Một thực trạng vốn tồn tại nhiều năm nay tại các lễ hội, đặc biệt là
tại đền Sóc vẫn tái diễn là tình trạng đặt lễ tiền lẻ tùy tiện khắp mọi
nơi. Theo quan sát của chúng tôi tại khu vực đền Sóc, ban quản lý di
tích đã đặt khá nhiều các hòm công đức tại nhiều vị trí. Tuy nhiên,
người dân và du khách đa phần đều đặt tiền lẻ trực tiếp lên bàn thờ
Phật, mâm ngũ quả hay bất cứ chỗ nào có thể cài được tiền lẻ trong điện
thờ đền Mẫu, đền Thượng, thậm chí cả trên bát nhang khu vực tượng đài
Thánh Gióng khiến tiền rơi vương vãi, tứ tung khắp mọi nơi chốn.
Hơn nữa, tại nhiều điểm trong khuôn viên đền Sóc như gốc các cây lớn,
tượng các linh vật, hay bất cứ chỗ nào có bát hương đều được người đi
lễ dùng tiền lẻ cài cắm vung vãi. Thấy vậy, nhiều đối tượng gian xảo đã
vào vai người đi lễ để “hôi của”. Có nơi, du khách vừa đặt tiền xuống,
vài ba kẻ hám của đã “chầu chực” sẵn chạy đến vơ vét ngay.
Trong những ngày lễ hội, lượng du khách đặc biệt là các thanh thiếu
niên đổ về gần như chật kín đền Sóc. Điều khiến nhiều du khách và người
đi lễ hết sức bất bình là giữa chốn linh thiêng, nhiều đôi trai gái rất
ngang nhiên ôm ấp nhau…thậm chí quàng vai hôn nhau rất hồn nhiên như
chốn không người. Cụ Lý Thị Lịch - phật tử huyện Đông Anh bức xúc: “
Nhiều cậu ấm, cô chiêu tranh kiếm cớ đi lễ vào đền Sóc rồi kéo nhau ra
ngoài vườn cây để tình tứ, làm nhiều việc “chướng tai gai mắt” rất tự
nhiên như ở chốn không người mà không có ai ngăn cấm cả?!”
Lễ vật “ông voi thần” khổng lồ, một trong những lễ vật truyền thống
người dân đền Sóc sẽ dâng lên đức Thánh Gióng cùng với “ngựa thần” để
ngài thăng thiên và bảo vệ bờ cõi nước Việt được đặt trang trọng trong
khuôn viên đền trước khi thực hiện nghi lễ “hóa thánh”. Thế nhưng, với
nhiều du khách đã “nhảy vào” sờ mó, xoa nắn. Thậm chí có nhiều người lại
thể hiện “oai” bằng cách “vịn cổ bá vai” cả ông tượng chụp ảnh khuếch
trương với bạn bè.
Phản cảm hơn là nhiều du khách sờ nắn khắp thân voi xem được làm bằng
chất liệu gì, giật tai voi hay liên tục cọ tiền lẻ vào thân voi lấy
may. Nhiều người khác thậm chí đục thủng cả lỗ nhỏ trên người voi để
nhét tiền lẻ vào cầu may. Anh Nguyễn Văn Nam cùng vợ và con nhỏ đi dự lễ
bức xúc: “Tôi vừa chỉ cho cháu nhà tôi về ông voi thần theo đức thánh
Gióng bảo vệ bờ cõi nước Nam ta thì lập tức thấy mấy người đi đến nhảy
phắt lên giật giật tai voi rồi ôm chân, lôi đuôi khiến tôi phải dẫn con
gái mới 6 tuổi đi chỗ khác ngay lập tức”.
Năm nay, tình trạng vứt rác bừa bãi tại khuôn viên đền Sóc đã giảm
khá nhiều do ban quản lý cử người liên tục thu dọn rác. Tuy nhiên, mới
đầu giờ chiều ngày cuối hội, khi lượng du khách vẫn trẩy hội tấp nập thì
liền lúc đến mấy bãi rác lập tức được “khai hỏa” với đủ các loại nilon,
bìa cứng, vỏ bánh kẹo, vỏ hoa quả…khó cháy khiến khói bụi mù mịt và mùi
nilon cháy khét lẹt khắp cả khu vực đền làm cho nhiều du khách, nhất là
những du khách có con nhỏ lập tức sơ tán.
