Trong xu hướng phát triển chung của đất nước, của thời đại văn minh, khoa học tiến bộ là điều đáng mừng, đáng trân trọng, nhưng bên cạnh đó là những tệ nạn xã hội phát sinh kèm theo, con người bị tha hóa, trong đó ít nhiều hang Tăng sĩ xuất gia cũng theo vòng xoáy đó mà mất đi sự quân bình giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần vốn có của chốn thiền môn thanh tịnh.
Trong phạm vi giới hạn của đề tài tham luận, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh và xoay quanh một số vấn đề bức thiết hiện nay, lien quan đến việc xuất gia, việc thọ giới và việc quản lý Tăng Ni tại các tự viện Thành phố như sau:
1. VỀ VẤN ĐỀ XUẤT GIA:
Hiện nay, Tăng Ni tại Thành Phố nói riêng và các tỉnh thành nói chung đang phát triển rất đông về mặt số lượng và luôn có xu hướng tập trung về các địa bàn thành phố trọng điểm. có tiềm năng phát triển kinh tế chính yếu của đất nước như Thành phố HCM chúng ta. Đây là một hiện tượng tự nhiên đối với xã hội, đối với Đạo pháp rất đáng mừng nhưng cũng rất lo ngại theo xu hướng phát triển Đạo pháp như trên.
Thẳng thắn mà nhìn sâu xa về việc xuất gia tu học trong xu hướng hiện nay, chúng ta sẽ thấy được tinh thần hảo tâm xuất gia với lý tưởng giải thoát là rất ít mà hoàn cảnh xuất gia lại quá nhiều. Về mặt khuyến khích tu học theo Bồ tát hạnh chúng ta vẫn biết rằng: “có tu là tốt rồi, biết đạo là tốt rồi…còn hơn là không…”, nhưng ở đây chúng ta muốn nhấn mạnh về lý tưởng xuất gia, phẩm hạnh của người xuất gia, muốn nhấn mạnh đến vai trò của người Tăng sĩ là người kế thừa mạng mạch của Phật Pháp, xiển dương Chánh Pháp, duy trì Tam Bảo ở thế gian. Vì thế, việc ung đúc lý tưởng xuất gia, tầm cầu Phật Pháp với mục đích giải thoát an lạc cho bản thân, cho mọi người một cách mạnh mẽ thì người Tăng sĩ mới có thể vượt qua chính bản thân mình, vượt qua mọi cám dỗ, mọi dục vọng của cuộc đời, vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để hoàn thành lý tưởng xuất gia của mình. Nếu không ung đức lý tưởng xuất gia một cách chân chính, mà vì hoàn cảnh xuất gia thì thật sự khó vượt qua mọi cám dỗ của cuộc đời khi vật chất đang hiện hữu trước mặt. Cũng chính điều này đã giải thích rõ về việc xuất gia hiện nay rất nhiều mà hoàn tục, vấp ngã cũng rất nhiều hay phẩm hạnh bị sa sút theo vật chất thế gian, không thể hiện được hết chí khí xuất trần thượng sĩ của người xuất gia.
Đối với bản thân người xuất gia thì phải hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của việc xuất gia, xuất gia là lý tưởng cao thượng, là hy sinh, là phụng sự, là người mô phạm, là người tìm cầu sự an lạc, khước từ mọi dục vọng của thế gian.
Bản thân vị Thầy khi thế độ cho đệ tử xuất gia phải hiểu được trách nhiệm, bổn phận và khả năng (trình độ Phật Pháp và thế pháp) của mình đối với đệ tử có hay không. Người Thầy khi tiếp độ đệ tử xuất gia tu học là để kế thừa mạng mạch Phật Pháp, lợi lạc tự thân và tha nhân chớ không phải là vì mục đích để có người giữ chùa, có người phục dịch hay cho xuất gia vì cảm mến tình cảm cá nhân theo nhu cầu riêng tư của chính mình…
Độ người xuất gia là việc cần làm nhưng đừng quá dễ dãi khi tiếp nhận. Người muốn xuất gia phải có thời gian tập sự, thử thách trước khi quyết định cho xuất gia dưới sự đồng ý của địa phương và gia đình.
2. VỀ VẤN ĐỀ THỌ GIỚI:
Hiện nay, khách quan mà nhìn thì hình ảnh của một vị Tỳ Kheo không còn được tôn trọng đúng mực, không còn được cung kính theo đúng nghĩa của nó đối với hàng Phật tử tại gia. Thật sự là có rất nhiều bậc Thầy luôn là mô phạm, đáng để mọi người kính nể, tôn trọng. Nhưng cũng có rất nhiều “Thầy Tỳ kheo” thô tháo, thiếu oai nghi, thiếu phẩm hạnh, phóng túng, thiếu tư cách làm Thầy… Những vị Thầy đó đã làm mất đi hình ảnh thanh cao vốn có của người Tăng sĩ đối với hàng Phật tử tại gia. Chính sự suy thoái đạo đức, chính sự thiếu oai nghi tế hạnh, chính sự thiếu tư cách làm thầy, làm người mô phạm, coi thường việc thọ giới, giữ giới, không quan tâm đến công tác Tuyển Tăng mà dẫn đến những hiện trạng nêu trên. Từ đó hình ảnh của một vị Tỳ kheo sao mà tầm thường quá, thô tháo quá, đâu có gì phải đáng để học tập đâu???
