Trung ương Giáo hội hiện có hai văn phòng điều tiết các chương trình hoạt động của Phật giáo trên cả nước: Văn phòng I tại Hà Nội đặc trách từ tỉnh Quảng Bình trở ra; Văn phòng II tại TP.HCM đặc trách hoạt động Phật sự từ tỉnh Quảng Trị trở vào. Để hiểu thêm về tình hình Phật giáo tại các tỉnh thuộc miền Bắc sau 30 năm thành lập GHPGVN, PV Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với TT.Thích Gia Quang - Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng I TƯGH.
TT Thích Gia Quang ✒
Bạch Thượng tọa, nhìn lại sau 30 năm phát triển cùng cả nước, những thành tựu nổi bật của Phật giáo các tỉnh phía Bắc là gì?Tiếp nối tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trên cơ sở kế thừa những thành quả của các bậc tiền nhân và hòa mình chung với Phật sự cả nước, sau 30 năm hình thành và phát triển của Giáo hội, hoạt động Phật sự tại các tỉnh phía Bắc có những bước đột phá đáng ghi nhận.
Trong đó, điều đầu tiên chúng ta phải ghi nhận là các tổ chức Phật giáo địa phương đã được xây dựng, hình thành và thực hiện nhiệm vụ điều hành Phật sự tại cơ sở trong điều kiện khó khăn về địa lý; nhiều chùa cảnh được tu bổ và xây dựng khá quy mô.
Song song đó, tại miền Bắc cũng đã đào tạo được đội ngũ Tăng Ni trẻ mang tính kế thừa chư tôn thạc đức viên tịch; Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành dần được trẻ hóa đã làm cho sinh hoạt Phật sự tại các tỉnh phía Bắc trẻ trung, đáp ứng nhu cầu của tín đồ Phật tử trong tình hình mới.
Ngoài ra, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy, những năm gần đây, phong trào tu học của quần chúng Phật tử trở nên sôi nổi và có dấu hiệu phát triển, đi vào nề nếp: Nhiều đạo tràng tu học được mở ra, các buổi thuyết giảng được tổ chức thường xuyên và có tạo được nhiều mô hình cho đối tượng thanh thiếu nhi...
✒
Nói về sinh hoạt của quần chúng Phật tử trẻ, nhiều người tỏ ra rất mừng về sự phát triển trong những năm gần đây của Phật giáo các tỉnh phía Bắc nhưng cũng âu lo về hiện tượng “trăm hoa đua nở” mà không có sự hướng dẫn thống nhất?Phải nhìn nhận rằng, sinh hoạt của ngành hướng dẫn Phật tử tại các tỉnh phía Bắc đang trong quá trình bắt nhịp trào lưu chung của Phật giáo cả nước. Vì tại miền Bắc, từ thực tiễn không phát triển mạnh mô hình Gia đình Phật tử như các tỉnh, thành miền Trung, miền Nam nhưng cũng dần tạo được mô hình sinh hoạt thanh thiếu niên hướng dẫn Phật tử đi vào nề nếp, được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện. Chính vì sinh hoạt riêng lẻ tại các tự viện nên yêu cầu có sự đồng bộ ngay lập tức thì không thể và vì thế dẫn đến hiện tượng thiếu sự liên kết. Song song đó, tại phía Bắc cũng có một số đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt nhưng chưa ổn định. Điều này, rất cần sự lưu tâm của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội đặc biệt là ngành hướng dẫn Phật tử, trước hết là phải có những việc làm thiết thực để kết nối và tạo nên sự thống nhất.
✒
Thượng tọa cũng vừa nói về công tác nhân sự kế thừa, với thực tiễn hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu Phật sự tại các tỉnh phía Bắc?Hiện nay, cả miền Bắc có khoảng 7.000 cơ sở tự viện, 10.000 Tăng Ni. Sau 30 năm, hoạt động giáo dục Tăng Ni tại các tỉnh miền Bắc cũng đã chuyên tâm đào tạo và xây dựng đội ngũ kế thừa từ đó tạo nên diện mạo mới, làm cho sinh hoạt các cấp Giáo hội chuyển biến tích cực và theo chiều hướng phát triển.
