Trước khi cử hành lễ cung tống kim quan Trưởng lão Hòa
thượng nhập Bảo tháp, nơi an nghĩ ngàn thu của trần thế, chúng tôi xin thay mặt
Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tăng Ni,
Phật tử Việt Nam có đôi lời tưởng niệm:
Kính bạch Giác Linh Hòa thượng,
Từ vùng đất địa linh, nhân kiệt,
lịch sử hào hùng, núi sông ngàn năm danh tiếng, đất Bình Định gió quyện mây từ,
xứ Phù Mỹ chan hòa Linh Khí, nơi sản sinh anh hùng, danh nhân hào kiệt và các
bậc Tổ sư cao Tăng danh tiếng đã ghi vào trang sử vàng son của Phật giáo Việt
Nam.
Cũng tại vùng đất địa linh nầy,
Hòa thượng đã hiện thân đại sĩ, giữa phàm trần không nhiễm hồng trần, quyết một
lòng xả tục cầu chân, nêu cao chí cả, phát chí xuất trần từ thuở nhỏ, chùa Bảo
Sơn xuất gia học đạo, được Hòa thượng ân sư ban pháp danh Như Cầu, pháp
hiệu Thiện Thệ, kế thừa Tổ ấn, nối pháp dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42..
Kể từ đó, đường giải thoát lâng
lâng nhẹ bước, ngày đêm trao tâm luyện trí, Tổ đình Thập Tháp, Phật học đường
Trung phần Nha Trang đêm ngày nghiên tầm giáo điển, tinh cần tu tập, công phu
công quả vẹn toàn, thầy thương bạn mến.
Rồi đến độ tâm hoa khai phát,
theo Luật Phật định kỳ, Hòa thượng thọ tam đàn Cụ túc giới tại Giới đàn chùa
Thiên Bình, do Hòa thượng Huệ Chiếu trú trì Tổ đình Thập Tháp làm đường đầu Hòa
thượng. Hòa thượng chính thức dự vào hàng cập đệ, ngôi Tam Bảo tam tôn kế vị,
giới thân huệ mạng trang nghiêm. Ngài thực sự đi vào đời bằng tinh thần đại sĩ,
giống trống lôi âm, vang rền tiếng pháp, thực hiện trọng trách sứ giả Như Lai
Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.
Nhân duyên Hội đủ, tại Tổ đường
phương trượng Thiền Lâm, Ninh Thuận, Hòa thượng được Đại lão Hòa thượng Huyền
Tân phú pháp thế độ với pháp tự Hạnh Đắc, pháp hiệu Đỗng Quang.
Theo nhân duyên hội ngộ, chư Phật bổ xứ, đất cao
nguyên gió lộng sương mù, Hòa thượng đã tùy duyên hóa độ chúng sanh, thực hành
Phật sự, góp phần lớn cho sự phát triển Giáo hội qua các thời kỳ khác nhau của
Đạo pháp và Xã hội.
Với hạnh nguyện Đại thừa, Hòa thượng đã thể hiện trọn
vẹn tinh thần đại hùng đại lực, đại từ bi, hộ quốc an dân, làm cho Đạo – Đời
hai mặt, một thể viên dung, giống trống lôi âm, vang rền tiếng Pháp, nêu cao
gương uy mãnh giữa rừng tà. Hòa thượng đã vận dụng tùy duyên bất biến, bất biến
tùy duyên, truyền trì đạo mạch, phát huy chân lý Đạo nhà một cách trong sáng và
tích cực qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử. Quả thật: “Lưng mang bức tượng Di Đà. Chữ Trung chữ Hiếu nay đà vẹn phân. Trãi
qua bao cuộc phong trần. Đạo Tâm đâu dễ một lần phôi pha”.
Trong
tinh thần hòa hợp đoàn kết, thống nhất Phật giáo cao độ, Hòa thượng đã thể hiện
nguyện vọng thống nhất Phật giáo của Tăng Ni, Phật tử cả nước, đã tiếp nối dòng
sinh mệnh năm 2000 lịch sử của Phật giáo Việt Nam, xây dựng thành công ngôi nhà
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai, Kon Tum.