Hiện nay cũng do người thọ giới không hiểu rõ ý nghĩa của việc thọ giới, không hiểu thọ giới đó là sự phát tâm, phát nguyện, thọ trì gìn giữ giới luật mà mình đã thọ được sự chứng minh của Tam Bảo, của hội chúng Đạo Tràng, của Tam Sư Thất Chứng… Để rồi dẫn đến tệ nạn là xem việc thọ giới như là “được lên chức”, là phong trào, là quyền lợi danh vọng, là không còn bị ngồi dưới, ăn sau người khác, hay tranh thủ thọ giới nhanh để được trụ trì…
Qua đó xin đề nghị:
- Người thọ giới phải lấy ý nghĩa phát tâm tu tập, giữu gìn phẩm hạnh là chính để có được an lạc tự thân và xã hội, không nên xem việc thọ giới là một chức tước, địa vị, hưởng lộc…
- Đối với vị Bổn sư: phải có trách nhiệm hướng dẫn và hiểu được khả năng tu tập, khả năng thọ giới và giữ giới của đệ tử. Phải chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho người đệ tử trước khi làm Thầy.
- Đối với Giáo Hội: nên tổ chức các Đại Giới Đàn theo nhu cầu phát tâm của giới tử hơn là tổ chức theo hình thức, theo phong trào địa phương hay chỉ tiêu số lượng; không nên bị cuốn theo hình thức mà xem nhẹ việc tuyển Tăng này. Nên chủ trương về chất lượng thọ giới hơn số lượng để giảm thiểu các tệ nạn hiện có trong xu hướng hiện nay là ai cũng làm ông Thầy.
- Tăng cường công tác xét duyệt, kiểm tra khi thọ giới, kiểm tra tư cách nhân thân trước khi thọ giới, nhằm tôn trọng việc thọ giới và giữ gìn giới luật sau này của giới tử.
3. VỀ VIỆC QUẢN LÝ TĂNG NI CÁC TỰ VIỆN:
Việc quản lý Tăng Ni các tự viện hiện nay cho thật tốt là một việc làm rất khó tại các cơ sở tự viện Giáo Hội. Hiện nay việc quản lý Tăng Ni rất lõng lẽo, thiếu tâm lý, thiếu khoa học, thiếu quy tắc thiền môn, thanh quy ra, thì yếu tố“hiện đại khoa học của công nghệ thong tin như: điện thoại di động, thư điện tử, lên mạng internet…” là những tác nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho Tăng Ni vi phạm giới luật, xáo trộn về sinh hoạt tu học, không theo dõi được những diễn biến phức tạp về tâm sinh lý hay các vấn đề liên quan đến ngoại duyên khác của Tăng Ni sinh trẻ, làm ảnh hưởng rất nhiều đến công tác kiềm cặp, theo dõi, quản lý Tăng Ni hiện nay cho thật tốt của các bậc Thầy chúng ta.
Bên cạnh đó, một hiện tượng nổi bật và khá phổ biến hiện nay là sự thu nhận đồ chúng rất dễ dãi của một số vị Tăng Ni trụ trì, làm mất đi sự hòa hợp, tình pháp lữ giữa các bậc Thầy với nhau, tạo điều kiện thêm cho người đệ tử đã phạm lỗi mà không biết hối cải, ăn năn, lại còn coi thường khinh dể thầy bạn mình. Hiện nay, có rất nhiều Tăng Ni đến tự viện này, tự viện khác nhưng không tìm được chỗ ở vừa ý mình. Kết cục, họ thuê nhà trọ, ở nhà thế tục, ở ký túc xá, hay có điều kiện hơn thì tự lập am cốc để tự sống tự do thoải mái, phóng túng, không kỷ luật, không an cư kiết hạ, không bố tát tụng kinh… Hiện tượng này là một hiện tượng rất phổ biến tại các Tỉnh - Thành phố hiện nay.
Qua đó xin đề nghị:
- Quản lý Tăng Ni nên bằng tinh thần Lục Hòa cộng trụ, theo qui tắc, thanh quy thiền môn, không theo tình cảm cá nhân, không nên quản lý theo cảm tính tự phát của cá nhân mình.
- Hạn chế tối đa cho Tăng Ni sinh trẻ sử dụng các thông tin công nghệ hiện đại như: điện thoại di động, lên mạng internet… khi tâm tu chưa được vững vàng.
- Không nên thu nhận đồ chúng một cách dễ dãi, thiếu cân nhắc, thiếu tìm hiểu nguồn gốc đệ tử khi đến với mình, nhằm tránh tình trạng ỷ lại, phóng túng, mất hòa hợp giữa chư Tôn Đức Tăng Ni với nhau.
- Giáo Hội cần dứt khoát không cho Tăng Ni trẻ lập am cốc để tu tập hay ở nhà dân.
- Nếu có điều kiện thì Giáo Hội nên tập trung Tăng Ni bằng cách xây cất những Tăng xá hay Ni xá để dễ quản lý Tăng Ni, tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni tu tập, phát triển năng lực cá nhân, phục vụ giáo hội.
Trên đây là những vấn đề bức thiết và những ý kiến đóng góp chân tình đối với ngành Tăng sự hiện nay trong việc điều hành, quản lý Tăng đoàn được thanh tịnh và an lạc. Ban Đại Diện xin được đóng góp vài ý kiến nhỏ với mục đích góp phần điều chỉnh những vấn đề bất cập đã được nêu trên trong hoàn cảnh xã hội Đạo pháp hiện nay.
Kính chúc Đại Hội thành tựu viên mãn.
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.