Tham dự và chứng minh buổi lễ có Đức Đại lão HT.Thích Phổ Tuệ
- Pháp chủ GHPGVN; HT.Thích Thanh Sam – Phó pháp chủ HĐCM GHPGVN;
HT.Thích Thanh Đàm – Thành viên HĐCM – GHPGVN – Trưởng BTS Phật giáo
tỉnh Ninh Bình; TT. Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng
BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội; TT. Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch
HĐTS GHPGVN; TT Thích Gia Quang – Phó tổng thư ký HĐTS GHPGVN – kiêm
chánh văn phòng I TW cùng chư tôn đức BTS, Ban đại điện Phật giáo các
quận, huyện Tp Hà Nội, và hàng nghìn tín đồ Phật tử vân tập về tham dự
buổi lễ.
Về phía chính quyền có ông Hà Văn Núi – Phó chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam;
ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng vụ Phật giáo Ban tôn giáo chính phủ; cùng
đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành TW và Hà Nội, đại diện chính
quyền sở tại cùng về tham dự.
Sau nghi lễ niệm hồng danh đức Bản Sư; TT.Thích Gia Quang tuyên đọc tiểu
sử Đức đệ nhất Pháp chủ GHPGVN - Đại lão HT. Thích Đức Nhuận.
Đại
lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận, Pháp hiệu Thanh Thiệu, Pháp danh Đức
Huy, thế danh Phạm Đức Hạp, sinh năm Đinh Dậu (1897), tại thôn Quần
Phương, xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Nam
Hà). Năm 15 tuổi (Nhâm tý – 1912), Ngài xin phép song thân xuất gia đầu
Phật. Ngài sơ tâm cầu pháp với Sư Tổ Thích Thanh Nghĩa (thuộc dòng Tào
Động, chùa Quảng Bá – Hà Nội) trụ trì chùa Đồng Đắc, xã Đồng Hướng,
huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Năm 20 tuổi (1917), Ngài được tôn sư cho thụ giới Cụ Túc tại chùa Phúc
Nhạc (Già Lê tự), tỉnh Ninh Bình. Sau khi đắc pháp, Ngài tiếp tục hành
cước, tham học ở các chốn Tổ lớn như: chốn Tổ Đào Xuyên (huyện Gia Lâm,
Hà Nội) do Tổ Giám Thông Mệnh giảng dạy; chốn Tổ Bằng (huyện Thường Tín,
Hà Tây) và chốn Tổ Sở (Đống Đa, Hà Nội) do Sư Tổ Phan Trung Thứ thuyết
pháp.
Năm 1940, sau khi nghiệp sư viên tịch, Ngài trở về thừa kế, trụ trì chùa
Đồng Đắc. Phật sự đầu tiên được đặt ra trong tâm trí Ngài là: đào tạo
tăng tài, tổ chức Giáo hội. Ngài liền thành lập 2 trường Phật học: một ở
chùa Đồng Đắc (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) và một ở
chùa Kỳ Lân (thôn Đại Hữu, xã Văn Bồng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Với đức độ tu hành, giới luật tinh nghiêm, khoảng năm 1950, Hội Phật
giáo tỉnh Ninh Bình cung thỉnh Ngài giữ chức Giám luật Phật giáo tỉnh
Ninh Bình để làm tiêu đích cho Tăng, Ni, Phật tử trên con đường tiến tu
Tam vô lậu học.
Năm 1955, sau khi hoà bình lập lại, Ngài được mời lên Thủ đô Hà Nội để cùng Chư Tôn đức tổ chức Giáo Hội, hoằng dương Phật Pháp.
Năm 1956, ngài được bầu làm phó Ban Đại diện Phật giáo Thủ đô.
Tháng 3 năm 1958, Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam (ở miền Bắc) thành
lập, Ngài được bầu làm phó Hội trưởng. Ngài đảm nhiệm ngôi vị này liên
tục qua bốn kỳ đại hội, cho tới năm 1979.
Năm 1969, Ngài về trụ trì Chùa Quảng Bá (Hoằng Ân tự, xã Quảng An, huyện
Từ Liêm, Hà Nội). Cũng trong năm này, Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam
mở trường Tu học Phật pháp Trung Ương tại đây và thỉnh Ngài làm Hiệu
trưởng. Đây là ngôi trường có tổ chức đầu tiên sau ngày miền Bắc giải
phóng. Ngài trụ trì và giáo hoá nhân dân ở Quảng Bá hơn 20 năm trước khi
về chùa Hoè Nhai.
Năm 1979, khi Hoà Thượng Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội Phật giáo Thống
Nhất Việt Nam thị tịch, Ngài là Quyền Hội trưởng cho đến năm 1981, khi
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập.
Năm 1980, trong bối cảnh nước nhà hoàn toàn độc lập thống nhất; Tăng,
Ni, Phật tử cả nước mong muốn thực hiện ý nguyện bao đời của các bậc
tiền nhân là thống nhất, hoà hợp Phật giáo Việt Nam. Ban Vận động Thống
nhất Phật Giáo Việt Nam ra đời trong thời điểm này và đã cung thỉnh Ngài
làm Chứng minh Ban Vận động. Cũng trong năm này, Ngài vào lưu trú tại
Tổ đình Vĩnh Nghiêm (thành phố Hồ Chí Minh) một năm để cùng với Ban Vận
động Thống nhất Phật Giáo Việt Nam đi thăm hỏi, trao đổi, bàn bạc với
chư vị Tôn túc lãnh đạo các giáo phái, hệ phái, hội đoàn Phật giáo tại
các tỉnh phía Nam để thực hiện ý nguyện thống nhất Phật giáo.