Trên cương vị lãnh đạo, từ Trưởng Ban Trị sự Gia Lai –
Kon Tum, Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Gia Lai ngày nay, bằng
tinh thần phụng sự Đạo pháp, làm bậc long tượng Phật pháp, mô phạm chốn rừng
thiền. Bằng giới đức trang nghiêm, thanh tịnh, thân giáo, khẩu giáo, ý giáo
thâm nghiêm, Hòa thượng đã hiện thân của giới luật, là thọ mạng của Phật pháp,
đã khai thông giới thân huệ mạng cho nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử. Qua đó,
từng lớp, từng đàn giới tử, giới thể châu viên trang nghiêm dòng diệu thể, trở
thành pháp khí Đại thừa truyền trì mạng mạch Phật pháp, Trưởng tử của Như Lai,
tiến tu giải thoát, lợi lạc hữu tình, tốt Đời đẹp Đạo.
Với những công đức đóng góp cho
sự phát triển của Giáo hội, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V,
Hòa thượng được suy tôn vào ngôi vị thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội
Phật giáo Việt Nam; là bậc Giáo phẩm của Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Gia Lai,
Hòa thượng đã không ngừng đóng góp cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày càng
phát triển vững mạnh, trang nghiêm, hưng thịnh huy hoàng trong lòng dân tộc, để
rồi hoa đạo pháp nở rộ trong vườn hoa xã hội và đạo đời mãi mãi dung thông,
chan hòa pháp giới, tỏa ngát hương thơm.
Bằng
tinh thần phụng sự Đạo pháp, hơn 60 năm đóng vai long tượng trong Phật pháp, mô
phạm chốn rừng thiền, Hòa thượng đã nỗ lực hoằng dương chánh pháp, kế thừa đạo
mạch, làm cho Tổ ấn trùng quang, đạo vàng xán lạn, xứng danh con nhà họ Thích
ngàn đời, như Cổ đức đã nói: “Trải thân tâm phụng sự cõi trần. Trần duyên mai
một Pháp thân sáng ngời”.
Bằng hạnh nguyện khứ lai vô ngại,
tự tại tùy duyên, làm Phật sự như không hoa, độ chúng sinh như huyễn hóa, Hòa
thượng đã thuận lý vô thường, trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, lúc
08giờ ngày mùng 07 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, nhằm ngày 06 tháng 02 năm 2014.
Trụ thế 90 năm, Hạ lạp 63 năm, để lại cho đạo cho đời một tấm gương đạo hạnh
sáng ngời và một niềm kính tiếc khôn nguôi.
Than ôi! “Người xưa nay đã còn đâu, chỉ còn mây bạc
lòng sầu tiếc thương, ra vào lòng dạ vấn vương, bóng hình đại sĩ du phương xa
mờ”. Song công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, ký
ức của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam cùng trang sử rạng ngời của Phật giáo Việt
Nam trong thời hiện đại.
Trong giờ phút nghìn thu vĩnh biệt, Giác linh Hòa
thượng đã ngao du tự tại, vận thần thông đoan ngự cửu Liên đài, xả báo thân
chứng nhập pháp thân, siêu Tịnh độ không rời uế độ, gia hộ chúng tôi là những
người bạn đồng hành, đồng sự pháp lữ còn lại xin nguyện kề vai sát cánh bên
nhau, nối tiếp sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc chúng sinh, duy trì và
phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai
ngày càng trang nghiêm, vững mạnh huy hoàng trong lòng dân tộc mà Hòa thượng
còn bỏ dỡ.
Giờ đây, trong thế giới Niết bàn vô sinh bất diệt, nơi
bảo tháp Quan Âm trang nghiêm, thân tứ đại Hòa thượng hãy an nghỉ nghìn thu.
Với Pháp thân lồng lộng tợ hư không, sẽ sống mãi trong lòng Pháp lữ, trong tư
duy cùng pháp giới vô biên.
Xin bái biệt Hòa thượng!
Nam mô Tự Lâm Tế Chánh Tông
Tứ thập nhị thế, Quan Âm đường thượng, Húy thượng Như hạ Cầu, tự Hạnh Đắc, hiệu
Đỗng Quang Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.