GN - Trong bối cảnh mùa hè đang tới, các chùa đang ra sức chuẩn bị những khóa tu dành cho thanh thiếu niên, thì báo Ðời Sống & Pháp Luật lại có bài Ðua nhau lên chùa thiền để tĩnh tâm…(số 57, ngày 11-5-2012).
Khóa tu giúp các bạn trẻ trau dồi kỹ năng và đạo đức - Ảnh: Chùa Hoằng Pháp
Rất tiếc, dù sau khi có những nhận định khá xác đáng về những kết quả cụ thể mà các khóa tu dành cho thanh thiếu niên do nhà chùa tổ chức mang lại, bài báo lại đi đến những lời bàn luận tiêu cực về ý nghĩa của các khóa tu. Theo bài báo nói trên, “trao đổi với PV Báo ÐS & PL, các chuyên gia xã hội học, tâm lý học đều cho rằng, việc giới trẻ đang có xu hướng chuyển từ tu tập thiền sang xuất gia do giác ngộ đạo là một việc làm ích kỷ, có thể tốt với bản thân nhưng chưa tốt với xã hội. Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thu Thảo, nếu ai cũng đi tu như vậy thì lấy đâu ra người để làm việc, để cống hiến cho gia đình, xã hội? Vị chuyên gia này cũng khuyên các bạn trẻ hãy suy nghĩ thật kỹ, cuộc sống vẫn còn nhiều sự lựa chọn và phấn đấu, không hẳn lên chùa mới là sự giải thoát”.
Trước đó, bài báo cũng trích trong khung “box” nhận định của TS.Lưu Hồng Minh, khoa Xã hội học Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận định có tiêu đề “Cân bằng giữa tu tập và cuộc sống”: “Theo quan điểm của TS.Lưu Hồng Minh, trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Tu tập thiền để cân bằng cuộc sống là rất tốt nhưng không nên tuyệt đối hóa quá mức. Bởi khi xuất gia, bản thân người tu hành chỉ tập trung cho việc tu hành của mình mà không thể chú ý đến các việc khác trong xã hội. Do đó, cần có sự cân bằng giữa việc tu tập, giữa cuộc sống, công việc”.
Những lời lẽ, được coi như kết luận của bài báo như thế, đáng lấy làm tiếc, là mâu thuẫn với chính những nội dung mà trước đó, bài báo đã ghi nhận. Ðó là những trường hợp tu thiền trong những khóa tu ở chùa đã đem lại kết quả rất tốt cho một số bạn trẻ và giới trẻ hiện nay đang “Ðua nhau lên chùa thiền để tĩnh tâm” (tựa đề của bài báo).
Trường hợp bài báo lấy làm ví dụ mở đầu đã thể hiện tác động tích cực của thiền tập đối với cuộc sống: “Anh Hoan, cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, tâm sự: “Tôi nghe nói ngồi thiền là kiểu ngồi thả lỏng cơ thể giống như tập Yoga rất tốt cho sức khỏe. Tình cờ gặp người bạn cũ đang tham gia câu lạc bộ thiền nên tôi đã nhờ giới thiệu cho mình tham gia cùng. Giờ ngoài thời gian cho công việc hàng ngày tôi tập luyện thiền ở chùa hoặc ở nhà”.
Trường hợp thứ hai còn thuyết phục hơn, cho thấy thiền tập đã tác động lớn đối với cuộc sống, chuyển xấu thành tốt: “Có cùng niềm đam mê, anh Nguyễn Cần, nhân viên thiết kế đồ họa của một công ty thời trang tại Hà Nội chia sẻ: “Trước kia tôi là một tay chơi có hạng, rượu chè, vũ trường, quán bar tôi đã từng trải qua hết. Thế nhưng một ngày cảm thấy cuộc sống quá ồn ào, xô bồ nên tôi đến chùa để tìm sự tĩnh lặng. Lâu dần tôi thấy thích cái không khí thanh tịnh của cửa chùa và tìm đến với thiền thông qua tìm hiểu thông tin trên internet. Giờ mỗi tuần tôi lên chùa ngồi thiền 3 buổi, thiền đã ăn sâu vào cuộc sống của tôi, giúp tôi có sự cân bằng trong tâm hồn”.
Trường hợp thứ ba cũng hết sức điển hình cho hiệu quả của thiền: “Nhiều người theo đạo tràng (lên chùa ngồi thiền) cho biết thiền đã giúp họ cảm thấy thanh thản, bình yên, giúp họ hiểu được đạo lý trong cuộc sống, ứng xử với mọi người tốt hơn. Ðiều quan trọng là thiền giúp mọi người học được chữ Nhẫn. Nói về điều này, anh Tài (Khương Trung - Thanh Xuân - HN) cho biết: “Trước kia tôi rất nóng tính, không hài lòng hay bực mình điều gì là tôi nổi giận đùng đùng. Thế nên ở cơ quan, tôi luôn bị đồng nghiệp xa lánh. Nhưng từ ngày lên chùa ngồi thiền, tôi học được chữ Nhẫn và nhận thấy hành động nổi giận vô cớ của mình trước đây là không đúng. Từ đó, tôi thay đổi hẳn tính nết, được mọi người trong công ty tin tưởng, yêu quý”.