Điều tương tự cũng đã xẩy ra tại đền An Dương Vương tại lễ hội Cổ Loa
(Đông Anh -Hà Nội). Ngay sau ngày khai hội, nhiều người dân khi đến đền
thờ đã có nhiều hành động ứng xử thiếu văn hóa với di tích Quốc gia
này. Hiện tượng đặt lễ tiền lẻ rơi vãi khắp nơi khá phổ biến. Đặc biệt,
trong am thờ công chúa Mỵ Châu, bức tượng đá mất đầu linh thiêng liên
tục bị du khách thả tiền lẻ ngập lòng tượng, cọ tiền lẻ vào thân tượng,
thậm chí thò tay vạch áo công chúa xoa vào phần đá cổ bị cụt…
Ngoài ra, ngay tại các ngôi chùa lớn ở trung tâm thành phố Hà Nội
như: Quán Sứ, Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ…lượng khách đến chùa hành lễ cầu
khấn tài lộc năm mới diễn ra đông và dồn dập hơn trong những ngày đầu
năm xuân Tân Mão. Theo đó, hiện tượng người đi lễ cài cắm, vung tiền lẻ
lễ phật xẩy ra nhiều và liên tục hơn tại các gian thờ phật, bia đá, vườn
tháp, gốc cây…
Ngoài việc, mang đồ lễ cầu cúng, hầu hết tất cả người hành lễ đều mua
từng “bịch” đồ mã sắp lên mâm, làm lễ xong là mang đi đốt làm cho các
lò đốt đồ mã tại các chùa luôn hừng hực khói lửa như những “ lò luyện
linh đan bát quát” suốt ngày đêm chỉ có trong truyện dã tưởng.
Biết làm sao đây?
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Hữu - Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn
cho biết: “ Sự thiếu ý thức của nhiều người tham gia lễ hội đã gây ra
nhiều điều phản cảm. Dù chúng tôi đã cắt cử người tại các điểm lễ cúng
liên tục nhắc du khách thả tiền công đức, tiền lễ vào hòm, nhắc nhở
những trường hợp xâm phạm di tích và các nam nữ thanh niên ôm hôn nhau
tại khu vực đền…Nhưng do lượng du khách quá đông mà lực lượng của ban
quản lý tại quá mỏng nên vẫn chưa triệt để thực hiện được hết.
Còn ông Hoàng Kế Khiêm - Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh thì khẳng
định, chúng tôi cũng đã cắt cử lực lượng túc trực tại các điểm lễ, đặc
biệt là tại am thờ công chúa Mỵ Châu để nhắc nhở du khách nhưng những
hiện tượng đó vẫn xảy ra ở những du khách thiếu ý thức.
Theo Thạc sĩ Trần Thị Tuyết Mai - Trưởng phòng nếp sống văn hóa ( Cục
Văn hóa di sản, Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch) thì do mật độ người
tham gia vào lễ hội và các di tích Đền chùa năm nay đã tăng đột biến so
với những năm trước đã gây nên tình trạng quá tải do cung vượt cầu. Điều
nay dẫn đến việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường.
Việc thả tiền lễ một cách tùy tiện của người đi lễ là là hệ lụy lớn
của việc mê tín thái quá, cần sớm được dẹp bỏ. Hơn nữa, việc di tích bị
xâm hại là việc khó tránh khỏi vì do ý thức của nhiều người trong cách
ứng xử với các di tích văn hóa. Bộ VHTT&DL cũng đã ban hành các quy
định cần thiết trong việc quản lý văn hóa và các quy định này cần được
phổ biến rộng rãi đến người dân để họ biết và chọn cách ứng xử đúng mực.
Ông Lê Anh Tuyến - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTT&DL) thì cho
rằng, với các hiện tượng xâm hại nghiêm trọng đến di tích văn hóa cần
được cơ quan Thanh tra và chính quyền địa phương theo dõi xử phạt nghiêm
khắc theo đúng quy định, đồng thời đăng tải vi phạm của các đối tượng
lên báo chí để góp phần hạn chế những tiêu cực do cách ứng xử thiếu văn
hóa của những đối tượng xâm hại nghiêm trọng đến di tích nói trên.