Tháng 11/1981 Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra
tại chùa Quán sứ, thủ đô Hà Nội, để thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt
Nam. Trong Hội nghị, toàn thể đại biểu nhất tâm cung thỉnh Ngài đảm nhận
ngôi vị Pháp chủ, nhưng Ngài từ chối cho đến 3 lần. Cuối cùng, với sự
thành tâm tha thiết của Hội nghị, Ngài nhận lãnh ngôi vị Pháp chủ, nhưng
yêu cầu Hội nghị chấp thuận Đề nghị của Ngài và đề đạt Đề nghị ấy lên
Chính phủ. Toàn thể Hội nghị đều đứng lên trang nghiêm thọ lãnh Đề nghị
của Ngài. Đề nghị ấy nhấn mạnh 3 vấn đề:
1. Trường phật học
2. Người thừa kế
3. Tín ngưỡng của tín đồ
Ngài dứt lời trong tiếng vỗ tay hân hoan bất tận của Hội nghị. Cố Đại
lão Hoà thượng Thích Trí Thủ, Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung
ương GHPGVN lúc ấy, thay mặt Hội nghị, đứng lên thành tâm bái lĩnh Đề
nghị của Đức Pháp chủ và hứa sẽ đưa vào Nghị quyết của Hội nghị để đệ
trình lên Chính phủ. Đề nghị ấy được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy
giờ là cụ Phạm Văn Đồng hứa sẽ thực hiện.
Từ Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo (1981) cho đến Đại hội Phật
giáo kỳ 3 (1992), Ngài luôn luôn được Tăng, Ni, Phật tử cả nước tín
nhiệm, suy tôn đảm nhiệm ngôi vị Pháp chủ cho đến ngày Ngài thị tịch.
Đức Pháp chủ thâu thần thị tịch vào lúc 5 giờ 5 phút ngày 11 tháng 11
năm Quý Dậu (23 tháng 12 năm 1993), trụ thế 97 năm, hạ lạp 77.
Xuất thế giới hạnh tinh nghiêm, nhập thế lợi lạc quần sinh, Đức Pháp chủ
luôn khơi dòng trí tuệ Văn Thù, và thể hiện hạnh nguyện Phổ Hiền tốt
đời đẹp Đạo. Nhờ đó, toàn thể Phật tử Việt Nam được thấm nhuần thâm ơn
pháp nhũ và lượng cả từ bi của Ngài. Nay Ngài đã thâu thần thị tịch,
toàn thể Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước xin đê đầu kính
lạy những bước chân giải thoát của bậc Xuất trần thượng sĩ, và nguyện
noi theo gương sáng của Ngài trên con đường hoằng dương Phật pháp, lợi
lạc quần sinh.
Tại buổi lễ TT. Thích Thanh Nhiễu phát biểu lời cảm niệm cố Đại lão Hòa
thượng đệ nhất Pháp chủ ,“Người đã suốt đời hy sinh cho Đạo pháp cho Dân
tộc và cho chúng sinh, với truyền thống tốt đạo đẹp đời, Tăng Ni Phật
tử Việt Nam sẽ noi theo công đức đạo hạnh của Người, vững bước trên con
đường đạo pháp, xây dựng GHPG Việt Nam ngày càng pháp triển vững mạnh
trang nghiêm trong lòng dân tộc”…
TT. Thích Bảo Nghiêm thay lời Đức đệ tam Pháp chủ tuyên đọc tán lễ cố Đại lão Hòa thượng đệ nhất Pháp chủ.
Nhân dịp này Ông Hà Văn Núi thay mặt cơ quan ban ngành chức năng phát
biểu tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng. Ông tin tưởng "GHPGVN gắn bó đồng
hành cùng dân tộc với lịch sử gần 2000 năm và 30 năm xây dựng GHPGVN.
Kế tục vẻ vang truyền thống “Hộ quốc an dân” thực hiện tốt phương châm “
Đạo pháp – Dân tộc – CNXH” xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp, xã hội dân
chủ, công bằng và văn minh.
Cuối buổi lễ chư tôn đức cùng quý vị đại biểu làm lễ niêm hương, cầu
nguyện, thành kính tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng đệ nhất Pháp chủ.
Cung rước Chư tôn đức quang lâm
TT Thích Gia Quang tuyên đọc tiểu sử Đức đệ nhất Pháp chủ GHPGVN- Đại lão HT. Thích Đức Nhuận
TT.Thích Thanh Nhiễu phát biểu lời cảm niệm cố Đại lão Hòa thượng đệ nhất Pháp chủ
TT Thích Bảo Nghiêm thay lời Đức đệ tam Pháp chủ tuyên đọc tán lễ cố Đại lão Hòa thượng đệ nhất Pháp chủ
Ông Hà Văn Núi- thay mặt cơ quan ban ngành chức năng phát biểu tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng
Nghi lễ niêm hương