Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Một số nhận định về các bài viết liên quan "truyền thông Phật giáo"
Đạo Quang
23/06/2012 18:11 (GMT+7)



 


Đọc được bài "Trao đổi về bài viết “Ban Thông tin – Truyền thông GHPGVN sẽ làm gì?" của tác giả Quảng Tịnh, xin có vài ý kiến đóng góp. Tôi không phản đối ý kiến của "Phật tử" Quảng Tịnh, cũng không a hùa bài viết của thầy Thanh Thắng. Tôi chỉ nói quan điểm riêng mình:

 - Bạn Quảng Tịnh (với đường dẫn huongdanphattu.vn nên có thể) là người làm việc trong ban Hướng Dẫn Phật tử, bạn gần gũi chư tôn đức với niềm tin kính tuyệt đối. Việc ra đời ban TT-TT và truyền hình AVG, đương nhiên bạn theo dõi sát, và có tình thương dành cho nó rất nhiều. Khi có người nói mà không thuần 100% "nhất tâm đảnh lễ" thì bạn phản hồi ngay lập tức, đó là điều đương nhiên, và cũng nằm trong dự toán của tôi sau khi đọc xong bài viết "nhân ngày báo chí" của thầy Thanh Thắng (Thật ra là một bài trên tường facebook, được admin xin phép chuyển về trang nhà).

 - Thầy Thanh Thắng viết bài trước trên cương vị một người làm "báo Đạo". Nhà báo có suy tư, trăn trở của nhà báo. Người làm báo là người dám nói thẳng, nói thật, dám hy sinh, chứ không phải hễ thấy bóng Tăng y là dập đầu cúi lễ. Đặc biệt, nhân ngày nhà báo 21/6, chắc chắn niềm trăn trở ấy được nhân lên gấp bội, rồi nhìn vào hiện thực Phật Pháp phát triển quá chậm chạp, chỉ có lượng chứ không có chất, nên một bài viết trên tường như đã đăng đó là điều hiển nhiên.

 Trên đây là hai quan điểm khác nhau của hai lĩnh vực. Nhưng cả hai người có cùng điểm chung, đó là hướng về Tam Bảo, xây dựng ngôi nhà Phật Pháp. Vậy thì xuất phát từ điểm chung, ta có thể bàn rộng thêm một số điểm:

 Như tôi có comment dưới bài viết của thầy Thanh Thắng: "AVG là AVG, Ban TT-TT là Ban TT-TT." Hai cái không thể là một. Vị chủ tịch tập đoàn AVG là một Phật tử có tịnh tài, và cũng có tâm vì Đạo. Anh tuy còn trẻ, nhưng nhiệt huyết muốn xây dựng phát triển Đạo Pháp rất lớn. Trong một kỳ Hội nghị sơ kết 6 tháng của Thường trực HĐTSGHPGVN, anh đã nêu vấn đề và bảo vệ quan điểm của mình rằng "GHPGVN cần chú ý đến vấn đề truyền thông", vì "truyền thông là sức mạnh". Anh ví dụ dí dỏm: "Ai cầm cái loa trên tay thì người đó nói mạnh hơn, được nhiều người nghe hơn"... Và sau đó, Giáo hội đồng ý thành lập Ban truyền thông. Nhân sự là ai thì theo thầy Thanh Thắng là chưa công bố. Nhưng với ý nghĩ thiển cận của tôi sau mấy tháng theo dõi và cộng tác với chương trình "Ngày An Viên", thì cuối mỗi buổi "Ngày An Viên", dòng chữ chạy đều ghi cố vấn là Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN và cư sỹ Từ Vân. Do vậy, ta có thể đoán được ai là nhân vật chính.

 Tuy nhiên, việc ai là người đứng đầu cũng không quan trọng. Cái chính là đường lối hoạt động của Ban, đâu là kế hoạch chiến lược, đâu là sự quán triệt đủ tầm. Hay chỉ như trăn trở của thầy Thanh Thắng, Ban được thành lập nên với dàn nhân sự toàn "lão hóa", không biết là quý Ngài có biết "làm báo" hay không. Lời nói này theo Quảng Tịnh là "bỡn cợt"; nhưng theo tôi nếu nhìn nhận trên phương diện của những người làm công tác thông tin báo chí, không căn cứ hạ lạp để bình phẩm, thì rõ ràng các vị thượng thủ trên 70 tuổi đã không còn đủ nhiệt huyết, thậm chí không biết "làm báo". Các ngài tuy là cao tăng thạc đức, ân đức của các Ngài rõ ràng là điểm tựa tinh thần cho hàng hậu bối nương tựa, điều đó không ai phủ định, và không thể phủ định; nhưng các Ngài không thể đương đầu chịu trận với những làn sóng lạm xưng thành quả khoa học của thế gian vốn đa chiều, cập nhật liên tục, mà sức tàn phá như con voi điên.

 "Cá nhân" bạn Quảng Tịnh cho rằng, "phàm đã là các bậc cao tăng thì các vị ấy có đủ phẩm hạnh và năng lực để thực thi những công việc mà Giáo hội giao phó." Xét lại dùm ạ! Xin thưa bạn, khi tính "nhiệt" trong người không còn đủ, các Ngài không thể lăn lộn giữa dòng đời để nghe, để nhìn, để ghi nhận, thế thì làm sao đủ khả năng giải quyết mọi vấn đề liên quan đến chuyên ngành "lung tung lang tang" này? Thế thì, ngay từ đầu, cứ giao cho lớp trẻ khoảng từ 20 đến 35, họ có nhiệt huyết cộng với chính danh, họ có thể lắng nghe, phán đoán và chuyển tải thông tin ấy về trung tâm đầu não (là Giáo Hội), tại đó, các bậc thượng thủ nắm bắt tin tức và sử dụng trí tuệ, kinh nghiệm tu tập trên 50 năm của mình để "chứng minh", để "trị sự" không phải là quá lý tưởng sao.