Và qua những trường hợp kể trên, kết luận về thiền tập bắt đầu định hình: “Không chỉ một mình lên chùa, một số người còn rủ cả gia đình, bạn bè cùng ngồi thiền. Trường hợp anh Tài là… “Mới đầu bạn gái tôi chưa hiểu, nhưng lâu dần cô ấy đã thật sự say mê thiền, sống điềm đạm và có trách nhiệm với cuộc đời hơn”.
Nếu ở đoạn đầu, bài báo nêu những ví dụ về tác động của thiền đối với cuộc sống ở những trường hợp cụ thể, thì ở đoạn sau, “Bỏ người yêu quyết không bỏ thiền!” bài báo lại sa vào những ví dụ cá biệt, không thuyết phục, dù rằng vẫn khẳng định thiền “dù tu tập theo phương pháp nào thì tất cả đều hướng đến một kết quả chung là xóa bỏ những ồn ào, vội vã, phiền toái để trở lại trạng thái tĩnh lặng, giữ cái tâm ổn định”.
Trong một lập luận như vậy, bài báo lại đi đến kết luận đáng ngạc nhiên, như đã trích dẫn ở trên.
Khơi gợi công ơn cha mẹ, các em được tưới tẩm lòng hiếu thuận, và đây là nước mặt hối lỗi - Ảnh: M.Triết
Ðạo đức xã hội là tổng số thành những cá nhân đạo đức. Số cá nhân đạo đức, biết thanh lọc tâm, có tư duy tích cực, hướng thượng, càng nhiều thì đạo đức toàn xã hội cũng theo đó toàn xã hội cũng theo đó mà được nâng lên. Ðó là điều rõ ràng, hiển nhiên.
Như vậy, người tu thiền, thanh lọc tâm, sống đời tu học đạo đức dưới mái chùa ngày càng nhiều, thì chính việc đó đã là những đóng góp tích cực cho xã hội, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Ở đây không thể có “ích kỷ” và có muốn ích kỷ cũng không được, khi mà tác động tích cực của nó rõ ràng, tất yếu.
Thiền hoàn toàn không có một “tác dụng phụ”, “tác dụng ngoài ý muốn” hay “chống chỉ định” nào khiến chúng ta phải ngần ngại, dè dặt, đi tìm một giới hạn, một biệt lệ nào đó. Những tâm hồn định tĩnh, hướng thượng, thường xuyên thanh lọc, sẽ luôn luôn là những đóng góp tốt đẹp, dù trong hoàn cảnh nào, quan hệ nào: tình yêu, tình bạn hay tình cảm gia đình, quan hệ đồng nghiệp. Thiền chỉ làm mỗi người tốt hơn, từ đó, chúng ta sẽ có một xã hội tốt hơn nữa.
Thiền, về bản chất, đó đã là sự cân bằng. Do vậy, đương nhiên không cần phải lưu ý đến việc “cần có sự cân bằng giữa việc tu tập và cuộc sống, công việc”. Ðơn giản là mất cân bằng, chúng ta sẽ không có thiền thật sự. Thiền luôn chứa đựng trong nó một sự điều tiết, hài hòa, cân đối hợp lý. Quá đà, đó không phải là thiền. Vì thế, làm gì cần một sự tính toán nào đó.
Ở đây, cần phân biệt, chúng ta đang nói đến thiền trong bối cảnh “Ðua nhau lên chùa thiền để tĩnh tâm”, chưa nói đến việc xuất gia. Nhưng trong tinh thần cá nhân tốt góp phần xây dựng xã hội tốt, thì việc tu tập của thanh thiếu niên Phật tử hay của Tăng sĩ Phật giáo đều có quan hệ như nhau đối với xã hội.
Khi những nhà tu hành thu hút được đông đảo thanh thiếu niên đến chùa tu tập, thì chính việc này đã là một hoạt động xã hội mang tính chất công tác, có tác dụng tích cực, chủ động góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt hơn.
Thiền hoàn toàn không có một “tác dụng phụ”, “tác dụng ngoài ý muốn” hay “chống chỉ định” nào khiến chúng ta phải ngần ngại, dè dặt, đi tìm một giới hạn, một biệt lệ nào đó. Những tâm hồn định tĩnh, hướng thượng, thường xuyên thanh lọc, sẽ luôn luôn là những đóng góp tốt đẹp, dù trong hoàn cảnh nào, quan hệ nào: tình yêu, tình bạn hay tình cảm gia đình, quan hệ đồng nghiệp. Thiền chỉ làm mỗi người tốt hơn, từ đó, chúng ta sẽ có một xã hội tốt hơn nữa. |