Buổi lễ công bố được kết hợp trong lần Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 26, tổ chức tại khách sạn Rex (TP HCM) với sự hiện diện đặc biệt của ông Thomas Bains, Hiệu trưởng Đại Học Kỷ lục Thế giới. Đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam để tham dự sự kiện quan trọng này.
Bản Việt dịch và chú giải của bộ Kinh Đại Bát Niết-bàn do dịch giả Đoàn Trung Còn khởi xướng từ trước năm 1975, được dịch giả Nguyễn Minh Tiến thực hiện hoàn tất và xuất bản vào năm 2009 với hơn 4.700 trang khổ lớn (16cmx24cm), do Công ty Văn hóa Hương Trang đầu tư toàn bộ kinh phí thực hiện và in ấn, phát hành.
Dịch giả Nguyễn Minh Tiến (bên trái) và ông Nguyễn Tuấn (đại diện Công ty Văn hóa Hương Trang) tại buổi lễ nhận bằng xác lập Kỷ lục quốc gia
Bản Việt dịch và chú giải bộ Kinh Đại Bát Niết-bàn dày hơn 4.700 trang, được in thành 8 tập, gồm 7 tập chính văn và 1 tập phụ lục.
Kinh Đại Bát Niết-bàn hiện đã có nhiều bản Việt dịch khác nhau, nhưng bản Việt dịch và chú giải xác lập Kỷ lục quốc gia lần này có số lượng trang in đồ sộ nhất. Việc xác lập Kỷ lục quốc gia này có thể xem là một phần thưởng xứng đáng đối với Công ty Văn hóa Hương Trang, đơn vị đã nỗ lực rất nhiều để có thể cho ra đời ấn phẩm này trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn về mặt kinh tế.
Việc xác lập Kỷ lục quốc gia tuy không có ý nghĩa nhiều đối với những giá trị quan trọng khác như độ chính xác hay tính ưu việt của bản dịch và chú giải bộ Kinh đồ sộ này, nhưng đây có thể xem là một sự công nhận chính thức của cộng đồng xã hội đối với công trình lao động trí óc miệt mài trong nhiều năm của những người thực hiện. Kỷ lục này cũng có thể là nhân tố góp phần nhất định trong việc mang lại niềm tin ban đầu cho những ai lần đầu tiên muốn tiếp cận bộ Kinh nhưng chưa có sự hiểu biết nhiều về Phật giáo.
Trong dịp này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Đại học Kỷ lục thế giới đã tổ chức Lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho 11 Kỷ lục gia Việt Nam và Ấn Độ trong Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 26. Ngoài ra còn có nhiều tổ chức Phật giáo khác cũng xác lập kỷ lục quốc gia trong lần này. Dưới đây là một số tiêu biểu:
- Bia Kinh Chuyển Pháp Luân khảm xà cừ bằng bốn ngôn ngữ có kích thước lớn nhất (Chùa Hộ Pháp - Thích Ca Phật Đài)
- Tháp Đa Bảo và Bảo Tòa Liên hoa bằng đất sét lớn nhất (Bửu Sơn tự - Chùa Đất Sét)
- Ngôi chùa có chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối lớn nhất (Chùa Ba Vàng)
Nhiều tổ chức Phật giáo cũng xác lập các kỷ lục quốc gia khác nhau trong lần này.
Giáo sư Trần Văn Khê cũng có mặt trong sự kiện quan trọng này.
Nguon: http://rongmotamhon.net/mainpage/doc-sach-Bai-viet,-tieu-luan,-truyen-ngan-127-3252-online-2.html