Với nhu cầu thực tế, lực lượng Tăng Ni phía Bắc hiện nay có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển các hoạt động Phật sự từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra, những năm vừa qua, có rất nhiều chư Tăng Ni từ các tỉnh miền Nam cũng phát tâm ra hành đạo tại phía Bắc và có những đóng góp quan trọng trong việc hướng dẫn tín đồ Phật tử địa phương tu học theo đúng Chánh pháp, xiển dương lời dạy của Đức Phật.
Tuy nhiên, do điều kiện về địa hình và những tồn tại của lịch sử, phía Bắc vẫn cố gắng và nỗ lực để phát triển đúng với tiềm năng mà công tác điều động nhân sự là khá quan trọng. Tăng Ni chúng ta vẫn còn co cụm tại các khu đô thị lớn và tại một vài địa phương vẫn còn gây khó khăn cho Tăng Ni từ nơi khác phát tâm đến hành đạo.
✒
Vậy những tồn tại và thách thức đối với Phật giáo phía Bắc là gì, bạch Thượng tọa?Có một số Phật sự đề ra trong các nhiệm kỳ trước vẫn chưa thể hoàn thành trọn vẹn. Trong đó, việc kiện toàn cơ cấu tổ chức Giáo hội theo đơn vị hành chính là mối ưu tư lớn. Hiện nay, do cách trở về địa lý và điều kiện đi lại nên có 5 tỉnh chưa thể thành lập được tỉnh hội Phật giáo đều nằm ở phía Bắc bao gồm: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang và Lào Cai… Mặc dù thời gian qua, chư tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội luôn có những động thái tích cực xúc tiến để hoàn thiện cơ cấu hành chánh Giáo hội tại các địa phương này nhưng tổ chức Phật giáo vẫn chưa hiện diện để hướng dẫn tu học của bà con địa phương, tránh những khuyến dụ của các tổ chức ngoại đạo bất hợp pháp đang lén lút hoạt động.
Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng các hoạt động Phật sự hơn là hình thức tại các địa phương, công tác nghiên cứu Phật học và truyền bá giáo lý đạo Phật đến các vùng sâu vùng xa cũng là một trong những nhu cầu lớn của Phật giáo phía Bắc hiện nay. Chúng ta vui với những thành tựu đạt được nhưng nhìn một cách tổng thể thì các thành tựu ấy vẫn chưa vững bền và tôi tin rằng chỉ có đoàn kết, hòa hợp mới đưa Phật giáo các tỉnh phía Bắc phát triển ở một giai đoạn mới.
✒
Theo Thượng tọa, chúng ta sẽ đặt trọng tâm nào trong các hoạt động của thời gian tới?Còn rất nhiều việc phải làm đối với Phật giáo các tỉnh phía Bắc. Trước hết là kiện toàn công tác tổ chức bộ máy hành chính. Hy vọng, trong nhiệm kỳ VII (2012-2017) của Giáo hội sẽ thành lập được tổ chức Phật giáo tại 5 tỉnh vùng cao còn lại. Song song đó là công tác nhân sự để tiến hành đại hội Phật giáo các cấp theo hướng dẫn của Trung ương Giáo hội; tạo một cơ chế hợp lý để khuyến khích chư Tăng Ni trẻ dấn thân hành đạo tại các vùng sâu vùng xa, xây dựng niềm tin chánh tín nơi Phật tử tại các địa phương này; lưu tâm đến sinh hoạt của Phật tử người Việt tại hải ngoại với mục tiêu đáp ứng các nhu cầu tâm linh và hướng họ quay về với quê hương đất nước, với Giáo hội; đẩy mạnh công tác nghiên cứu Phật học, v.v... Nếu hoàn thành được các vấn đề trên, Phật giáo phía Bắc sẽ vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước và của Giáo hội.
✒Xin cảm ơn Thượng tọa!