Kiền Liên, khi cứu mẹ phải nhờ vào oai lực của pháp cúng dường trai tăng.
Như thế, những pháp mà người khác tưởng như là lễ hội chấp theo hình
tướng thực ra lại là cơ duyên giải thoát vô biên. Chỉ cần với tâm chí
thành, thanh tịnh.
Cư sĩ Nguyên Giác