 Tôi chỉ mạn phép bàn vấn đề này đến đây, vì thành phần nhân sự hiện nay chưa được công bố chính thức, nói nhiều thành hớ. Tuy nhiên, vẫn mong rằng, thành phần chủ đạo của ban TT-TT nếu ra đời phải là những con người trẻ trung, mẫn tuệ, được số đông Tăng Ni Phật tử tin tưởng, giao phó, chứ không phải chư Tôn đức ngoại lục tuần, không phải chỉ là những người có tiền có quyền, không phải những người trẻ trung, tài cáng nhiều nhưng lại thiếu chất liệu chuyển hóa tự thân tâm...

 Tôi nghĩ, Quảng Tịnh chưa nắm bắt rõ niềm trăn trở của thầy Thanh Thắng (dĩ nhiên tôi cũng chưa chắc đã hiểu hết, nhưng tôi nhìn nhận khác hơn) khi bạn viết: "Quý Thầy băn khoăn về cơ chế kiểm soát thông tin trên AVG và nghi ngại rằng nó bị sử dụng để phục vụ cho những lợi ích nhóm cục bộ. Tôi không rõ Quý Thầy đã xem kênh Truyền hình An Viên chưa, và Tôi đăng ký sử dụng dịch vụ Truyền hình An Viên và xem kênh An Viên từ 3 tháng nay và thấy rằng lo lắng của Quý Thầy là thừa."

 Bạn đăng ký sử dụng AVG và xem An Viên 3 tháng nay, còn chúng tôi đi song hành với nó, theo dõi nó từ những ngày đại diện AVG và ban Văn Hóa, báo Giác Ngộ đi Thái Lan, Đài Loan để học tập mô hình truyền thông Phật Giáo. Không dám nói là hiểu nhiều hơn bạn, nhưng chắc là không kém hơn đâu. Riêng câu bạn hỏi thầy Thanh Thắng "có am hiểu những quy định của luật pháp Việt Nam về báo chí và hoạt động của báo chí hay không?" thì bạn đang là Phật tử "thượng mạn" xem thường quý thầy. (chữ "thượng mạn" của bạn dùng kết luận cuối bài). Tôi không biết rõ thầy Thanh Thắng lắm, nhưng đọc sơ qua dòng profile, thấy thầy tốt nghiệp khoa báo chí, làm Thư ký Ban Văn Hóa TƯPGVN,... chắc không đến nỗi quý ngài thượng thủ Giáo hội giao phó công việc trọng đại này cho người gà mờ chứ?

 Cái mà anh em Tăng Ni trẻ đang trăn trở với cụm từ "phục vụ cho những lợi ích nhóm cục bộ" trên đây, bạn phải hiểu nó đang hướng về đối tượng nào chứ. Chắc chắn không phải nói về lợi ích của AVG rồi. Lợi gì chứ? Họ đầu tư mấy nghìn tỉ, tới nay chưa thu lợi nhuận, không yêu cầu phía Phật giáo bỏ ra xu nào, thì lợi gì? Ân đàn na tín thí, chúng ta đảnh lễ mỗi sáng sớm, không ai vô tâm đến mức đi nghĩ tệ như thế này. Với tư cách một độc giả bình dân, tôi thấy "người làm báo" Thích Thanh Thắng đang dám nói thẳng vào chính nội bộ Giáo hội mình. Ai dám khẳng định Giáo hội chúng ta hoàn toàn trong sạch, không tì vết. Xin giơ tay lên!

 Bạn Quảng Tịnh có cảm giác "quý thầy khen mình chê người" là vì bạn hiểu lầm, chưa nắm bắt đúng ý người viết.

 Yêu cầu nội bộ Phật Giáo là "ẩn ác dương thiện", là "đóng cửa dạy nhau". Nhưng đó là yêu cầu cho nội bộ Phật giáo, chứ không thể yêu cầu nghề báo. Vả lại, chúng ta cứ "đóng cửa" mãi cho đến khi nào mới "dạy nhau" xong? Chúng con khẩn thiết xin Giáo Hội ở thời kỳ mới, cơ chế mới này, cái gì cũng minh bạch, vạch rõ, không có gì phải nhẹm ém. Pháp Yết-ma trong Phật giáo là một hiện thân của sự trình bày, trước hết là Tự Tứ, là giải tội, là sám hối, không có tội nào được giấu mà Yết-ma sư có thể định tội cho đương sự cả. Có mụt nhọt thì cần mổ xẻ, lấy mủ, rồi thoa thuốc chữa trị, chứ để lâu dần thì thành ung. Điều đó ai cũng biết.

 Chúng ta rất trân trọng tinh thần đoàn kết, và tôn thờ sự hòa hợp vì đó là bản thể của Tăng. Nhưng, bên cạnh đoàn kết hòa hợp là sách tấn, là "thọ tự tứ", là "can gián" để đời sống Tăng già được "tăng ích an lạc", "như thủy nhũ hợp". Đoàn kết, hòa hợp không có nghĩa là bao che cái xấu cho nhau, mở ngoặc cùng nhau, rồi trong cục bộ đó tự ca ngợi lẫn nhau, chia chát quyền lợi lẫn nhau. Đoàn kết thì "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", huống hồ gì có những cái đau không phải là "một con" mà là "cả tàu", tập thể đoàn kết kia vẫn im hơi lặng tiếng là sao? Vì sợ mất chức? Vì sợ mất quyền? Vì sợ chụp mũ? Vì nó không lợi gì cho mình? Vì... vì ... vì...?

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/diendan/19514.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang