Tại buổi diễn thuyết, bác sĩ
Trịnh Đình Hỷ đã trình bày khái quát về Thiền định và khoa học thần
kinh. Bác sĩ đã đưa ra các nhận định cho thế kỷ XX là thế kỷ của di
truyền học, thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của khoa học thần kinh và thiền
định được khoa học thần kinh chú ý.
Bác sĩ Trịnh Đình Hỷ cho rằng thiền định
dưới mắt các nhà khoa học được định nghĩa là hoạt động tâm linh (hay tâm
thức) nhằm tập trung sự chú ý vào một vật (hay một việc), hoặc quan sát
những gì xẩy ra trong tâm thức, không gây tác động trên trí thức cũng
như cảm xúc. Tiếng Anh và Pháp: meditation, nhưng hoàn toàn khác với
nghĩa meditation thông thường (suy nghĩ sâu về một vấn đề).
Theo bác sĩ, người Tây phương cũng phân
biệt thiền «siêu nghiệm» (transcendantal), phát xuất từ truyền thống
yoga Ấn Độ và thiền «tỉnh thức» (mindfulness, pleine conscience), là
hình thức chính của thiền trong đạo Phật, nhưng cũng có thể dùng trong
khuôn khổ thế tục, như phương pháp MBSR (Mindfulness-Based Stress
Reduction). Và khoa học thần kinh còn phân biệt: 1) Thiền « tập trung »
(concentrative, focus attention), tương đương với samatha (chỉ) trong
đạo Phật. Đối tượng tập trung chú ý là một vật (như điểm sáng) hay một
tác động (như hơi thở). 2) Thiền « mở rộng » (ouverte, open monitoring),
tương đương với vipassana (quán) trong đạo Phật. Người ta chỉ theo dõi
kinh nghiệm tâm thức, mỗi lúc, không phản ứng.
Nói về kết quả nghiên cứu khoa học trên
thiền định, theo bác sĩ, mặc dù còn sơ khởi, giới hạn và tạm thời, nhưng
cho phép nghĩ rằng Thiền định có thể gia tăng sự chú ý và xử lý thông
tin bởi não.
Diễn giả cũng đã đưa ra bảng thống kê
chứng minh mỗi năm có khoảng 2000 báo cáo khoa học trên thế giới về « sự
chú ý ». Nhưng chỉ tóm tắt lại là các nghiên cứu khoa học thần kinh cho
thấy rằng, về lâu dài, thiền tập trung mang lại những thay đổi như: ít
cần cố gắng hơn, tập trung chú ý có hiệu quả hơn, và trong một thời gian
lâu hơn. Đặc biệt ông cho biết các nhà khoa học EEG đo điện cực trên
các vị tăng Tây Tạng có nhiều kinh nghiệm thiền thì kết quả cho thấy
ngay từ khi bắt đầu thiền (quán từ bi), xuất hiện những làn sóng dao
động (oscillations) gamma cao tần, biên độ rất cao và kéo dài, đặc biệt
tại vùng trán-đỉnh bên.
Ngoài ra, theo bác sĩ Hỷ, Thiền có thể ảnh hưởng lâu dài trên cảm xúc :
• Người ta thường cho rằng ảnh hưởng quan
trọng nhất của thiền định là trên sự chú ý, trên chất lượng trí thức;
người thiền nhiều sẽ tinh anh, sáng suốt, thông minh hơn...
• Nhưng thật ra, những nghiên cứu khoa học cho thấy rằng ảnh hưởng lớn nhất của thiền định là trên cảm xúc+++, chỉ số EQ.
• Đối với nhà thần kinh học, đa số các bệnh tâm thần là do rối loạn cảm
xúc : lo lắng (anxiété), stress sau chấn thương, trầm cảm (dépression),
v.v. và ngay cả bệnh tâm thần phân liệt (schizophrénie).
• Đối với đạo Phật, cảm xúc tiêu cực chính là vấn đề trung tâm của con
người. Khổ là gì, nếu không phải là một cảm xúc ? Và trong « tam độc »,
thì ít ra tham và sân đều thuộc về cảm xúc.
"Tóm lại, Thiền định làm cho người ta
nhạy cảm hơn trước những cảm xúc của tha nhân. Thiền có thể làm giảm sự
khởi phát của những cảm xúc tiêu cực. Thiền định có thể mang lại sự an
lành và hạnh phúc. Thiền có tác dụng tốt trên cơ thể như ảnh hưởng tốt
của thiền định là qua tác động giảm stress, giảm huyết áp, giảm tỉ lệ
cortisol trong máu, gia tăng miễn dịch (phản ứng vắc xin tốt hơn, sức đề
kháng nhiễm trùng và chống tế bào ung thư tốt hơn). Tuy nhiên hiện nay,
chưa có bằng chứng khoa học nào là thiền định có thể chữa khỏi ung thư
và các bệnh nặng khác ». Bác sĩ Trịnh Đình Hỷ nói.
Tại buổi diễn thuyết, cử tọa cũng đã đưa ra nhiều câu hỏi và được bác sĩ Trịnh Đình Hỷ giải đáp ngắn gọn và khúc chiết.
Bác sĩ Dương Đình Châu giới thiệu diễn giả
Hòa thượng Thích Hải Ấn phát biểu
Diễn giả - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ
HT. Thích Hải Ấn tặng hoa chúc mừng diễn giả